Ngoại giao quốc phòng đóng vai trò như một cơ chế hỗ trợ để duy trì các cấu trúc hợp tác trong không gian chiến lược, bảo vệ không gian chiến lược và khám phá hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng. Điều này được hiểu là sự răn đe mềm đối với đối thủ. Quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng đảo ở Biển Đông, mở rộng căn cứ tàu ngầm ở Tam Á (đảo Hải Nam) và thường xuyên triển khai tàu ngầm ở Ấn Độ Dương khiến Ấn Độ hết sức quan ngại. Đề cập đến mối quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam, ông K. Subramanyam nói: "Ấn Độ có lợi ích lớn trong việc duy trì sức ép. Đó là chính sách cơ bản của Ấn Độ từ những năm 1950. Với tiềm lực lớn nhất trong khu vực, Việt Nam là quốc gia duy nhất có thể làm được điều này. Đó là lý do tại sao của Ấn Độ và Việt Nam có lợi ích chiến lược trùng khớp nhau".

Mối quan hệ quốc phòng giữa 2 quốc gia thường được nhìn nhận từ 4 khía cạnh khác nhau. Thứ nhất, liệu đã có mối quan hệ lâu dài nào giữa bên cung cấp và bên mua, như trường hợp của Ấn Độ và Nga, hay chưa? Thứ hai, liệu đã có các sản phẩm thích hợp có thể tăng cường khả năng chiến đấu và triển khai thông tin tình báo vốn rất quan trọng trong thời chiến hay chưa? Thứ ba, liệu hai nước đã tham gia một liên doanh có thể giúp tìm hiểu thị trường quốc tế và thu được lợi ích của một liên doanh như vậy hay chưa? Thứ tư, liệu hai nước có mối đe dọa chung nào cần phải ngăn chặn và do đó có mục tiêu chiến lược xác định nào hay chưa? Trong trường hợp quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Việt Nam, mối đe dọa chung - Trung Quốc - được coi là lý do cho sự phát triển của mối quan hệ như vậy. Tuy nhiên, rõ ràng đây không phải là trường hợp như vậy vì Việt Nam sẽ không chiến đấu chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ Dương cũng như Ấn Độ sẽ không chiến đấu chống lại Trung Quốc ở Biển Đông; tuy nhiên, việc thu thập thông tin tình báo trước bất kỳ cuộc chiến nào là cách thức thông minh để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp trong chiến lược quốc phòng và quân sự của mọi quốc gia.

Việc đánh giá quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Việt Nam giúp đưa ra những lý do khác nhau giải thích cho sự xuất hiện và phát triển của một mối quan hệ như vậy. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều sử dụng vũ khí của Nga, và trước đó là của Liên Xô, và cần bảo trì và bảo dưỡng chúng. Do đó, thông thường người mua sẽ tìm kiếm các linh kiện theo bất kỳ cách nào có thể. Điều thú vị là trong khi các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có một kho dự trữ các linh kiện, hệ thống vũ khí và quân sự thời Liên Xô lại không có một cơ sở như vậy. Do đó, trong khi Ấn Độ tìm kiếm linh kiện thay thế cho các máy bay MIG già cỗi của mình, Việt Nam tìm kiếm các linh kiện cho các tàu lớp Petya. Ấn Độ trước đó đã cung cấp 5.000 tấn linh kiện cho các tàu lớp Petya của Việt Nam và Việt Nam lại một lần nữa yêu cầu linh kiện cho những con tàu này.

