Sau “Sự kiện 11/9”, do Chính phủ Mỹ và Pakixtan tăng cường hợp tác trong chiến lược chống khủng bố quốc tế, bên ngoài đều cho rằng điều này sẽ đem đến rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển của mối quan hệ Mỹ-Ấn trong tương lai. Nhưng xem xét kỹ sự phát triển của mối quan hệ song phương Mỹ-Ấn và tình hình khu vực những năm gần đây, tình hình này vẫn chưa xuất hiện, trái lại mối quan hệ Mỹ-Ấn còn phát triển ổn định, quan hệ đối tác chiến lược được tăng cường không ngừng. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng phải đào tạo Ấn Độ trở thành đối tác chiến lược toàn cầu của Mỹ trong thời gian ông cầm quyền. Mọi người đều biết, sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ là nhân tố bên ngoài lớn nhất ảnh hưởng đến môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc, còn Ấn Độ là nước lớn ở khu vực Nam Á, nước láng giềng quan trọng của Trung Quốc, nhưng còn tồn tại các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, vì vậy sự hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ trong lĩnh vực an ninh ắt sẽ nảy sinh những ảnh hưởng quan trọng đối với môi trường an ninh của Trung Quốc. 

I.          Nội dung chủ yếu của hợp tác an ninh Mỹ-Ấn 

Trong Chiến tranh Lạnh, do Mỹ và Pakixtan liên kết thành mối quan hệ liên minh quân sự, còn Ấn Độ thực thi chính sách không liên kết, khiến cho trong phần lớn thời gian này, mối quan hệ Mỹ-Ấn thờ ơ lạnh nhạt. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mối quan hệ Mỹ-Ấn không ngừng ấm lên, ngoài các chuyến thăm lẫn nhau liên tiếp của lãnh đạo cấp cao, hai bên còn triển khai giao lưu và hợp tác toàn diện. Trong đó, hợp tác an ninh là một lĩnh vực quan trọng của hợp tác song phương, bao gồm hợp tác công nghệ hạt nhân, các công việc quốc phòng, chống khủng bố trong khu vực và trên thế giới cũng như an ninh biển.... 

1. Hợp tác công nghệ hạt nhân 

Sau khi Ấn Độ tiến hành thử nghiệm hạt nhân vào tháng 5/1998, Mỹ đã thực thi trừng phạt đối với Ấn Độ, dường như ngừng tất cả các dự án hợp tác hạt nhân trước đó, và hạn chế xuất khẩu một cách nghiêm khắc đối với nước này. Tháng 11/2001, Thủ tướng Ấn Độ Alal Bihari Vajpayee đến thăm Mỹ, hai bên đã đồng ý nối lại đối thoại và hợp tác về vấn đề an ninh hạt nhân. Tháng 7/2005, khi đến thăm Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Tổng thống George W. Bush con cùng công bố Tuyên bố chung về hợp tác năng lượng hạt nhân dân dụng giữa hai nước. Tuyên bố chung cho rằng Ấn Độ là một “quốc gia trách nhiệm có công nghệ hạt nhân tiên tiến”, “đáng được hưởng quyền lợi và lợi ích giống như các nước khác.” Tháng 3/2006, Tổng thống Mỹ George W. Bush con đến thăm Ấn Độ, cùng với Thủ tướng Manmohan Singh ký “Thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân dân dụng”. Theo thỏa thuận, trước tình hình Ấn Độ chưa ký “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” (NPT), Mỹ sẽ cung cấp nhiên liệu hạt nhân và hỗ trợ công nghệ cho Ấn Độ phát triển năng lượng hạt nhân dân dụng. Trên thực tế, điều này có nghĩa là Mỹ đã chính thức thừa nhận vị thế quốc gia vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Tuy Mỹ và Ấn Độ chỉ tiến hành hợp tác năng lượng hạt nhân dân dụng, và nhấn mạnh Ấn Độ cần phải tách riêng kế hoạch hạt nhân dân sự và quân sự, nhưng đối với Ấn Độ - nước kiên trì phát triển sức mạnh hạt nhân, nỗ lực trở thành nước lớn về hạt nhân, việc Mỹ điều chỉnh chính sách hạt nhân của mình không thể không khiến cho mọi người cảm thấy nghi ngờ và lo lắng. Việc Mỹ nới lỏng hạn chế xuất khẩu đối với năng lượng hạt nhân dân dụng cho Ấn Độ sẽ mở ra cánh cửa thuận lợi cho Ấn Độ phát triển thêm kho vũ khí hạt nhân. 

