1290453297351.jpg

Những diễn biến gần đây đã khiến cái gọi là "vấn đề Đài Loan" quay trở lại thành một điểm nóng trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới. Những diễn biến này báo hiệu một cuộc khủng hoảng tại Đài Loan, với nguy cơ tạo ra những thách thức an ninh nghiêm trọng đối với Mỹ và các nước đồng minh. Trong khi mọi sự chú ý tập trung vào tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nhất là những gì liên quan tới việc quốc gia này phát triển chương trình tên lửa đủ sức tấn công nước Mỹ, thì cuộc khủng hoảng ở Đài Loan đã bắt đầu âm ỉ "cháy". Thực tế, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ vướng vào một cuộc xung đột trực tiếp vì những diễn biến này tại Đài Loan.

Với Trung Quốc, Đài Loan là một thách thức nhức nhối vẫn từ sau cuộc nội chiến Trung Quốc và là một chủ đề dân tộc chủ nghĩa nhạy cảm, thậm chí còn nghiêm trọng hơn vấn đề Triều Tiên, quần đảo Senkaku và Biển Đông. Đối với một cường quốc đang nổi ngày càng tự tin, quyết đoán và đề cao tinh thần dân tộc chủ nghĩa như Trung Quốc, việc hợp nhất Đài Loan vào đại lục là một ưu tiên quốc gia hàng đầu và không thể thương lượng.

Chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử vào tháng 1/2016 của Đảng Dân tiến (DPP) theo xu hướng độc lập, với việc giành được ghế tổng thống và chiếm thế đa số trong Quốc hội, đã đưa Đài Loan vào một lộ trình đối đầu với Chính quyền Trung Quốc, vốn ngày càng tỏ ra thiếu kiên nhẫn với việc thúc đẩy quá trình hợp nhất. Kết quả này khiến Trung Quốc không khỏi bất ngờ, bởi nó cho thấy sự thất bại trong chiến lược lôi kéo sự ủng hộ của người dân Đài Loan thông qua hội nhập kinh tế, chính sách mà Bắc Kinh đã thúc đẩy với Chính phủ Quốc Dân đảng (KMT) trước đây. Với việc lựa chọn DPP, các cử tri Đài Loan đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng họ từ chối Trung Quốc.

Hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ với Trung Quốc, kết quả của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế trong năm 2010 và triển vọng về quá trình hội nhập sâu rộng hơn thông qua việc ký kết một thỏa thuận trong lĩnh vực dịch vụ, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều người Đài Loan. Họ lo ngại về nguy cơ bị Trung Quốc thao túng về mặt kinh tế và không hề muốn thấy có một số lượng lớn người Trung Quốc đại lục ở Đài Loan.

Sự tiếp xúc lớn hơn với Trung Quốc đại lục trong những năm gần đây đã phản ánh rõ những khác biệt của hai bờ Eo biển Đài Loan. Xã hội Đài Loan, những người nhã nhặn, lịch sự, thận trọng  (hình ảnh phản chiếu của người dân Nhật Bản, nước thực dân từng đô hộ họ) đã “sốc” trước những hành vi thiếu lịch sự và văn minh của một bộ phận khách du lịch Trung Quốc. Người Đài Loan cũng đã dõi theo sự sai lầm của chính sách "một nhà nước, hai chế độ" ở Hong Kong, nơi sự thù ghét Trung Quốc đã tích tụ và làm bùng phát phong trào Chiếm trung tâm năm 2014 và một phong trào đòi độc lập mới.

Chính phủ mới DPP dưới sự lãnh đạo của bà Thái Anh Văn thể hiện rằng đòi độc lập không phải là mục tiêu của họ. Tuy nhiên, Chính phủ DPP đã thúc đẩy nhiều sáng kiến nhằm vị thế độc lập của Đài Loan (dù không chính thức) đối với Trung Quốc, từ đa dạng hóa nề kinh tế để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, gia tăng chi tiêu cho quân sự và phát triển các loại vũ khí của chính mình, chẳng hạn như tàu ngầm.

Mâu thuẫn Mỹ-Trung không ngừng leo thang, khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và thách thức quyền bá chủ của Mỹ ở khắp Đông Á, đồng nghĩa với việc Đài Loan ngày càng đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược đối với Mỹ. Vào tháng 6/2017, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu cho phép các tàu chiến của Mỹ tới thăm Đài Loan và thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 1,4 tỷ USD. Với thực tế là Quốc hội Mỹ không có cái nhìn thiện cảm đối với Trung Quốc, gần như chắc chắn rằng Mỹ sẽ nhanh chóng đáp trả nếu Trung Quốc dùng vũ lực đối với Đài Loan. Washington ý thức được rằng việc Trung Quốc kiểm soát Đài Loan sẽ thay đổi đáng kể hiện trạng khu vực, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của khu vực và toàn thế giới.

Không giống như khủng hoảng eo biển Đài Loan trước đây trong thập niên 1950 và 1995-1996, cuộc khủng hoảng hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Sức mạnh quân sự vượt trội của Trung Quốc cho phép họ có một lựa chọn quân sự mà họ chưa từng có trước đây. Mọi xung đột tại Đài Loan đều sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các đồng minh của Mỹ vốn đang phụ thuộc vào Trung Quốc trên khía cạnh kinh tế, như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng nhân tố chính trong thách thức này - chính là Trung Quốc - sẽ đủ sáng suốt để kiềm chế chủ nghĩa dân tộc của mình, bằng những biện pháp hòa bình và tôn trọng các quy tắc khu vực khi thúc đẩy lợi ích quốc gia, thực sự đúng với vai trò mà họ tuyên bố là một cường quốc khu vực và một lực lượng đảm bảo cho sự bền vững.

Tác giả Andrew Tan là Phó Giáo sư thuộc Khoa nghiên cứu an ninh và tội phạm, Đại học Macquarie. Bài viết đăng trên Tạp chí “National interest”.

Anh Thư (gt)