Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump có thể dễ dàng xóa bỏ những kế hoạch được sắp đặt kĩ lưỡng trong nhiều thập kỉ qua nhằm tạo lập thế thống trị của Mỹ ở châu Á. 

Dù những chú ý dồn vào sự can dự của Mỹ trong các cuộc chiến tranh, xung đột ở Đại Trung Đông, nhưng các quyết định then chốt về vai trò quyền lực quân sự của Mỹ có thể được đưa ra tại một khu vực hiện chưa xuất hiện chiến tranh nóng: châu Á. Ông Donald Trump sẽ tới Phòng Bầu dục trong tháng 1/2017 – đúng thời điểm các bước chuẩn bị của Lầu Năm Góc cho tương lai liên minh 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn bước vào thời khắc thành bại quyết định. Các kế hoạch này tiến triển ra sao và tổng thống đắc cử sẽ phản ứng như thế nào với chúng có thể sẽ giúp định hình thế giới theo những cách thức quan trọng trong dài hạn. 

Ngày 18/11/2016, ông Shinzo Abe, Thủ tướng có khuynh hướng bảo thủ nhất của Nhật Bản từ sau Chiến tranh Lạnh, là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp với Donald Trump sau khi ông này bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Mức độ mạo hiểm đối với ông Abe là khá cao. Đảng Dân chủ tự do (LDP) cánh hữu nắm quyền tại Nhật Bản trong 70 năm qua là một trong những đồng minh trung thành và tận tụy nhất của Mỹ. Vậy nhưng trong chiến dịch tranh cử, ông Trump làm bẽ mặt ông Abe cũng như giới lãnh đạo Hàn Quốc, bằng những lời đe dọa rút lực lượng Mỹ khỏi 2 nước này nếu họ không có bước đi tự bảo vệ bản thân hơn nữa. 

Điều gây sốc hơn cả là đề xuất của ông Trump rằng Nhật Bản và Hàn Quốc tự phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với sức mạnh gia tăng của Triều Tiên với vị thế quốc gia hạt nhân. Điều này khiến chính phủ 2 nước này bối rối – nhất là Nhật Bản, nước có hàng nghìn người thiệt mạng khi hứng chịu các quả bom nguyên tử do quân đội Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Những tuyên bố này được ông Trump đưa ra bất chấp thực tế đảng LDP trong nhiều thập kỉ qua luôn ủng hộ Mỹ trong các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên, Việt Nam hay Iraq, cùng với đó là việc Chính phủ Nhật Bản hàng năm đều cung cấp khoản kinh phí 2 tỷ USD cho việc duy trì một chuỗi các căn cứ quân sự của Mỹ, nhất là ở Okinawa – nơi đồn trú của hơn 48.000 lính Mỹ. 

Ông Abe rõ ràng là đã có được điều mình muốn. Trong cuộc gặp hơn 1 giờ đồng hồ tại Tòa tháp Trump tọa lạc trên Đại lộ 5, thành phố New York, ông và Tổng thống đắc cử Mỹ đồng ý rằng liên minh quân sự Mỹ-Nhật là ổn định. “Tôi tin tưởng rằng ông Trump là một nhà lãnh đạo mà tôi có thể đặt niềm tin lớn”, ông Abe tuyên bố như vậy trước báo giới. Theo ông, tổng thống đắc cử Mỹ đã tạo dựng niềm tin “cần thiết cho quan hệ Mỹ-Nhật”. 

Cùng ngày, một phái đoàn cấp cao đại diện cho bà Park Guen-Hye, Tổng thống Hàn Quốc đang đối mặt với bê bối (đúng ba tuần sau bà bị Quốc hội luận tội), cũng có mặt ở New York. Bà Park và đảng cánh hữu Saenuri cũng bối rối chẳng kém ông Abe khi nghe giọng điệu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Theo phân tích mới đây của tờ Nhật báo phố Wall, Hàn Quốc trả 900 triệu USD hàng năm – tức khoảng 40% chi phí hoạt động của mạng lưới căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc. Nước này cũng có quan hệ đặc biệt với quân đội Mỹ. Theo điều khoản về Bộ Tư lệnh lực lượng hỗn hợp Mỹ-Hàn được thành lập năm 1978, trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, một tướng Mỹ sẽ nắm quyền chỉ huy không những đối với 28.000 lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc, mà với cả hơn 500.000 binh sĩ Hàn Quốc. 

