001aa018f83f1026bc3a01.jpg 

Từ cuối năm 2011, Mỹ đã thực hiện "chính sách xoay trục" sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tháng 10/2011, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã viết rằng nước Mỹ "chuyển hướng một cách chiến lược sang khu vực này... nhằm đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ". Và Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong bài phát biểu trước Quốc hội Úc vào tháng 11/2011, đã "đóng dấu ấn" cá nhân lên chính sách này. Vậy gần 4 năm trôi qua, nước Mỹ đã xoay trục như thế nào sang châu Á?

Những kết quả của chính sách này được cho là không nhất quán. Rõ ràng, "chính sách xoay trục" của nước Mỹ đạt kết quả tốt hơn ở Đông Bắc Á - nơi Nhật Bản và Hàn Quốc không còn công khai bày tỏ hoài nghi về những cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ nữa. Cả hai nước vẫn còn lo ngại về mối đe dọa đến từ Triều Tiên cũng như tham vọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, những hành động của Mỹ - trong đó có tuyên bố của ông Obama tái khẳng định rằng quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật - đã giúp Wasinhton ghi điểm tại khu vực. Và việc nền kinh tế Trung Quốc đột nhiên "loạng choạng" sau 30 năm tăng trưởng ngoạn mục đã làm giảm bớt những nghi ngại về thách thức của Bắc Kinh đối với trật tự của khu vực.

Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, chính sách xoay trục của Mỹ chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nếu như ở Đông Bắc Á, Mỹ hành xử như một đồng minh thì ở Đông Nam Á, Mỹ có cách hành xử thiên về hướng một nhà kiến tạo hòa bình. Sự khác biệt này chủ yếu được thể hiện qua cách tiếp cận của Mỹ đối với những tranh chấp lãnh thổ. Mỹ không đưa ra quan điểm trước những tuyên bố chủ quyền khác nhau trên vùng Biển Đông, và thường xuyên tạo ấn tượng rằng nước này không ủng hộ cả đồng minh lẫn đối tác của họ ở Đông Nam Á trong các cuộc tranh chấp giữa những nước này với Trung Quốc. Và những tranh chấp này có lẽ sẽ tiếp tục dai dẳng cho dù nền kinh tế Trung Quốc đang bị chao đảo.

Về phương diện đảm bảo an ninh, cả Mỹ lẫn các nước Đông Nam Á đều đang ở thế "đi trên dây". Các nước Đông Nam Á muốn có cảm giác được đảm bảo rằng Mỹ sẽ ủng hộ họ, song lại không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Còn Wasinhton cũng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan tương tự: Mỹ muốn các đồng minh của mình có cảm giác được bảo vệ, song cũng không muốn bị lôi kéo vào các cuộc xung đột không cần thiết. Do đó, nước Mỹ bị giằng xé giữa những mục tiêu khác nhau.

Trong khi đó, Trung Quốc thường được đánh giá là quyết tâm hơn Mỹ trong việc theo đuổi những mục tiêu chiến lược tại khu vực ngay sát biên giới của họ. Những đánh giá này rất tai hại cho vai trò của Mỹ ở châu Á. Trong bối cảnh đó, tác giả Rod Lyon đặt câu hỏi: liệu các mối quan hệ an ninh của Mỹ tại châu Á có đủ mạnh để trấn an các đồng minh về sự can dự của Mỹ? Và liệu những quan hệ này có đủ "lạt mềm" để "buộc chặt" các nước đồng minh đó - đảm bảo với họ rằng những nhu cầu an ninh của họ sẽ được đáp ứng mà không cần phải viện đến những phương án chiến lược cực đoan hay những chính sách phiêu lưu.

Mỹ cần phải thể hiện rõ quyết tâm duy trì trật tự an ninh hiện nay tại khu vực một cách mạnh mẽ giống như Trung Quốc muốn thay đổi trật tự đó. Nước Mỹ cần phải huy động các cường quốc đang nổi lên tại châu Á tham gia duy trì trật tự lâu nay - một trật tự sẽ vẫn đem lại cho khu vực sự ổn định, tự do và thịnh vượng. Cụ thể, nước Mỹ đang tìm kiếm một Ấn Độ có trách nhiệm hơn, một Indonesia có trách nhiệm hơn và một Australia có trách nhiệm hơn. Với ý nghĩa như vậy, "chính sách xoay trục" không phải là công cụ để khôi phục vị thế vượt trội của Mỹ tại khu vực thời kỳ những năm 1990. Thay vào đó, nó là một cơ chế để tạo thời gian cho sự nổi lên của một loạt cường quốc tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực.

Theo “National Interest

Hương Trà (gt)