Tất cả các ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa đều cho rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã làm cho nước này thất bại; phần lớn họ tin rằng ông ta cũng thất bại tương tự như vậy. Họ quả quyết rằng Obama không thực sự tin tưởng ở nước Mỹ - rằng, như Mitt Romney nói, chúng ta từ trước tới nay chưa bao giờ có một tổng thống “hăm hở phát biểu trước thế giới với lời tạ lỗi trên môi nhưng lại tỏ ra nghi ngờ trong tâm khảm.” Họ cho rằng ông đã cố làm thân với các kẻ thù như Iran và các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và xa rời các đồng minh như Ixraen một cách dễ dàng. Họ coi ông như một người theo chủ nghĩa nhân đạo với sự hiểu biết yếu kém về những lợi ích cốt lõi của nước Mỹ và là người phải chịu trách nhiệm về việc đơn phương giải trừ quân bị. Tóm lại, Obama là một người dễ thương cảm trong một thế giới khắc nghiệt - điều cũng khá giống như những gì mà người Cộng hòa nói về người Dân chủ kể từ cuộc chiến Việt Nam cho đến nay. Đồng thời, việc các đối thủ của Obama cảm thấy chắc chắn rằng ông sai không có nghĩa là họ có một quan niệm rõ ràng - hoặc trong một vài trường hợp là bất kỳ quan niệm nào - về việc như thế nào thì được coi là đúng đắn. Đôi khi, mức độ kém hiểu biết của các ứng cử viên còn làm cho người ta sửng sốt. Đầu tháng 11/2011, ứng cử viên hàng đầu Herman Cain đã lo ngại về việc Trung Quốc đang trở thành một mối đe dọa hạt nhân (nước này đã có vũ khí hạt nhân từ năm 1964). Tại một cuộc thảo luận duy nhất về chính sách đối ngoại được tổ chức hai tuần sau đó ở Spartanburg, bang Carolina Nam, Rick Perry cam kết sẽ để châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của riêng châu lục này vì đồng euro là đồng tiền “cạnh tranh” với đồng USD, và Michele Bachmann đã đi đến kết luận rằng “chiếc bàn được bày ra là để bàn về cuộc chiến tranh hạt nhân rộng khắp thế giới chống lại Ixraen.” Newt Gingrich và Mitt Romney có những quan điểm rõ ràng đầy đủ hơn nhiều so với hầu hết các đối thủ của họ, nhưng họ cũng chỉ đi đến hầu hết những kết luận tương tự như những đối thủ khác. Như Romney, ứng cử viên khôn khéo nhất, đã phát biểu trong cuộc tranh luận về vấn đề an ninh quốc gia của đảng này (được tổ chức chỉ một vài ngày sau cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại), “Tổng thống Obama nói rằng chúng ta có người dân trên khắp thế giới với những lợi ích chung. Tôi thật sự không đồng ý với ông ta. Tôi cho rằng có những người trên thế giới muốn đàn áp những người khác, đó là điều xấu xa.” “Can dự” chỉ khích lệ những lực lượng xấu xa đó; đã đến lúc cần thay thế một cái bắt tay nhẹ nhàng bằng một nắm đấm siết chặt.