Nhưng khác với ông Abe, phái đoàn của bà Park chọn cách thảo luận về những quan ngại với tướng về hưu Michael Flynn, người được đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia cho ông Trump. Một vài ngày trước đó, bà Park đã điện đàm hơn 10 phút với tổng thống đắc cử Mỹ. Trong cuộc trao đổi, ông Trump được cho là đã nhấn mạnh sự ngưỡng mộ đối với bước tăng trưởng kinh tế thần kì của Hàn Quốc. “Tôi mua rất nhiều hàng hóa Hàn Quốc, chúng thật tuyệt”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Tướng Flynn cũng tái cam kết liên minh Mỹ-Hàn là “thiết yếu” với Hàn Quốc. Như vậy, nếu nhìn qua, mọi thứ đều ổn và bình thường khi xét đến quan hệ Mỹ với các đồng minh ở Đông Á, 6 tuần trước khi ông Trump chính thức nhậm chức. 

Rung lắc ở châu Á 

Bất chấp quan điểm mềm mỏng của Trump sau bầu cử, chiến thắng của ông tiếp tục gây ra e ngại. Tại Tokyo, giới chính trị Nhật Bản nghi ngờ liên minh với Mỹ khó có thể chịu đựng được cú sốc về tổng thống mới của Mỹ. Khi ông Trump chiến thắng, Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và là nhân vật có ảnh hưởng trong LDP, đã phát biểu trước các phóng viên: “Nhật Bản không thể ngồi chờ và làm những điều do phía Mỹ đưa ra”. Việc công khai bày tỏ sự bất đồng này là một lý do buộc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp rời nhiệm sở Ashton Carter bay tới Tokyo hôm 7/12/2016 nhằm tái khẳng định liên minh Mỹ-Nhật “không giống bất kỳ một liên minh nào”. 

Tương tự vậy là phản ứng từ Seoul. “Hàn Quốc cần phải suy nghĩ nghiêm túc về khả năng tự bảo vệ khi Mỹ - người bạn và người bảo vệ lâu năm - bắt đầu chỉ quen kinh doanh”, tờ Chosun Ilbo đăng bài xã luận hôm 10/11/2016. Trước đó 1 ngày, quân đội Hàn Quốc đã họp khẩn để “đánh giá về các tác động có thể xảy ra” dưới thời Tổng thống Trump và sau đó thành lập đội đặc trách có nhiệm vụ bảo đảm các hiệp định liên minh với Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tới. 

Khi những lo ngại về nước Mỹ thiên về chủ nghĩa dân tộc quét qua châu Á, tuyên bố mạnh miệng của ông Trump trong chiến dịch tranh cử cũng khiến chính giới ở Washington chột dạ. Các kế hoạch được Lầu Năm Góc chuẩn bị kỹ cùng với chính sách đối ngoại được định hình nhằm đạt tới quan hệ quân sự bền chặt hơn với Nhật Bản và Hàn Quốc dường như bất ngờ bị đe dọa. Để thách thức tầm quan trọng của các liên minh như vậy, ông Trump có thể đặt dấu hỏi về bản chất của sự thống trị về quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương từ sau Chiến tranh thế giới 2, cũng như vai trò thiết yếu của Nhật Bản và Hàn Quốc như là các căn cứ tiền duyên đối với Lầu Năm Góc trong việc “kiềm chế” Trung Quốc - cường quốc trỗi dậy ở châu Á. 

Cũng cần phải thấy rõ một điểm nữa: Việc ông Trump đe dọa rút lực lượng Mỹ khỏi khu vực đã làm suy yếu chiến lược “xoay trục” của chính quyền Obama vốn hướng đến mục tiêu duy trì sức mạnh quân sự lớn nhất của Mỹ tại khu vực kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Việc chuyển đổi nguồn lực quân sự sang châu Á này phụ thuộc nhiều vào cấu trúc căn cứ được xây dựng từ Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, cũng như vào 100.000 lính Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc như hiện nay. Lo ngại của giới hoạch định chính sách đã bắt đầu xuất hiện ở Washington sau chiến thắng của Trump. 

