Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Kim Yong-chol, Đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, có cuộc gặp 90 phút tại Nhà Trắng vào giữa tháng 1 vừa qua, Chính phủ Mỹ tuyên bố hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sẽ được tổ chức vào cuối tháng 2/2019.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một tín hiệu tích cực rất đáng hoan nghênh. Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6/2018 là cuộc gặp đầu tiên mang tính lịch sử giữa Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong năm qua đã hạ nhiệt đáng kể so với những căng thẳng trong năm 2017. Vấn đề then chốt hiện nay là hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sẽ đạt được kết quả như thế nào.

Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore rất ngắn, nhưng có hai câu thể hiện những cam kết then chốt về nguyên tắc giữa hai bên nhằm tạo cơ sở cho các cuộc gặp thượng đỉnh và đàm phán sau đó. Một là Trump và Kim Jong-un đã tiến hành trao đổi quan điểm một cách sâu rộng và chân thành về việc thiết lập quan hệ Mỹ-Triều kiểu mới cũng như một cơ chế hòa bình lâu dài và vững chắc trên bán đảo Triều Tiên.

Thứ hai, Trump cam kết sẽ bảo đảm an ninh cho Triều Tiên. Trong khi đó, Kim Jong-un tái xác nhận cam kết vững chắc và kiên quyết của mình về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Một khi đã muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai, hai bên đương nhiên là muốn tối đa hóa lợi ích của mình nhằm cụ thể hóa việc thừa nhận các cam kết. Trong quá trình này, có một khoảng cách về kỳ vọng giữa Triều Tiên và Mỹ.

Trước hết, tâm điểm chú ý của Triều Tiên là bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều. Tại hội nghị thượng đỉnh lần hai, Kim Jong-un quan tâm nhiều hơn đến cam kết an ninh cụ thể mà Trump sẽ đưa ra. Trong nhiều dịp như khi đến thăm Trung Quốc hay phát biểu mừng năm mới, ông đã nhắc lại quyết tâm phi hạt nhân hóa nhưng cũng yêu cầu Mỹ phải chấm dứt hành động thù địch đối với Triều Tiên như là điều kiện cho việc này.

Năm 2018, Triều Tiên đã căn cứ vào Tuyên bố chung trả lại một số hài cốt của lính Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên, nhưng cũng cho rằng phía Mỹ chưa thể hiện thiện chí. Triều Tiên mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều để có thể phi hạt nhân hóa và sau đó là tập trung sức lực vào xây dựng kinh tế.

Ngược lại, Mỹ trước sau vẫn ưu tiên việc Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa triệt để, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, trước khi có thể bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều. Trump dường như sẵn sàng xem xét lộ trình đồng bộ nói trên của Kim Jong-un. Điều này cũng có thể là lý do giải thích vì sao Triều Tiên rất nghiêm túc về cuộc đàm phán Mỹ-Triều lần này, và đưa ra những phán đoán về Trump rất khác so với các đời tổng thống trước của Mỹ.

Tuy nhiên, quan điểm chủ đạo của giới tinh hoa ngoại giao và quân sự vốn đã hình thành từ lâu của Mỹ vẫn là phi hạt nhân hóa trước rồi mới bàn tới việc bình thường hóa quan hệ. Các chính trị gia, quan chức cứng rắn và giới học giả của Washington có thể tìm thấy vô số lý do để can thiệp. Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai đã không được tổ chức vào năm 2018, một phần nguyên nhân nằm ở việc rất khó đạt được sự đồng thuận trong nội bộ Mỹ.

Theo phân tích ở trên, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai một mặt cần đạt được những kết quả cụ thể, mặt khác cũng phải kiểm soát tốt khoảng cách kỳ vọng giữa hai bên. Để Mỹ và Triều Tiên nhận thức được rằng việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên cuối cùng sẽ đòi hỏi một thời gian rất dài, tiến trình đối thoại Mỹ-Triều cần phải được duy trì liên tục. Tiến trình đối thoại vẫn còn mong manh, và vai trò của Trung Quốc và Hàn Quốc là rất quan trọng.

