Có những mục tiêu địa chính trị toàn cầu đằng sau các kế hoạch biển của Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình hiện nay tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. Sự phát triển kinh tế hàng hải của Trung Quốc được gắn chặt với hai mục đích. Một là làm sống lại con đường tơ lụa vinh quang trong quá khứ; Hai là phát triển các tỉnh tương đối nghèo như Vân Nam.

Trong khi đang thúc đẩy các kế hoạch hình thành con đường tơ lụa mới trên biển, những hành động gần đây của Trung Quốc chắc chắn đi ngược lại những gì mà Bắc Kinh rao giảng về hòa bình và hòa hợp thông qua việc thúc đẩy các lợi ích kinh tế của tất cả các quốc gia trong khu vực. Sự nghi kỵ lâu đời giữa Ấn Độ và Trung Quốc được bắt nguồn từ các tranh chấp biên giới lãnh thổ đến việc xây dựng các đập nước trên sông Yarlung Tsangpo gần đây. Bất đồng chủ yếu xuất phát từ các báo cáo thiếu chính xác của một số nhà khoa học về tác động tiêu cực của đập Zangmu đối với khu vực hạ lưu ở Ấn Độ và Bangladesh, không đánh giá trung thực về nguồn gốc dòng chảy, thủy văn, tốc độ dòng chảy của sông Yarlung Tsangpo cũng như sông Brahmaputra ở Ấn Độ và Jamuna ở Bangladesh với hơn 80% dòng chảy trong biên giới Ấn Độ.

Lợi ích năng lượng

Một trong những lý do quan trọng cho sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và sự hiện diện ngày càng tăng của họ ở Ấn Độ Dương là nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng. Hầu hết các nguồn cung năng lượng của Trung Quốc được vận chuyển qua các tuyến hàng hải quan trọng ở Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Biển Đông là khu vực có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Đây cũng là lý do Bắc Kinh bắt đầu chiến lược dài hạn kết thân và phát triển quan hệ chính trị và văn hóa với các quốc gia ven khu vực Ấn Độ Dương. Thương mại trong trường hợp này đưa đến tình huống cùng thắng cho tất cả các bên có liên quan.

Hầu hết các nền kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương như Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar đã duy trì một lập trường ngoại giao cân bằng giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Mỹ và Ấn Độ. Tiềm năng lớn của con đường tơ lụa trên biển, được Bắc Kinh khởi xướng, có thể khai thác được các thế mạnh kinh tế của các quốc gia ven biển và tạo ra một nền kinh tế biển phát triển. Bên cạnh đó, còn có cảm giác hoài nghi về sự nổi lên của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương là nhằm hướng tới việc duy trì và củng cố sự thống trị về hải quân, chứ không phải là khai thác năng lượng. Các căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam là một tài sản hải quân quan trọng mà Trung Quốc đang bảo vệ và phát triển. Trung Quốc đã gần như hoàn thành xây dựng một đường băng thứ hai trên đảo Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa.

Chủ quyền biển

Trung Quốc dường như có ý định khẳng định các đại dương ngoài khơi bờ biển nước này là do họ sở hữu và kiểm soát. Một ví dụ điển hình là Biển Đông - nơi chứng kiến sự gia tăng các tranh chấp giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia, nhất là Việt Nam và Philippines. Cả Manila và Hà Nội đã kiện Bắc Kinh về các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông nhưng dường như Trung Quốc muốn duy trì trạng thái bất ổn tại vùng biển này.
Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng hoặc phát triển khả năng hạt nhân và hải quân của mình, Bắc Kinh đã sẵn sàng cho vai trò hiện diện lớn nhất ở cả Ấn Độ Dương lẫn Biển Đông. Tuy nhiên, để bắt kịp Mỹ về năng lực biển, Trung Quốc vẫn còn cả chặng đường dài. Trong khi điều này không chỉ ra một viễn cảnh đáng ngại, tình hình có thể đi theo hướng này hoặc hướng khác. Ấn Độ cần xem xét và tham gia với Trung Quốc theo cách thức có thể giúp giảm bớt một tình huống bất lợi.

Dĩ nhiên, phát triển các kết nối thương mại có thể là một động lựcquan trọng, thông qua việc phát triển hành lanh kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar, triển khai các hiệp định tự do thương mại hoặc một kế hoạch phối hợp về phát triển bền vững giữa tỉnh Vân Nam Trung Quốc và vùng đông bắc Ấn Độ.

Theo “The Hindu business line

Lê Sơn (gt)