Tóm tắt

Gần đây Philippin đã đề xuất thành lập một khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở Biển Đông. Như Philippin đã lưu ý, việc thành lập một khu vực như vậy sẽ đòi hỏi phải xác định những khu vực nào có tranh chấp và khu vực nào không có tranh chấp. Đề xuất của Philippin thừa nhận rằng các Quốc gia yêu sách cần phải nhất trí được về các khu vực có tranh chấp trước khi có thể thực hiện được các biện pháp hợp tác nghiêm túc.

Bài viết này sẽ phân tích các vấn đề nêu trên và những cản trở chính khiến cho việc nhất trí về các khu vực tranh chấp trở nên khó khăn. Bài viết cũng sẽ phân tích các nghĩa vụ theo luật quốc tế của các Quốc gia yêu sách liên quan đến các khu vực tranh chấp, trong đó bao gồm những hạn chế theo luật quốc tế đối với những hành động đơn phương mà Quốc gia được phép thực hiện trong các khu vực tranh chấp.

Cuối cùng, bài viết sẽ phân tích về khả năng để các Quốc gia yêu sách có thể sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS hoặc ‘Công ước’) để xác định những khu vực nào có tranh chấp và khu vực nào thì không. Bài viết sẽ tìm hiểu liệu rằng các nỗ lực để đạt được một thỏa thuận về khu vực tranh chấp có bao gồm việc đệ trình một vài vấn đề pháp lý lên cơ quan trọng tài theo Phụ lục II của UNCLOS hay không. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích về khả năng để hai hoặc nhiều Quốc gia yêu sách yêu cầu ý kiến tư vấn của Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS hoặc ‘Tòa’) về các vấn đề pháp lý phát sinh từ những nỗ lực nhằm xác định khu vực tranh chấp này.

I.    BỐI CẢNH

Trung Quốc, Đài Loan, và Việt Nam yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ các điểm đảo ở Quần đảo Trường Sa. Philippin yêu sách năm mươi ba (53) điểm mà theo tên gọi của Philippin là Nhóm Đảo Kalayaan (KIG); Malaysia yêu sách chủ quyền đối với mười một (11) điểm. Brunei được cho là yêu sách một phần vùng biển ở quần đảo Trường Sa gần với họ nhất, trong đó bao gồm hai điểm là Bãi Louisa và Bãi Rifleman, và coi chúng là một phần thềm lục địa của họ.

Tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông được điều chỉnh bởi luật tập quán quốc tế về thụ đắc lãnh thổ hình thành từ phán quyết của các tòa quốc tế trong các vụ việc liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Các tranh chấp về chủ quyền không thể được giải quyết bởi bất kỳ một bên thứ ba nào trừ khi được các Quốc gia chấp nhận. Các tranh chấp về chủ quyền thường khó có thể được giải quyết ngay lập tức hay trong tương lai gần do những nhạy cảm mang tính dân tộc gắn liền với tranh chấp, và do khả năng tiếp cận với các tài nguyên mà chủ quyền đối với khu vực có thể mang lại. Do đó, giải pháp tạm thời hiệu quả nhất cho các tranh chấp ở Biển Đông là việc các Quốc gia yêu sách tạm gác các tranh chấp chủ quyền sang một bên và cùng nhau phát triển chung các tài nguyên thiên nhiên.  Những dàn xếp như vậy có thể thực hiện dưới dạng các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn, như được Điều 74 và 83 của UNCLOS kêu gọi.[1]

Trước khi có thể đàm phán nghiêm túc về các thỏa thuận cùng khai thác thì các Quốc gia hữu quan trước tiên cần phải thống nhất được về các khu vực tranh chấp sẽ chịu sự điều chỉnh của các thỏa thuận đó. Điều này là rất khó bởi Trung Quốc hiện vẫn chưa làm rõ được cơ sở pháp lý cho các yêu sách của mình đối với không gian biển ở Biển Đông, và vì thế các khu vực có yêu sách chồng lấn cũng trở nên không rõ ràng. Khu vực tranh chấp cũng không rõ ràng bởi không có sự đồng thuận về quy chế của các điểm đảo đang tranh chấp – những điểm nào là đảo và có quy chế Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, những điểm nào là đá và chỉ có lãnh hải mười hai (12) hải lý (nm), và những điểm nào là đảo nửa chìm nửa nổi và không có quy chế vùng biển nào. Do đó, điều quan trọng là các Quốc gia yêu sách cần phải đạt được đồng thuận về những khu vực chồng lấn giữa vùng EEZ mà các quốc gia yêu sách từ bờ biển đất liền hoặc quần đảo chính của họ và các vùng biển được tính từ các đảo tranh chấp.

II.   YÊU SÁCH ĐỐI VỚI KHÔNG GIAN BIỂN THEO UNCLOS 1982

UNCLOS thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.[2] Tuy nhiên, Công ước này lại không chứa đựng bất kỳ điều khoản nào về cách giải quyết các tranh chấp về yêu sách chủ quyền đối với các điểm đảo. Công ước UNCLOS mặc định rằng chủ quyền Quốc gia đối với lãnh thổ trên đất liền và các điểm đảo xa bờ đã được xác lập. Từ đó Công ước xác định các vùng biển có thể được yêu sách từ những vùng lãnh thổ và/hoặc cấu trúc đó.