2. Hợp tác trong các công việc quốc phòng 

Hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng là một mặt quan trọng trong việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương. Nhận thức được thực lực quân sự và vị thế đối tác chiến lược của Ấn Độ được cải thiện không ngừng, Mỹ đã tích cực tăng cường hợp tác quốc phòng song phương. Đại sứ của Mỹ tại Ấn Độ, Robert Blackwill đã từng nói: “Hợp tác quốc phòng là một phương diện sống động, có những thành tích rõ rệt và không ngừng mở rộng trong sự chuyển đổi của mối quan hệ Mỹ-Ấn”. Hợp tác trong các công việc quốc phòng giữa hai nước bao gồm các lĩnh vực như phòng thủ tên lửa đạn đạo, tổ chức tập trận quân sự chung, mở rộng mua bán vũ khí, tăng cường giao lưu nhân viên và tình báo quân sự, nới lỏng việc xuất khẩu kỹ thuật hai chiều. Mỹ và Ấn Độ đều giữ thái độ tích cực đối với việc phát triển mối quan hệ an ninh và quốc phòng. Tháng 1/1995, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry đến thăm Ấn Độ, hai nước đã ký “Hiệp định quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn”, quy định ngoài tiến hành hợp tác về nghiên cứu và sản xuất vũ khí quân sự, còn tiến hành giao lưu giữa các nhân viên trong quân đội và ngoài quân đội. Ngay từ tháng 5/2001, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố ủng hộ Mỹ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, và đề xuất mua hệ thống tên lửa phòng không “Patriot 3 (PAC-3)”. Tháng 3/2005, trong Hội nghị hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đồng ý thành lập tổ công tác chung, triển khai hợp tác mật thiết về vấn đề phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tháng 6/2005, Mỹ và Ấn Độ ký Hiệp định hợp tác quân sự 10 năm, hiệp định này không chỉ yêu cầu tăng cường giao lưu giữa quân đội của hai nước, mà còn đề xuất tăng cường hợp tác quân sự về mặt sản xuất vũ khí, mua bán cũng như phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tháng 7/2009, trong thời gian Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến thăm Ấn Độ, hai nước đã ký kết “Hiệp ước giám sát khách hàng từ đầu đến cuối” về quốc phòng, Mỹ bán công nghệ quốc phòng tiên tiến cho Ấn Độ. Trên thực tế, hiệp ước này khiến cho Ấn Độ giành được một chiếc “thẻ được phép mua” vũ khí tiên tiến của Mỹ, vì theo quy định của luật pháp Mỹ, chỉ có đạt được “Hiệp ước giám sát khách hàng từ đầu đến cuối” với bên mua, mới được cho phép bán trang thiết bị vũ khí tiên tiến. Những năm gần đây, Mỹ đã nhiều lần mời Ấn Độ tham gia tập trận quân sự chung, điều này cho thấy sự phát triển của mối quan hệ quân sự Mỹ-Ấn đã được nâng lên một tầng cao mới. 

3. Hợp tác chống khủng bố trong khu vực và trên thế giới 

Mỹ và Ấn Độ đều là nước bị hại của chủ nghĩa khủng bố, việc tấn công chủ nghĩa khủng bố đã trở thành nhu cầu chung của cả hai nước. Từ mục tiêu lâu dài cho thấy, về mặt chống khủng bố, hai nước đều đang tồn tại lợi ích chung mang tính căn bản. Ngay từ năm 2000, về vấn đề chống khủng bố, hai nước đã xây dựng nhóm công tác chung. Sau “Sự kiện 11/9”, khu vực Nam Á trở thành tuyến đầu của việc Mỹ tấn công các thế lực khủng bố như Taliban và Al-Qeada, điều đó khiến cho Mỹ ngày càng coi trọng sự hợp tác chống khủng bố với Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ cũng tỏ ra sẵn sàng cố gắng hết sức ủng hộ Mỹ tấn công chủ nghĩa khủng bố, hợp tác chống khủng bố song phương trong các lĩnh vực như hành động quân sự, tập trận chung, tin tức tình báo, chế độ pháp luật... được nâng cao một cách toàn diện. Những hành động quân sự ở Ápganixtan và Irắc báo hiệu chiến lược chống khủng bố trên toàn cầu của Mỹ đã bắt đầu. Tính đến những mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakixtan, Mỹ không bao che một cách quá mức cho Pakixtan nữa, mà tích cực lôi kéo Ấn Độ gia nhập chiến lược chống khủng bố của mình, tăng thêm những nhân tố có lợi hơn cho việc Mỹ thực thi chiến lược chống khủng bố. Những năm gần đây, nhiều lần tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Ấn Độ được tổ chức, đa số là lấy danh nghĩa “chống khủng bố chung” để tiến hành. 

