Trong cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, khẩu hiệu chiến đấu chính của hàng triệu người biểu tình chống lại chế độ Pahlavi là lời kêu gọi dân tộc chủ nghĩa mãnh liệt “Không có phương Tây hay phương Đông, chỉ có Cộng hòa Hồi giáo”. Đó là một tuyên bố mạnh mẽ và rõ ràng về sự tự quyết và độc lập dân tộc, một trong những nguyên tắc hình thành nước Cộng hòa Hồi giáo Iran . 

Từ sự khởi đầu đó, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã dựa vào mối quan hệ phát triển với các cường quốc phương Đông cũng như các quốc gia không liên kết khác để bảo đảm cho một giải pháp về sự phồn vinh trong nước cũng như quan hệ quốc tế. Trong chính sách ngoại giao của Iran, xu hướng này được gọi là “chính sách hướng Đông,” đã phát triển hơn trong khoảng một thập kỷ qua. Có hai lý do chính để Iran phát triển xu hướng này. Thứ nhất là do mối bất hòa gia tăng giữa Iran và các nước phương Tây về căng thẳng gay gắt liên quan đến chương trình hạt nhân của Têhêran. Thứ hai là một sự chuyển dịch từ từ nhưng đáng chú ý trong sự phân cực của các cường quốc toàn cầu, đặc biệt là sự vươn lên của các cường quốc mới nổi tại châu Á. 

Kết quả là Iran đã trải qua một giai đoạn gia tăng quan hệ đáng kể về ngoại giao và kinh tế với các cường quốc mới nổi như Braxin, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Tuy nhiên, đặc biệt là Trung Quốc - với tầm ảnh hưởng toàn cầu và nguồn lực quân sự, tài chính, công nghệ dồi dào - đã trở thành đối tác nước ngoài quan trọng nhất của Iran. Sự tập trung ngày càng nhiều của Trung Quốc đến Iran đã tăng lên chủ yếu trong nhiệm kỳ của Chính quyền Mahmoud Ahmadinejad (2005-2013). Đến năm 2007, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Iran . 

Nhận thức về vai trò ngày càng tăng của Bắc Kinh trong các vấn đề quốc tế và sự phụ thuộc cũng ngày càng nhiều vào nhập khẩu dầu mỏ phục vụ cho nền kinh tế đang bùng nổ, Tổng thống Ahmadinejad - đặc biệt trong những năm đầu cầm quyền - đã phát hiện một cơ hội tuyệt vời để hạn chế những hiệu ứng tiêu cực từ chính sách đối đầu với phương Tây bằng việc nghiêng vào quỹ đạo của Trung Quốc. Quan điểm này đối nghịch với các chính quyền trước đó của Seyyed Mohammad Khatami và Akbar Hashemi Rafsanjani, những người đã ưu tiên tái sinh mối quan hệ với các nước công nghiệp phát triển tại châu Âu. 

Trong những thập kỷ gần đây, Iran đã xử sự khôn khéo dựa vào những mối quan tâm ngày càng nhiều của Trung Quốc để bảo đảm nguồn cung năng lượng với chi phí phù hợp và hình thành một đối trọng chiến lược đối với sự bá chủ của Mỹ tại vùng Vịnh Pécxích. Đối với Bắc Kinh, Iran cũng là một lựa chọn hoàn hảo bởi Têhêran vừa là một nhà cung cấp năng lượng lớn trên thế giới, vừa là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại tại khu vực Trung Đông. Chính vì thế, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Iran được xem là một sự hội tụ hoàn hảo cho lợi ích song phương, tạo nên một thời kỳ quan hệ chính trị-quân sự, đầu tư thương mại bùng nổ trong những năm qua. 

