Hơn một năm trước đã xuất hiện những đồn đoán về việc Bắc Kinh có kế hoạch quân sự hóa một số dự án cảng, sân bay do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia. Năm 2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã gửi thư cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen, yêu cầu giải thích về ý định của Trung Quốc đối với căn cứ hải quân Ream, nơi Mỹ đã hoàn tất tài trợ xây dựng một số cơ sở hạ tầng. Tháng 6/2019, có thông tin cho rằng Phnom Penh đã rút lại sự chấp thuận đối với đề nghị của Mỹ về việc sửa sang các tòa nhà tại căn cứ này. Và đến ngày 22/7, tờ Wall Street Journal (Mỹ) và Financial Times (Anh) đã đổ thêm dầu vào lửa khi đăng tải các bài viết có trích dẫn nguồn tin ẩn danh ở Mỹ hoặc có liên quan đến Mỹ, nói rằng Trung Quốc và Campuchia đã ký kết một thỏa thuận bí mật cho phép tàu chiến Trung Quốc được độc quyền ra vào căn cứ - nằm cạnh cảng Sihanoukville do Trung Quốc điều hành. Cạnh đó, rừng cũng đang được bạt đi để nhượng đất xây dựng một cảng nước sâu và một sân bay do Trung Quốc tài trợ, bề ngoài là để phục vụ một khu đầu tư và nghỉ dưỡng bờ biển bỏ không do Trung Quốc xây dựng (điều kỳ lạ là sân bay có đường băng dài tới 3.600 m, dài hơn rất nhiều so với nhu cầu cất hạ cánh của máy bay thương mại).

Trung Quốc và Campuchia đều lên tiếng phủ nhận thỏa thuận bí mật này. Nhưng bất luận ra sao, có lý do hợp lý để khẳng định Trung Quốc muốn có những cơ sở này – đây sẽ là các căn cứ quân sự đầu tiên của nước này ở khu vực Đông Nam Á. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã tìm cách lôi kéo Campuchia tiến sâu hơn vào quỹ đạo chiến lược của mình. Thành công của Trung Quốc ở trường hợp này cho thấy cách tiếp cận của nước này có khả năng thành công ra sao trong việc thu hút bạn bè và đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong những tình huống cụ thể. Nhưng nó cũng cho thấy thế tiến thoái lưỡng nan căn bản vốn sẽ cản trở các nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng sự hiện diện quân sự ở nước ngoài.

Trung Quốc khéo léo theo đuổi mục tiêu xây dựng các căn cứ ở nước ngoài

Để bảo đảm các tuyến đường biển huyết mạch của mình và thiết lập trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bắc Kinh cần kiểm soát được các nút thắt dọc theo chuỗi đảo thứ nhất và sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa ở lưu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Để làm được điều đó, Trung Quốc cần lực lượng hải quân và không quân tầm xa, cùng với các khả năng triển khai sức mạnh tên lửa. Quan trọng không kém, Trung Quốc cần một mạng lưới các căn cứ để phục vụ tàu chiến, triển khai máy bay chiến đấu và tên lửa, dự trữ quân nhu và vũ khí đạn dược… Dẫu có lớn mạnh và thiện nghệ đến đâu, Hải quân Trung Quốc cũng chỉ có thể phòng vệ bờ biển nếu thiếu một mạng lưới các căn cứ như vậy.

Trung Quốc đã phải vật lộn để xây dựng các căn cứ theo một cách thức đã lỗi thời – bằng cách thuyết phục những nước đồng minh chiến lược có lợi ích khi trao cho Trung Quốc chìa khóa để đạt được mục đích. Nhưng phải thấy rằng mạng lưới các căn cứ quân sự rộng lớn của Mỹ ở nước ngoài, các căn cứ nước ngoài sẵn sàng tạo điều kiện cho các hoạt động triển khai quân sự của Mỹ cũng như các cơ sở hỗ trợ hậu cần đều chỉ bắt đầu được hình thành khi Mỹ đã trở thành siêu cường. Thực tế, các căn cứ quan trọng nhất của Mỹ đều được thiết lập tại những nước mà Mỹ đã chinh phục. Trung Quốc không phải là cường quốc bá chủ khu vực. Trung Quốc chưa khuất phục được đối thủ nào. Và gần như không có nước nào ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xem Mỹ và các đồng minh là mối đe dọa lớn đến mức buộc phải “bán mình” cho Trung Quốc.