Hơn nữa, bất kỳ quốc gia nào cũng phải chuẩn bị cho việc khấu hao và loại bỏ các hệ thống vũ khí sau khi vòng đời của chúng kết thúc, kể cả sau khi được nâng cấp và bảo trì thông thường. Do đó, mọi quốc gia đều có mối quan tâm chung là tìm kiếm các hệ thống mới. Trong trường hợp đó, một quốc gia sử dụng các hệ thống giống hệt hoặc tương tự nhau theo truyền thống sẽ là điểm tham chiếu thông tin về chi phí vòng đời, hiệu quả hoạt động của các hệ thống như vậy cũng như việc đào tạo nhân lực và kỹ thuật viên. Việt Nam tìm kiếm sự hỗ trợ của Ấn Độ trong kịch bản đó. Chẳng hạn, Ấn Độ đã sử dụng tàu ngầm lớp Kilo khá lâu và khi Việt Nam muốn đánh giá 2 tàu ngầm lớp Kilo khác nhau do Nga cung cấp (636-M và 877-EKM), Việt Nam đã tìm đến Ấn Độ để tìm kiếm thông tin. Ấn Độ đang sử dụng tàu ngầm 877-EKM, được nâng cấp và đưa vào dự án 08773 vào năm 2010. Do đó, sau khi xem xét chi phí hoạt động và các khía cạnh khác của tàu 877-EKM, Việt Nam đã quyết định mua tàu 636-M hiện đại và linh hoạt hơn so với 877 -EKM. Lợi ích ở đây là Ấn Độ là một quốc gia thân thiện và sẽ hỗ trợ đào tạo và bảo trì bất cứ khi nào Việt Nam có yêu cầu đối với các tàu ngầm mới này.

Theo dữ liệu mua sắm vũ khí và chi tiêu quân sự của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2009, Việt Nam đã mua radar giám sát trên không, tên lửa đất đối không, tàu tuần tra, máy bay đa năng, máy bay trực thăng vận tải, tên lửa dẫn đường, tên lửa đất đối không để phòng thủ bờ biển, tên lửa không đối không có điều khiển ngoài tầm nhìn (BVRAAM), máy bay huấn luyện, tàu khu trục Gepard-3, tàu ngầm lớp kilo E-Project, máy bay chiến đấu Su 30 MK2, ngư lôi tác chiến chống tàu ngầm, tàu hộ tống và tàu tuần tra xa bờ. Điều thú vị là trong khi hầu hết các hệ thống này có nguồn gốc từ Nga, Belarus, Romania và Slovakia, Việt Nam cũng đã bắt đầu mua các hệ thống vũ khí từ Mỹ, Pháp, Israel và Hàn Quốc. Điều này rõ ràng có nghĩa là Việt Nam đang đa dạng hóa giỏ vũ khí quân sự của mình. Hầu hết các giao dịch mua sắm đã được thực hiện là để bảo vệ bờ biển và tài sản của Việt Nam ở Biển Đông. Việc hải quân Trung Quốc sát hại 64 binh sĩ Việt Nam trong một cuộc đụng độ hải quân ở Biển Đông vào năm 1988 vẫn còn lưu lại trong tâm trí người Việt Nam. Để ngăn chặn sự tái diễn của một sự cố như vậy, binh lính và thủy thủ Việt Nam muốn xây dựng tiềm lực mạnh và có khả năng răn đe.

Việt Nam đã tìm kiếm các nhà sản xuất vũ khí tư nhân ở Ấn Độ. Việt Nam đã đặt hàng 2 tàu tấn công nhanh của công ty Larsen & Toubro (L&T). Việc mua tàu tuần tra nhanh của Ấn Độ do L&T sản xuất phục vụ 2 mục đích cho hai nước: mở ra thị trường quốc phòng cho các nhà sản xuất tư nhân và thể hiện năng lực của ngành công nghiệp tư nhân trong lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ. Ở Ấn Độ, các tập đoàn và công ty như Mahindra & Mahindra, Tata và L&T đã đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ về hệ thống vũ khí không sát thương, radar và các thiết bị liên quan đến quốc phòng nhưng quy mô thị trường rất hạn chế. Nhà đóng tàu Garden Reach đã ký một đơn hàng 2 tàu với Philippines nhờ đưa ra giá thấp nhất nhưng họ đã không thể đáp ứng hầu hết các yêu cầu tài chính của đơn hàng. Chính phủ Ấn Độ muốn các công ty tư nhân trong ngành công nghiệp quốc phòng chứng tỏ hiệu quả trên trường quốc tế trước khi đặt các đơn hàng lớn hơn cho lực lượng quốc phòng Ấn Độ.