4. Hợp tác an ninh biển 

Bảo vệ an ninh biển là mục tiêu chủ yếu của sự hợp tác trên biển giữa Mỹ và Ấn Độ. Hai bên tồn tại lợi ích chung ở Ấn Độ Dương và khu vực biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), liên quan đến việc cung cấp dầu mỏ, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt quy mô lớn, buôn bán ma túy, tự do trên biển, an ninh hàng hải và giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ. Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Ấn Độ tích cực hợp tác về vấn đề biển, ngoài việc hải quân hai nước tiến hành nhiều lần tập trận chung trên biển, tàu hải quân Ấn Độ còn đem lại sự hộ tống và căn cứ cho tàu thuyền của Mỹ, Mỹ cũng đem lại sự ủng hộ ở mức độ nhất định đối với việc xây dựng hải quân của Ấn Độ. 

II.        Nguyên nhân chủ yếu của việc Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh 

Việc Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác, khiến cho mối quan hệ giữa hai nước không ngừng ấm lên, nguyên nhân là có nhiều mặt, nó là nhu cầu chiến lược an ninh của từng bên, cũng là lợi ích kinh tế, an ninh và chính trị của hai bên. 
Trước tiên, đối với Mỹ, việc tăng cường hợp tác an ninh với Ấn Độ là thực hiện những mục tiêu và lợi ích chiến lược sau: Một là, đưa Ấn Độ vào quỹ đạo chiến lược của Mỹ, thực hiện cục diện địa-chiến lược do Mỹ gây dựng nên. Với tư cách là nước lớn ở Nam Á, những năm gần đây, sự phát triển kinh tế và thực lực trong nước tăng lên của Ấn Độ rất được cộng đồng quốc tế quan tâm. Từ Mỹ cho thấy, nếu đưa Ấn Độ - “nước lớn mạnh có thực lực không ngừng tăng lên” này với tư cách là một đối tác kiểu mới của Mỹ ở châu Á - vào quỹ đạo chiến lược của mình, thì có thể lợi dụng vị thế chiến lược của Ấn Độ ở Nam Á để duy trì cân bằng lực lượng ở châu Á, “tiến tới hình thành cục diện địa-chính trị chiến lược tương đối có lợi cho Mỹ ở châu Âu và châu Á”. Hai là, bảo vệ lợi ích an ninh trên biển của Mỹ. Ấn Độ là cường quốc quân sự lớn nhất giữa hai trọng tâm bố trí quân sự lớn của Mỹ là Trung Đông, Đông Á, đồng thời Ấn Độ đang khống chế con đường trọng yếu xuất nhập khẩu dầu mỏ của Trung Đông, đó là Ấn Độ Dương. Hợp tác với Ấn Độ trên Ấn Độ Dương có thể giảm thiểu giá thành của việc bảo đảm dầu mỏ và an ninh tuyến vận tải thương mại cho Mỹ, đem đến sự bảo đảm an ninh nhiều hơn cho tàu buôn và tàu chiến của Mỹ, cũng có thể cung cấp đối tác huấn luyện và bãi luyện tập mới cho quân đội Mỹ. Ba là, dựa vào sức mạnh của Ấn Độ để cân bằng Trung Quốc và Nga. Một phương tiện thông tin nào đó của Mỹ nói thẳng, từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, việc giơ chiêu bài “Ấn Độ” để chống lại Trung Quốc trở thành bộ phận quan trọng trong chiến lược châu Á của các nhiệm kỳ Chính phủ Mỹ. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc bị các học giả trong chính giới Mỹ cho là mối đe dọa thực sự đối với vị thế bá quyền của Mỹ. Vì vậy, liên minh với Ấn Độ trở thành một nước cờ lâu dài để cân bằng Trung Quốc. Rất nhiều học giả trong giới học thuật và chính giới Mỹ cho rằng trọng tâm của mối quan hệ Mỹ-Ấn nên là khống chế thực lực kinh tế và quân sự ngày càng bành trướng trên thế giới của Trung Quốc. Bên cạnh đó, xét đến những ảnh hưởng có truyền thống của Nga ở khu vực Nam Á, việc Mỹ tăng cường hợp tác với Ấn Độ, cũng có ý muốn làm yếu đi sức ảnh hưởng của Nga ở khu vực này. Có nghiên cứu của Quỹ tiền tệ truyền thống Mỹ cho rằng đối với Mỹ, những ảnh hưởng bất lợi của việc kiềm chế Trung Quốc và Nga ở khu vực Nam Á, là nguyên nhân và ý nghĩa của việc các quan chức Mỹ và Ấn Độ tăng cường đối thoại chiến lược. Bốn là, tìm kiếm lợi ích kinh tế. Ấn Độ không chỉ có nguồn tài nguyên phong phú, thị trường lớn, mà còn là nước lớn đang phát triển, Ấn Độ có thực lực kinh tế, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, cùng với Trung Quốc là thành viên nhóm “BRIC”. Tiềm lực thị trường và phát triển của Ấn Độ, khiến cho rất nhiều người Mỹ cho rằng cần phải coi trọng việc mở rộng và phát triển thị trường, tăng cường đầu tư và hợp tác kinh tế thương mại song phương đối với nước này, từ đó tìm kiếm lợi ích kinh tế nhiều hơn cho Mỹ. Thông qua tăng cường hợp tác an ninh với Ấn Độ, nâng cao mối quan hệ chiến lược giữa hai nước, giành lấy sự tin cậy của Ấn Độ, có thể tạo ra môi trường chính trị và ngoại giao có lợi cho sự phát triển của mối quan hệ kinh tế Mỹ-Ấn. Hơn nữa, bản thân sự hợp tác an ninh và quân sự giữa Mỹ với Ấn Độ cũng có thể đem đến lợi ích kinh tế rất lớn cho Mỹ. Những năm gần đây, do Ấn Độ đang gấp rút xây dựng hiện đại hóa quân sự, chi phí để nhập khẩu trang thiết bị quân sự tăng lên không ngừng. Ấn Độ dự định trong 10 năm tới sẽ chi 100 tỷ USD để mua sắm trang thiết bị quân sự. Ấn Độ đã trở thành một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới. Việc tăng cường hợp tác quân sự với Ấn Độ, khiến cho Mỹ chiếm giữ thị trường vũ khí của Ấn Độ, không còn nghi ngờ gì nữa, điều đó sẽ đem đến những lợi ích rất lớn cho toàn bộ các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Mỹ. 