Trung Quốc vì thế đã tìm cách tận dụng các lợi thế của mình thông qua việc rót các khoản viện trợ và đầu tư vào những nước có tầm quan trọng chiến lược nhằm tạo ra sự lệ thuộc về kinh tế và chính trị, tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng lưỡng dụng và sau đó thúc ép chính quyền sở tại phải làm theo các yêu cầu chiến lược của Bắc Kinh. Đây là một trong nhiều động cơ ẩn sau một số dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Tuy nhiên, cho đến nay thành công cũng chỉ nhỏ giọt. Nhiều nước hào hứng nhận tiền từ Trung Quốc nếu như chúng được bày sẵn. Số này thậm chí không lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và giảm nhẹ các tranh chấp song phương để bảo đảm rằng “van tín dụng” của Trung Quốc “vẫn mở”. Nhưng họ không thể làm ngơ trước các nguy cơ tiềm ẩn về chính trị, ngoại giao và chiến lược từ việc hoàn toàn hoan nghênh quân đội Trung Quốc. Ưu thế mà Trung Quốc có được từ chính sách “ngoại giao bẫy nợ” không đủ sức để vượt qua những e ngại này.

Triển vọng tốt nhất đối với Trung Quốc chính là các nước có lợi ích cốt lõi trong việc lợi dụng Trung Quốc để đối trọng với một thế lực đối địch mạnh hơn ở bên ngoài, hoặc những nền kinh tế có nhu cầu khẩn thiết về đầu tư cơ sở hạ tầng và có rất ít lựa chọn để đạt được mục tiêu này; hoặc một cấu trúc quyền lực được xây dựng xoay quanh các mạng lưới bảo trợ ngầm. Pakistan và Triều Tiên - hai đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc – rất phù hợp với những điều kiện này. Và rõ ràng là cả Campuchia.

Tại sao Trung Quốc lại thèm muốn Campuchia?

Trong cuộc cạnh tranh ngày một gia tăng để có được các đối tác trung thành ở Đông Nam Á, Campuchia thường bị bỏ qua. Campuchia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và cũng không có vai trò gì đối với một cường quốc bên ngoài đang tìm cách phong tỏa giao thương đường biển của Trung Quốc. Campuchia cũng không mấy quan trọng đối với các dự án giao thông vận tải của BRI vốn nhằm để mở rộng khả năng Trung Quốc tiếp cận thương mại tới khu vực Ấn Độ Dương và giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào eo biển Malacca và các yết hầu hàng hải khác trong khu vực.

Tuy nhiên vị trí địa lý lại khiến Campuchia có giá trị chiến lược nhất định. Campuchia giúp Trung Quốc mở rộng đáng kể tầm tác chiến của máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm cũng như tăng cường công tác do thám, giám sát và tình báo, có thể tạo cho Bắc Kinh một vỏ bọc chắc chắn tại eo biển Malacca. Campuchia cũng cho phép các lực lượng trên biển của Trung Quốc – không chỉ hải quân, mà còn cả lực lượng bán quân sự như cảnh sát biển và dân quân biển - duy trì sự hiện diện dày đặc hơn xung quanh rìa phía Nam của “đường 9 đoạn”. Campuchia cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc gia tăng sức ép đối với Thái Lan – một đồng minh hiệp ước hay dao động của Mỹ và một Việt Nam quyết đoán. Vùng biển giàu dầu mỏ ngoài khơi phía Đông Nam Việt Nam là vùng có giá trị kinh tế bậc nhất đối với nước này và cũng là nơi chứng kiến Việt Nam kháng cự sức ép từ Trung Quốc thông qua việc đẩy mạnh các dự án thăm dò dầu khí với các công ty nước ngoài. Những gì xảy ra quanh các giàn khoan ở vùng biển của Việt Nam và Malaysia trong 2 tháng trở lại đây cho thấy Trung Quốc thường tìm cách áp đặt quyền kiểm soát bằng cách quấy rối các hoạt động thương mại với các tàu dân sự. Dù Campuchia có được coi là “nhà” của các tàu chiến Trung Quốc hay không, thì việc nước này mở cửa các cảng để tiếp nhận tàu đánh cá và tàu thương mại, cũng như các lực lượng bán quân sự của Trung Quốc sẽ là yếu tố có giá trị xét trên khía cạnh này.