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, quan hệ giữa hai nước này đã trải qua một thời kỳ “tạm lắng”, dịch chuyển sang các xu hướng chiến lược khác. Iran đang nỗ lực đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm làm suy yếu Iran và cũng tránh đối đầu trực tiếp với phương Tây, trong khi Trung Quốc phải đương đầu với đà suy giảm kinh tế, căng thẳng tăng cao về tranh chấp lãnh hải tại các vùng biển xung quanh và sự bất ổn xã hội gia tăng trong giai đoạn nhạy cảm khi chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Ý tưởng về khối đồng minh Trung Quốc - Iran nhằm đối đầu với sự bá chủ của phương Tây tại một khu vực xa xôi trong lục địa châu Á đã mất đi phần nào sự rõ ràng và động lực ban đầu. Điều này có thể giải thích tại sao sự nản lòng ngày càng tăng của Iran được thể hiện trong mối quan tâm nghiêm túc đến việc tái sinh mối quan hệ với phương Tây, trong đó có Mỹ, để kiềm chế những ảnh hưởng của vấn đề khủng hoảng từ chương trình hạt nhân. Có lẽ, Têhêran đang bắt đầu nhận ra sự mong manh ngày càng tăng của chính sách “hướng Đông”. 

Cặp đôi hoàn hảo 

Iran và Trung Quốc thường thể hiện là các đồng minh tự nhiên, với việc một số nhà bình luận phương Tây thậm chí đã cho rằng hai nước này - cùng với Nga - là trung tâm của trục toàn cầu chống phương Tây. Thậm chí, sự hình thành quốc phòng của Mỹ cũng đã phản ánh quan điểm này và thể hiện rõ ràng trong Đánh giá Chiến lược Quốc phòng Mỹ 2012, trong đó Iran và Trung Quốc được xác định đặc biệt là các “thách thức cơ bản” đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong thế kỷ 21. 

Về ý thức hệ, hai cường quốc theo chủ nghĩa xét lại này đã luôn cười nhạo - và cố gắng làm suy giảm - vai trò lãnh đạo của Mỹ tại hai khu vực quan trọng nhất thế giới, là Vịnh Pécxích (chiếm gần một phần ba lượng chuyên chở dầu bằng đường biển) và lòng chảo Thái Bình Dương (trung tâm mới của thế giới về sự hấp dẫn kinh tế và địa chiến lược). 

Cả hai nước này cũng có chung những thách thức tại các khu vực tương ứng. Iran nhất quyết bảo vệ chương trình hạt nhân của mình cũng như chủ quyền lãnh thổ tại Vịnh Pécxích chống lại liên minh các vương quốc Arập do Mỹ lãnh đạo. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tham gia cuộc chiến của riêng mình nhằm nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông và Biển Hoa Đông trong bối cảnh có sự hiện diện của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương - được hỗ trợ bởi các đồng minh khu vực như Nhật Bản, Philíppin và Ôxtrâylia. Xét về mặt này, cả hai nước đều cảm thấy họ bị bao quanh bởi một “chuỗi ngọc trai” bao gồm Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại khu vực. 

Tất cả những điều trên đã giúp hình thành nên ý tưởng về mối quan hệ hợp tác Trung Quốc-Iran để bổ sung kinh tế hoàn hảo cho nhau. Với vị trí hàng đầu thế giới về trữ lượng dầu (thứ tư) và khí đốt (thứ hai), Iran là một ứng viên hoàn hảo cho nhu cầu năng lượng gia tăng của Trung Quốc. 

“Phần thưởng Ba Tư” lớn nhất của Trung Quốc dựa vào các khu phức hợp ở khu vực phía Nam rộng lớn của Iran, nơi mà trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới gần như vẫn chưa được khai thác. Với năng lực hạn chế về tài chính và công nghiệp, Iran dựa vào các công ty năng lượng châu Á và châu Âu để khai thác nguồn năng lượng của nước này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây các công ty châu Âu đã giảm đầu tư do căng thẳng gia tăng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran , khiến Têhêran ngày càng phụ thuộc vào các đối tác Trung Quốc có lợi thế lớn về công nghệ tiên tiến. 

