Hội thảo Quốc tế:

“Các vấn đề biển và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS):

Chia sẻ cách tiếp cận của Châu Âu và Châu Á đối với các tranh chấp lãnh thổ”

 

 4-5 tháng 6 năm 2015, Hạ Long, Việt Nam

 

Từ ngày 4-5 tháng 6 năm 2015,  Học viện Ngoại giao Việt Nam (HVNG) phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội, thông qua Chương trình Đối thoại Chiến lược EU - Việt Nam, tổ chức hội thảo quốc tế vềCác vấn đề biển và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS): Chia sẻ cách tiếp cận của Châu Âu và Châu Á đối với các tranh chấp lãnh thổnhằm tạo ra một diễn đàn cho các chuyên gia, học giả và những nhà thực thi chính sách đến từ Liên minh Châu Âu, Việt Nam và quốc tế trao đổi quan điểm, kinh nghiệm và các thực tiễn tốt nhất liên quan đến nhiều khía cạnh của các vấn đề biển. Ngoài ra, hội thảo còn nhằm nâng cao hiểu biết của các đại biểu về các chức năng và cơ chế của UNCLOS, cũng như hợp tác của khu vực và EU - Việt Nam trong các lĩnh vực biển.

Trong bài phát biểu khai mạc, TS. Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam chia sẻ: “Cách đây 5 thế kỷ, nhà thơ, chính trị gia người Anh Philip Sidney đã từng triết lý rằng “Luật pháp không phải được tạo ra như là tấm lưới để bắt tất cả mọi vi phạm, mà như là những ngọn hải đăng để hướng dẫn cho những hành khách thiếu hiểu biết khỏi những vụ đắm tàu”. Nhìn dưới góc độ đó, luật pháp quốc tế nên và cần được coi là cơ sở cho đồng thuận và hợp tác thay vì bất đồng, vì nếu mỗi người nhìn thấy một ngọn hải đăng khác nhau thì chúng ta trên cùng một con thuyền sẽ rất khó định hướng và xoay xở. Do đó, Đại sứ bày tỏ niềm hy vọng rằng với tinh thần thẳng thắn, chân thành và cầu thị, Hội thảo sẽ tạo diễn đàn để các bên quan tâm cùng làm rõ nhiều vấn đề, bao gồm những vướng mắc còn tồn tại trong cách nhìn nhận, lý giải và áp dụng luật biển quốc tế, để góp phần đưa ra những khuyến nghị giúp quản lý tranh chấp, ngăn ngừa xung đột, hướng tới một cách giải quyết thoả đáng đối với các tranh chấp lãnh thổ, thúc đẩy hòa bình và hợp tác phát triển, “biến các vùng biển tranh chấp, biến Biển Đông thành các vùng biển hòa bình và hợp tác” trên cơ sở Luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”.

Trong bài phát biểu chào mừng của mình, Đại sứ Franz Jessen, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã nhấn mạnh: Liên minh Châu Âu đã nêu rõ quan điểm của mình rằng một giải pháp dài hạn cho tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông cần phải được tìm kiếm thông qua đối thoại và đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Liên minh Châu Âu đã có bề dày kinh nghiệm trong việc quản lý khủng hoảng và ngăn ngừa xung đột và sẵn sàng hỗ trợ các bên liên quan. Dựa trên kinh nghiệm của mình, Liên minh Châu Âu khuyến khích việc khai thác chung tài nguyên, tách vấn đề chủ quyền khỏi vấn đề khai thác kinh tế nhằm góp phần xây dựng lòng tin. An ninh và ổn định của Đông Nam Á là một điều kiện cần thiết để viết tiếp câu chuyện thành công của kinh tế khu vực. Các quốc gia Đông Nam Á không nên để tranh chấp biển đe dọa đến an toàn trên biển, tự do hàng hải và hòa bình của các vùng biển lân cận.

Hội thảo quốc tế lần này có sự tham dự của các chuyên gia nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực biển đến từ Liên minh Châu Âu như GS. Erik Franckx, Thành viên Tòa Trọng tài Thường trực, Trưởng khoa Luật Châu Âu và Luật Quốc tế, Đại học Brussel Vrije, Bỉ; TS. Helmut Tuerk, Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế và Phó Chủ tịch Tòa án Luật biển Quốc tế; GS.TS. Liselotte Odgaard, Viện Chiến lược, Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch; TS. Eva Pejsova, Chuyên gia phân tích cấp cao, Viện Nghiên cứu An ninh EU (EUISS), Paris, Pháp GS. Ronan Long, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Ireland Galway, Ireland.