Đối với Campuchia, sự hiện diện của Trung Quốc giúp nước này tăng cường khả năng an ninh hàng hải. Nó có thể cũng sẽ gây sức ép buộc Thái Lan phải đàm phán về việc khai thác năng lượng chung ở vùng biển có tranh chấp trên vịnh Thái Lan – một vấn đề mà Bangkok từ trước đến nay luôn tìm cách né tránh, còn Campuchia không có ưu thế nào để thúc ép hợp tác.

Campuchia sẽ nhận được gì?

Các lợi ích chủ chốt đối với Phnom Penh lại là về chính trị. Quả thực, thế kỷ 20 không phải là quãng thời gian đáng nhớ với Campuchia. Thời kỳ thực dân hóa của Pháp vừa chấm dứt, Mỹ lại ném bom ồ ạt đường mòn Hồ Chí Minh – biến cố tạo nền tảng cho sự thống trị khủng bố do Khmer Đỏ tiến hành trong những năm 1970-1980. Nạn diệt chủng đã xóa sổ 20% dân số Campuchia, phá hủy các thiết chế và xã hội dân sự ở nước này, làm tê liệt nền kinh tế Campuchia khi các nước láng giềng bắt đầu hưởng lợi từ sự bùng nổ sản xuất thời hậu Chiến tranh Lạnh tại khu vực.

Sự cầm quyền dai dẳng của Hun Sen – vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất thế giới, tính từ thời điểm ông củng cố quyền lực năm 1997 - là minh chứng cho thấy sự vật lộn đầy bi kịch của Campuchia trên con đường tìm kiếm sự ổn định. Trong phần lớn quãng thời gian nắm quyền của Hun Sen, nền kinh tế Campuchia phụ thuộc vào viện trợ và thị trường hàng dệt may phương Tây. Điều này cho phép phương Tây gây sức ép kiềm tỏa nhằm vào các nỗ lực của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền thường muốn loại trừ phe đối lập. Tuy vậy, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã rót các nguồn viện trợ về vật chất và quân sự vào nước này. Ngày nay, Trung Quốc là nguồn viện trợ lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia, trong khi một nửa số nợ nước ngoài của Campuchia là từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng viện trợ quân sự cho Campuchia, chẳng hạn như cung cấp các tàu tuần tra. Ngày 29/7, Hun Sen tuyên bố mua mới “hàng chục nghìn đơn vị vũ khí từ Trung Quốc” trị giá hơn 40 triệu USD.

Điều này đã làm suy yếu ưu thế của phương Tây. Trong cuộc bầu cử vừa qua, Hun Sen không ngần ngại giải tán đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia đối lập, vốn đang dần giành lấy đa số những phiếu của CPP trong các cuộc bầu cử trước. Quan trọng hơn, các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản của Trung Quốc cũng đã bôi trơn mạng lưới bảo trợ ngầm mang lại cho Hun Sen quyền lực lớn chưa từng có. Trong khi đó, viện trợ an ninh của Trung Quốc đã giúp duy trì bộ máy quân đội và an ninh của Campuchia. Như một hệ quả tất yếu, trong năm 2017, Phnom Penh đã từ chối chương trình viện trợ quân sự của Mỹ và hủy các cuộc tập trận thường niên với Mỹ, nhưng lại tăng cường quy mô tập trận với Trung Quốc.