Chủ quyền của một Quốc gia được mở rộng ra khỏi phạm vi lãnh thổ đất liền của họ một khoảng liền kề rộng 12 hải lý, gọi là lãnh hải, trong đó có bao gồm cả đáy biển và tầng đất cái.[3] Các Quốc gia cũng có thể yêu sách các quyền chủ quyền và quyền tài phán cho việc thăm dò và khai thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải.[4]

Liên quan đến các yêu sách đối với các vùng biển từ các điểm đảo xa bờ, Công ước UNCLOS có sự phân biệt giữa đảo, đá, đảo nửa chìm và đảo nhân tạo:

1.  Đảo về nguyên tắc được hưởng các vùng biển tương tự như lãnh thổ đất liền, với lãnh hải 12 hải lý một vùng EEZ 200 hải lý và một vùng thềm lục địa có thể được kéo dài hơn 200 hải lý. Đảo là một vùng đất có cấu tạo tự nhiên và nổi trên mặt nước tại mức thủy triều cao.[5]

2.  Đá là một phân mục của đảo. Các đá không có khả năng duy trì sự sống của con người hay có đời sống kinh tế riêng thì không có EEZ hay thềm lục địa. Chúng chỉ có thể có một vùng lãnh hải 12 hải lý.[6]

3.  Đảo nửa chìm nửa nổi không có lãnh hải riêng, nhưng có thể được sử dụng làm điểm cơ sở để tính lãnh hải nếu chúng nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ đất liền hay một hòn đảo khác. Các đảo nửa chìm nửa nổi nằm trên mặt nước lúc thủy triều thấp, nhưng chìm dưới mặt nước lúc thủy triều lên.[7]

4.  Đảo nhân tạo không có quy chế vùng biển nào ngoại trừ một vùng an toàn kéo dài 500 mét.[8]

Hiện tại không có sự thống kê chính xác về số lượng các điểm xa bờ có trong quần đảo Trường Sa, và cũng không có thống kê chính xác và cập nhật về sự phân loại các điểm nào là đảo, đá, đảo nửa chìm hay đảo nhân tạo theo định nghĩa của UNCLOS. Phần lớn các cấu trúc địa lý ở quần đảo Trường Sa là đá, bãi đá, hay bãi cát ngầm và đều chìm dưới mặt nước hoặc chỉ nổi lên khi thủy triều thấp.[9] Những điểm này không có khả năng tạo ra các yêu sách đối với quyền tài phán trên biển trừ khi chúng là đảo nửa chìm nửa nổi trong phạm vi 12 hải lý của một hòn đảo.

Các điểm có thể được coi là đảo ở Trường Sa là rất nhỏ, xa bờ và không có người ở, chỉ ngoại trừ sự hiện diện của các đồn quân sự. Phần lớn các đảo này không có khả năng duy trì sự sống của con người hay có đời sống kinh tế riêng theo Điều 121(3). Do đó, nhiều khả năng chúng sẽ được coi là các đá, và sẽ chỉ có quy chế lãnh hải 12 hải lý. Tuy nhiên, vẫn có thể có một số ít các đảo có thể đủ lớn để duy trì đời sống con người hay đời sống kinh tế riêng. Những đảo này về nguyên tắc sẽ có quy chế EEZ 200 hải lý và thềm lục địa riêng.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

GS. Robert C Beckman và Leonardo Bernard, Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế (CIL), Đại học Quốc gia Singapore

 

Bản gốc tiếng Anh: “Disputed Areas in the South China Sea: Prospects for Arbitration or Advisory Opinion

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.

 



[1] Công ước LHQ về Luật Biển, 10/12/1982, UNTS 1933 tại 3 (có hiệu lực từ ngày 16/11/1994), online: United Nations <http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_overview_convention.htm> [UNCLOS].

[2] UNCLOS ấn định một trật tự pháp lý cho các vùng biển để tạo điều kiện cho giao thông quốc tế và tăng cường việc sử dụng một cách hòa bình các vùng biển, sử dụng các tài nguyên một cách thỏa đáng và hiệu quả, bảo tồn các tài nguyên sinh vật và nghiên cứu, bảo vệ, và bảo tồn môi trường biển, xem Lời mở đầu của UNCLOS, như trên.

[3] UNCLOS, Điều 2 và 3,  ghi chú 1.

[4] UNCLOS, Điều 56(1) và 57,  ghi chú 1.

[5] UNCLOS, Điều 121(1) và (2),  ghi chú 1.

[6] UNCLOS, Điều 121(3),  ghi chú 1.

[7] UNCLOS, Điều 13,  ghi chú 1.

[8] UNCLOS, Điều 60(5) và (8),  ghi chú 1.

[9] Để biết thêm chi tiết về mô tả địa lý của các điểm đảo/đá ở Trường Sa, xem see David Hancox & Victor Prescott, “A Geographical Description of the Spratly Islands và an Account of Hydrographic Surveys Amongst those Islands” (1995) 1:6 IBRU Maritime Briefings 1.