Sự thay đổi hướng tới một trật tự đa cực hơn đã tạo ra những căng thẳng mới. Và những thách thức lớn mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt hiện nay đòi hỏi phải có các giải pháp sáng tạo và đa quốc gia. Trong năm 2015, bốn tác động đan xen nhấn mạnh sự cần thiết phải chia sẻ quyền lực, hợp tác và thích ứng: địa chính trị, địa lý- tài chính, công nghệ và biến đổi khí hậu.

Ở cấp độ địa chính trị, chính sách xoay trục sang châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ từ năm 2011 đã mở ra một mặt trận căng thẳng mới ở Biển Đông, trước khi Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi khu vực Trung Đông. Việc quản lý lợi ích cạnh tranh ở Biển Đông, ngay cả khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh ngoại vi của mình, sẽ là một thách thức lớn trong tương lai đối với Mỹ.

Tài chính năm 2015 ở khu vực này đã được thúc đẩy bởi hai sự kiện, từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của một sự hợp tác lớn hơn:

Thứ nhất là việc Trung Quốc thông báo thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á như một kênh tài chính thay thế các tổ chức Bretton Wood. Sự thành lập ngân hàng này xuất phát từ sau khi Quốc hội Mỹ năm 2009 từ chối phê chuẩn thỏa thuận của G20 mở rộng việc phân phối quyền biểu quyết của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đến cuối năm 2015, sự đồng thuận đa phương đã được dàn xếp khi IMF đồng ý đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) trở thành đồng tiền dự trữ trong Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Bằng cách đó, Trung Quốc đã đồng ý giữ đồng NDT ở mức ổn định và tránh được một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Sự kiện thứ hai là sự phân hóa trong nới lỏng định lượng giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) muốn điều chỉnh hoàn toàn chính sách nới lỏng và Ngân hàng Trung ương châu Âu và Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục nới lỏng. Sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ giữa các nước có dự trữ tiền tệ lớn đã mở ra triển vọng về một giai đoạn đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, Ngân hàng thanh toán quốc tế đã chỉ ra rằng các cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ Latinh và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trong những năm 1980 và 1990 của thế kỷ trước đều diễn ra vào thời điểm đồng USD tăng giá. Một đồng USD mạnh- đặc biệt khi nền kinh tế Mỹ không còn là động lực nhập khẩu như trước đây- sẽ tạo ra những căng thẳng lớn cho các thị trường mới nổi. Luồng vốn trở lại các thị trường phát triển sẽ đặt áp lực giảm phát lên các bong bóng tài sản trong nước. Các thị trường mới nổi sẽ phải đối mặt với một năm 2016 đầy khó khăn với giá hàng hóa thấp hơn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và nguy cơ bùng nổ giá tài sản. Các thị trường châu Á mới nổi sẽ không thoát khỏi cái bẫy này.

Một yếu tố quan trọng khác nữa trong năm 2015 là những tiến bộ công nghệ. Gián đoạn công nghệ đã chứng minh sự đổ vỡ của các nền kinh tế truyền thống ở mức độ lớn hơn so dự đoán trước đó vì nó khuếch tán quyền lực ra các trung tâm mới và làm suy yếu các khách hàng đặc thù. Sự giàu có của các nhà sản xuất dầu lửa ở châu Á và Trung Đông đang bị cắt giảm bởi những sáng tạo trong công nghệ năng lượng Mặt trời và dầu đá phiến. Khi tự động hóa làm giảm nhu cầu về lao động rẻ và không có tay nghề, các chính phủ trên thế giới đang gặp khó khăn trong việc tạo ra việc làm mới cho nhóm dân số trẻ thất nghiệp đang gia tăng. Đồng thời, những thành phần không thuộc nhà nước đang sử dụng công nghệ xã hội để tạo ra sự gián đoạn và xung đột mà các nước lớn không thể giải quyết được bằng các công cụ thông thường.

Biến đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những biến động lớn về xã hội. 2015 là năm áp lực cao cho các tổ chức quản lý toàn cầu. Tình trạng thiếu nước, ô nhiễm không khí và hiệu ứng của El Nino là những vấn đề nổi cộm trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống Biến đổi Khí hậu (COP21) ở Paris vào tháng 12/2015, trong đó các bên đã đạt được sự đồng thuận. Trong khi thoả thuận được giải quyết xoay quanh những nguyên tắc mở rộng hơn là những cam kết nghiêm ngặt, hội nghị lần này đã chứng minh cho tính cấp bách của sự đồng thuận và hợp tác trong cuộc chiến chống ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Những sự kiện này chỉ có thể được hiểu trong khuôn khổ của “con đường gập gềnh để tiến đến đa phương hóa ở khu vực Đông Á”. Sự nổi lên của các cường quốc khu vực có nghĩa các cuộc xung đột địa chính trị với rủi ro cao hơn, như ở Biển Đông chẳng hạn. Khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế khu vực, thay đổi về công nghệ và biến đổi khí hậu là ba vấn đề cấp bách, một nước lớn đơn lẻ không thể tự giải quyết được mà đòi hỏi sự hợp tác của các quốc gia bị ảnh hưởng.

Trong vùng lân cận Đông Á, những tin tức tốt lành là những căng thẳng ở Biển Đông đã không biến thành một cuộc xung đột lớn. Và Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành ngay cả khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đã được ký kết. Sự cấp bách hợp tác kinh tế đã trở nên quan trọng như thay đổi liên minh chính trị.

Vào giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21, cộng đồng quốc tế không nên xem xét những vấn đề của thế kỷ 21 bằng tư duy của thế kỷ 20. Do đó, những người hành động dứt khoát để thay đổi, trong khi thừa nhận thực tế đa cực mới, sẽ là những người giành chiến thắng vang dội. Còn những người phủ nhận những sự thay đổi sâu sắc này sẽ chỉ nằm bên rìa lịch sử mà thôi.

Theo East Asia Forum

Trần Quang (gt)