John Hamre, cựu Thứ trưởng Quốc phòng và hiện là Chủ tịch, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), bày tỏ tại hội thảo bàn về nâng cao hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc hôm 21/11/2016: “Tổng thống đắc cử nói những điều khá kỳ lạ về đồng minh của chúng ta”. Hamre cũng gián tiếp chỉ trích ông Trump vì lời bình luận ngụ ý “quân đội Mỹ ở Hàn Quốc không giúp gì cho nước Mỹ, chỉ là giúp Hàn Quốc” và cho rằng tổng thống đắc cử cần phải hiểu rằng “chúng ta nhận thấy lợi ích chiến lược của chúng ta đang bị đe dọa ở Hàn Quốc”, điều này “đòi hỏi Mỹ hiện diện ở đó. Chúng ta nên biết ơn khi có được một đồng minh mạnh mẽ như Hàn Quốc”. 

Củng cố liên minh 3 bên trước khi ông Trump lên nắm quyền 

Trong vài năm qua, Lầu Năm Góc và Chính quyền Obama đã nhân thời điểm Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự cùng với bế tắc trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc, tiến đến một tầm nhìn hoàn chỉnh về sự áp đảo của Mỹ ở Thái Bình Dương. Chưa bao giờ được tuyên bố công khai, nhưng giới chức Mỹ đã dồn nỗ lực thiết lập liên minh 3 bên mà theo đó sẽ chuyển đổi quân đội Nhật Bản và Hàn Quốc thành lực lượng “ủy nhiệm” có khả năng giúp Mỹ mở rộng quyền lực và ảnh hưởng hơn nữa ở châu Á và có thể trên thế giới. 

Vào đêm Donald Trump chiến thắng, những sắp xếp như vậy đã nhanh chóng được thúc đẩy. Năm 2016 qua đi, Lầu Năm Góc tỏ ra vội vã thúc đẩy chính sách “xoay trục” và quân sự hóa khu vực trước khi ông Trump có thể hành động. Dưới đây là những động thái liên quan đến chuẩn bị cho sự ra đời của liên minh 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn. 

(1) Ngày 23/11/2016, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên ký Thỏa thuận An ninh thông tin quân sự chung, bước hợp tác tình báo quân sự đầu tiên giữa 2 nước. Lầu Năm Góc từ lâu đã nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận này, xem đây là cách thức thắt chặt liên minh 3 bên. Khi đàm phán giữa Tokyo và Seoul thất bại năm 2012, giới chức Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục 2 bên quay lại tiến trình. 

(2) Việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đặt trên tàu chiến nhằm vào Trung Quốc và Triều Tiên mà sẽ kết nối Washington, Tokyo và Seoul. Không quá ngạc nhiên khi động thái này gây ra quan ngại sâu sắc ở Bắc Kinh, cũng như khả năng đối mặt với làn sóng người dân Hàn Quốc phản đối việc xây dựng một tổ hợp hải quân lớn, cần thiết để Hàn Quốc tham gia hệ thống đặt tại đảo Jeju. 

(3) Bước chuyển lịch sử trong Luật An ninh quốc gia Nhật Bản năm 2015, lần đầu tiên cho phép chính phủ cử binh sĩ thuộc “Lực lượng phòng vệ” (SDF) tham gia các chiến dịch quân sự ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tại Hàn Quốc, điều này được xem như là một cơ chế luật pháp mở đường cho lực lượng Nhật Bản đến một thời điểm nào đó triển khai quân đội trên bán đảo Triều Tiên trong trường hợp xuất hiện nguy cơ chiến tranh đến từ Triều Tiên. 

(4) Gia tăng sức ép về kinh tế và quân sự nhằm vào Triều Tiên, trong đó có việc điều máy bay ném bom tàng hình mang vũ khí hạt nhân B-2 bay trên bầu trời Hàn Quốc, thắt chặt lệnh cấm vận kinh tế đơn phương nhằm vào nhà lãnh đạo Kim Jong-un và nhiều cố vấn quân sự hàng đầu của ông. Ngoài ra, Mỹ gia tăng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc, bao gồm cả 2 việc diễn tập đòn tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, cũng như việc “ám sát” các lãnh đạo của Triều Tiên. Nói cách khác, đây chính là cách thức từng được tiến hành nhưng không tuyên bố công khai ở Đại Trung Đông và Bắc Phi: Thay đổi thể chế. Cả ông Abe và bà Park đều đứng sau những diễn biến như vậy, Chính quyền Hàn Quốc trên thực tế hối thúc Lầu Năm Góc hành động mạnh mẽ hơn nữa. 