Thứ hai, Ấn Độ hy vọng thông qua hợp tác an ninh với Mỹ, đạt được hai mục tiêu chủ yếu dưới đây: Một là, nâng cao vị thế nước lớn của Ấn Độ. Với tư cách là một nước lớn ở khu vực Nam Á, cùng với sự tăng lên nhanh chóng của thực lực, khát vọng trở thành nước lớn trên thế giới của Ấn Độ ngày càng mạnh. Xuất phát từ sự đòi hỏi của mục tiêu chiến lược nước lớn, Ấn Độ cho rằng cần phải dựa vào nước lớn siêu cường duy nhất trên thế giới hiện nay, đó là sức mạnh của Mỹ. Ấn Độ cần tăng cường hợp tác nhiều mặt với Mỹ bao gồm cả quân sự, từ đó nâng cao vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Ấn Độ, tạo môi trường an ninh xung quanh và quốc tế có lợi cho mình, thực hiện khát vọng trở thành nước lớn trên thế giới. Hai là, dựa vào sức mạnh của Mỹ để đề phòng Trung Quốc, gây sức ép với Pakixtan. Từ lâu nay, Ấn Độ coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất, những năm gần đây, càng cảm thấy bất an đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Có dư luận cho rằng hiện nay, Ấn Độ là thị trường lớn nhất của “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”. Ấn Độ hy vọng lợi dụng Mỹ để đề phòng ý đồ của Trung Quốc, thông qua việc làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác quân sự và an ninh với Mỹ để cùng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, làm yếu đi những ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á cũng như Ấn Độ Dương, xác lập vị thế bá chủ của mình ở khu vực này. Từ khi Ấn Độ và Pakixtan chia ra để trị đến nay, đối lập kéo dài, xung đột không ngừng. Sau “Sự kiện 11/9”, Pakixtan trở thành nước đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã tăng cường sự ủng hộ và viện trợ quân sự cho nước này. Ấn Độ hy vọng thông qua tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, hạn chế sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ Mỹ-Pakixtan, củng cố vị thế chủ đạo của mình ở Nam Á. 

