Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn tồn tại sự khác biệt lớn, thể chế chính trị, ý thức hệ, trình độ phát triển và truyền thống văn hóa, lịch sử khác xa nhau. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, giữa hai nước vẫn không ngừng va chạm, xung đột, có lúc rất nghiêm trọng. Nhưng hơn 30 năm qua, hợp tác Trung-Mỹ cũng được duy trì liên tục, phát triển với tốc độ nhanh và không chỉ đã đề cập đến các lĩnh vực của mối quan hệ song phương, mà còn trên quy mô lớn và đạt được mức tương đối cao. Có thể dự đoán hợp tác giữa hai nước đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của mối quan hệ Trung-Mỹ, và tất sẽ trở thành nền tảng và nhân tố thúc đẩy chủ yếu cũng như một trong những nội dung chủ yếu để hai nước phát triển mối quan hệ nước lớn kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng lợi. 

I- Đặc điểm của hợp tác Trung-Mỹ 

Ngày 1/1/1979, Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, tiến trình phát triển của hợp tác hai nước đồng thời được khởi động. Trong hơn 30 năm qua, hợp tác Trung-Mỹ đã hình thành đặc điểm quan trọng, thể hiện rõ hai nước tồn tại những khác biệt rất lớn. Nắm chắc những đặc điểm này sẽ đem lại những căn cứ quan trọng cho sự nhận thức sâu sắc hơn về hợp tác Trung-Mỹ cũng như toàn bộ mối quan hệ Trung-Mỹ. 

1-Hợp tác Trung-Mỹ đã đạt được quy mô lớn và trình độ tương đối cao 

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Trung-Mỹ đã bước vào tiến trình phát triển liên tục, tương đối nhanh với nội dung phong phú. Hơn 30 năm qua, tuy quan hệ hai nước đã trải qua những lúc lên bổng xuống trầm, nhưng hợp tác giữa hai nước đã đạt được mức tương đối cao, không chỉ đề cập đến nhiều lĩnh vực, mà còn đề cập với quy mô lớn. Điều này đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng nhất không thể thiếu để hai nước đạt được an ninh và phát triển. 

Hợp tác an ninh chính trị là trọng tâm của hợp tác Trung-Mỹ. Trên thực tế, việc thực hiện bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hợp tác an ninh chính trị đều là nhân tố thúc đẩy mang tính quyết định. Hơn 30 năm qua, hợp tác an ninh chính trị lại là một phần thể hiện rõ nhất những trắc trở, lên bổng xuống trầm của toàn bộ tiến trình phát triển hợp tác Trung-Mỹ, nhưng trước sau hợp tác an ninh chính trị này vẫn duy trì xu thế không ngừng đẩy mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực đề cập trong hợp tác an ninh chính trị Trung-Mỹ rất rộng lớn, không chỉ đề cập đến các vấn đề song phương, mà còn đề cập đến các vấn đề khu vực và toàn cầu; cơ chế hợp tác an ninh chính trị không ngừng cải thiện, hơn nữa có phần đổi mới. Ví dụ, năm 2009 khởi động đối thoại chiến lược và kinh tế; giao lưu giữa các lãnh đạo cấp cao hai nước rất dồn dập, hình thức đa dạng. Hợp tác kinh tế là chủ yếu trong hợp tác giữa hai nước. Thời kỳ đầu Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại, đầu tư cũng như tiền tệ song phương đều ở mức thấp nhất. Trong tiến trình phát triển hơn 30 năm qua, tuy hai nước không ngừng va chạm, nhưng hợp tác kinh tế luôn duy trì ở xu thế tăng trưởng nhanh, và là một phần thúc đẩy hợp tác Trung-Mỹ phát triển nhanh, tiến triển tương đối thuận lợi. Hiện nay, hợp tác kinh tế Trung-Mỹ đã bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế của hai nước; Trung Quốc và Mỹ là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của nhau. Hợp tác kinh tế Trung-Mỹ đã trở thành nhân tố có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với kinh tế của hai nước, và từ đó đã nảy sinh những ảnh hưởng lớn đối với hai nước và toàn bộ mối quan hệ song phương. 