Bất luận thế nào, đó là cách mà Rommey nói rằng ông sẽ chi phối các công việc đối ngoại của Mỹ. Nhưng chính sách đối ngoại, không giống như chính sách đối nội, bao gồm chủ yếu những phản ứng trước những sự kiện bất ngờ, và được định hình phần lớn bởi những sự kiện đó cũng như bởi hệ tư tưởng của tổng thống. Với tư cách là một ứng cử viên, George W. Bush đã hứa hẹn một chính sách thực tế dựa trên “những lợi ích” hơn là “những giá trị”, nhưng nổi lên từ sự kiện 11/9 nghe giống như một nhà tư tưởng theo đường lối Wilson quyết tâm dân chủ hóa khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, những phẩm chất bẩm sinh, những giả định cơ bản về thế giới, là quan trọng. Bush, ứng cử viên có quan điểm mờ nhạt về chủ nghĩa đa phương, và với tư cách tổng thống, ông coi thường vai trò của Liên hợp quốc để ủng hộ “những liên minh tự nguyện”. Bush và đội ngũ của ông nhìn nhận việc xây dựng quốc gia giống như chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu, và họ chọn cách tham gia càng ít càng tốt ở Irắc và Ápganixtan, một sai lầm mà Bush đã thừa nhận trong cuốn hồi ký của mình. Vì vậy, trong khi không thể nói một cách chính xác là chính sách đối ngoại của một người Cộng hòa sẽ khác với chính sách đó của Obama như thế nào, dù sao điều rất rõ ràng là kết quả của cuộc bầu cử năm 2012 sẽ tác động sâu sắc đến cách hành xử của Mỹ trên thế giới. Mặc dù là kỳ lạ, các cuộc chiến ở Ápganixtan và Irắc, những vở kịch chính sách đối ngoại lớn trong thập kỷ trước, sẽ gây ảnh hưởng không đáng kể đến cuộc bầu cử tổng thống: chúng chắc chắn sẽ biến mất dần bất kể ai sẽ giành thắng lợi trong năm 2012. Các ứng cử viên Cộng hòa quả quyết rằng, không giống như Obama, họ sẽ lắng nghe các vị tướng của họ, nhưng không một ai trong số họ quá vội vàng để nói về “thắng lợi” ở Ápganixtan, như John McCain đã từng khẳng định trong năm 2008. Người Mỹ không còn bụng dạ nào để tham gia các cuộc chiến tranh trên bộ ở khu vực Trung Đông rộng lớn hơn, rất giống như việc họ không còn tâm trí nào tham gia các cuộc chiến như vậy ở châu Á vào đầu những năm 1970. Mỹ phần lớn sẽ để mặc cho người Ápganixtan tự xoay sở lo liệu lấy định mệnh của họ vào năm 2014 ngay dù việc này có nghĩa là quân Taliban sẽ nắm quyền kiểm soát một số vùng của nước này. Và Pakixtan sẽ vẫn là một vấn đề quan trọng nhất, khi mà không bên nào có bất kỳ giải pháp nào để chữa chạy tận gốc căn bệnh đau thần kinh không ngừng diễn ra này.

Nhưng ở nơi khác, một tổng thống Cộng hòa có thể sẽ ngả theo xu hướng đối đầu. Iran là một ví dụ nổi bật đặc biệt, vì các đối thủ của Obama đã mô tả chính sách can dự của ông ở đó như một sự đồng lõa với điều xấu (Rick Santorum: “Chúng ta đứng về phía điều xấu vì tổng thống của chúng ta tin rằng các kẻ thù của chúng ta phẫn uất một cách chính đáng”). Là một ứng cử viên, Obama tranh luận rằng Mỹ đã hy sinh ngay cả khả năng tìm kiếm điểm chung với các quốc gia như Iran bằng việc từ chối đàm phán với họ. Với tư cách là tổng thống, ông đã thay thế luân thường đạo lý hiếu chiến là “trục ma quỷ” của George Bush bằng một thứ ngôn từ mang tính an ủi hơn là sự “tôn trọng lẫn nhau” vì “những lợi ích chung”. Ông đã bỏ công sức gửi lời chúc mừng tới người dân Iran nhân ngày lễ đón chào năm mới Nowruz và nhắc tới nước này là “nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ”. Trong bài diễn văn đọc tại Cairo hồi tháng 6/2009, Obama thậm chí còn thừa nhận vai trò của Mỹ trong việc lật đổ một nhà lãnh đạo Iran đã được bầu một cách dân chủ vào năm 1953. Còn có nhiều điều nữa về chiến lược này so với những gì mà những người Cộng hòa muốn thừa nhận. Có lẽ Tổng thống Obama đã tỏ ra tin tưởng một cách ngây thơ rằng thứ ngôn ngữ hấp dẫn hơn này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho giới lãnh đạo Iran bộc lộ rõ bản thân họ và có những nhượng bộ về chương trình hạt nhân của mình. Nhưng các quan chức quanh ông đã nói ngay từ đầu rằng mục đích ngấm ngầm của ông là giúp thiết lập một liên minh quốc tế xung quanh các biện pháp cứng rắn chống lại Iran bằng cách trước tiên cho thấy người Iran không có phản ứng trước những biện pháp nhẹ nhàng. Và trong việc này, ông đã thành công: năm 2010, Obama đã thuyết phục được Nga và Trung Quốc chấp nhận các lệnh trừng phạt cứng rắn đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua áp dụng đối với Iran . Iran hiện bị cô lập hơn nhiều so với nước này chỉ cách đây vài năm. Chính phủ Obama cũng đã và đang sử dụng các biện pháp bí mật, và rất có khả năng đã hợp tác với Ixraen trong việc phát triển loại virút máy tính Stuxnet đã phá vỡ chương trình hoạt động của các máy ly tâm hạt nhân Iran.

