Giữa tháng 12 / 2015 Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov  thăm Việt Nam  gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và những người có trách nhiệm khác tập trung bàn về việc phê duyệt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEC) trong tháng 1/2016. Thỏa thuận này được ký 5 /2015 và đã được Việt Nam phê chuẩn. Nhiệm vụ của đoàn Nga là ký các thỏa thuận bổ sung và hoàn tất các các chi tiết của Hiệp định.

Theo Shuvalov, FTA giữa Việt Nam và EAEC tạo không gian rộng lớn cho hợp tác đầu tư và tăng mạnh thương mại giữa hai nước Việt-Nga. Việt Nam tham gia APEC và là một thành viên có ảnh hưởng trong  ASEAN.  10 nước ASEAN liên kết với nhau bởi các hiệp định thương mại tự do, đã ký FTA với Trung Quốc, New Zealand, Úc và các nước khác. Do đó, ký thỏa thuận FTA với Việt Nam  là bước đầu tiên để Nga truyền bá ảnh hưởng của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Độ tin cậy của đối tác này được gia cố bởi thực tế Nga có nhiều thứ có thể cung cấp cho một nước Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, trong đó có công nghệ hạt nhân sử dụng vì mục đích hòa bình.

Việt Nam chỉ mới đi vào phát triển điện hạt nhân. Đến nay không có bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào hoạt động, nhưng trong tương lai khá gần sẽ được xây dựng với sự giúp đỡ của Nga, Nhật Bản. Nhu cầu điện năng ở Việt Nam đang tăng mạnh, còn các ngành năng lượng hiện tại ngày càng khó đáp ứng. Vì thế, Việt Nam phải nhập khẩu một phần điện năng từ Trung Quốc. Trong khi các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường, xây dựng thêm thủy điện điện gặp khó khăn do điều kiện tự nhiên và khí hậu…, điện hạt nhân  được coi là sự lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam. Nhiều nước đã đề nghị giúp đỡ, nhưng Việt Nam mới chọn Nga và Nhật Bản.

Theo lãnh đạo Hà Nội, Việt Nam  có kế hoạch xây dựng 14 lò phản ứng đến năm 2030. Tuy nhiên, câu chuyện  xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được nêu trong một thời gian dài, Việt Nam đã nhiều lần đưa ra phương án khác nhau và sau đó đã thay đổi vì lý do này nọ. Hiện tại, dự án hạt nhân được thực hiện sớm nhất  là Ninh Thuận 1. Đây là cơ sở hạt nhân duy nhất đạt được tất cả các thỏa thuận về các điều khoản xây dựng và vận hành. Ninh Thuận-1 phải là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam do các công ty Nga "Atomstroyexport", "Rosatom" xây dựng, cung cấp nhiên liệu và tháo gỡ sau khi hết hạn sử dụng. Điều quan trọng là Nga tài trợ trên 85% kinh phí cho dự án, cho Việt Nam vay 8 tỷ USD vào năm 2011, cộng với 500 triệu USD để xây dựng trung tâm khoa học đào tạo các chuyên gia địa phương. Tuy nhiên, ngày khởi công công trình đã bị hoãn lại nhiều lần. Ban đầu lên kế hoạch trong năm 2014, sau đó đã bị hoãn đến năm 2019, và  bây giờ  lại bị hoãn lại đến năm 2020 do một vấn đề an toàn xuất phát từ thảm họa "Fukushima-1". Để đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng, "Rosatom" dự định tăng cường vận động, đặc biệt, các chuyên gia Nga sẽ tham gia các cuộc tranh luận liên quan tại Quốc hội Việt Nam.

Theo Shuvalov, sau cuộc họp của ủy ban liên chính phủ về hợp tác thương mại-kinh tế và khoa học-kỹ thuật Việt -Nga, Việt Nam tiếp tục quan tâm và cho rằng nhất thiết sẽ  xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Hiện tại, các chuyên gia hạt nhân Việt Nam đang được đào tạo tại Nga theo chương trình đào tạo đến năm 2020 tại thành phố Obninsk.

Nhà máy Ninh Thuận 2 sẽ được tập đoàn JINED Nhật Bản tham gia xây dựng theo Hiệp định ký năm 2010. Với các điều khoản gần giống như Nga, trong đó Nhật tài trợ  trên 85% số tiền dự án, cung cấp nhiên liệu và đào tạo. Kế hoạch xây dựng năm 2015, nhưng đầu năm 2014 phía Việt Nam đã thông báo hoãn khởi công và đến nay vẫn còn chưa rõ thời gian.

Việt Nam cũng đã đàm phán về hợp tác điện hạt nhân với Hàn Quốc(ký F/S năm 2012) , ký kết thỏa thuận với Hoa Kỳ, Canada và Pháp, tuy nhiên, việc thực hiện các dự án chung trong tương lai gần còn là một câu hỏi. Như vậy, tạm thời,  Nga vẫn là đối tác chính của Việt Nam trong lĩnh vực điện hạt nhân, mặc dù thực tế phía Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa các hợp đồng với các quốc gia khác.

Năng lượng hạt nhân là một công cụ gây ảnh hưởng quốc tế. Nó không đơn thuần là xây dựng nhà máy, bảo trì, đào tạo, cung ứng nhiên liệu cho hoạt động. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở các quốc gia thân thiện không chỉ là hoạt động kinh doanh có lợi nhuận, mà còn là một phương cách thiết lập mối quan hệ quốc tế  ổn định và sâu sắc. Dự án "Ninh Thuận 1" sẽ tạo cho Nga một chỗ đứng vững chắc và lâu dài tại Việt Nam, và tiếp đó là các nước Đông Nam Á khác.

Theo New Eastern Outlook
Văn Cường (gt)