Ngoài ra, tương tự hợp tác khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục phát triển nhanh, có ảnh hưởng tích cực đối với hai nước. Trung Quốc và Mỹ đều coi trọng cao việc trao đổi hợp tác, có những kỳ vọng đối với sự phát triển trong tương lai. Trong “Tuyên bố chung Trung-Mỹ”, Tổng thống Obama nhấn mạnh đến việc “dốc sức xây dựng mối quan hệ Trung-Mỹ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21” khi đến thăm Trung Quốc tháng 11/2009. Tháng 1/2011, Chủ tịch nước Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào đến thăm Mỹ không chỉ nhắc lại lập trường trên, mà còn lại một lần nữa nhấn mạnh việc “dốc sức cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, cùng thắng lợi và cùng có lợi” trong “Tuyên bố chung Trung-Mỹ”. Trong đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ lần thứ 4 tháng 5/2012, hai bên đã hình thành nhận thức chung về việc phát triển mối quan hệ nước lớn mới nổi cùng tôn trọng, hợp tác cùng thắng lợi. Hợp tác Trung-Mỹ hơn 30 năm qua vừa đem lại cơ sở hiện thực, vừa đem lại động lực cơ bản cho hai nước phát triển mối quan hệ với các nước lớn mới nổi. 

2- Hợp tác Trung-Mỹ cùng tồn tại lâu dài với va chạm và xung đột, cùng ảnh hưởng lẫn nhau 

Trung Quốc và Mỹ va chạm và xung đột không ngừng trong các lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế, ý thức hệ. Các vấn đề như Đài Loan, Tây Tạng, nhân quyền, thương mại không cân bằng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ đã khiến hai nước va chạm và xung đột với nhau. Xung đột lớn xảy ra nhiều lần đã khiến cho quan hệ Trung-Mỹ sa sút nghiêm trọng. Va chạm và xung đột giữa hai nước là nhân tố cản trở chủ yếu trong tiến trình phát triển hợp tác Trung-Mỹ; xung đột lớn giữa hai nước càng là nhân tố duy nhất khiến cho tiến trình hợp tác nhiều lần gián đoạn. Những năm 80 thế kỷ 20, Trung Quốc và Mỹ tương đối thuận lợi trong việc cùng nhau phản đối tiến triển hợp tác mở rộng của Liên Xô, nhưng sau vụ bê bối chính trị ở Bắc Kinh năm 1989, Mỹ đã “trừng phạt” Trung Quốc, tiến trình hợp tác giữa hai nước hoàn toàn bị gián đoạn. “Tuyên bố chung Trung-Mỹ” lần đầu tiên đề ra hai nước “cùng nhau dốc sức xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược mang tính xây dựng” khi Chủ tịch nước Giang Trạch Dân đến thăm Mỹ tháng 10/1997. Tháng 6/1998, Tổng thống Bill Clinton đến thăm Trung Quốc, nguyên thủ hai nước đã công bố 3 tuyên bố chung như nghị định thư về “Hiệp định vũ khí sinh hóa”. Tất cả những điều này cho thấy sự phát triển mới của mối quan hệ Trung-Mỹ sau Chiến tranh Lạnh, nhưng do ngày 7/5/1999 Mỹ đã ném bom Đại sứ quán Nam Tư tại Trung Quốc, tiến trình phát triển hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc lại một lần nữa bị gián đoạn. Những xung đột lớn này làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích trọng tâm của Trung Quốc, cho nên tất sẽ dẫn đến hợp tác Trung-Mỹ, chủ yếu là hợp tác trong lĩnh vực an ninh chính trị, bị gián đoạn. Đồng thời, hợp tác Trung-Mỹ cũng có vai trò kiềm chế không thể xem nhẹ đối với sự va chạm, xung đột của hai nước, hơn nữa vai trò này không ngừng tăng. Sau khi bước vào thế kỷ 21, xung đột lớn giữa Trung Quốc và Mỹ giảm đi rõ rệt, những ảnh hưởng bất lợi đối với mối quan hệ song phương này đồng thời cũng giảm, việc phục hồi quan hệ giữa hai nước sau khi tụt dốc nghiêm trọng cũng được đẩy nhanh, sự phát triển mới trong hợp tác Trung-Mỹ đã phát huy vai trò quan trọng trong đó. 