Bắc Kinh cũng tích cực trong việc mở rộng tại Iran và về lĩnh vực cơ sở hạ tầng phức tạp liên quan, với việc các công ty Trung Quốc thường xuyên chiếm lĩnh các dự án xây dựng và giao thông lớn tại nhiều nơi, chẳng hạn như Têhêran, thành phố lớn thứ hai khu vực Trung Đông. Nhận thấy lượng lớn nhu cầu tiêu dùng của Iran, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng cấp vốn với những điều kiện thương mại tương đối lỏng lẻo dưới thời Chính quyền dân túy của ông Ahmadinejad, và được đáp lại bằng một quãng thời gian đồng rial mạnh lên và thuế suất thấp. Kết quả là thương mại song phương đã tăng trưởng ở mức hai con số trong những năm gần đây, khoảng trên 30 tỷ USD, trong khi các cam kết đầu tư của Trung Quốc vào Iran được cho là ở mức từ 40 tỷ USD đến 100 tỷ USD. 

Quan trọng nhất, Trung Quốc cũng đóng vai trò là một nguồn cung cấp công nghệ hiện đại cho Iran . Trong những năm 1990, Trung Quốc đã giúp đỡ Iran xây dựng các cơ sở nghiên cứu hạt nhân tại Isfahan . Trong những năm 2000, Trung Quốc cung cấp cho Iran công nghệ cần thiết, đào tạo và hỗ trợ kinh nghiệm trong một số lĩnh vực về công nghệ vệ tinh và đạn đạo - xương sống cho khả năng quân sự phi hạt nhân của Iran. 

Trong con mắt các nhà lãnh đạo Iran, nhịp độ tăng trưởng nhanh về mặt công nghệ và kinh tế đã khiến Trung Quốc trở thành một sự thay thế ngày càng hấp dẫn cho các nước phương Tây, những nước đóng vai trò trợ giúp cho quá trình hiện đại hóa trong phần lớn giai đoạn lịch sử trước kia của Iran. Điều này lý giải sự tự tin của Iran về lập trường kiên định trong vấn đề hạt nhân và tư thế thách thức đối với phương Tây, đặc biệt là dưới sự nhìn nhận của Tổng thống Ahmadinejad. 

Theo đánh giá của Têhêran, cái giá của việc đối đầu với phương Tây có thể được bù đắp hoàn toàn bằng mối quan hệ bùng nổ với các cường quốc mới nổi như Trung Quốc. Iran cũng tự tin với nhiều lần phủ quyết của Trung Quốc đối với đề xuất trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran tại Hội đồng Bản an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Bị ấn tượng bởi Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Iran đã dự định thực thi “mô hình Trung Quốc”, dựa trên sự cân bằng tài tình giữa chuyển biến kinh tế năng động và chính trị tương đối ổn định. 

Kiểm chứng thực tế 

Tuy nhiên, điều làm gián đoạn bức tranh gần như hoàn hảo về quan hệ đối tác bùng nổ Iran - Trung Quốc là nỗ lực thành công của Chính quyền Barack Obama nhằm cô lập Iran, đạt được thông qua cơ chế trừng phạt mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương. 

Năm 2012 được xem là một mốc thời gian minh chứng quan trọng cho mối quan hệ Iran - Trung Quốc, kiểm chứng những hạn chế trong mối quan hệ song phương. Từ tháng 6/2011, Trung Quốc đã bắt đầu dao động quan điểm ủng hộ Iran bằng việc thuận theo các cường quốc phương Tây, những nước đã bác bỏ “thỏa thuận trao đổi hạt nhân” tại Têhêran do Braxin và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian và áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran. Trung Quốc cũng bắt đầu do dự đối với các khoản tiền hàng tỷ USD thanh toán nguồn dầu từ Iran , viện cớ những khó khăn tăng lên do các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với ngành tài chính Iran . Về điểm này, một giai đoạn nguội lạnh đã được hình thành. 

