Giới ngoại giao và các nhà phân tích trên thế giới thường nghĩ rằng Indonesia dưới thời Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo không còn quan tâm tới các vấn đề khu vực và quốc tế. Tệ hơn nữa, quốc gia “vạn đảo” bị cáo buộc đã trở nên hướng nội, theo đuổi chính sách ngoại giao lấy mình làm trung tâm, bất chấp dư luận quốc tế và thậm chí từ bỏ ASEAN.

Tất nhiên, Indonesia không như vậy. Trong bài phát biểu tại Viện Brookings ở Washington DC vào tháng Mười vừa qua, Tổng thống Jokowi đã phản đối sự mô tả chính sách đối ngoại của Indonesia kiểu như vậy. Ông Jokowi đã đưa ra chương trình nghị sự đối ngoại, từ cách Indonesia đối phó với các vấn đề phức tạp trên toàn cầu như biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự căng thẳng trong khu vực Đông Nam Á. Ông thậm chí còn tuyên bố rõ: "Chúng tôi không phải đang theo đuổi chính sách hướng nội".

Tuy nhiên, nhận thức quốc đảo theo đuổi chính sách hướng nội vẫn còn. Vấn đề là nhiều người có xu hướng đánh giá việc tham gia các hội nghị thượng đỉnh như một chỉ số thể hiện sự quan tâm đến đối ngoại, nơi các nhà lãnh đạo đưa ra các bài phát biểu dài đầy ngôn từ đẹp đẽ, các lời hứa hẹn gây phấn khích, cẩn thận lựa chọn các câu trích dẫn và các lời cam kết “chót lưỡi đầu môi”. Đưa ra đánh giá công bằng về chính sách đối ngoại của một quốc gia không nên chỉ dựa vào sự hùng biện của giới lãnh đạo mà nên xem đó như một nỗ lực tập thể của các cơ quan làm chính sách đối ngoại và ngoại giao. Quan trọng hơn, nó nên được hiểu là một quá trình phức tạp của việc chuyển lời nói thành hành động, nơi mà quyền lợi và nghĩa vụ phải được hợp nhất với nhau.

Chính sách đối ngoại của Indonesia dưới thời Jokowi nên được hiểu như một biểu thức cân bằng lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế. Ông Jokowi được bầu với nhiệm vụ rõ ràng là giải quyết các vấn đề trong nước đang ngổn ngang của Indonesia. Vì vậy, sẽ là lẽ tự nhiên khi ông dành nhiều thời gian và năng lượng để giải quyết các vấn đề ưu tiên trong nước. Ông cũng hiểu rõ tầm vóc quốc tế của một quốc gia không “có nghĩa lý gì” nếu trong nước không có một nền tảng vững mạnh, đặc biệt là về kinh tế. Tuy nhiên, tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước không có nghĩa Indonesia không nhận thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với các đối tác và bạn bè khắp thế giới.

Sự can dự vào các vấn đề của khu vực và toàn cầu của Indonesia vẫn còn mạnh mẽ. Mặc dù còn nhiều vấn đề bức xúc ở trong nước, song ông Jokowi đã công du Mỹ, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Kuala Lumpur, COP21 ở Paris. Bên cạnh những chuyến công du này, ông đã có một số cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo đến thăm Jakarta. Sự tham gia vào các vấn đề trong khu vực của Indonesia cho thấy chính quyền Jokowi đã không mất đi sự tích cực chiến lược. Ngày 17/12, Indonesia cùng Nhật Bản tổ chức Hội nghị Bộ trưởng "2+2" với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng của cả hai nước. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa Nhật Bản và một nước thành viên ASEAN, kết thúc với những kết quả quan trọng, làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược giữa Indonesia và Nhật Bản trên một số lĩnh vực như hợp tác an ninh hàng hải, mua sắm vũ khí, tăng cường năng lực của hải quân và chuyển giao công nghệ.

Sau đó, từ Tokyo, Ngoại trưởng Retno Marsudi và Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu đã bay đến Úc để cùng đối tác tham dự một Hội nghị "2+2" khác tại Sydney nhằm thảo luận những thách thức toàn cầu, an ninh khu vực và một số vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ song phương như nạn buôn người. Hội nghị này rõ ràng cho thấy quan hệ Indonesia- Úc đã trở lại bình thường. Là láng giềng gần gũi, không có lựa chọn nào khác cho cả Indonesia và Úc ngoài việc hợp tác thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược. Trước khi có cuộc họp "2+2" với Nhật Bản và Úc, Indonesia đã đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác hơn nữa về an ninh hàng hải giữa các thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Kuala Lumpur vào tháng trước. Trong bối cảnh cạnh tranh sức mạnh hải quân và tranh chấp biển đảo gia tăng, sáng kiến ​​của Indonesia rõ ràng thể hiện nhận thức rằng quốc đảo này không chỉ có vị trí chiến lược nằm giữa hai đại dương - Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - mà còn có trách nhiệm khi nằm ở vị trí này.

Rizal Sukma, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Jakarta; Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Joko Widodo. Bài viết được đăng trên The Jakarta Post.

Văn Cường (gt)