Quả thực, ở đây cũng như ở nơi khác, Obama đã tỏ ra ít “rộng rãi” hơn và ngả theo xu hướng thực dụng truyền thống nhiều hơn so với nhiều người ủng hộ ông hy vọng hoặc những người chỉ trích đã buộc tội ông. Ông đã tăng cường sử dụng các máy bay không người lái Predator và tiếp tục thực hiện việc di chuyển đặc biệt những kẻ tình nghi khủng bố đến những nước cho phép tra tấn, bất chấp những sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền. Nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại theo đường lối cũ, những người đã từng làm việc dưới thời Tổng thống Mỹ Bush cha, như Brent Scowcroft, cựu cố vấn an ninh quốc gia, cảm thấy thoải mái với cách chỉ đạo chính sách đối ngoại của Obama hơn là với những chính sách mang tính đối đầu hơn mà Romney và những nhân vật khác hứa hẹn. (Chỉ có Jon Huntsman, trong số tất cả các ứng cử viên Cộng hòa, đã tìm kiếm lời khuyên của nhóm này.) Vì vậy, một Tổng thống Cộng hòa có thể đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ không phải từ phái tả sang phái hữu mà từ phái giữa sang phái hữu. Mặc dù những nỗ lực của Obama, chính sách Iran của ông nhiều nhất cũng chỉ là một thành công dè dặt; giới lãnh đạo Iran vẫn đang làm giàu urani, vẫn rõ ràng tìm cách thiết kế đầu đạn, vẫn đưa ra sự đe dọa sâu sắc đối với Ixraen. Các ứng cử viên Cộng hòa quả quyết rằng Iran không đầu hàng vì Obama chưa gây đủ sức ép. Tất nhiên, họ sẽ không dùng thứ ngôn ngữ cho thấy sự tôn trọng và những lời chúc mừng nhân dịp những ngày lễ. Họ sẽ nỗ lực tìm cách thay đổi chế độ, dù chỉ là từ xa. Nhưng sự khác nhau thực sự giữa một tổng thống Cộng hòa theo giả thuyết và Tổng thống Obama – và đó là sự khác biệt rất quan trọng – là một người Cộng hòa sẽ sẵn sàng mở một cuộc tấn công vào Iran nhằm làm chậm tiến độ phát triển kỹ thuật hạt nhân của họ, hoặc sẽ bật đèn xanh cho Ixraen làm điều đó. Đúng vậy, Obama đã tuyên bố rằng “mọi giải pháp hiện được đặt trên bàn”, nhưng ông có thể không sẵn sàng tấn công Iran . Người Cộng hòa nói rằng họ có thể sẽ làm vậy. Mitt Romney tuyên bố tại Spartanburg “Nếu chúng ta bầu lại Barack Obama , Iran sẽ có vũ khí hạt nhân. Và nếu các vị bầu Mitt Romney , Iran sẽ không có vũ khí hạt nhân.”