Các chuyên gia đến từ Châu Á trình bày tại hội thảo bao gồm GS. Vương Hàn Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Các vấn đề đại dương và Luật biển, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), Bắc Kinh, Trung Quốc; TS. Tiết Quế Phương, Giám đốc điều hành, Cơ sở nghiên cứu Quyền và Chiến lược biển quốc gia, Trung tâm Phát triển Vùng Cực và Đại dương, Giáo sư, Trường Luật KoGuan, Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc; Đại sứ Hasjim Djalal, Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Quản lý các vấn đề biển và nghề cá, Indonesia; GS. Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề về biển và Luật biển, Đại học Philippines; Abd Rahim Hussin, (Hàm) Thứ trưởng, Hội đồng An ninh Quốc gia, Văn phòng Thủ tướng, Malaysia GS. Mariko Kawano, Giáo sư Luật quốc tế, Khoa Luật, Đại học Waseda, Nhật Bản.

Các đại biểu đến từ Việt Nam bao gồm TS. Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông; TS. Nguyễn Đăng ThắngTS. Nguyễn Thị Lan Anh, Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam và TS. Ngô Hữu Phước, Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. 

Hội thảo phân tích nhiều khía cạnh liên quan đến các vấn đề biển của khu vực Châu Âu và Châu Á bao gồm: quy chế pháp lý của thực thể biển từ góc độ thực tiễn hoạt động của các cơ quan tài phán và thực tiễn quốc gia; quy chế pháp lý của các vùng biển; các vấn đề an ninh biển như va chạm trên biển, chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, tìm kiếm cứu nạn, nhận thức về các vấn đề biển; hợp tác biển và quản trị đại dương, phân định biển và giải quyết tranh chấp.

Hội thảo thu hút hơn 140 đại biểu tham dự đến từ các bộ ngành và cơ quan trung ương, đại diện các phái đoàn ngoại giao, các cơ quan nghiên cứu học thuật và đại diện quan chức các tỉnh thành Việt Nam.

Chiều ngày 4/6/2015, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, sau hai ngày làm việc tích cực, Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp.

Với 20 tham luận và gần 60 ý kiến thảo luận, các đại biểu trong nước và quốc tế đã thảo luận nhiều khía cạnh liên quan đến giải thích và áp dụng Công lước Liên hợp quốc về luật biển quốc tế 1982. Các học giả đã diễn giải về quy chế pháp lý đối với các vùng biển và thực thể trên biển (đảo, đá, bãi cạn, đảo nhân tạo…) từ góc độ luật học và thực tiễn quốc gia. Các đại biểu cũng đánh giá về thực trạng và các biện pháp hợp tác nhằm tăng cường an ninh biển tại Châu Á trong các lĩnh vực như chống va chạm trên biển, chống cướp biển, cướp có vũ trang trên biển, tìm kiếm cứu nạn, tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải và hợp tác chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hợp tác và nâng cao năng lực quản lý biển của Châu Âu như kinh nghiệm xây dựng chính sách hợp tác biển, xây dựng mô hình hợp tác quản lý nghề cá, khai thác chung, bảo vệ môi trường. Các đại biểu cũng dành thời gian trao đổi kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp biển thông qua các biện pháp ngoại giao và cơ quan tài phán.

Về quy chế pháp lý đối với các vùng biển và thực thể trên biển, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù hiện nay vẫn tồn tại một số khác biệt trong cách lý giải của các quốc gia về các điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) 1982, Công ước luật biển 1982 đã tạo khung pháp lý tương đối rõ ràng cho việc xác định tính chất và khả năng tạo ra các vùng biển của các thực thể trên biển. Theo đó, một thực thể chỉ được công nhận là “đảo” và có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa khi là các đảo hình thành tự nhiên, có thể duy trì sự cư trú của con người hoặc có đời sống kinh tế riêng. Trong đó, đặc điểm hình thành tự nhiên được coi là điều kiện tiên quyết để xác định quy chế pháp lý đối với các đảo. Các đại biểu đều nhấn mạnh rằng việc xây dựng, bồi đắp mở rộng các thực thể trên biển thành các đảo nhân tạo không thể giúp nâng cấp các thực thể này thành đảo để được hưởng các đầy đủ các vùng biển. Bên cạnh đó, các đại biểu đều thống nhất cho rằng một quốc gia xây dựng và mở rộng biến các bãi ngầm hoặc bãn cạn nửa nổi nửa chìm thành các đảo nhân tạo chỉ có thể tiến hành trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó hoặc tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của tất cả các nước.

Về tình hình an ninh biển tại Châu Á, các học giả cho rằng các vùng biển tại khu vực Đông Nam Á là những tuyến đường thông tin liên lạc trên biển trọng yếu bởi tiếp giáp với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời là đầu mối kết nối truyền thông và thương mại quốc tế. Các mối đe doạ an ninh phi truyền thống từ cướp biển và cướp có vũ trang đã gây ra các tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến các tuyến đường chiến lược này. Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều nỗ lực của các quốc gia đã được thiết lập để giúp các quốc gia cùng giải quyết thách thức đối với an ninh biển. Tuy nhiên, các nỗ lực hợp tác đó đang gặp nhiều thách thức do nhiều tranh chấp, bất đồng còn tồn tại khiến lòng tin giữa các bên bị suy giảm. Bên cạnh đó, hạn chế về kỹ thuật, công nghệ cũng tạo khó khăn cho việc chia sẻ thông tin và phối hợp hành động giữa các quốc gia trong khu vực. Trong bối cảnh này, các nước EU có thể đóng vai trò cầu nối hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác biển, giúp các quốc gia Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng cùng hành động để đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh môi trường biển.