3- Hợp tác Trung-Mỹ phát triển là kết quả của việc hai nước cùng nhau cố gắng 

Hợp tác Trung-Mỹ giành được những thành tựu to lớn là kết quả nỗ lực của hai nước trong hơn 30 năm qua. Hai nước cùng nhau tích cực thúc đẩy bình thường hóa quan hệ song phương, đồng thời khởi động tiến trình phát triển hợp tác Trung-Mỹ, không ngừng mở rộng lĩnh vực mới trong hợp tác; trên nền tảng hiệp thương bình đẳng, hai nước cùng nhau kiên trì giải quyết mâu thuẫn, bất đồng thông qua đàm phán. Trong tiến trình phát triển quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ, hai bên cố gắng coi nhau là nhân tố mang tính quyết định không thể thiếu. Điều đáng chú ý là đến nay, Mỹ đều thể hiện rõ tính cấp bách của các vấn đề quan trọng trong tiến trình phát triển hợp tác Trung-Mỹ. Việc bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước cũng như khôi phục quan hệ song phương tụt dốc nghiêm trọng đều là bước đi chủ động đầu tiên của Mỹ, từ đó đã thúc đẩy việc triển khai các hành động tiếp theo. Điều này dẫn đến va chạm và xung đột giữa hai nước, hợp tác bị gián đoạn. Mỹ là nước đầu tiên liên quan trực tiếp, đồng thời nước này cũng có những nhận thức tỉnh táo về việc hợp tác giữa hai nước bị gián đoạn sẽ gây thiệt hại lợi ích cho bản thân. Mỹ với tư cách nước lớn, khi xử lý mối quan hệ với Trung Quốc - nước mới nổi, chỉ cần đưa ra những lựa chọn lý trí không dẫn đến đối kháng thì đó sẽ là sự quyết định vị thế và lợi ích của nước này. 

II- Nhân tố ảnh hưởng chủ yếu đến hợp tác Trung-Mỹ 

Sự tăng giảm xung đột lợi ích và lợi ích chung giữa hai nước thay đổi (mức độ điều chỉnh lợi ích chiến lược Trung-Mỹ) là nhân tố ảnh hưởng chủ yếu nhất đến hợp tác Trung-Mỹ. Khi tầm quan trọng về lợi ích chung Trung-Mỹ vượt qua xung đột lợi ích, hơn nữa hai nước hình thành nhận thức chung đối với điều này, hợp tác sẽ trở thành vấn đề chủ yếu của quan hệ Trung-Mỹ. Hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, những thay đổi về sự tăng giảm xung đột lợi ích và lợi ích chung giữa hai nước đã trải qua 3 thời kỳ khác nhau, và trên thực tế là 3 giai đoạn phát triển của hợp tác Trung-Mỹ. Trong 3 thời kỳ, những thay đổi về điều tiết không ngừng lợi ích chiến lược, tin tưởng lẫn nhau về chiến lược đã quyết định nội dung và hình thức khác nhau trong việc thay đổi tăng giảm xung đột lợi ích và lợi ích chung giữa hai nước, hình thành những ảnh hưởng quan trọng đối với hợp tác Trung-Mỹ lúc đó. Điều cần nhấn mạnh là trong 3 giai đoạn phát triển cho dù có lúc trầm lúc bổng, nhưng hợp tác Trung-Mỹ luôn duy trì xu thế phát triển tương đối nhanh. Trong bối cảnh lớn đa cực hóa tình hình thế giới, toàn cầu hóa kinh tế, lợi ích chung giữa hai nước luôn chiếm vị trí chủ đạo, và hai nước đều hình thành nhận thức chung tương đối rõ ràng đối với việc này. 

1- Lợi ích chung thể hiện rõ, xung đột lợi ích vốn có bị gác lại, hợp tác Trung-Mỹ bắt đầu cất bước và thúc đẩy toàn diện 

