AP_obama_purple_apec_sk_141110_4x3_992.jpg

Những căng thẳng gần đây trong các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông đã nhấn mạnh sự thiếu đồng thuận trong trật tự an ninh hiện nay ở khu vực châu Á. Việc hiểu được nhận thức của Trung Quốc về trật tự an ninh châu Á là rất quan trọng để tìm ra các giải pháp chính sách mới nhằm tăng cường hợp tác an ninh khu vực. Vậy khái niệm trật tự an ninh của Trung Quốc là gì và nó có tác động như thế nào đối với tương lai khu vực?: Trung Quốc hoài nghi về trật tự an ninh hiện tại, đặc biệt là sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Đông Á cũng như hệ thống liên minh “trục bánh xe và nan hoa” của Mỹ. Hoài nghi này khiến Trung Quốc đưa ra khái niệm cho rằng an ninh châu Á phải được đảm bảo bởi chính người châu Á.

Trong một bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002, Trung Quốc đã tìm cách định nghĩa lại khái niệm về an ninh và tập trung nhấn mạnh vào các khả năng quân sự trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng dẫn đến sự phụ thuộc lẫn nhau tăng lên.

Quan điểm về an ninh và hợp tác an ninh của Trung Quốc được dẫn dắt bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Khái niệm “an ninh mới” của Trung Quốc bao gồm: quan hệ tôn trọng lẫn nhau, giải quyết hòa bình các tranh chấp, nhấn mạnh các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như khủng bố, “ngăn chặn cuộc xâm lược bên ngoài và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ” cũng như theo đuổi sự tin cậy lẫn nhau và cùng có lợi.

Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh những cụm từ đó. Tin cậy và tôn trọng lẫn nhau được hiểu là tôn trọng những khác biệt trong hệ thống chính trị của mỗi nước. Điều quan trọng đối với khái niệm này là sự nhấn mạnh của Trung Quốc vào việc không can thiệp nội bộ của nhau. Cùng có lợi có nghĩa là hợp tác “cùng thắng”, khi đó các mục tiêu an ninh chung phải đạt được bằng cách xem tất cả các nước như thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế. Những nguyên tắc này tạo cơ sở cho tầm nhìn của Trung Quốc về một trật tự thế giới đa cực và các thể chế quản trị toàn cầu đa phương.

Trong khi những khái niệm trên nằm trong nền tảng pháp lý của Hiến chương LHQ, nhiều quốc gia tin rằng hàm ý của việc Trung Quốc nhấn mạnh đến những giá trị đó là một thách thức đối với trật tự quốc tế hiện nay. Sự nghi ngờ này được củng cố bởi quan điểm chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với hai vấn đề quan trọng: bá chủ và thu nạp. Các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố rằng ở châu Á, “các quốc gia không nên cố gắng chi phối các vấn đề an ninh hoặc xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác” và “việc tham gia liên minh quân sự nhắm vào bên thứ ba không có lợi cho việc duy trì an ninh chung”. Những bình luận này có vẻ như nhằm trực tiếp vào hệ thống đồng minh của Mỹ. Trung Quốc không tin quốc gia bên ngoài có thể đem đến trật tự an ninh cho khu vực. Liệu Mỹ có được coi là một bên liên quan trong trật tự an ninh của Trung Quốc hay không vẫn là điều chưa chắc chắn.

Vậy trật tự an ninh mới của Trung Quốc sẽ hoạt động ra sao? Trung Quốc trích dẫn trường hợp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - với vai trò giải quyết các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, li khai và cực đoan - như một ví dụ thành công về khái niệm "an ninh mới".

Tuy nhiên, những cuộc đấu khẩu gần đây về các đảo tranh chấp ở Biển Đông đã làm dấy lên những nghi ngờ về cam kết của Trung Quốc đối với các nguyên tắc chính sách đối ngoại của nước này. Việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực và theo đuổi các biện pháp đơn phương đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về cam kết của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy các mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi cũng như cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Khái niệm “an ninh mới” của Trung Quốc đã được nhắc lại trong Hội nghị thượng đỉnh về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) được tổ chức tại Thượng Hải hồi tháng 5/2014. Lúc đó, Trung Quốc cũng đã đề xuất hai sáng kiến mới: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và Con đường Tơ lụa trên biển. Sáng kiến tạo ra các thể chế đa phương của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc từng bước thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại cũng như các giá trị của nó.

Tuy nhiên, điều này đã bắt đầu thay đổi. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện mang tính chiến lược lớn, với những lợi ích lâu dài cùng với một tầm nhìn mới cho an ninh khu vực và thịnh vượng kinh tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách phấn đấu vì một “số phận chung cho châu Á” dựa trên các nguyên tắc và các giá trị được ghi trong khái niệm “an ninh mới”.

Bằng cách nhấn mạnh một khái niệm đa phương về an ninh và theo đuổi hợp tác đa phương, Trung Quốc đang dần nhận ra những thách thức rất lớn để trở thành một “cường quốc”. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ kiểm chứng “những người bảo vệ trật tự quốc tế tự do hiện nay”. Các quốc gia lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm hiểu về khái niệm “an ninh mới” của Trung Quốc là gì.

Theo “East Asia forum

Nhật Linh (gt)