Có những khía cạnh khác của mối quan hệ được xem xét ở 2 lĩnh vực khác nhau. Trước tiên là việc chi tiêu quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam. Điều này sẽ cung cấp hiểu biết về các giao dịch mua sắm mà Việt Nam đã và đang thực hiện trên thị trường quốc tế và việc liệu ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam có khả năng phục vụ lợi ích của mình trong dài hạn hay không. Các nhà máy đóng tàu Việt Nam đã phát triển năng lực đóng tàu cũng như đã xuất khẩu tàu lớn (30.000 đến 50.000 DWT) và tàu container (100.000 DWT) sang Hàn Quốc, Úc và các nước châu Âu, nhưng chủ yếu là cần cẩu, tàu chở dầu hoặc tàu container. Ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng đã tham gia sản xuất súng bộ binh và thiết bị liên lạc quân sự. Điều này cho thấy rõ ràng rằng Việt Nam cần phát triển công nghiệp quốc phòng trên quy mô lớn để đáp ứng yêu cầu và chuẩn bị cho tương lai. Vũ khí quốc phòng của Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga, và trong một kịch bản như vậy, Ấn Độ đóng vai trò là đối tác khả thi để thiết lập cơ sở công nghiệp quốc phòng vì họ có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất vũ khí và máy bay cấp quyền từ Nga.

Về những hạn chế, có một vài vấn đề liên quan đến chính sách xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ và khả năng hạn chế của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng. Tên lửa Brahmos và các thiết bị quan trọng khác là vấn đề gây bất đồng giữa hai nước. Thông tin từ hai phía là khác nhau. Ấn Độ đã tuyên bố rằng có những bảo lưu từ phía Nga vì họ cảm thấy Việt Nam quan tâm đến tên lửa Yakhont (P-800 Oniks), loại tên lửa nền tảng để phát triển Brahmos; trong khi đó, Nga tuyên bố Ấn Độ trì hoãn việc bán tên lửa cho Việt Nam cho đến khi phiên bản Brahmos siêu thanh được phát triển.

Ấn Độ đã cung cấp gói tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam để nâng cấp ngành công nghiệp quốc phòng, nhưng Việt Nam đã không thể sử dụng số tiền này và trên thực tế đã yêu cầu Ấn Độ đa dạng hóa khoản tín dụng trên cho cả mục đích dân sự. Doanh số bán thiết bị quốc phòng như radar và các thiết bị không sát thương khác sẽ tạo ra thị trường cho Ấn Độ, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa thể vạch ra một kế hoạch và quy trình ngân sách hoàn chỉnh để sử dụng các gói tín dụng này. Việt Nam cũng đã mở ra khả năng hợp tác với Ấn Độ trong việc phóng các vệ tinh quân sự và dân sự để giám sát và bảo vệ nhân sự của mình trên các đảo ở Biển Đông. Dự án vẫn đang trong giai đoạn đầu và có khả năng đẩy mối quan hệ lên một mức độ hợp tác cao hơn nhiều. Mặc dù không thể phủ nhận thực tế là hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang phát triển, nhưng cần phải có một tầm nhìn chiến lược và một tư duy rõ ràng để đưa nó vào một quỹ đạo cao hơn.

Tiến sĩ Pankaj Jha thuộc Đại học toàn cầu Jindal Ấn Độ, đăng trên Diễn đàn An ninh và Khoa học Công nghệ, đại học Manipal, Ấn Độ. Bài viết đăng trên Diễn đàn an ninh và khoa học công nghệ (stsfor.org).

Trần Quang (gt)