Sau tuyên bố thiết lập ADIZ của Trung Quốc, 5 trong số 7 tạp chí tuần của Chính phủ Nhật Bản đã đăng tải các bài báo đề xuất các kịch bản khác nhau cho một cuộc chiến tranh Trung-Nhật mới nổ ra xung quanh quần đảo tranh chấp này. Liệu một cuốn sách hoặc một số cuốn sách về cuộc chiến tranh Trung-Nhật sắp xảy ra vào năm 2014 có phải là điều quá xa vời? Bên cạnh các tuần báo, nhiều học giả khác cũng đã tính đến những kịch bản khác nhau. Trang web “Chiến tranh là điều nhạt nhẽo” đã giả định về một vòng xoáy không chiến công nghệ cao trên biển Hoa Đông, liên quan đến các máy bay F-15 Eagles của Nhật Bản, F-22 Raptors của Mỹ và các máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Một số máy bay chiến đấu của Nhật Bản và một chiếc của Mỹ đã bị bắn hạ, nhưng người Trung Quốc mất nhiều hơn thế. Chiến thắng trong hiệp một thuộc về liên minh Nhật - Mỹ. Shukan Gendai, một tuần báo khổ nhỏ phỏng đoán rằng chiến tranh sẽ nổ ra sau những mệnh lệnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng một máy bay dân sự của Nhật Bản sẽ bị bắn rơi sau khi nó từ chối tự xác định danh tính khi bay qua ADIZ của Trung Quốc trong một chuyến bay đến Nhật Bản. Hiện nay, các máy bay dân sự được cho là có nghĩa vụ phải thông báo các kế hoạch bay và phản hồi về phương hướng bay. 

Tờ Mainichi Chủ Nhật, một trong những tờ báo quốc gia của Nhật Bản, đã đăng tải một bài báo với tiêu đề đáng lo ngại: "Chiến tranh Trung-Nhật nổ ra vào tháng 1". Bài báo này giả định rằng một nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ có thể thuyết phục những nhà lãnh đạo chuyên quyền của Trung Quốc rằng cuộc chiến tranh chống lại một nước Nhật Bản bị khinh thường có thể chuyển hướng sự chú ý của người dân Trung Quốc ra khỏi những vấn đề rắc rối trong nước của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia phân tích quân sự thực sự đã đưa ra những đánh giá về các điểm mạnh, điểm yếu của hai (hoặc ba) bên tham gia xung đột. Theo quan điểm chung của họ, Trung Quốc có lợi thế là nắm giữ nhiều căn cứ không quân hoặc các căn cứ tiềm năng tương đối gần chiến trường trong tương lai, trong khi Nhật Bản có lực lượng các máy bay không quân và tàu hải quân chất lượng cao. Hiện nay, lực lượng không quân Nhật Bản chỉ duy trì một phi đội 20 máy bay chiến đấu F-15 tại Naha, thủ phủ và là thành phố lớn nhất của tỉnh Okinawa.

Các máy bay và các phi công hẳn là ngày càng bận rộn với các vụ xuất kích gần như hàng ngày để điều tra những vụ xâm phạm không phận bên trên quần đảo Senkaku. Trong năm tới, họ sẽ được tăng cường thêm một phi đội thứ hai gồm 20 máy bay chiến đấu. Nhật Bản có thể kêu gọi lực lượng tăng cường cho không quân từ các lực lượng khác của đất nước, nhưng họ vẫn sẽ bị hạn chế do thiếu các căn cứ ở gần khu vực chiến trường. Tất nhiên, điểm yếu đó sẽ dễ dàng bị lấp đầy bởi một hoặc nhiều tàu sân bay của Mỹ, bởi trên mỗi tàu sân bay có khoảng 70 máy bay, nếu như Mỹ bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Và có nhiều khả năng Mỹ sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc nếu nó xảy ra. Lập trường chính thức của Washington bất hợp lý ở chỗ Mỹ tuyên bố trung lập về vấn đề nước nào sở hữu quần đảo Senkaku, trong khi đồng thời khẳng định rằng họ, cũng như phần còn lại của Nhật Bản, sẽ được đặt dưới sự bảo vệ của Hiệp ước an ninh Nhật- Mỹ, một hiệp ước buộc Mỹ phải bảo vệ đất nước Nhật Bản. Gần như là điều ngớ ngẩn khi nghĩ rằng Mỹ có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh với một đất nước Trung Quốc được trang bị vũ khí hạt nhân chỉ vì một số hòn đảo không có người ở và về cơ bản là vô dụng mà chưa có nổi một trong 10.000 người Mỹ từng nghe nói tới. Tuy nhiên, trong 60 năm qua, Tokyo đã dựa vào thảo thuận, cung cấp các căn cứ ở Nhật Bản cho quân đội Mỹ. Nhật Bản cũng có thể có khuynh hướng kêu gọi Washington cùng chia sẻ, yêu cầu Mỹ ủng hộ phía họ. 