(5) Quyết định của Lầu Năm Góc triển khai thường trực hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc - hành động này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc. Gần đây, quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết đang nghiên cứu ý tưởng triển khai các tổ hợp THAAD ở Nhật Bản. 

Cảnh sát và kẻ trộm toàn cầu 

Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt năm 1991, lý do bấy lâu để Mỹ đóng quân tại châu Á - đối phó với chủ nghĩa cộng sản - đột nhiên trở nên thiếu thuyết phục. Giới chức Mỹ bắt đầu chuyển sang thúc đẩy ý tưởng rằng sự hiện diện thường trực ở châu Á là thiết yếu cho các mục tiêu bảo vệ “ổn định”. 

Hai thập kỉ sau đó, khái niệm “ổn định” mơ hồ để phục vụ cho sự thống trị của Mỹ ở Thái Bình Dương vẫn là cái cớ chủ chốt cho việc triển khai “xoay trục” sang châu Á. Đúng như ông Carter đã thể hiện trong trong bài viết gần đây trên tạp chí Foreign Affair: “…Mỗi một chuyến viếng thăm của tàu chiến, tuần tra của máy bay, tập trận và tác chiến (trong khuôn khổ của chiến lược ‘xoay trục’) đều đóng góp vào việc tạo ra ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương”. 

Nhưng để là cảnh sát khu vực và toàn cầu, Mỹ cần có sự giúp đỡ. Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, giới chức Mỹ đã gây sức ép buộc Nhật Bản nới lỏng bản Hiến pháp hòa bình, cho phép lực lượng nước này tham gia các liên kết quân sự với Mỹ. Chiến dịch này cuối cùng cũng cho kết quả, khi ông Abe đã thay đổi luật an ninh mới năm 2015. 

Sự kiện mang tính xô đẩy: Phản ứng của Mỹ và Nhật Bản sau thảm họa động đất và rò rỉ hạt nhân tại Fukushima tháng 3/2011. Lực lượng quân sự Mỹ ở Nhật Bản đã đóng vai trò then chốt trong các chiến dịch giải cứu sau đó. Ông Abe đã rút ra bài học từ sự hợp tác này để thuyết phục chính giới Nhật Bản thông qua luật an ninh mới cho phép Nhật Bản thực hiện quyền “phòng vệ tập thể”, và lần đầu tiên kể từ năm 1945 cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cung cấp hỗ trợ hậu cần toàn cầu cho lực lượng Mỹ và đồng minh nước ngoài. Kết quả là khi luật này chính thức có hiệu lực vào năm 2016, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự hỗn hợp đầu tiên, và đến tháng 9 ký Thỏa thuận hậu cần mới, cho phép SDF cung cấp nhiên liệu, đạn dược cho quân đội Mỹ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. 

Ngày 21/11/2016, 3 ngày sau khi ông Abe có cuộc gặp với Tổng thống đắc cử Trump, nhóm binh sĩ đầu tiên của SDF “được phép sử dụng vũ khí để chống lại kẻ thù nguy hiểm khi tham gia các chiến dịch bảo vệ và cứu hộ ở nước ngoài” đã rời Nhật Bản để tới Sudan. Bất chấp phản đối của phần đông người dân Nhật Bản về bước đi này, ước mơ về phòng vệ tập thể toàn cầu dưới quyền lãnh đạo của Mỹ giờ đang hình thành. 

LDP của ông Abe từ lâu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ một trụ cột khác trong chiến lược của Washington ở Thái Bình Dương: duy trì đảo Okinawa như là một căn cứ tiền tiêu lớn đối với lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Trong những năm 1990, Washington buộc phải đồng ý giảm quy mô căn cứ Futenma, chuyển lính Mỹ tới Guam sau nhiều vụ biểu tình trên phạm vi toàn quốc ở Nhật Bản phản đối vụ việc một lính Mỹ cưỡng hiếp và giết hại một bé gái ở Okinawa. Nhưng sau nhiều cuộc đàm phán kéo dài cùng với sức ép mạnh mẽ từ Chính quyền Tổng thống Bush và sau đó là Obama, thỏa thuận rút gọn cho phép lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ xây căn cứ mới ở vịnh Henoko, phía Bắc Okinawa. Hầu như toàn bộ cư dân và giới chức Okinawa từ tỉnh trưởng trở xuống đều kịch liệt phản đối ý tưởng này. 