Thứ ba, việc hai nước có quan điểm giá trị phương Tây chung cũng là nhân tố không thể coi thường của việc Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh. Quan điểm giá trị chung đã đem đến tính khả thi cho việc hai bên xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược. Nguồn gốc của quan điểm giá trị chung là hai bên lần lượt coi mình là quốc gia dân chủ lớn nhất và mạnh nhất, chí ít điều này có hai ý nghĩa chính trị: một là, có lợi cho việc tạo dựng bầu không khí chính trị lành mạnh. Dân chủ đã trở thành đề tài chung của hai nước, việc Ấn Độ là “quốc gia dân chủ lớn nhất” và Mỹ là “quốc gia dân chủ mạnh nhất” duy trì tiếp xúc sẽ có lợi cho lợi ích chiến lược chung của hai bên. Hai là, theo “Thuyết về hòa bình dân chủ”, giữa Mỹ và Ấn Độ không thể có chiến tranh. Điều này có lợi cho việc xây dựng độ tin cậy chính trị cơ bản giữa hai nước. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và Ấn Độ cùng nhìn nhận lại các mối đe dọa, việc đẩy nhanh tiến trình toàn cầu hóa cũng như vai trò cầu nối của những người Mỹ gốc Ấn trong lợi ích giữa hai nước đã thúc đẩy việc hình thành quan điểm giá trị chung giữa hai nước. Mỹ cũng hy vọng thông qua việc giúp đỡ Ấn Độ để phổ biến rộng rãi các quan điểm giá trị phương Tây như dân chủ và nhân quyền của Mỹ, đồng thời kéo Ấn Độ vào “Khối liên minh các quốc gia dân chủ” do Mỹ chủ đạo. 

Cuối cùng, ngoại giao toàn diện của Ấn Độ và chiến lược khu vực của Mỹ tiến hành đồng thời không cản trở nhau, có lợi cho việc tăng cường hợp tác an ninh song phương. Những năm gần đây, ngoại giao toàn diện của Ấn Độ rất được bên ngoài chú ý. Ấn Độ nhận thức được rằng do vị thế kinh tế chính trị hạ xuống, Nga đã không thể đem đến sự ủng hộ và nguồn viện trợ chắc chắn cho họ, mối quan hệ song phương khó có thể đạt được mức độ huy hoàng như trong thời kỳ Liên Xô trước đây, điều này đem đến cho Mỹ cơ hội phát triển mối quan hệ với Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cũng tích cực điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc, cải thiện và phát triển quan hệ với nước này. Nhưng Ấn Độ luôn tồn tại tâm lý đề phòng cảnh giác đối với Trung Quốc, rất hợp với Mỹ trong việc cân bằng Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Ấn Độ với Nhật Bản - nước lớn khác ở châu Á xuống dốc từ lâu, những năm gần đây phát triển nhanh chóng. Cùng với các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước Ấn Độ và Nhật Bản, trong tuyên bố chung hai bên cho biết rõ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu mà hai nước quyết định xây dựng đã bước vào một giai đoạn mới. Sự phát triển của mối quan hệ Ấn-Nhật đã đem đến sự thuận lợi cho “Khối liên minh các quốc gia dân chủ” bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ do Mỹ khởi xướng. Ngoài ra, Ấn Độ cũng chú trọng phát triển quan hệ với một số quốc gia trước kia tiếp xúc rất ít, nhưng vai trò ngày càng quan trọng, chẳng hạn như tăng cường hợp tác với các nước của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Sau sự kiện “11/9”, Mỹ cũng không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác với các nước ASEAN, gần đây, Mỹ còn ký “ Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á ” (TAC) với 10 nước ASEAN. Không khó để nhận ra, chiến lược ngoại giao toàn diện nêu trên của Ấn Độ với trọng tâm là mối quan hệ Mỹ-Ấn phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vì vậy sẽ có lợi cho việc hai bên triển khai đối thoại và hợp tác về an ninh và quân sự. 