Từ khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 1/1979 đến vụ bạo loạn chính trị ở Bắc Kinh tháng 6/1989, lợi ích chung hai nước thể hiện rõ trong việc chống lại Liên Xô mở rộng. Trên cơ sở đó, Trung Quốc và Mỹ đã xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị, rất nhiều xung đột lợi ích vốn có bị gác lại. Trong thời gian này, hợp tác an ninh chính trị cùng nhau chống lại Liên Xô mở rộng đã trở thành vấn đề chủ đạo trong quan hệ Trung-Mỹ, hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục giữa hai nước cũng đạt được sự thúc đẩy toàn diện. Cuối những năm 60 thế kỷ 20, mối đe dọa của việc Liên Xô mở rộng đã khiến Trung Quốc và Mỹ dần dần hình thành nhận thức chung chống lại mối đe dọa đó. Đây là nhân tố chủ yếu nhất để thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng sau khi Tổng thống Nixon đến thăm Trung Quốc tháng 2/1972, việc bình thường hóa quan hệ hai nước đã trải qua tiến trình dài đằng đẵng và đầy trắc trở. Sau mùa Xuân năm 1978, do sức mạnh quân sự của Liên Xô tiếp tục được tăng cường, phá vỡ cục diện “hòa dịu” giữa Mỹ và Liên Xô, hơn nữa việc Liên Xô mở rộng ở Ápganixtan, Nam Yêmen (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yêmen), Ănggôla và những khu vực khác đã hình thành nên xu thế Liên Xô tấn công, Mỹ phòng thủ và Mỹ ở tình thế bị động bất lợi nhất từ khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc đến nay; Trung Quốc không chỉ đứng trước mối đe dọa quân sự “bố trí binh lực trăm vạn quân” của Liên Xô ở biên giới hai nước, mà còn đứng trước sự bao vây chiến lược của Liên Xô với sự hậu thuẫn của Mông Cổ, Việt Nam và Ấn Độ. Mối đe dọa nghiêm trọng của việc Liên Xô mở rộng đã trực tiếp thúc đẩy sự thay đổi lớn trong quan hệ Trung-Mỹ đó là từ đối kháng sang hợp tác, và việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ là tiêu chí của sự thay đổi này. “Tuyên bố chung trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ” nhấn mạnh “bất kỳ bên nào đều không nên theo đuổi bá quyền ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như bất cứ khu vực nào trên thế giới. Mỗi bên đều phản đối bất kỳ nước nào hoặc nhóm nước nào xây dựng sự bá quyền này”. 

Sự khác biệt lớn giữa Trung Quốc và Mỹ đã dẫn đến hai bên có nhiều xung đột về lợi ích. Lợi ích chung giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc chống lại Liên Xô mở rộng cũng không thể xóa đi xung đột lợi ích vốn có giữa hai nước này. Việc Mỹ kiên trì nhúng tay, can thiệp vào vấn đề Đài Loan là xung đột lợi ích nghiêm trọng nhất giữa hai nước và cũng là trở ngại lớn nhất trong việc thực hiện bình thường hóa quan hệ, thiết lập quan hệ ngoại giao và hợp tác giữa hai nước. Trung Quốc và Mỹ cần phải tránh những rắc rối nghiêm trọng này mới có thể thực hiện được việc phát triển bình thường hóa quan hệ, thiết lập quan hệ ngoại giao và hợp tác giữa hai nước. Trước tiên, trải qua một thời gian dài, Mỹ đã tìm hiểu sâu sắc lập trường nguyên tắc của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, để thực hiện hợp tác Trung-Mỹ và cùng nhau chống lại Liên Xô mở rộng, Mỹ cần phải tôn trọng và thừa nhận điều này. Trong 3 công báo chung Trung-Mỹ, Mỹ thừa nhận và tán thành chính sách “một nước Trung Quốc”, không ủng hộ “Đài Loan độc lập” cũng như ngừng trực tiếp can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Thứ hai, bên cạnh việc kiên trì lập trường nguyên tắc, Trung Quốc thể hiện tính linh hoạt trong việc xử lý Mỹ nhúng tay, can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Cuối tháng 12/1978, trước giờ phút thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, đối với việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Đặng Tiểu Bình tỏ thái độ “hai bên chúng ta cùng nhau thảo luận lại vấn đề này”. Điều đó cho thấy ông rất coi trọng việc thực hiện hợp tác Trung-Mỹ, cũng như rất linh hoạt trong xử lý vấn đề Đài Loan. 

Hiển nhiên, lợi ích chung trong việc chống lại Liên Xô mở rộng đã khởi động tiến trình hợp tác lấy thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ làm tiêu chí, và trong một khoảng thời gian sau đó đã giành được sự thúc đẩy toàn diện. Nhưng cần phải nhận thấy rằng trên thực tế sau năm 1979, Trung Quốc đã ngày càng xác định rõ việc xây dựng mối quan hệ Trung-Mỹ ổn định là lợi ích chung quan trọng nhất trong quan hệ hai nước. Điều này giành ý nghĩa chiến lược ở tầng nấc cao hơn cho hợp tác Trung-Mỹ; còn Mỹ luôn hạn chế bởi việc cùng nhau chống lại Liên Xô mở rộng. Cho nên, sau khi mối đe dọa Liên Xô mở rộng yếu đi, thậm chí tiên tan, Trung Quốc tiếp tục giữ thái độ tích cực đối với việc thúc đẩy hợp tác hai nước, Mỹ ngược lại có thái độ tiêu cực, đặc biệt có thái độ tiêu cực nhất trong hợp tác an ninh chính trị giữa hai nước. 