Vài năm qua, lực lượng cảnh sát quốc gia của ông Abe đã can dự vào các cuộc đụng độ thường ngày với người dân đấu tranh chống một dự án mở rộng như vậy – một tình huống có thể sẽ mang tính quyết định hơn trong vài tháng đầu dưới nhiệm kỳ của ông Trump. Nhưng một tình huống chính trị tương tự vậy cũng có thể sẽ xuất hiện ở Hàn Quốc. 

Gia tăng căng thẳng 

Nếu Nhật Bản là nơi đồn trú của 45.000 lính không quân, binh sĩ, thủy thủ Mỹ, Hàn Quốc lại có vai trò thiết yếu với Washington vì đây là nơi duy nhất ở đất liền châu Á có sự hiện diện của bộ binh Mỹ. Tuy Mỹ lấy thái độ thù địch của Triều Tiên và chương trình hạt nhân của nước này là lý do cơ bản để triển khai quân sự tại Hàn Quốc, quân đội Mỹ cũng xem lực lượng đóng tại Hàn Quốc có tầm quan trọng đối với “sự triển khai sức mạnh toàn cầu”. 

Trong một báo cáo mới được công bố gần đây, Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) lý giải cách đánh giá theo quan điểm của Lầu Năm Góc như sau: Hàn Quốc là nơi duy nhất ở lục địa châu Á có binh sĩ Mỹ đóng chốt. Sự hiện diện quân sự trên bán đảo khiến Hàn Quốc trở thành vị trí “đầu cầu” địa chính trị then chốt với Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thứ hai, liên minh Mỹ-Hàn cũng đem lại vùng lãnh thổ trên thực tế để từ đó giải quyết thách thức Triều Tiên… Mục đích chính của liên minh là răn đe Triều tiên, nhưng cũng là công cụ thiết yếu cho cả Seoul và Washington trong định hình trật tự khu vực đang hình thành ở châu Á và vai trò tương ứng của hai bên trong trật tự này. 

Chất xúc tác cho bất kỳ một kế hoạch nào như vậy dĩ nhiên là vấn đề Triều Tiên. Những năm gần đây, chính quyền Obama từ chối tham gia bất kỳ một hình thức đàm phán nào với Bình Nhưỡng hay lãnh đạo Kim Jong-un, trừ khi Triều Tiên trước hết đồng ý với việc hủy bỏ chương trình hạt nhân mà nước nay xem là cốt yếu cho sự tồn vong của chính quyền. 

Kể từ khi ông Obama nhậm chức tháng 1/2009, Triều Tiên trên thực tế đã củng cố vững chắc tiềm lực quân sự. Nước này đã bốn lần thử vũ khí hạt nhân và bắt tay chế tạo nhiều loại tên lửa khác nhau. Đáp lại, Lầu Năm Góc không ngừng tăng cường chuẩn bị quân sự, một phần là qua các cuộc diễn tập thường niên quy mô lớn với Hàn Quốc, đồng thời tiếp tục cho các máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân tuần tra trên bầu trời Hàn Quốc. 

Những bước đi này chỉ khiến căng thẳng với miền Bắc và nước láng giềng Trung Quốc gia tăng, khuấy động các phong trào phản đối mạnh mẽ ở Hàn Quốc. Nếu như thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản thực sự là bước đi tất yếu tiếp theo trong đối đầu với Triều Tiên, nó chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều nghị sĩ và nhiều người dân Hàn Quốc – những người cũng có thái độ cứng rắn chống triển khai THAAD. Giờ đây khi chính phủ của bà Park đang loạng choạng, Lầu Năm Góc chợt lo ngại những chính sách theo đuổi bấy lâu sẽ chệch hướng, tệ hơn là hai tổng thống mới của Hàn Quốc (bầu cử dự kiến tiến hành trong tháng 12/2017) và Mỹ có thể sẽ đẩy liên minh chiến lược 3 bên vào thế bất định. 