III.       Những ảnh hưởng của hợp tác an ninh Mỹ-Ấn đối với môi trường an ninh Trung Quốc 

Hiện nay, mối quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn đang ở thời kỳ tốt nhất trong lịch sử, và cùng với sự điều chỉnh không ngừng về chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mối quan hệ này còn có khả năng phát triển sâu hơn nữa. Hợp tác an ninh Mỹ-Ấn sẽ nảy sinh những ảnh hưởng sâu sắc đối với môi trường an ninh của Trung Quốc. 
Trước tiên, một loạt hợp tác trong công việc quốc phòng được triển khai giữa Mỹ và Ấn Độ, khiến cho thực lực quân sự của Ấn Độ không ngừng lớn mạnh. Hậu quả của sự hợp tác này có thể là: một mặt, thế lực trong nước Ấn Độ chủ trương cứng rắn đối với Trung Quốc, cũng như các nước mưu toan cân bằng Trung Quốc vì thế có thể lợi dụng nguồn vốn này. Mặt khác, nó sẽ khiến cho cuộc chạy đua vũ trang của các khu vực như Nam Á và Ấn Độ Dương ngày càng gay gắt, dẫn đến sự mất cân bằng lực lượng và sẽ tăng thêm rất nhiều nhân tố không ổn định cho các khu vực này, đồng thời đe dọa đến môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc. Xét thấy sự mạnh lên của thực lực quân sự, Ấn Độ sẽ thực thi chiến lược quân sự “phía Nam chiếm Ấn Độ Dương, phía Đông mở rộng phạm vi thế lực đến Biển Đông, phía Tây tấn công Pakixtan, phía Bắc đề phòng Trung Quốc” cộng thêm sự răn đe bằng hạt nhân. Mỹ cũng lo ngại sự lớn mạnh của Trung Quốc, không gian chiến lược của việc hợp tác trong các công việc quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ rất có thể sẽ hạn chế sự phát triển của Trung Quốc. Hiện nay, Ấn Độ muốn bành trướng thế lực từ Trung Đông đến Đông Nam Á, ổn định vị thế bá chủ ở Ấn Độ Dương và khu vực Nam Á, tăng cường hợp tác trong các công việc quốc phòng với Mỹ, với mục đích là khống chế con đường vận chuyển trên biển từ Trung Đông đến phía Đông châu Á và Đông Nam Á. Vì vậy, Trung Quốc cần phải hết sức chú ý. 

Thứ hai, sự hợp tác năng lượng hạt nhân giữa Mỹ và Ấn Độ rất có thể sẽ thúc đẩy việc phổ biến hơn nữa vũ khí hạt nhân, khiến cho nguyên tắc không phổ biến của NPT không được quán triệt và chấp hành một cách có hiệu quả, đồng thời khiến cho cơ chế quản lý xuất khẩu hạt nhân trên thế giới giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, Mỹ còn cho phép Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo “Arrow” (Mũi tên) do Ixraen sản xuất, điều này đã phá vỡ nguyên tắc của công nghệ tên lửa đạn đạo và cơ chế khống chế, gây tổn hại đối với toàn bộ cơ chế không phổ biến tên lửa đạn đạo. Vì lợi ích chiến lược của bản thân, trên trường quốc tế, Mỹ đã thực hiện tiêu chuẩn kép trong chính sách vũ khí hạt nhân. Về mặt này đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của các nước khác, mặt khác, do lo ngại sức mạnh quân sự bành trướng không có giới hạn của Mỹ, một số nước càng nghiêng về đầu tư xây dựng quốc phòng, khiến các nước tham gia trò chơi chạy đua vũ trang tàn sát. Điều này đều tạo thành những ảnh hưởng vô cùng xấu đối với môi trường an ninh quốc tế của Trung Quốc, việc Trung Quốc tiến hành hợp tác an ninh chính đáng với các nước khác đều bị nghi ngờ, đem đến khó khăn cho việc quán triệt chính sách ngoại giao hòa bình cũng như việc xây dựng một thế giới hài hòa của Trung Quốc. 