2- Lợi ích chung Trung-Mỹ xuất hiện những thay đổi lớn, xung đột lợi ích tương đối nổi bật, hợp tác hai nước tiếp tục thúc đẩy trong sự trắc trở 

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Chiến tranh Lạnh kết thúc, lợi ích chung trong việc chống lại Liên Xô mở rộng mất đi, trực tiếp đã dẫn đến xung đột lợi ích vốn có giữa Trung Quốc và Mỹ. Từ cuộc bạo loạn chính trị ở Bắc Kinh tháng 6/1989 đến vụ 11/9/2001 là khoảng thời gian hai nước xung đột, va chạm với nhau, đặc biệt là trong khoảng thời gian này xảy ra những vụ xung đột lớn. Trong đó, giữa Trung Quốc và Mỹ xảy ra nhiều lần xung đột lớn xoay quanh vấn đề Đài Loan, ảnh hưởng lớn đối với mối quan hệ song phương. Tháng 9/1992, Tổng thống Bush phê chuẩn bán 150 chiếc máy bay chiến đấu loại F-16A/B cho Đài Loan. Tháng 6/1995, Tổng thống Bill Clinton phê chuẩn cho Lý Đăng Huy đến thăm Mỹ cũng như vào mùa Xuân năm 1996, Mỹ có ý đồ bảo vệ “cuộc bầu cử” ở Đài Loan bằng quân sự. Tất cả những điều này đều khiến cho mối quan hệ Trung-Mỹ hạ xuống mức thấp nhất khi đó. Ngoài ra, cái gọi là vấn đề nhân quyền cũng nhiều lần dẫn đến hai nước va chạm và xung đột với nhau. Những xung đột về lợi ích này đều là những xung đột trước đây giữa hai nước, nhưng vì lợi ích chung, trong khoảng thời gian chống lại Liên Xô mở rộng, những xung đột này bị gác lại. Sau khi lợi ích chung mất đi, xung đột lợi ích thể hiện rõ và hình thành những ảnh hưởng bất lợi đối với hợp tác Trung-Mỹ. Bên cạnh đó, những xung đột lợi ích mới như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhập siêu thương mại cũng bắt đầu thể hiện rõ, và nảy sinh những ảnh hưởng tiêu cực. 

Thời kỳ trên cho dù giữa hai nước nảy sinh liên tục va chạm và xung đột, nhưng lợi ích chung về các mặt khác dần dần thể hiện rõ, và đã giành được sự tán thành của hai bên. Tháng 10/1979, trong “Tuyên bố chung Trung-Mỹ”, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân khi đến thăm Mỹ đã thừa nhận “hai bên có lợi ích chung to lớn” và nhấn mạnh “hai nước thông qua thúc đẩy hợp tác để đối phó với những thách thức trên trường quốc tế, thúc đẩy thế giới hòa bình và phát triển, cùng nhau dốc sức thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược mang tính xây dựng”. “Tuyên bố chung” đã đưa ra lợi ích chung về nhiều mặt giữa hai nước, trong đó bao gồm việc giữ vững thế giới và khu vực hòa bình ổn định, thúc đẩy và duy trì kinh tế thế giới phồn vinh, ngăn chặn việc phổ biến vũ khí, phát triển nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường v.v... Điều này thể hiện rõ trong sự thay đổi lớn của tình hình thế giới sau Chiến tranh Lạnh, lợi ích chung giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu đa dạng hóa, đề cập đến nhiều lĩnh vực hơn. Trong thời kỳ này, Trung Quốc và Mỹ duy trì tiếp xúc tương đối mật thiết giữa các lãnh đạo cấp cao. Tuy việc thăm hỏi lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước không nhiều so với trước, nhưng đã xuất hiện hình thức mới trong việc tiến hành hội nghị song phương trong các trường hợp đa phương như APEC, hơn nữa số lần dần dần tăng lên. Trên cơ sở đó, hợp tác Trung-Mỹ tiếp tục được thúc đẩy, hai nước đã tiến hành hợp tác có hiệu quả về các vấn đề an ninh chính trị quan trọng như giữ vững an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, vấn đề Trung Đông, thúc đẩy việc hình thành sự tin tưởng lẫn nhau về chiến lược mới. Trong thời kỳ này, cho dù thương mại song phương hay là đầu tư đều có tiến triển nhanh chóng, hợp tác kinh tế vẫn trở thành thành phần chủ yếu của hợp tác Trung-Mỹ. 

