Sau hơn 5 năm nghiên cứu khả thi và tích cực vận động hành lang, các quan chức Nhật Bản nghĩ rằng mình sắp thành công với dự án đường sắt cao tốc tại Indonesia. Tuy nhiên, Trung Quốc đã xuất hiện. Hiromichi Muraoka, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Indonesia, cho biết: “Đột nhiên, Bộ trưởng Các doanh nghiệp nhà nước Indonesia công bố họ đã làm việc với Trung Quốc, điều khiến tôi ngạc nhiên”. Nhật Bản cạnh tranh với Trung Quốc, một câu chuyện đang lan rộng khắp khu vực, nơi đầu tư hàng thập kỷ của Nhật Bản đang bị thách thức bởi Trung Quốc. Không nơi nào có thể chứng kiến sự thay đổi tầm ảnh hưởng của hai nước này rõ rệt hơn ở Indonesia - nền kinh tế, dân số lớn nhất Đông Nam Á với nguồn tài nguyên giàu có, quốc gia trải dài từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, giáp biên giới một số tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Mong muốn của Trung Quốc tăng cường các liên kết chính trị và thương mại đối với quốc đảo này đã đem lại lợi ích cho chính phủ Indonesia của Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo, người tin rằng có thể hưởng lợi từ sự cạnh tranh Trung-Nhật. Ông Wellian Wiranto (Ngân hàng Ngoại thương Trung Quốc, chi nhánh Singapore) nhận xét: “Indonesia có nhu cầu lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng và Trung Quốc, có chuyên môn và tiền. Với các yếu tố chính trị giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hy vọng rằng Trung Quốc sẽ bơm thêm tiền vào Indonesia”.

Trục biển

Jokowi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có chung mối quan tâm. Nhà lãnh đạo Indonesia muốn phát triển cảng biển và trung tâm chế biến hải sản để tạo ra một “trục biển toàn cầu”, một tham vọng bổ sung cho kế hoạch “Con đường tơ lụa trên biển” ở châu Á của ông Tập Cận Bình. Indonesia ủng hộ đề nghị của Trung Quốc đối với Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), cơ chế có thể hoàn tất các dự án tài chính mà Indonesia đang cần. Với mức lương ngày càng tăng cao và kinh tế tăng trưởng chậm lại, các công ty Trung Quốc đang hướng tới hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Điều này gây đau đầu cho Muraoka. Dự án tàu cao tốc khả thi của Nhật Bản tại Indonesia bắt đầu từ năm 2009 có chi phí khoảng 726,4 tỷ yên (6,1 tỷ USD), nối Jakarta và Bandung, thành phố lớn thứ ba đất nước, rút thời gian đi lại còn ít hơn 40 phút từ khoảng thời gian ba tiếng đồng hồ hiện nay. Ngày 24/3 vừa qua, Chủ tịch JICA Akihiko Tanaka kêu gọi Jokowi xem xét đề nghị của Nhật Bản khi hai người gặp nhau tại Tokyo. Một tháng sau, Bộ trưởng Các doanh nghiệp nhà nước Indonesia Rini Soemarno đã làm xôn xao dư luận khi cho biết Chính quyền Jakarta đang xem xét một đề nghị tương tự từ phía Trung Quốc, đáng chú ý một phần kinh phí cho dự án nằm trong gói cam kết trị giá 50 tỷ USD từ Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc.

