Với việc chưa có người kế thừa hiển nhiên và quyền lực được củng cố vững chắc của ông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở đỉnh cao nhất trong giai đoạn cầm quyền của ông khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Bắc Kinh. Trong một bài phát biểu mở đầu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai của mình vào ngày 18/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra một thông điệp rõ ràng: Trung Quốc là một siêu cường và cần bắt đầu hành động như là một siêu cường. Điều này nên là một hồi chuông cảnh tỉnh tới Mỹ. Sự quan tâm của Chính quyền Trump ở châu Á cho đến nay đã hoàn toàn tập trung vào Triều Tiên, và chắc chắn nó là một vấn đề an ninh cấp bách cần được giải quyết. Nhưng Trump sẽ phải mở rộng trọng tâm của mình để ngăn chặn chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc và xử lý những thách thức đối với sự lãnh đạo của Mỹ ở khu vực. 

Kỷ nguyên mới của Tập Cận Bình 

Tập Cận Bình mô tả Trung Quốc đang đứng trước một thời điểm lịch sử. Dưới sự lãnh đạo cách mạng của Mao Trạch Đông, người dân Trung Quốc đã đứng lên. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, người dân Trung Quốc trở nên giàu có. Và hiện nay, dưới thời Tập Cận Bình, quốc gia này đang trở nên hùng mạnh. Việc Tập Cận Bình nhìn nhận bản thân và thời điểm này sánh ngang với các nhân vật và những lần chuyển đổi quyết định trong lịch sử Trung Quốc hiện đại là đáng chú ý. 

Trong khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã không cho thấy được những thay đổi rõ ràng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, thì Tập Cận Bình gần như khẳng định rằng câu châm ngôn có từ lâu của Đặng Tiểu Bình - Trung Quốc nên giấu mình chờ thời trên trường quốc tế - đã hết thời. Ông đã trình bày các tiêu chuẩn đầy tham vọng cho Trung Quốc để quay trở lại đúng vị trí của nước này tại trung tâm các vấn đề toàn cầu sau một thế kỷ ô nhục dưới bàn tay của các đế quốc nước ngoài. Ông Tập Cận Bình đã cảnh báo: "Không có quốc gia nào có thể tự mình ứng phó được với những thách thức mà nhân loại phải đối mặt, cũng không có quốc gia nào có thể đóng cửa cô lập" - một chỉ trích úp mở đối với chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump. Ông cũng đã nỗ lực khắc họa Trung Quốc như một cường quốc quan trọng có trách nhiệm bằng việc nêu bật rằng Trung Quốc sẽ dẫn đầu nỗ lực phối hợp quốc tể để giải quyết biến đổi khí hậu và "đảm bảo sự sống còn của loài người". 

Tập Cận Bình đang đưa sức mạnh của Trung Quốc đi vào thực tiễn. Ông tìm kiếm một vai trò tích cực hơn cho Trung Quốc trong việc định hình các quy chuẩn khu vực và toàn cầu để phù hợp hơn với lợi ích của chính Trung Quốc. Trong Đại hội, Tập Cận Bình đề xuất rằng phiên bản chủ nghĩa xã hội Trung Quốc cung cấp một mô hình thay thế cho nền dân chủ phương Tây đối với các nước "muốn đẩy nhanh sự phát triển của họ trong khi vẫn duy trì được sự độc lập của mình". Quan điểm này phản ánh mục tiêu của Trung Quốc khuếch đại tiếng nói và ảnh hưởng của các nước đang nổi lên trong sự quản trị toàn cầu mà không gây hại cho các nước phát triển. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thất bại trong việc tái xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran và việc bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về ứng phó với biến đổi khí hậy là những dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn hoàn toàn rút ra, điều đó đặt tương lai sự lãnh đạo của Mỹ trong sự hoài nghi. Tại thời điểm khi mà sự lãnh đạo của Mỹ trong khu vực đang giảm sút, Trung Quốc nhìn thấy các cơ hội tăng lên để thúc đẩy các cấu trúc an ninh khu vực và kinh tế của riêng mình như Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và một "cộng đồng chung vận mệnh". 

