Sau khi lên cầm quyền vào tháng 10/2014, Chính phủ của Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo đã có nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại. Quốc đảo trở nên thực dụng hơn và hạn chế can dự vào các vấn đề khu vực. Trong bối cảnh này, quan hệ Indonesia-Trung Quốc đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-đầu tư khiến dư luận cho rằng Jakarta đang từ bỏ chính sách “độc lập” khi quá nghiêng về Bắc Kinh.

Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng Indonesia dưới thời Tổng thống Jokowi đang nghiêng về Trung Quốc. Một số người thậm chí còn đánh giá mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Indonesia và Trung Quốc chứng tỏ chính phủ hiện nay bắt đầu từ bỏ chính sách truyền thống của quốc đảo là duy trì quan hệ bình đẳng với tất cả các cường quốc. Nhận định mới này về quan hệ Trung Quốc-Indonesia cơ bản dựa trên ba yếu tố: Thứ nhất, đó là những nỗ lực của Tổng thống Jokowi nhằm thu hút đầu tư của Trung Quốc, thường được coi như bằng chứng cho thấy quốc đảo đang thực sự nghiêng về Trung Quốc. Thứ hai, những nhận định này đã dấy lên khi Indonesia ủng hộ và gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn dắt. Thứ ba, Tổng thống Jokowi đã đưa ra quyết định có lợi cho Trung Quốc để vượt qua Nhật Bản trong dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung.

Các nhận định trên về chính sách đối ngoại của Tổng thống Jokowi hoàn toàn sai lầm. Các nhà phân tích thường đánh giá các quyết định và quan điểm của ông Jokowi về Trung Quốc một cách quá đơn giản. Tổng thống Jokowi cũng như tất cả những người tiền nhiệm hoàn toàn hiểu sự thiêng liêng của nguyên tắc "độc lập và tích cực" như một nguyên lý cơ bản trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Trên thực tế, các biểu hiện của nguyên tắc này trong chính sách đối ngoại của ông Jokowi nói chung và chính sách đối với Trung Quốc nói riêng phản ánh hai nguyên tắc mang tính nền tảng: "tái cân bằng" và "phòng ngừa" kinh tế, và ngoại giao dựa trên các tính toán thực tế về lợi ích quốc gia. Quốc đảo cần phải quan hệ với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nỗ lực của Tổng thống Jokowi nhằm lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài không phải chỉ dành riêng cho Trung Quốc. Thông điệp của ông Jokowi gửi tới các đối tác và cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới là nhất quán: Đây là thời điểm để đầu tư vào Indonesia. Thông điệp này đã được gửi đến Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, Qatar, Ả Rập Saudi, Liên minh châu Âu (EU), Iran... Điều này được thúc đẩy bởi lợi ích quốc gia rõ ràng, đó là nhu cầu về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Indonesia cần phải thuyết phục Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào chiến lược phát triển, phù hợp với sự đóng góp của các đối tác khác. Chẳng hạn như trong lĩnh vực đầu tư, vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa cam kết và thực hiện đầu tư. Ủy ban Điều phối Đầu tư (BKPM) cho biết tỷ lệ thực hiện các cam kết đầu tư của Trung Quốc tại quốc đảo chỉ từ 7-10%, thấp hơn nhiều so với con số hơn 70% của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trên thực tế, gần đây Trung Quốc mới lọt vào danh sách 10 quốc gia đầu tư lớn nhất ở Indonesia. Đầu tư của Trung Quốc vẫn còn thấp hơn nhiều so với các đối tác khác. Indonesia cũng chưa phải là điểm đến chính của các nhà đầu tư Trung Quốc khi đầu tư của nước này tại quốc đảo vẫn thấp hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác. Nếu Indonesia và Trung Quốc nghiêm túc về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, thực tế này cần phải được khắc phục. Vì vậy, những lời “mời chào” của ông Jokowi đối với Trung Quốc nên được xem như một nỗ lực khuyến khích Bắc Kinh nghiêng nhiều hơn về phía Indonesia. Vì vậy, đây được coi là sự tái cân bằng kinh tế.

Những lời cáo buộc Indonesia đang ngày càng trở nên "thân Trung Quốc" là vô căn cứ vì hai lý do:

Thứ nhất, lập trường của Indonesia về tranh chấp Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán, luôn yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ yêu sách “Đường chín đoạn”. Trên thực tế, Chính phủ Indonesia đã tuyên bố rõ rằng “Đường chín đoạn” không có cơ sở pháp lý theo luật quốc tế. Ngoài ra, Indonesia cùng với các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bày tỏ quan điểm việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây ra vấn đề. Đồng thời, Indonesia tiếp tục làm việc với Trung Quốc và các đối tác ASEAN để thúc đẩy tiến trình đi đến Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Lập trường này rõ ràng là phù hợp với lợi ích chiến lược của Indonesia.

Thứ hai, trong khi hợp tác an ninh và quốc phòng với Trung Quốc được cải thiện, Indonesia đang làm việc cùng với các đối tác chiến lược khác, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. Thực tế, quan hệ chính trị và an ninh của Indonesia với Mỹ và Nhật Bản sâu sắc hơn quan hệ với Trung Quốc. Chuyến thăm của Tổng thống Jokowi đến Tokyo vào tháng 3/2015 và đến Mỹ vào tháng 10/2015 đã thúc đẩy những mối quan hệ này lên tầm cao hơn. Hợp tác chính trị và an ninh giữa Indonesia và Trung Quốc cần phải được tăng cường hơn nữa như một biểu hiện của ngoại giao "tái cân bằng".

Tất cả những diễn biến trên phản ánh chiến lược ngoại giao phòng ngừa của Indonesia trong bối cảnh phải đối mặt với sự bất ổn chiến lược trong khu vực. Như vậy, những người cho rằng Indonesia đang nghiêng về Trung Quốc không nên đánh giá thấp quyết tâm của quốc đảo này nhằm bảo vệ quyền tự chủ chiến lược của mình.

Rizal Sukma - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Jakarta, Indonesia,  đồng thời là Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Jokowi. Bài viết được đăng trên The Jakarta Post.

Trần Quang (gt)