Tuần qua, khi phát biểu tại một hội nghị ở Xinh-ga-po về những khó khăn mà Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ phải đối mặt trong việc thực hiện "Tầm nhìn năm 2015", Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng triển vọng ASEAN trở thành một cộng đồng thống nhất vào năm 2015 sẽ chậm lại. Đây là lời thú nhận công khai đầu tiên của một quan chức cấp cao ASEAN về việc không thực hiện đúng thời hạn của kế hoạch này.

Trước đây, ASEAN dự kiến hoàn thành kế hoạch xây dựng một cộng đồng khu vực gồm 3 trụ cột là an ninh-chính trị; kinh tế; văn hóa-xã hội vào năm 2020. Tuy nhiên, sau đó các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định đẩy mạnh việc hoàn thành kế hoạch vào năm 2015. Ông Pitsuwan cho biết Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 - được tổ chức vào cuối năm nay tại Bali (In-đô-nê-xia) - sẽ phải giải quyết một vấn đề quan trọng liên quan đến thời hạn mới của kế hoạch xây dựng cộng đồng ASEAN thống nhất.

Ông Pitsuwan khẳng định nhân tố lớn nhất ảnh hưởng đến kế hoạch "Tầm nhìn năm 2015" của ASEAN là khoảng cách giữa kế hoạch và hành động. Khó khăn của ASEAN trong việc thực hiện kế hoạch chủ yếu là do các thỏa thuận về hội nhập kinh tế không được các nước thành viên nỗ lực triển khai. Ông Pitsuwan nói: “Vấn đề không phải chỉ là ký kết thỏa thuận mà chúng ta phải thực hiện chúng. Các nước thành viên phải thông qua các đạo luật cho phép các cơ quan hữu quan thực hiện các thỏa thuận, đồng thời các bộ trưởng tài chính phải cụ thể hóa các điều khoản cần thiết thành các kế hoạch để thực hiện". Theo ông Pitsuwan, một số nước thành viên chưa sẵn sàng ủng hộ chương trình hội nhập của khối.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đang phải đối mặt với hai thách thức: thứ nhất, bất đồng lãnh thổ liên quan đến các nước láng giềng Campuchia và Thái Lan; thứ hai, cuộc đối đầu ngoại giao của Mianma với phương Tây. Đây là những vấn đề khiến nội bộ khối khá phức tạp. Bất đồng Thái Lan-Campuchia về khu vực biên giới đền Preah Vihear là vấn đề nghiêm trọng nhất trong lịch sử ASEAN. Hiện nay, vai trò lãnh đạo ASEAN của Inđônêxia đang gặp khó khăn, mặc dù một khung giải pháp nhằm tránh xung đột giữa hai bên đã được áp dụng. Hai nước này đang giải quyết bất đồng tại Tòa án Quốc tế.

Bất đồng ngoại giao về vấn đề Mianma không phải là cuộc tranh cãi trong nội bộ ASEAN. Đó là mâu thuẫn giữa Mianma và phương Tây. ASEAN từng bị phương Tây chỉ trích kể từ khi Mianma trở thành thành viên của khối, mặc dù nội bộ ASEAN đã gây sức ép đòi Chính quyền quân sự Mianma tiến hành cải cách. Một số ý kiến trong ASEAN thậm chí đề nghị trục xuất Mianma khỏi khối. Nhưng gần đây nhất nhiều ý kiến cho rằng Mianma đang có những thay đổi đáng khích lệ từ chế độ quân sự sang dân sự.

Ngoài những khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch hội nhập kinh tế, sắp tới ASEAN sẽ phải đối mặt với thách thức liên quan đến chức chủ tịch khối. ASEAN sẽ giải quyết vấn đề ra sao khi Campuchia và Mianma đến thời hạn giữ chức chủ tịch? Chức chủ tịch ASEAN của Campuchia sẽ bắt đầu vào năm tới. Campuchia sẽ xử lý bất đồng biên giới với Thái Lan ra sao? Và Băng Cốc sẽ phản ứng thế nào? Quan trọng hơn, liệu bất đồng Campuchia-Thái Lan trong thời gian Phnôm Pênh giữ chức chủ tịch có gây khăn hơn cho ASEAN trong việc thực hiện "Tầm nhìn năm 2015" hay không?

Một vấn đề nữa sẽ xuất hiện vào năm 2014 - trước năm thực hiện mục tiêu 2015 - là Mianma sẽ giữ chức chủ tịch ASEAN. Hiện Mianma đã tái khẳng định và yêu cầu được giữ chức chủ tịch khi đến thời hạn. Tuy nhiên, việc Mianma lãnh đạo khối này có thể gây khó khăn cho cuộc đối thoại hàng năm của ASEAN với các đối tác thương mại phương Tây.

Rõ ràng, ASEAN đang vấp phải nhiều trở ngại trên con đường tiến tới "Tầm nhìn năm 2015" - thời điểm các nước ASEAN đang cố gắng để thực hiện giấc mơ của họ. Điều này đòi hỏi ASEAN phải có sự lãnh đạo quyết đoán. Tuy nhiên, sau khi In-đô-nê-xia kết thúc vai trò chủ tịch ASEAN vào cuối năm 2011, nước nào sẽ đảm nhiệm vai trò quan trọng để đưa con thuyền ASEAN tới năm 2015 còn là một câu hỏi lớn. 

Theo Rsis

 Hương Tra (gt)