Mặc dù vậy, ban lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng nước này đối mặt với những thách thức to lớn trong nước. Sự phát triển nhanh chóng và sự hiện đại hóa của Trung Quốc đã đưa ra những vấn đề mới bao gồm thu nhập không đồng đều ngày càng gia tăng, nợ và ô nhiễm môi trường. Tại Đại hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lưu ý rằng mâu thuẫn cốt yếu mà xã hội hiện nay đang đối mặt là nằm giữa “sự phát triển mất cân bằng và không đầy đủ và những nhu cầu tăng hơn bao giờ hết của người dân muốn một cuộc sống tốt hơn”. Đảng đã chọn không đặt mục tiêu cho việc tăng gấp đôi GDP từ năm 2021, nói rõ rằng tăng trưởng kinh tế không còn là mục tiêu duy nhất; đúng hơn là, để trở thành một quốc gia hùng mạnh, Trung Quốc phải xem xét tới một bộ chỉ số toàn diện hơn, trong đó có chất lượng tăng trưởng kinh tế, sự phân bố dịch vụ xã hội, và sức mạnh quân sự. 

Thế mạnh của Mỹ 

Trong bối cảnh này, Chính quyền Trump cần phải đưa một chiến lược rõ ràng mà sẽ duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương khi Trung Quốc đang tìm cách xác nhận lại vai trò của mình. Một chiến lược như vậy phải bao gồm việc củng cố các nền móng trong nước của Mỹ, đầu tư vào các liên minh và đối tác của nước này, và ủng hộ trật tự dựa trên các quy tắc đem lại lợi ích cho khu vực. Nó sẽ đòi hỏi Trump hiệu chỉnh lại chính sách Trung Quốc của Mỹ để đặt nền móng cho một quan hệ Mỹ-Trung có thể ổn định hơn. 

Các nền móng vững mạnh trong nước 

An ninh quốc gia Mỹ, sự tín nhiệm toàn cầu, và sự lãnh đạo của Mỹ dựa trên nền móng của sự lành mạnh kinh tế và tài chính, sức mạnh thể chế, khả năng phòng thủ cao và hệ thống chính trị hiệu quả của đất nước. Các giá trị và nguyên tắc của Mỹ từ lâu là một phần quan trọng của việc thúc đẩy sức mạnh và thiện chí của Mỹ và chúng đem lại sự phản hồi tốt nhất đối với đề xuất của Trung Quốc về một mô hình thay thế. 

Các liên minh và đối tác vững chắc 

Các liên minh của Washington củng cố vị thế của nước này với Bắc Kinh. Trump nên nhấn mạnh đến giá trị của các liên minh này khi mà ông đến thăm Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc và khẳng định rằng những cam kết của Mỹ đối với an ninh của các nước này là không thể bác bỏ được. Trump cũng nên nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không bao giờ trao đổi sự ủng hộ của mình đối với Đài Loan để lấy sự nhượng bộ của Trung Quốc ở các khu vực khác và Mỹ sẽ củng cố quan hệ kinh tế và hợp tác an ninh của mình với các đối tác trong khu vực như là một sự đối trọng với ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc. 

Trật tự khu vực 

Mỹ phải tiếp tục dẫn đầu trong việc ủng hộ một trật tự dựa trên các quy tắc, điều đó quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của khu vực. Mỹ nên tiếp tục thống nhất khu vực chống lại những sự vi phạm của Triều Tiên đối với luật pháp quốc tế và gây sức ép buộc Trung Quốc phải làm nhiều hơn để đưa chế độ Kim Jong-un trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa (chẳng hạn, ngừng việc cung cấp dầu và trục xuất lao động). Mỹ cũng nên ủng hộ các thể chế khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mà đem lại một cơ chế để giải quyết hòa bình các tranh chấp và đáp ứng như một đối trọng với Trung Quốc. Cuối cùng, Trump nên bày tỏ sự ủng hộ với các phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 về Biển Đông và chắc chắn rằng Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động trên biển và trên không ở bất kỳ đâu luật quốc tế cho phép, bao gồm thực hiện các hoạt động tự do hàng hải thông thường. 