Khi các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Iran hồi đầu năm 2012, Trung Quốc đã dùng biện pháp đưa ra chỉ trích mạnh mẽ, tuy nhiên những hành động của Trung Quốc lại không như những gì Têhêran kỳ vọng. Trung Quốc không chỉ từ chối tăng thực tế nhập khẩu dầu theo đúng như lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), làm giảm gần 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Iran, mà còn tạm ngừng hầu hết cam kết đầu tư vào các dự án năng lượng quan trọng tại Iran. 

Hồi đầu năm nay, ngay khi các lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu gần 50% dầu từ Iran . Trung Quốc cũng cử một đặc phái viên kỳ cựu đến các nước tại Vùng Vịnh để đàm phán các nguồn dầu thay thế và ký các hợp đồng dài hạn, đồng thời cảnh báo Iran về bất kỳ hành động nào đe dọa đến tự do hàng hải tại Eo biển Hozmuz - quân bài chiến lược chính của Iran . 

Sau nhiều tháng mặc cả, Trung Quốc đồng ý tăng nhập khẩu, nhưng không cao hơn đáng kể so với mức trung bình của những năm trước. Đến tháng Sáu, Trung Quốc lại giảm nhập khẩu dầu thô của Iran, lần này là 25%, để đạt được sự từ bỏ miễn trừ trừng phạt từ Bộ Ngoại giao Mỹ. 

Bắc Kinh thúc đẩy tầm quan trọng đang tăng của nước này trong vòng thương mại hạn hẹp của Iran bằng việc đề xuất các hợp đồng có lợi hơn, giảm giá mạnh hơn và thanh toán linh hoạt hơn. Trong khi đó các sản phẩm giá rẻ và được trợ cấp của Trung Quốc đã chèn ép ngành công nghiệp trong nước của Iran, vốn đang gặp khó khăn với sự giảm giá của đồng nội tệ và thiếu sự tiếp cận các sản phẩm trung gian và những hạn chế tài chính ngột ngạt do các lệnh trừng phạt mới của phương Tây. Kết quả là Iran ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận ngoại tệ, khó khăn trong sản xuất dầu (do xuất khẩu giảm), và trong cung cấp công nghệ cần thiết cho các nhà sản xuất của mình. 

Thậm chí cả trong vấn đề hạt nhân, Trung Quốc không chỉ kiệm lời hơn trong việc đứng về phía Iran trong việc đối đầu với áp lực ngày càng tăng từ bên ngoài, mà Bắc Kinh còn tăng áp lực đối với Têhêran về việc xem xét tính minh bạch và mềm dẻo hơn trong vấn đề hạt nhân. 

Hồi đầu tháng Sáu, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã trao đổi với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad rằng “Trung Quốc hy vọng phía Iran có thể cân nhắc tình hình, có những bước tiến thực tế và mềm dẻo hơn và tiến hành đàm phán nghiêm túc với cả sáu nước liên quan (năm nước Ủy viên thường trực HĐBA LHQ và Đức) và tăng cường đối thoại và hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để bảo đảm các căng thẳng có thể được xoa dịu thông qua đàm phán”. 

Thậm chí với việc Trung Quốc trải qua một quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo, khó thấy được bất kỳ một tín hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ lựa chọn chuyển hành động hướng về phía Iran . Nhận thức về sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc, những người theo chủ nghĩa dân tộc và thực dụng tại Iran đang bắt đầu nhận ra mặt lợi của việc tiếp cận nhanh với phương Tây. Điều này giải thích tại sao Iran đã bày tỏ mong muốn đối thoại song phương với Mỹ để giải quyết dứt khoát hơn vấn đề hạt nhân. Sau tất cả những điều đó, mong muốn cuối cùng của Iran là độc lập, không phải nhảy từ con thuyền này sang con thuyền khác.

Richard Javad Heydarian là nhà phân tích đối ngoại về Iran và an ninh quốc tế, là tác giả của cuốn sách sắp được xuất bản “The economics of Arab Sring: How Globalization Failed the Arab World”. Bài viết được đăng trên Asia Times Online.

Văn Cường (gt)