Phân tích từ một góc độ khác, sức răn đe bằng hạt nhân của Trung Quốc cũng sẽ bị giảm đi ở mức độ nhất định. Vũ khí hạt nhân là vũ khí bị cấm sử dụng trong luật pháp quốc tế, sức hủy diệt của nó không cần phải nghi ngờ. Trong lịch sử, cuộc tấn công bằng hạt nhân thực sự cũng chỉ có trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki . Vì vậy, uy lực của vũ khí hạt nhân thiên về sự răn đe chiến lược, chứ không phải là tấn công quân sự hiện thực. Nhưng hiện nay, cùng với sự hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ về năng lượng hạt nhân, Ấn Độ sẽ tăng cường sức mạnh hạt nhân của mình một cách trắng trợn hơn nữa, từ đó khiến cho khả năng răn đe bằng hạt nhân của nước này được tăng lên rất nhiều. So với Ấn Độ, Trung Quốc từng có ưu thế hạt nhân nhất định ở khu vực Đông Á, khả năng răn đe bằng hạt nhân của Trung Quốc đã bị yếu đi một cách rõ ràng. Thử nghĩ mà xem, nếu tình hình phổ biến hạt nhân ở xung quanh Trung Quốc ngày càng xấu đi, thì thế lực “Đài Loan độc lập” cũng có thể có được khả năng răn đe bằng hạt nhân. Đến lúc nào đó, nếu thế lực “Đài Loan độc lập” còn khăng khăng đòi tách khỏi Trung Quốc, Đại Lục muốn dùng vũ lực khống chế thế lực này, khả năng nảy sinh cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ rất lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của Trung Quốc và khu vực Đài Loan, mà còn đe dọa sự ổn định và hòa bình của cộng đồng quốc tế. Ở khu vực Đông Nam Á, nếu các nước có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Trung Quốc có được khả năng răn đe bằng hạt nhân, thì Trung Quốc ắt sẽ phải tăng cường đầu tư quân sự và quốc phòng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy, nếu sự hợp tác năng lượng hạt nhân giữa Mỹ và Ấn Độ không bị cộng đồng quốc tế khống chế trong phạm vi nhất định, một khi sự phổ biến hạt nhân phát triển không có giới hạn, thì sự nghiệp thống nhất và an ninh lãnh thổ của Trung Quốc sớm muộn sẽ bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự phổ biến hạt nhân. 

Cuối cùng, hợp tác an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ trên Ấn Độ Dương và Biển Đông đang trực tiếp đe dọa đến an ninh tuyến vận chuyển dầu mỏ của Trung Quốc. An ninh dầu mỏ đã trở thành một mặt quan trọng trong an ninh đất nước của Trung Quốc, mục tiêu chủ yếu của chiến lược an ninh biển Trung Quốc là bảo đảm sự thông suốt của tuyến vận chuyển dầu mỏ. Nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đa số đến từ khu vực Trung Đông và châu Phi, con đường chủ yếu của việc nhập khẩu dầu mỏ ở Trung Quốc là đi qua Vịnh Pécxích, eo biển Malắcca đến tuyến vận chuyển biển Đông Á của bờ biển Trung Quốc. Đặc biệt, eo biển Malắcca với tư cách là tuyến huyết mạch chiến lược của Trung Quốc, vai trò chủ đạo của nó đối với việc nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc là không thể coi thường. Theo thống kê, 80% lượng nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc phải vận chuyển thông qua eo biển này. Trong chiến lược an ninh biển Mỹ-Ấn, hải quân của hai nước không chỉ tăng cường sức mạnh hải quân ở phía Đông Ấn Độ và Biển Đông, mà còn không ngừng đưa sức mạnh của họ tiếp cận Đông Nam Á và thâm nhập sang phía Đông. Thông qua việc chủ động tấn công, Mỹ và Ấn Độ đã mở rộng sức ảnh hưởng ở Vịnh Bengal, eo biển Malắcca và Biển Đông, tăng cường sức khống chế đối với tuyến vận chuyển biển đi qua Vịnh Pécxích - eo biển Malắcca - Biển Đông. Điều này có nghĩa là eo biển Malắcca chịu sự khống chế của hải quân Mỹ và Ấn Độ ở mức độ tương đối, không còn nghi ngờ gì nữa điều này sẽ tăng thêm sự nguy hiểm cho việc vận chuyển nguồn năng lượng, và đem đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an ninh vùng biển của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Đồng thời, sự hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ về an ninh biển sẽ hạn chế không gian phát triển chiến lược biển của Trung Quốc. Do lợi ích bên ngoài không ngừng tăng lên, không gian an ninh biển của quốc gia không ngừng mở rộng, đòi hỏi Trung Quốc phải bảo vệ một cách thiết thực quyền lợi an ninh của đất nước và giành lấy không gian an ninh chiến lược biển hợp lý. Ấn Độ Dương và Biển Đông là khu vực quan trọng của lợi ích an ninh biển và phương hướng quan trọng trong việc mở rộng lợi ích của Trung Quốc, nó cũng vừa là khu vực trên biển mà chiến lược an ninh biển của Ấn Độ và Mỹ muốn khống chế, khiến cho lợi ích an ninh của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ có phần chồng chéo. Nhưng trước sự hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ, eo biển Malắcca không chỉ là đường ranh giới giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, mà còn là đường ranh giới của lực lượng biển hai nước Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu Mỹ ủng hộ Ấn Độ dốc sức phát triển thực lực trên vùng biển Nam Á, làm cho sức mạnh hải quân Ấn Độ không chỉ bó hẹp ở eo biển Malắcca, mà còn tìm cách vượt qua eo biển tiến vào Biển Đông và Thái Bình Dương, xu thế này sẽ trực tiếp đe dọa an ninh vùng biển và chèn ép không gian phát triển của chiến lược biển Trung Quốc. Mỹ và Ấn Độ còn nhiều lần tiến hành tập trận quân sự chung ở vùng biển xung quanh phía Bắc Ấn Độ Dương, điều này không những cản trở sự tăng trưởng lợi ích của Trung Quốc ở phía Bắc Ấn Độ Dương, hạn chế sự phát triển của lực lượng biển Trung Quốc, mà còn một khi sức mạnh hải quân của Mỹ và Ấn Độ ở Biển Đông được mở rộng, không nghi ngờ gì nữa sẽ đặt nền móng vững chắc cho việc Mỹ, Ấn Độ tiến hành cuộc đọ sức chiến lược với Trung Quốc. 