Về kinh nghiệm hợp tác quản lý biển, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh giữa các quốc gia trong khu vực vẫn còn một số khác biệt trong nhận thức về lợi ích, cách tiếp cận tối ưu đối với các vấn đề quản lý đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường, quản lý biển cần dựa vào việc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Đặc biệt, để có thể thiết lập các mô hình phát triển chung và phối hợp khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, các bên liên quan cần đạt đồng thuận và xác định rõ khu vực tranh chấp phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế. Ngoài ra, các bên nên thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin trong một số lĩnh vực chuyên môn như nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường biển.

Về giải quyết tranh chấp biển, các đại biểu nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình, trong đó bao gồm cả các biện pháp đàm phán trực tiếp và giải quyết thông qua toà án hoặc trọng tài. Đặc biệt, với các tranh chấp chủ quyền có lịch sử lâu dài và không thể đàm phán, các bên nên cùng giải quyết thông qua toà án hoặc trọng tài; còn với các tranh chấp biển, các bên nên đàm phán trực tiếp để đạt được thoả thuận một cách phù hợp nhất, biện pháp đưa ra phân xử ở tòa án hay trọng tài là biện pháp cuối cùng. Luật quốc tế về phân định biển qua thực tiễn các quốc gia đã được thiết lập rõ ràng theo hướng mang lại công bằng cho các bên. Tuy nhiên, triển vọng áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp vào tranh chấp Biển Đông hiện nay đang bế tắc do nguy cơ leo thang tranh chấp và xung đột vũ trang từ hàng loạt các vụ việc về nghề cá, thăm dò khai thác dầu khí, sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực và xâm phạm đến quyền tự do hàng hải và hàng không. Trong bối cảnh này, một mặt các bên cần tích cực áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, trong đó có cơ chế của UNCLOS, và mặt khác cần xây dựng các quy tắc để quản lý tranh chấp, kiểm soát xung đột, trong đó có việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử có hiệu lực ràng buộc (COC).

Phát biểu bế mạc Hội thảo Đại sứ Franz Jessen, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhận định Hội thảo đã diễn ra trong bầu không khí rất cởi mở, thẳng thắn, tạo cơ hội cho nhiều chia sẻ chân thành và khuyến nghị mang tính tích cực, xây dựng nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh và quản lý biển giữa hai khu vực Châu Á và Châu Âu. Đại sứ bày tỏ sự vui mừng nhận thấy EU có thể đóng vai trò tích cực hỗ trợ các quốc gia Châu Á tăng cường hợp tác trong các vấn đề biển và khẳng định EU sẵn sàng phối hợp với Việt Nam để tổ chức các hội thảo tương tự để tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm thường xuyên về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm.

Đại sứ, TS. Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên có thời gian chia sẻ sâu về luật pháp quốc tế, tạo cơ hội cho các bên liên quan hiểu hơn về vai trò của luật quốc tế trong quản lý và giải quyết tranh chấp biển. Trong hội thảo, tất cả các bên đều nhất trí về vai trò của việc tuân thủ và áp dụng luật pháp quốc tế để đạt được giải pháp lâu dài và toàn diện ở Biển Đông. Hội thảo cũng là cơ hội giúp các bên liên quan và cộng đồng quốc tế hiểu hơn về những lo ngại, quan tâm của các nước trong khu vực với các vấn đề trên biển. Đại sứ nhận định các nước EU với bề dày kinh nghiệm về xây dựng và thực thi luật pháp quốc tế, giải quyết hoà bình tranh chấp có thể cung cấp tiếng nói có giá trị tham khảo lớn và bày tỏ hy vọng các nước EU tiếp tục hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để các quốc gia trong khu vực có cùng nhận thức chung trong việc giải thích và vận dụng luật pháp quốc tế nhằm quản lý các xung đột và xây dựng các mô hình hợp tác biển hiệu quả tại Biển Đông./.

Thông tin cơ bản về các đơn vị tổ chức

Học viện Ngoại giao Việt Nam được thành lập vào năm 1956 và trực thuộc Bộ Ngoại giao. Học viện thực hiện các nghiên cứu chiến lược trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, đào tạo hệ cử nhân và sau đại học và bồi dưỡng cho các cán bộ ngoại vụ. Học viện đóng vai trò là một viện nghiên cứu về đối ngoại phục vụ cho Bộ Ngoại giao, Đảng và Nhà nước.

Chương trình Đối thoại Chiến lược EU - Việt Nam là một chương trình ba năm (2013-2016) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu nhằm hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam thông qua việc triển khai các hoạt động trong những lĩnh vực đã được nêu trong Thỏa thuận Đối tác và Hợp tác EU - Việt Nam ký năm 2012.

Nghiên cứu Biển Đông