3- Lợi ích chung và xung đột lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ đã xuất hiện nội dung mới, hợp tác hai nước đã hình thành đặc điểm mới 

Từ sự kiện 11/9 đến nay, đa cực hóa tình hình thế giới, toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển, thực lực của Trung Quốc tăng trưởng tương đối nhanh, vị thế quốc tế không ngừng nâng cao đã trực tiếp ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác Trung-Mỹ. Sau khi xảy ra vụ 11/9, việc tấn công các thế lực khủng bố đã nhanh chóng trở thành lợi ích chung quan trọng của hai nước, từ đó đã thúc đẩy hai nước tiến hành hợp tác mới trong lĩnh vực an ninh chính trị. Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2008 đến nay, đối phó với khủng hoảng, kích thích kinh tế thế giới phục hồi đã trở thành lợi ích chung quan trọng mới của Trung Quốc và Mỹ, thúc đẩy toàn diện hợp tác hai nước. Ngoài ra, đối phó với một loạt vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu cũng trở thành lợi ích chung mới của hai bên. Tất cả những điều đó đã tạo thành nội dung mới trong lợi ích chung của hai nước. Những lợi ích chung mới này tuy mỗi lợi ích chung trong từng lĩnh vực đều không thể so với tầm quan trọng của việc cùng nhau chống lại Liên Xô mở rộng, nhưng những lợi ích chung mới này với tư cách là một chỉnh thể thì lại có tầm quan trọng chưa từng thấy, thúc đẩy việc hình thành hợp tác Trung-Mỹ và tin tưởng nhau về chiến lược. Từ sự kiện 11/9 đến nay, va chạm và xung đột giữa hai nước không ngừng xảy ra, nhưng lại không xuất hiện những xung đột lớn từng xảy ra liên tục trong những năm 90 thế kỷ 20. Điều này cho thấy xung đột lợi ích giữa hai nước trước sau vẫn tồn tại nhưng chưa đến mức gay gắt nghiêm trọng. Điều đáng chú ý là trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng tiền tệ quốc tế, quốc lực và vị thế quốc tế của Trung Quốc được nâng cao rõ rệt. Bên cạnh việc dựa vào Trung Quốc, Mỹ bắt đầu ngày càng thể hiện rõ sự hoài nghi đối với nước này, lo ngại Trung Quốc phát triển sẽ thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ. Điều này thể hiện rõ nhất sau năm 2010, Chính quyền Obama thúc đẩy một cách tích cực chiến lược “quay trở lại châu Á”. Nhưng giữa Trung Quốc và Mỹ không tồn tại và cũng không thể xuất hiện xung đột kiểu tranh giành bá quyền thế giới như Mỹ và Liên Xô trước đó, xung đột lợi ích mới giữa hai nước vẫn có thể khống chế được. 

So với hai thời kỳ trước, 11 năm kể từ vụ 11/9 đến nay, hợp tác Trung-Mỹ tương đối ổn định. Hợp tác Trung-Mỹ trong thời gian này có 3 đặc điểm mới quan trọng. Một là, hợp tác ngày càng cơ chế hóa. Hai nước đã hình thành hệ thống cơ chế hợp tác đa tầng nấc lấy đối thoại chiến lược và kinh tế làm trọng tâm, đề cập đến các lĩnh vực hợp tác như chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường; hai là, hợp tác về đại thể phát triển song hành với va chạm, xung đột. Ngoài vấn đề Đài Loan gây phiền phức đối với mối quan hệ quân sự hai nước, những ảnh hưởng tiêu cực, rắc rối của các vấn đề khác ít hơn so với thời kỳ trước; ba là, hợp tác càng bình đẳng hơn. Quốc lực và vị thế quốc tế của Trung Quốc tiếp tục được tăng cường và nâng cao, hợp tác với Mỹ càng có xu thế bình đẳng. Về lâu dài cho thấy điều này sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước ngày càng ổn định và bền vững, nhưng về ngắn hạn lại có thể dẫn đến va chạm và xung đột nhiều hơn. Những đặc điểm trên đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh, bền vững của hợp tác Trung-Mỹ trong tương lai cũng như việc hai nước thiết lập mối quan hệ nước lớn kiểu mới. 

