Trong năm qua, tình hình thế giới cũng như khu vực láng giềng của Trung Quốc đã trải qua nhiều sự thay đổi sâu sắc và phức tạp. Trong năm 2011, Trung Quốc vẫn duy trì cam kết củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao "láng giềng tốt" nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển của khu vực. Trong năm tới, "chính sách láng giềng tốt" và hợp tác cùng có lợi chắc chắn sẽ là trọng tâm chính sách ngoại giao của Trung Quốc. 

HỢP TÁC CÙNG CÓ LỢI

Quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng trong năm 2011 có một số sự kiện nổi bật, trong đó phải kể đến việc ký kết hàng loạt thỏa thuận song phương, thiết lập các cơ chế hợp tác, phát triển thương mại song phương và tăng cường sự hợp tác cùng có lợi.

Tính đến nay, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hữu nghị song phương với hầu hết các quốc gia láng giềng và thiết lập các cơ chế trao đổi thường xuyên song phương và đa phương. Đỉnh cao của mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng là việc ký kết tổng cộng 19 thỏa thuận về biên giới cùng 22 nghị định thư liên quan đến việc giải quyết các vấn đề biên giới và tuần tra chung, cắm mốc 20.000 km đường biên giới.

Đã gần hai năm kể từ khi Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực ngày 1/1/2010, thương mại song phương đã phát triển nhanh chóng. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN vẫn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 20%. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng 37 lần kể từ năm 1991. Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt mức cao nhất chưa từng thấy là gần 300 tỷ USD và con số này giữa Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đạt mức kỷ lục 200 tỷ USD. 

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác cùng có lợi. Nhằm ngăn chặn buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các quốc gia thành viên của SCO đã tổ chức các cuộc diễn tập chống khủng bố chung nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh của khu vực. 

Tại hội nghị cấp cao các nước Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng lần thứ tư (GMS) vừa mới kết thúc, các nhà lãnh đạo của sáu nước châu Á là Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Mianma và Việt Nam đã tranh luận và đưa ra nhiều ý tưởng mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa trên sự bình đẳng và hợp tác của các quốc gia, tạo ra một hình mẫu khác cho hợp tác khu vực.

HIỂU BIẾT VÀ HỖ TRỢ LẪN NHAU

Mối quan hệ hài hòa giữa các quốc gia được tạo ra bởi sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước. Về mặt địa lý, văn hóa và dân tộc, Trung Quốc có rất nhiều điểm chung với hầu hết các quốc gia láng giềng. Lịch sử lâu đời mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước láng giềng là nền tảng vững chắc cho sự phát triển xa hơn nữa. Thái Lan là một ví dụ. Rất nhiều hậu duệ người Trung Quốc hiện đang sinh sống tại quốc gia Đông Nam Á này và quan điểm "Trung Quốc và Thái Lan là một gia đình" đã ăn sâu bám rễ vào trái tim của nhân dân hai nước. 

Trung Quốc vừa thông qua một quan điểm cởi mở và tăng cường giúp đỡ các nước láng giềng. Những nỗ lực thân thiện hơn của Trung Quốc đã ngày càng được đánh giá cao. Vào giữa mùa hè năm nay, từ thủ đô Giacácta tới thành phố Surabaya, người dân Inđônêxia đã được tận mắt "chiêm ngưỡng" một Trung Quốc đầy sắc mầu qua các màn biểu diễn âm nhạc dân gian, võ thuật, phim ảnh, sách vở và các buổi hội thảo của các học giả Trung Quốc. Và tại Nga, dường như "cơn gió" văn hóa Trung Quốc cũng đang quét qua đất nước này với các buổi biểu diễn, các cuộc thi nói tiếng Trung Quốc và chương trình dạy tiếng Trung Quốc trên truyền hình đã thu hút hơn 52.000 người Nga. Không chỉ vậy, hiện tại có tới 17 Học viện Khổng Tử nằm rải rác ở nhiều thành phố lớn trên khắp đất nước Nga. Tại các nước ASEAN, con số này là 28 học viện. Tại Hàn Quốc, Học viện Khổng Tử đầu tiên được xây dựng tại thủ đô Xơun vào tháng 11/2004 và hiện đã có tổng cộng 17 Học viện Khổng tử tại đất nước này.

Trao đổi văn hóa đã giúp xây dựng tình bạn giữa nhân dân các nước, còn những sự ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau khi đối mặt với khủng hoảng và thiên tai lại là những hành động ấm lòng, gây nhiều cảm xúc. Sự giúp đỡ và ủng hộ hào phóng của Trung Quốc đối với Thái Lan và Pakixtan, hai nước chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, hay đối với đất nước Ápganixtan vừa trải qua chiến tranh, đã cho thấy Trung Quốc là một người bạn đích thực. Ngay sau thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản hôm 11/3, Trung Quốc đã nhanh chóng bày tỏ sự cảm thông chân thành và gửi hàng cứu trợ tới cho Nhật Bản. Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Niwa Uichiro đã nói: "Người dân Nhật Bản sẽ nhớ tất cả những hành động này".

Một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và phát triển là lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong khu vực. Trong năm mới, Trung Quốc sẽ tiếp tục bám sát "chính sách láng giềng tốt" và thúc đẩy sự hợp tác trên thực tế với các nước láng giềng nhằm đóng góp lớn hơn vào nền hòa bình lâu dài và sự thịnh vượng chung của khu vực cũng như của thế giới.

Theo Xinhua 

Thùy Anh (gt)