Sự lãnh đạo kinh tế 

Việc Trump rút khỏi TPP đã để lại một khoảng trống trong sự lãnh đạo kinh tế khu vực, và Trung Quốc đang tìm cách lấp vào khoảng trống đó. Như một sự ưu tiên, Mỹ cần phải giành lại vị trí lãnh đạo ở những thị trường mở và thiết lập các tiêu chuẩn cao. Trump nên tránh xa các cách giải quyết của những người theo đường lối bảo hộ mà sẽ dẫn đến sự trả đũa theo kiểu ăn miếng trả miếng hay các chính sách bần cùng hóa láng giềng. Hệ thống tự do thương mại mà Mỹ xây dựng đã góp phần vào sự thịnh vượng rộng khắp và giảm nhẹ sự cạnh tranh về tài nguyên và thị trường. Việc làm xói mòn hệ thống này cuối cùng sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ và gây căng thẳng cho các liên minh của nước này. 

Hiệu chỉnh lại chính sách Trung Quốc 

Những nỗ lực của Mỹ để tái cân bằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc và thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các công ty của Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra những kết quả không mấy khả quan. Tương tự, sự hợp tác của Trung Quốc để giải quyết hành động gây hấn của Triều Tiên, dù đang cải thiện nhưng vẫn không thỏa đáng. Tập Cận Bình đã cố gắng đưa chuyến thăm cấp nhà nước của Trump tới Trung Quốc theo một hướng tích cực, nhưng đây là lúc Mỹ phải đẩy ngược lại một cách mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực mà Trung Quốc đang thách thức lợi ích của Mỹ. Trump nên tránh xa sự ưa thích của ông về các thỏa thuận hào nhoáng khi đàm phán về các vấn đề kinh tế với Trung Quốc và yêu cầu những cải thiện cho sự bất cân bằng kinh tế về mặt cấu trúc và những rào cản mà đang hạn chế sự tăng trưởng của Mỹ. Ông nên thúc đẩy đối xử có đi có lại cho các doanh nghiệp Mỹ, đòi hỏi sự tiếp cận thị trường lớn cho các công ty của Mỹ, và tăng cường nỗ lực để ngăn chặn việc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ và công nghệ của Mỹ. Ngoài ra, Trump có lý để mong đợi Trung Quốc đi xa hơn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gần đây trong việc trừng phạt Triều Tiên. Do sự thăng tiến của Tập Cận Bình và quan hệ Mỹ-Trung trở nên tập trung hơn vào 2 nhà lãnh đạo, Trump nên sử dụng mối quan hệ ngày càng tăng của ông với Tập Cận Bình để đạt được những bước đột phát tại các lĩnh vực ưu tiên này. 

Kết luận 

Kỷ nguyên mới của Tập Cận Bình đưa ra những cơ hội và thách thức đáng kể đối với Washington. Bởi vậy, điều quan trọng là Trump duy trì thế mạnh của Mỹ. Mỹ vẫn giàu có hơn, quyền lực hơn và kiên cường hơn bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào của nước này. Để duy trì mô hình hấp dẫn hơn trước một mô hình thay thế của Trung Quốc, Mỹ cần củng cố các nền móng trong nước và tiếp tục đầu tư vào các liên minh, các quan hệ đối tác và các hệ thống quy tắc và quy chuẩn mà cho phép nước này và các nước châu Á phát triển mạnh.

Paul Haenle là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Toàn cầu Carnegie – Thanh Hoa. Bài viết được đăng trên Carnegie – Thanh Hoa.

Trần Quang (gt)