IV. Kết luận 

Tóm lại, cùng với sự ấm lên liên tục của mối quan hệ Mỹ-Ấn, Mỹ sẽ tăng cường sự nâng đỡ Ấn Độ, đẩy mạnh hợp tác an ninh và tìm cách dựa vào Ấn Độ để kiềm chế Trung Quốc. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc không cần phải quá lo lắng vị thế bất lợi của mình, vì sự hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ chủ yếu bị hạn chế về các công việc quốc phòng, hơn nữa không có tính tiến công rõ ràng. Hiện nay, Mỹ phải tính toán đến lợi ích đa phương, sẽ duy trì mối quan hệ đồng minh phi chính thức với Ấn Độ, cố gắng duy trì sự cân bằng lực lượng ở khu vực Ấn Độ Dương, bên cạnh việc bảo vệ lợi ích quốc gia của bản thân còn chú ý đến nhiều mặt lợi ích của toàn thể cộng đồng quốc tế. Vì vậy, mối quan hệ tam giác Trung-Mỹ-Ấn hiện nay ở trạng thái không ổn định. Trước bối cảnh này, Trung Quốc nên tích cực thúc đẩy phát triển lành mạnh mối quan hệ song phương với Mỹ và Ấn Độ, đặt nền móng chiến lược vững chắc cho mối quan hệ song phương, đồng thời, lưu ý động thái phát triển của mối quan hệ Mỹ-Ấn, duy trì quan hệ mật thiết đối với sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ. Chỉ cần kiên trì chính sách ngoại giao ở mức độ vừa phải, giành lấy vị thế chủ động trong mối quan hệ song phương, Trung Quốc hoàn toàn có thể tạo dựng mối quan hệ tam giác Trung-Mỹ-Ấn lành mạnh, ổn định và phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc đề phòng khả năng xuất hiện cục diện Mỹ và Ấn Độ liên minh để kiềm chế Trung Quốc. Tăng cường đối thoại và giao lưu với Mỹ và Ấn Độ là con đường hiệu quả để đề phòng việc Mỹ và Ấn Độ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược; lợi dụng cơ chế quốc tế là biện pháp tốt nhất để giải quyết một số vấn đề đặc biệt nào đó giữa Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc còn nên tăng cường vai trò trong tổ chức khu vực, nâng cao hình tượng tổng thể trong cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cần tiến hành cải cách kinh tế và chính trị, tiếp tục mở cửa, nâng cao sức mạnh tổng hợp một cách ổn định, từ đó nâng cao vị thế của mình trong mối quan hệ tam giác Trung-Mỹ-Ấn, tiến tới thúc đẩy sự cân bằng tình hình trong mối quan hệ tam giác này, để cải thiện môi trường an ninh xung quanh của Trung Quốc./. 

Lê Sơn (gt)