Trước đây khoảng một thập kỷ, Nhật Bản chắc chắn là đối tác quan trọng nhất của ASEAN trong khu vực Đông Á. Trong nhiều thập kỷ thời kỳ hậu chiến tranh, hợp tác khu vực Đông Á chủ yếu xoay quanh sự phát triển quan hệ thân mật giữa Tôkiô và các nước ASEAN. Nhật Bản đã đóng vai trò trung tâm phát triển kinh tế khu vực Đông Á, là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) quan trọng nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Á. Hơn thế nữa, đối với ASEAN, Nhật Bản là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, không chỉ giúp tạo công ăn việc làm mà còn chuyển giao công nghệ từ Tôkiô đến khu vực này.

Với mức độ hợp tác kinh tế giữa Tôkiô và các nước ASEAN trong những năm 1980, Nhật Bản là nước duy nhất trong khu vực Đông Á được mời tham gia các hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (PMCs) như là một "đối tác đối thoại" chính thức, cùng với các nước công nghiệp tiên tiến khác. PMCs là diễn đàn quan trọng nhất để ASEAN tăng cường quan hệ kinh tế với các nước phát triển. Hơn nữa, Nhật Bản cũng hỗ trợ việc thành lập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) năm 1994, trong đó đã đóng góp đáng kể vào việc thuyết phục Mỹ về các giá trị hợp tác an ninh đa phương trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dẫn dắt bởi ASEAN. 

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, Nhật Bản dường như rớt lại phía sau Trung Quốc. Một số nhà quan sát thậm chí nhìn nhận Bắc Kinh là đối tác quan trọng nhất của ASEAN trong khu vực Đông Á và là trung tâm của hợp tác khu vực Đông Á. Rõ thấy nhất là trong lĩnh vực tự do thương mại, khi Trung Quốc là nước đầu tiên ký kết Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) với ASEAN vào năm 2002. Chỉ sau đó, Tôkiô mới bắt đầu những nỗ lực nghiêm túc để tiến tới một văn bản tương tự với ASEAN và cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận đối tác kinh tế trong năm 2008. Nhật Bản cũng lại chậm chân hơn Trung Quốc khi gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN (TAC) vào năm 2004, vốn được coi là nền tảng cơ bản của hợp tác chính trị giữa ASEAN và các cường quốc bên ngoài.

Trong lĩnh vực an ninh, Trung Quốc là thành viên ngoài ASEAN tham gia ARF tích cực nhất, tự nguyện tổ chức một số cuộc họp đa phương và các hoạt động dưới sự bảo trợ của ARF. Vậy phải chăng Nhật Bản đã bị gạt ra ngoài, hay sự trỗi dậy của Trung Quốc cho thấy sự phai nhạt vai trò của Nhật Bản trong hợp tác khu vực Đông Á? Câu trả lời là không. Tôkiô vẫn là một trong những nguồn FDI và ODA quan trọng nhất cho các nước ASEAN, và cũng là một trong những thành viên hoạt động tích cực nhất trong ARF. Thật vậy, vai trò của Nhật Bản trong hợp tác khu vực đang mở rộng như một hệ quả từ sự gia tăng của Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, FDI Nhật Bản đang hỗ trợ một giai đoạn mới của chiến lược định hướng xuất khẩu của các nước ASEAN. Thay vì xuất khẩu sản phẩm cuối cùng đến châu Âu và Bắc Mỹ, các nước ASEAN đang xuất khẩu các phụ tùng công nghiệp tới Trung Quốc, nơi chúng được lắp ráp để xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ. Đa số các phụ tùng này được sản xuất trong các nhà máy điều hành bởi các công ty Nhật Bản. 

Trong lĩnh vực an ninh, Nhật Bản được mong đợi sẽ giúp ASEAN bằng cách đóng vai trò cân bằng chống lại Trung Quốc. Đối với các nước Đông Nam Á, sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ tạo thành một cơ hội kinh tế mà còn là một mối đe dọa an ninh. Hầu hết các quốc gia này đang lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Các nước trong khu vực hy vọng vào Nhật Bản để cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc. Đây là lý do tại sao Philippines đã hoan nghênh đề xuất gần đây của đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản trong việc nâng cấp lực lượng phòng vệ Nhật Bản lên cấp độ quân đội chính thức.

Điều này không có nghĩa là các quốc gia Đông Nam Á muốn Nhật Bản trở thành một sức mạnh quân sự khu vực hoặc đóng vai trò bá quyền ở khu vực Đông Á. Với lý do hiển hiện từ lịch sử, họ vẫn thận trọng về vai trò an ninh của Nhật Bản trong khu vực. Tuy vậy, trong bối cảnh chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như tình hình tranh chấp Biển Đông ngày càng trầm trọng hơn, các nước ASEAN mong đợi Nhật Bản hạn chế sức mạnh của Trung Quốc bằng các biện pháp chính trị, không phải trên phương diện quân sự, thông qua các diễn đàn như ARF.

Với sự trở lại cầm quyền của đảng LDP và Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản cần thể hiện được những vai trò mới của mình như đã đề cập ở trên và đóng góp vào hợp tác khu vực ở Đông Á. Nếu không Nhật Bản sẽ bị bỏ lại phía sau. 

Hai tác giả là Mushadid Ali, chuyên gia trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Xinhgapo, và Tiến sỹ Hiro Katsumata thuộc Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Waseda, Nhật Bản. Bài viết đăng trên Báo "Dân tộc" (ngày 9/1).

Vũ Hiền (gt)