Những tín hiệu xấu đã xuất hiện. Tháng 12/2016, tờ Nước Mỹ ngày nay đưa tin làn sóng chống Tổng thống Park gia tăng có thể sẽ làm thay đổi các ưu tiên của Hàn Quốc, theo đó “chính sách ủng hộ Mỹ của bà Park Geun Hye đang gặp nguy hiểm khi bà dường như bị buộc phải ra đi do liên quan đến bê bối tham nhũng”. Hãng tin CNBC bình luận “…lời hứa của Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai công nghệ phòng thủ tên lửa trên phần lãnh thổ của mình có thể tan vỡ” sau kết cục chính trị của bà Park. 

Nhận thức được làn sóng chỉ trích gia tăng, Lầu Năm Góc đã nhân đôi quyết tâm về THAAD. Khi được phóng viên hãng tin Yonhap đặt câu hỏi rằng việc luận tội Tổng thống Park Geun Hye có ảnh hưởng gì đến việc triển khai THAAD, một quan chức quốc phòng Mỹ đã nói kế hoạch “vẫn tiếp tục và liên minh sẽ tiến lên với kế hoạch đó”. 

Giải pháp thay thế ở châu Á? 

Việc Donald Trump xử lý những vấn đề trên như thế nào hiển nhiên vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nêu ra khả năng đối thoại trực tiếp với ông Kim Jong-un để giảm căng thẳng đối đầu hạt nhân với Triều Tiên – một ý tưởng từng được nhiều chuyên gia Hàn Quốc và quan chức Mỹ trước đây ủng hộ. Sau khi giành chiến thắng, Tổng thống đắc cử Mỹ cùng với dàn phụ tá lại im lặng về chủ đề này. Dựa trên những gì mà ông Trump và Cố vấn an ninh quốc gia được đề cử Michael Flynn trao đổi với phía Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể chính quyền mới ở Mỹ sẽ không có các bước đi mạnh bạo tức thì gây tổn thất cho liên minh 3 bên hay hủy hoại chính sách của Mỹ tại khu vực trong vài tháng đầu. Thế nhưng trong bầu không khí khó đoán định dưới thời Donald Trump, thật khó để biết trước điều gì sẽ xảy ra. 

Việc đề cử Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia và tướng về hưu James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy tình yêu của ông Trump đối với Lầu Năm Góc và những vị tướng quyết đoán có thể chiến thắng bất kỳ mong muốn nào phá hỏng kế hoạch quân sự của Mỹ tại châu Á, đảo nghịch diễn tiến chính sách đã định hình trong ba thập kỉ qua. 

Donald Trump hẳn nhiên là người khó đoán định, nhưng ở thời điểm hiện nay, lực lượng phản kháng thực sự duy nhất đối với nguyên trạng có lẽ là phong trào dân chủ đối lập ở Hàn Quốc, phong trào chống căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa và phần còn lại của phong trào hòa bình tại chính nước Mỹ. Thật không may, khi Lầu Năm Góc dồn nỗ lực quân sự tại châu Á, phong trào phản chiến ở Mỹ đã gần như bỏ qua châu Á trong nhiều thập kỉ kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. 

Khi mọi người thích nghi cuộc sống dưới thời Donald Trump, có lẽ đây là điều khôn ngoan khi bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế cho chính sách quân sự hóa của Mỹ ở châu Á, hướng đến quan hệ bình đẳng hơn với Nhật Bản và Hàn Quốc và từ bỏ cách tiếp cận đối đầu với Triều Tiên và Trung Quốc. Có thể các cuộc biểu tình rầm rộ cùng những ngọn nến cầu nguyện thu hút hàng triệu người tụ tập trên các tuyến phố ở Seoul và nhiều thành phố khác ở Hàn Quốc, bất chấp tình hình an ninh bất ổn ở Đông Á, sẽ chỉ cho chúng ta con đường.

Tim Shorrock là nhà báo tại Washington và là tác giả của Spies for Hire: The Secret World of Intelligence Outsourcing. Bài viết được đăng trên The Nation.

Văn Cường (gt)