Mặc dù hầu hết các kịch bản chiến tranh tương lai chỉ là viễn tưởng hay mang tính tưởng tượng, song có rất nhiều cơ sở thực tế để đưa ra những kịch bản đó, rất nhiều vấn đề đã xảy ra trong vòng 12 tháng qua. Hiện nay, các tàu ngư chính và tàu hải giám của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng lãnh hải mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku. Cho đến nay, những vụ xâm nhập lãnh hải quanh quần đảo Senkaku đã được Trung Quốc thực hiện chỉ bằng các tàu gần giống tàu chiến và phía Nhật Bản đối phó bằng lực lượng bảo vệ bờ biển chứ không phải là lực lượng hải quân chính quy, nhưng những vụ xâm nhập của Trung Quốc vào không phận đã tuyên bố của Nhật Bản đã bị chặn lại bởi các máy bay chiến đấu thuộc lực lượng không quân chính quy của Tokyo. Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị Trung Quốc và một số nước khác coi là hiếu chiến một cách bất thường. Năm nay, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia, được rập khuôn từ phiên bản Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ, và một đạo luật mới về những bí mật chính thức để làm dịu bớt những mối quan ngại của Washington về việc rò rỉ thông tin quốc phòng. 

Năm tới, có khả năng Quốc hội Nhật Bản sẽ thông qua một sự diễn giải mới giải thích về hiến pháp hòa bình của nước này nhằm cho phép việc "phòng thủ tập thể" của Tokyo, điều trước đây được hiểu là hoạt động tấn công quân sự. Các dấu hiệu khác trong năm qua: 

- Vào tháng 1, hệ thống rađa trên một tàu khu trục của Trung Quốc đã khóa mục tiêu ngắm bắn nhằm vào một tàu khu trục của Nhật Bản. Hành động này thường được coi như một chỉ dấu rằng chiếc tàu khu trục của Trung Quốc sẽ khai hỏa vũ khí của mình. Con tàu chiến của Nhật Bản đã có động thái lảng tránh. 

- Hải quân Nhật Bản đã đưa vào hoạt động chiếc tàu chiến lớn nhất của họ là Izumo, một con tàu được Nhật Bản gọi là "tàu khu trục mang máy bay trực thăng", còn phần còn lại của thế giới có thể gọi là tàu sân bay hạng nhẹ. 

- Khoảng 1.000 lính bộ binh Nhật Bản đã tham gia một cuộc tập trận quân sự Dawn Blitz với lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại căn cứ huấn luyện Pendleton nhằm huấn luyện khả năng bảo vệ hoặc trong trường hợp cần thiết sẽ chiếm lại một hay nhiều hòn đảo ở phía Nam tỉnh Okinawa . 

- Như một phần của cuộc tập trận này, Nhật Bản gần đây đã đặt các tên lửa chống tàu chiến trên đảo Miyako, hòn đảo nằm gần eo biển Miyako, một tuyến đường biển chiến lược rộng và sâu đủ để cho phép các tàu chiến đi qua và đôi khi được Hải quân Trung Quốc sử dụng để thực hiện cuộc tập trận ở vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn. 

- Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ đang nghiên cứu việc bắn hạ bất kỳ máy bay nào của Trung Quốc xâm phạm không phận của Nhật Bản sau khi có tin nói rằng một máy bay đã “lảng vảng” gần khu vực quần đảo tranh chấp. Bộ Quốc phòng Nhật Bản lấy lý do là, không giống như các máy bay thông thường, các máy bay không người lái không thể đáp lại những phát súng cảnh cáo. Đó không chỉ là một cuộc chiến tranh Trung-Nhật trong trí tưởng tượng của các chiến binh thiếu thực tế. Đầu năm 2013, khi Triều Tiên cho nổ thử quả bom nguyên tử thứ ba của họ và đe dọa phóng các tên lửa liên lục địa vào Mỹ, điều đó đã làm nảy sinh một số kịch bản chiến tranh liên quan đến Nhật Bản và Triều Tiên cùng những nước khác. Những căng thẳng với Bình Nhưỡng đã tạm lắng xuống trong hơn nửa phần còn lại của năm 2013, mặc dù vụ xử tử bí ẩn gần đây đối với ông Jang Song-thaek - người chú dượng của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un - và một số báo cáo cho rằng nước này có thể đang sẵn sàng tiến hành một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ tư, có thể thổi một luồng gió mới vào trong câu chuyện về viễn cảnh chiến tranh liên quan đến Triều Tiên. 

Hương Trà (gt)