Sau khi thiết lập quan hệ quốc phòng vào ngày 13/4/1949, quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc trải qua nhiều thăng trầm, và nổi bật là sự kiện quan hệ ngoại giao song phương “đông cứng” vào tháng 10/1967. Hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1990, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược vào ngày 25/4/2005, đưa hợp tác quốc phòng Trung Quốc-Indonesia lên tầm cao mới. Hai bên cũng đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng vào tháng 11/2007 nhằm thúc đẩy thành lập diễn đàn tham vấn quốc phòng và hợp tác quân sự song phương. Đáng lưu ý là những văn kiện hợp tác góp phần tạo nền tảng pháp lý cho hợp tác quốc phòng giữa Indonesia và Trung Quốc đã được đặt ra sớm hơn so với quan hệ quốc phòng Indonesia với Mỹ. Quan hệ hợp tác quốc phòng sâu sắc giữa Indonesia với Mỹ chỉ thành hình dựa trên các chương trình khung hợp tác quốc phòng trước đó và sau này được phát triển dựa trên khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện được thiết lập năm 2010. Trước những toan tính chiến lược của chính quyền Tập Cận Bình giai đoạn 2013-2018, Indonesia nên tận dụng tối đa để thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với Trung Quốc. Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc mô tả sứ mệnh mới của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong thế kỷ 21 là hiện đại hóa với công nghệ tối tân trong lĩnh vực thông tin và hệ thống khí tài. 

Đến năm 2021, Mỹ sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng lên đến 28% trong khi Trung Quốc thậm chí tăng chi quốc phòng lên tới 64%. Với sự phát triển ngoạn mục trong lĩnh vực kinh tế, sức mạnh quân sự và công nghiệp quốc phòng, cũng như vị trí chiến lược của Indonesia trong bối cảnh đối đầu Trung-Mỹ ngày càng tăng, với lợi thế trong chính sách đối ngoại độc lập và tích cực, đã đến lúc Indonesia đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì cân bằng khu vực. Tác giả cho rằng Indonesia và Trung Quốc được dự đoán sẽ nằm trong số 10 nước lớn nhất thế giới vào năm 2050, trong khi Úc và các nước ASEAN khác bị loại khỏi danh sách. Vì vậy, Indonesia cần phải khẳng định thái độ độc lập và tích cực bằng hành động thực tế. Ngược lại, với việc Trung Quốc đang từng bước bị các nước trong khu vực xa lánh hơn sẽ buộc nước này mở rộng quyền lực thông qua liên kết với Nga, Indonesia sẽ mất đi vai trò chiến lược của mình. Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác quốc phòng giữa Indonesia và Trung Quốc hiện nay liên quan đến mô hình hợp tác bổ sung lợi ích của nhau.

Thứ nhất là lĩnh vực an toàn hàng hải (các tuyến đường biển thông tin/tuyến đường biển thương mại), hỗ trợ kịp thời chương trình hợp tác quốc phòng có định hướng chiến lược và toàn diện hơn. Nếu nổ ra các cuộc chiến tranh giới hạn tại Biển Đông, một phần vùng biển sẽ trở thành khu vực chiến tranh, trong đó tuyến đường biển quốc tế của Indonesia và vùng biển Java sẽ thay thế cho tuyến đường biển quốc tế, Indonesia cũng trở thành tiền đồn, khu vực hậu cần, phòng vệ. 

Thứ hai, sự phát triển của PLA sẽ tạo động lực lớn cho quân đội Indonesia (TNI) và ngành công nghiệp quốc phòng nước này có điều kiện phát triển do khả năng quốc đảo nhận được sự hỗ trợ lớn hơn từ Trung Quốc so với từ Mỹ. Mỗi năm hệ thống vũ khí quốc phòng thiết yếu của TNI cần hơn 1300 mặt hàng cho các lực lượng hải, lục, không quân trong khi Trung Quốc với tiềm lực lớn trong phát triển công nghiệp quốc phòng có thể cung ứng được các gói thầu quá trình xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia, hệ thống phòng thủ đáng tin cậy theo phong cách của Trung Quốc. 

Thứ ba, liên quan đến cuộc chiến dành tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, trong đó Trung Quốc đã áp dụng chiến lược theo mô hình Mỹ bằng cách phát triển các mỏ dầu dự trữ chiến lược thông qua xây dựng lực lượng hải quân mạnh để bảo vệ các nguồn cung dầu từ các khu vực trên thế giới. Indonesia cùng với Trung Quốc có thể xây dựng sức mạnh hải quân để một ngày nào đó có thể tuyên bố 13% trong số 49% lãnh thổ cực Nam Australia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, năng lượng cũng như nguồn cá thuộc về quốc đảo.

Xây dựng niềm tin là cơ sở hợp tác giữa PLA và TNI, trong đó các khía cạnh quan hệ đối tác chiến lược sẽ mở rộng hợp tác trong đầu tư, quản lý, nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Hợp tác sẽ được mở rộng trong lĩnh vực an ninh hàng hải cho các tuyến đường biển quốc tế, Biển Đông và Ấn Độ Dương. Indonesia và Trung Quốc cũng có thể mở rộng trao đổi thông tin về các vấn đề tổ chức, đào tạo, trao đổi nhân sự, nghiên cứu, trao đổi dữ liệu khoa học và công nghệ, cũng như thúc đẩy hợp tác liên ngành trong công nghệ công nghiệp, công nghệ quốc phòng. Indonesia là quốc gia lớn nhất trong khu vực và có vị trí địa-chính trị chiến lược quan trọng nên được đưa vào chương trình ưu tiên hợp tác quốc phòng của Trung Quốc, những lợi ích tự nhiên mà Indonesia được thụ hưởng. Đây là thời điểm thích hợp để quốc đảo này hình dung về bức tranh lớn hơn vì lợi ích quốc gia lâu dài.

Tác giả là Connie Rahakundini Bakrie - Giảng viên Đại học Indonesia (UI), Giám đốc Điều hành Học viện Quốc phòng và An ninh Jakarta. Bài viết đăng trên trang “The Jakarta Post” (ngày 22/11).

Viết Tuấn (gt)