Ông Soemarno nói với các phóng viên rằng đề nghị của Trung Quốc hấp dẫn vì không đòi hỏi Indonesia cung cấp bảo lãnh tài chính, bà nói: “Nhật Bản luôn yêu cầu bảo lãnh, trong khi các công ty Trung Quốc sẽ không bao giờ yêu cầu bảo lãnh nếu hợp tác với một doanh nghiệp nhà nước”. Uớc tính Indonesia cần khoảng 450 tỷ USD cho đầu tư vào các dự án đường bộ, đường sắt, cảng biển, nhà máy điện để hồi sinh nền kinh tế đang bị sụt giảm trong hai quý vừa qua, trong khi ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng 30% nhu cầu. Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để vượt qua Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở Indonesia. Ba nước trên đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào Indonesia trong quý đầu tiên năm nay, so với con số 75 triệu USD của Trung Quốc. Nguyên nhân một phần vì Trung Quốc có xuất phát điểm thấp, nước này chỉ nối lại quan hệ ngoại giao với Indonesia vào năm 1990 sau khi “đóng băng” 23 năm. Trong thời gian đó, cựu Tổng thống Suharto đã tiến hành đàn áp dã man phong trào cộng sản chủ nghĩa, ngôn ngữ và văn hóa người Hoa bản địa. Ngược lại, Nhật Bản đã và đang thực hiện các chương trình hỗ trợ kinh tế và phát triển ở Indonesia kể từ cuối những năm 1950.

Nhà đầu tư hàng đầu

Thứ trưởng Bộ Hợp tác kinh tế quốc tế Rizal Affandi Lukman hy vọng Trung Quốc sẽ tăng thứ hạng đầu tư ở Indonesia, từ thứ 10 hiện nay lên vị trí đầu bảng trong vòng 5 năm nữa. Ông Rizal nói: “Có quá nhiều sự háo hức đối với các nhà đầu tư Trung Quốc để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng”. Cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Indonesia và Trung Quốc vừa qua cho thấy Jokowi hạnh phúc với các dự án đầu tư đó. Jokowi đã đến thăm Trung Quốc hai lần kể từ khi nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái. Khi Indonesia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Á-Phi vừa qua, Tập Cận Bình đã ở lại đến ngày cuối cùng, bay xuống Bandung, địa điểm tổ chức cuộc họp đầu tiên của diễn đàn này cách đây 60 năm. Tập Cận Bình đã cùng Jokowi song hành đến địa điểm hội nghị, tái hiện hình ảnh cựu lãnh đạo Sukarno và Thủ tướng Chu Ân Lai đi dạo cùng nhau vào năm 1955. Tuy nhiên, đưa sự quan tâm của Trung Quốc đến các hoạt động đầu tư trên thực tế thật khó nắm bắt. Tamba Hutapea, thuộc Ủy ban Kế hoạch đầu tư Indonesia, cho biết Trung Quốc có lịch sử không triển khai các dự án như đã hứa.

Chất lượng kém

Chuyên gia Aaron L. Connelly, Viện nghiên cứu chính sách Lowy (Sydney), cho biết: “Có một sự cảnh giác về đầu tư của Trung Quốc mà Jokowi đang che giấu cũng như các nỗ lực hăng hái của cấp dưới nhằm tiếp thị Indonesia cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách Indonesia đã thất vọng với chất lượng công trình của các công ty Trung Quốc trong những dự án được Trung Quốc tài trợ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng”. Ngay cả khi Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh, quy mô nhu cầu cơ sở hạ tầng của Indonesia đồng nghĩa hoạt động đầu tư của Nhật Bản chưa phải đến hồi kết. Nhật Bản đang xây dựng dự án đường cao tốc nội đô ở Jakarta có giá trị 62,3 tỷ yên. Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 3 vừa qua, Jokowi đã kêu gọi các doanh nhân Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Indonesia.

Thách thức lao động

Các công ty Trung Quốc hy vọng sẽ tham gia giảm bớt tệ tham nhũng, quan liêu, khác biệt văn hóa, các quy định thường xuyên thay đổi vốn đã làm điêu đứng các nhà đầu tư nước ngoài ở đất nước này trong nhiều thập kỷ. Các khoản đầu tư của Trung Quốc tại các nước như Việt Nam và Ethiopia dựa vào việc mang công nhân của mình đến nhiều nhà máy và công trường xây dựng. Các công ty Trung Quốc có thể gặp nhiều khó khăn hơn tại Indonesia, đất nước vốn kiểm soát chặt chẽ giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm công việc mà người dân địa phương có thể làm./.

Theo “Bloomberg” (ngày 20/5)

Mỹ Anh (gt)