Trước hết, với tư cách là láng giềng trực tiếp của Triều Tiên, Trung Quốc và Hàn Quốc có cùng mục tiêu trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đó là thiết lập một cơ chế hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nói rằng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập cơ chế hòa bình vĩnh viễn tại bán đảo này là việc mà những nhân vật lịch sử không thể từ bỏ hoặc trì hoãn. Ý tưởng này trên thực tế là “giải pháp song hành” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trương. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore về cơ bản dựa trên tinh thần này.

Trong các cuộc đàm phán Mỹ-Triều, vai trò của Trung Quốc là đem lại cảm giác an toàn cho Triều Tiên khi đàm phán trực tiếp với Mỹ. Điều này sẽ giúp Triều Tiên khi gặp bất lợi và không dễ dàng đưa ra quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán. Trung Quốc luôn khẳng định cần tôn trọng các mối quan tâm chính đáng về an ninh của Triều Tiên và khuyến khích các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên.

Đây cũng là lý do vì sao nhà lãnh đạo Triều Tiên hai lần đến thăm Trung Quốc trước các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất và lần hai. Trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore năm 2018, Trump từng hoãn cuộc gặp và cáo buộc rằng Kim Jong-un đã trở nên cứng rắn sau chuyến thăm Trung Quốc, nguyên nhân là vì Trung Quốc. Cáo buộc của Trump phần lớn là biểu hiện của việc rất khó đạt được sự đồng thuận trong nội bộ Mỹ. Trung Quốc đã đưa ra phản ứng mềm mỏng và cuối cùng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất đã được tổ chức thành công. Sau này, sẽ không loại trừ khả năng Mỹ cũng lại cáo buộc Trung Quốc như vậy, nhưng điều này cho thấy vai trò của Trung Quốc là không thể thiếu.

Thứ hai, trong tiến trình đàm phán Mỹ-Triều, Hàn Quốc sẽ đóng vai trò là người đưa tin quan trọng, là cầu nối để chuyển tải các ý định chiến lược giữa Mỹ và Triều Tiên một cách kịp thời và chính xác, qua đó giảm thiểu những hiểu lầm không cần thiết. Hiện nay, điều mà Kim Jong-un lo ngại là khi Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa thực sự, liệu họ có thể khẳng định là đủ tin tưởng vào cam kết của Mỹ chấm dứt hành động thù địch và đảm bảo an ninh cho Triều Tiên hay không.

Do Mỹ và Triều Tiên không thể hội đàm thường xuyên, nên vai trò kết nối của Hàn Quốc là rất nổi bật trong khoảng thời gian giữa các cuộc đàm phán. Các nguy cơ từ những hiểu lầm dẫn đến việc Mỹ và Triều Tiên ngừng đàm phán có thể tiếp tục giảm đi thông qua các cuộc hội đàm và hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Chúng ta đã thấy một số hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra trước và sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất năm 2018. Đây là biện pháp “lấp chỗ trống” rất tốt trong thời điểm không có đối thoại Mỹ-Triều.

Theo ý nghĩa trên, Hàn Quốc sẽ đóng vai trò là một kênh đối thoại gián tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như làm “chất xoa dịu” để giảm bớt những căng thẳng có thể leo thang theo giai đoạn.

Có thể nói rằng vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không thể giải quyết một sớm một chiều. Cho dù các cuộc đàm phán trực tiếp cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên đã cho chúng ta thấy ánh bình minh, nhưng sự mất lòng tin trong nhiều thập kỷ qua khiến cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua 1-2 hội nghị thượng đỉnh là điều bất khả thi. Vấn đề mấu chốt nằm ở cách thức duy trì đàm phán. Hiện đã có những tương tác tích cực cấp cao Trung-Triều, liên Triều và Mỹ-Triều. Trong thời gian tới, cần tiếp tục mở rộng sự đồng thuận trong đàm phán trên cơ sở những tương tác này. Thêm vào đó, việc đảm bảo an ninh lâu dài ở Đông Bắc Á đòi hỏi tất cả các bên phải tham gia, trong đó có Nga và Nhật Bản.

Trương Vân, Phó giáo sư Đại học Niigata (Nhật Bản) và là học giả cấp cao của Viện quản trị khu vực và toàn cầu thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc). Bài viết đăng trên báo Liên hợp Buổi sáng của Singapore, chi nhánh Hong Kong.

Lan Hoàng (gt)