III- Triển vọng hợp tác Trung-Mỹ 

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 là bước ngoặt và khởi điểm mới của sự phát triển quan hệ hai nước. Quan hệ Trung-Mỹ ngày càng thể hiện rõ là mối quan hệ đặc biệt với một bên là nước lớn mới nổi và bên kia là nước lớn lâu đời. Với khởi điểm mới, Trung Quốc và Mỹ đã có nhận thức chung cơ bản đối với việc tăng cường tin tưởng nhau về chiến lược, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng lợi. Một khoảng thời gian trong tương lai, hợp tác Trung-Mỹ là nền tảng và nhân tố thúc đẩy chủ yếu hai nước tăng cường sự tin tưởng nhau về chiến lược, phát triển mối quan hệ nước lớn kiểu mới, và sẽ có vị thế nổi bật nổi bật hơn trong quan hệ song phương. 

1- Hợp tác Trung-Mỹ sẽ trở thành nền tảng và nhân tố thúc đẩy chủ yếu phá bỏ lôgích truyền thống nước lớn đối kháng xung đột, phát triển mối quan hệ nước lớn kiểu mới 

Đối kháng xung đột là sự lôgích truyền thống của mối quan hệ nước lớn mới nổi với nước lớn lâu đời. Hai cuộc đại chiến thế giới và hơn 40 năm Chiến tranh Lạnh chính là những biểu hiện tập trung của sự lô gích truyền thống này. Từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đến nay, cho dù so sánh sức mạnh tổng hợp và vị thế quốc tế “Mỹ mạnh, Trung Quốc yếu” không nảy sinh những thay đổi cơ bản, nhưng do Trung Quốc đã trở thành khối kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc tiếp tục giữ vững xu thế phát triển mạnh mẽ, quan hệ Trung-Mỹ ngày càng sáng sủa với tình hình quan hệ nước lớn mới nổi với nước lớn lâu đời. Quan hệ Trung-Mỹ liệu có rơi vào sự lôgích truyền thống của mối quan hệ nước lớn đối kháng xung đột không? Điều này đã khiến cộng đồng quốc tế quan tâm rộng rãi. Có thể khẳng định rằng quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai không thể rơi vào đối kháng xung đột với một bên là nước lớn mới nổi và bên kia là nước lớn lâu đời, không thể rơi vào cảnh tượng của mối quan hệ Mỹ-Xô trước đây, mà sẽ phát triển thành mối quan hệ nước lớn kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng lợi. Với xu thế lớn đa cực hóa tình hình thế giới, toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, quan hệ nước lớn tất yếu sẽ nảy sinh những thay đổi lớn. Hiện nay, hợp tác Trung-Mỹ phát triển toàn diện, nhanh chóng và đã đạt được mức độ tương đối cao, đem lại lợi ích chính trị, kinh tế, an ninh to lớn cho hai nước. Hai nước đã xây dựng được cơ chế hợp tác ngành nghề có hiệu quả, rộng rãi, có lợi cho hai bên hiểu nhau, tăng thêm độ tin cậy, giảm nghi ngờ, hóa giải bất đồng. Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể trên cơ sở đã giành được những thành tựu, tìm tòi những biện pháp mới thì mới có thể thực hiện tối đa hóa lợi ích giữa hai nước trong tình hình mới. Đúng như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nêu rõ “Trung Quốc và Mỹ cần phải gạt bỏ những phiền phức, cùng nhau cố gắng, đi trên con đường quan hệ nước lớn kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng lợi”. Hợp tác Trung-Mỹ cần phát huy vai trò thúc đẩy và vai trò nền tảng trong quá trình này. Sự lựa chọn của Trung Quốc và Mỹ đối với việc phát triển quan hệ nước lớn kiểu mới tất nhiên sẽ thúc đẩy hợp tác hai nước. Có thể dự đoán cùng với việc thúc đẩy tiến trình phát triển quan hệ nước lớn kiểu mới, ý nghĩa và ảnh hưởng mang tính chiến lược của hợp tác Trung-Mỹ đối với hai nước và toàn bộ mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ thể hiện rõ hơn. Chính vì vậy, hai năm gần đây, bên cạnh việc đồn đại ầm ĩ về xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ khó có thể tránh khỏi, hai nước lại càng coi trọng hợp tác song phương và liên tục giành được những tiến triển lớn. 