Campuchia có lợi ích trong việc duy trì cân bằng quan hệ nước lớn và khai thác sự chú ý của Trung Quốc để tranh thủ vốn đầu tư từ các đối thủ của Bắc Kinh. Nhưng ngoài dây truyền sản xuất giá rẻ, Campuchia hầu như không có gì để lôi kéo các công ty của Mỹ và đồng minh bỏ vốn đầu tư. Các công ty này cũng không muốn vung tiền vào những dự án quan trọng về chính trị nhưng không sinh lời mà Campuchia đang thúc đẩy. Chỉ có Trung Quốc là sẵn sàng và đủ thực lực để theo đuổi trò chơi này. Sức mạnh chính trị của Trung Quốc (chưa nói đến thực lực tài chính) khiến Campuchia có động cơ để tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh và bỏ qua việc cân bằng chiến lược. Một dự luật mới được Quốc hội Mỹ thông qua về việc áp đặt hạn chế thị thực và phong tỏa tài sản đối với giới tinh hoa cầm quyền Campuchia sẽ không tạo ra thay đổi đáng kể nào đối với xu hướng Campuchia ngả sang Trung Quốc.

Thế nhưng việc Campuchia và Trung Quốc vội vã lên tiếng phủ nhận câu chuyện về thỏa thuận bí mật liên quan đến căn cứ quân sự Ream cũng cho thấy điểm yếu cơ bản trong quan hệ đối tác này, cũng như chiến lược rộng hơn của Trung Quốc về mở rộng quân sự. Các thỏa thuận về căn cứ quân sự ở nước ngoài thường là chủ đề nhạy cảm về chính trị đối với bất kỳ nước nào, đòi hỏi phải có đàm phán khéo léo và một chiến lược quan hệ công chúng được xử lý thận trọng. Nhưng thật sự là không bình thường nếu một nước liên tục phải bào chữa cho sự dính líu của mình trong những dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài có vẻ như phục vụ cho mục đích thương mại, nhưng lại không đủ dũng khí để thừa nhận thứ mà mình muốn cũng chính là những gì mà bất kỳ một cường quốc quân sự mới nổi nào mong mỏi. Đơn cử như rất lâu sau khi mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định rằng đây không phải là một căn cứ quân sự.

Campuchia không hẳn đã miễn nhiễm trước sự phản kháng chính trị - điều liên tục cản trở các mục tiêu của Bắc Kinh ở khu vực. Mỉa mai thay, trong phần lớn quãng thời gian nắm quyền của Hun Sen, phe đối lập hiếu chiến của Campuchia đã nhanh chóng hướng mũi dùi sang Trung Quốc, khi thủ lĩnh phe đối lập Sam Rainsy hiện đang lưu vong cho rằng các dự án xây dựng cảng là bằng chứng cho thấy “thực chất Campuchia đang trở thành thuộc địa của Trung Quốc” và làm dấy lên những lo ngại của người dân trong nước về tình cảnh bị mất nhà cửa do khách du lịch, doanh nhân và người di cư Trung Quốc tràn ngập đất nước này.

Sâu xa hơn, vấn đề nằm ở chỗ tiếng xấu của Trung Quốc bắt nguồn từ những tính toán chiến lược và chính trị nội bộ khiến các nước láng giềng thực sự không thoải mái. Trung Quốc cần các dự án BRI vì những lý do kinh tế, chính trị của riêng mình. Nước này cũng cần triển khai sức mạnh quân sự ra bên ngoài và tái lập trật tự khu vực theo ý mình. Các dự án BRI vì thế chứa đầy nguy cơ chính trị ở các nước tiếp nhận, khiến Bắc Kinh liên tục lâm vào thế lúng túng khi cố gắng ngấm ngầm xây dựng các dự án quy mô lớn, có khả năng lưỡng dụng không thể che giấu và ít có khả năng sinh lợi, gây nghi ngờ về mục đích của Bắc Kinh và những công cụ cưỡng ép mà Trung Quốc sử dụng để đạt được mục tiêu. Công khai bác bỏ toan tính quân sự sẽ chỉ khiến Trung Quốc chịu thêm nghi ngờ. Trung Quốc khó có thể từ bỏ các tham vọng chiến lược của mình, cải tổ hệ thống chuyên chế trong nước, nỗ lực xóa bỏ tai tiếng về sự can thiệp chính trị và “ngoại giao bẫy nợ” của mình, và hi vọng Mỹ sẽ rời khỏi khu vực. Túi tiền rủng rỉnh chắc vẫn đủ để Trung Quốc giành được Campuchia, nhưng không thể đủ để giành lấy Tây Thái Bình Dương.

Phillip Orchard là nhà phân tích của Geopolitical Futures. Bài viết được dăng trên Geopolitical Futures.

Trần Quang (gt)