2- Hợp tác Trung-Mỹ sẽ là một trong những nội dung chính của việc hai nước tăng sự tin tưởng nhau về chiến lược, phát triển mối quan hệ nước lớn kiểu mới 

Xây dựng và tăng sự tin tưởng nhau về chiến lược luôn là vấn đề trọng tâm của việc xử lý mối quan hệ Trung-Mỹ. Một khoảng thời gian hiện tại và tương lai, với tình hình trong nước Mỹ xuất hiện những nghi ngờ về chiến lược của Trung Quốc có khả năng thách thức vị thế lãnh đạo của mình, việc xây dựng và tăng sự tin tưởng nhau về chiến lược càng quan trọng và nổi bật. Trong “Tuyên bố chung Trung-Mỹ”, Tổng thống Obama đã phát biểu khi đến thăm Trung Quốc: “Bồi dưỡng và tăng sự tin tưởng nhau về chiến lược giữa hai nước là vô cùng quan trọng đối với việc phát triển quan hệ Trung-Mỹ trong thời kỳ mới”. Sau đó, trong “Tuyên bố chung Trung-Mỹ” khi Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến thăm Mỹ tháng 1/2011 cũng như phát biểu tại lễ khai mạc đối thoại kinh tế và chiến lược lần thứ 4 tháng 5/2012 của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đều một lần nữa nhấn mạnh hai nước đặc biệt coi trọng việc xây dựng và tăng sự tin tưởng nhau về chiến lược. Có thể dự đoán tiến trình hai nước phát triển mối quan hệ nước lớn kiểu mới tất sẽ là một quá trình hai nước tăng sự tin tưởng hơn nữa về chiến lược. Tin tưởng về chiến lược là vấn đề nhận định chiến lược, tức là hai bên Trung Quốc và Mỹ không lấy đối phương là mối đe dọa chiến lược chủ yếu, lấy đối phương là đối tác hợp tác chiến lược chủ yếu của nhau; đồng thời, tin tưởng về chiến lược lại là vấn đề thực tiễn, tức là thông qua hợp tác lâu dài, thừa nhận và không ngừng tăng cường những phán đoán chiến lược nêu trên. Hai mặt này luôn ảnh hưởng và thúc đẩy lẫn nhau. Hợp tác Trung-Mỹ tất sẽ là một trong những nội dung chính của hai nước trong việc xây dựng và tăng sự tin tưởng lẫn nhau về chiến lược, phát triển quan hệ nước lớn kiểu mới trong thời kỳ mới. Những hoài nghi của Mỹ đối với chiến lược của Trung Quốc có thể khiến cho hợp tác Trung-Mỹ đứng trước nhiều khó khăn hơn. Đồng thời những nhận định về chiến lược của hai bên đối với mối đe dọa hay hợp tác cho dù về cơ bản không thay đổi, đặc trưng của hợp tác Trung-Mỹ phát triển trong trắc trở sẽ ngày càng rõ. Phát triển bền vững của hợp tác Trung-Mỹ sẽ dần dần hóa giải những nghi ngờ của Mỹ về chiến lược của Trung Quốc, từ đó có lợi cho việc xây dựng và tăng độ tin tưởng nhau về chiến lược giữa hai nước, thúc đẩy Trung Quốc và Mỹ phát triển hơn nữa mối quan hệ nước lớn kiểu mới. 

Lâu nay, hợp tác về an ninh chính trị, đặc biệt là hợp tác về quân sự luôn là khâu yếu kém trong hợp tác Trung-Mỹ. Vấn đề này có triển vọng được thay đổi rõ rệt trong tương lai. Nhấn mạnh hợp tác an ninh chính trị Trung-Mỹ bao gồm hợp tác quân sự đang trở thành một trong những trọng điểm của việc Trung Quốc và Mỹ tăng sự tin tưởng lẫn nhau về chiến lược, phát triển mối quan hệ nước lớn kiểu mới. Hai bên đều tỏ rõ thành ý và ý nguyện rõ ràng về vấn đề hợp tác này. Từ năm 2011 đến nay, việc khởi động cơ chế bàn bạc các công việc an ninh châu Á-Thái Bình Dương cũng như từng bước triển khai và cơ chế hóa việc giao lưu quân sự cấp cao giữa hai nước đều cho thấy khâu hợp tác quân sự này đã bắt đầu được tăng cường. Điều này sẽ nảy sinh những ảnh hưởng tích cực không thể đánh giá thấp đối với việc phát triển toàn diện, cân bằng hợp tác giữa hai nước./. 

Theo Tạp chí “Nghiên cứu các vấn đề quốc tế” - Số 4/2012 – Trung Quốc