Về cơ bản, chính sách của Obama là nhằm kéo dài thời gian với hy vọng các hành động trừng phạt tập thể sẽ làm thay đổi sự tính toán của Iran, hoặc một sự thay đổi vẫn chưa thể thấy trước được nào đó ở bên trong Iran sẽ đem đến một chính sách mới. Ông tìm cách, theo ngôn ngữ Chiến tranh Lạnh, kiềm chế Iran . Romney và những nhân vật khác tranh luận rằng Mỹ không có được sự xa xỉ là sự kiềm chế - rằng Iran tượng trưng cho một mối đe dọa hiện hữu, một mối đe dọa cần phải ngăn chặn ngay từ bây giờ. Nhưng các cuộc không kích, bất kể là của Mỹ hay của Ixraen, có thể không hoàn toàn loại bỏ được chương trình hạt nhân của Iran , và sẽ gây ra một sự trả đòn rất nghiêm trọng. Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng của Obama, đã lên tiếng cảnh báo người Ixraen về “những hậu quả không mong muốn” có thể xảy ra của một sứ mệnh kiểu như vậy, bao gồm các cuộc tấn công vào binh lính, các nhà ngoại giao, và các tài sản của Mỹ trên khắp khu vực Trung Đông. Và trong khi một vài người thuộc giới tinh hoa Arập có thể hoan nghênh một cuộc tấn công, người dân thường ở Trung Đông có thể nổi giận. Mỹ vì vậy có thể phải trả giá rất đắt cho một lợi ích khá khiêm tốn. Người Cộng hòa có xu hướng tự tô vẽ họ như những người có đầu óc thực tế trái với chủ nghĩa lý tưởng theo thuyết phổ độ của Obama; nhưng một người có đầu óc thực tế thực sự sẽ coi một sự lựa chọn như vậy giống như một món hớ. Các ứng cử viên Cộng hòa coi Trung Quốc như một thế lực khác đang tìm cách tự khẳng định với sự trả giá của Mỹ. Romney cho rằng Obama đã để Trung Quốc “chạy vượt lên trên trước chúng ta”, đánh cắp việc làm của người Mỹ và gây ra một “cuộc chiến tranh thương mại” chống lại Mỹ. Rick Perry, quay trở lại với giọng điệu phô trương thời Chiến tranh Lạnh – trên thực tế, trở lại với giọng điệu kiểu Mácxít – đã tuyên bố rằng “Chính phủ Cộng sản Trung Quốc sẽ kết thúc trên đống tro tàn của lịch sử.” Các ứng cử viên của cả hai đảng đều có ý định chỉ trích một tổng thống đương nhiệm của đảng đối lập về việc nuông chiều Trung Quốc và không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, nhưng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc còn có nghĩa là các vấn đề đặt trên cán cân bên kia hiện phần lớn không phải là vấn đề đạo đức, mà còn là các vấn đề về chiến lược và kinh tế. Romney nói rằng ông sẽ đưa các vấn đề của Trung Quốc ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới với những lời buộc tội rằng nước này đã thao túng tiền tệ của mình, đồng nhân dân tệ, để đảm bảo có một luồng hàng hóa xuất khẩu rẻ tiền đều đặn.

Nhưng cũng như với Iran, hiện không rõ còn bao nhiêu khoảng trống thực sự nằm ở mặt hiếu chiến hơn của các chính sách riêng của Chính phủ Obama. Obama đã phải đối phó với ngân sách quân sự đang tăng lên nhanh chóng của Trung Quốc, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, và những sự khẳng định chủ quyền của nước này đối với vùng lãnh thổ bị tranh chấp ở khu vực bằng việc đưa ra sự tái bảo đảm được nhấn mạnh với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong chuyến thăm châu Á mới đây, Obama đã loan báo rằng Mỹ sẽ triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ tại một căn cứ ở Ôxtrâylia, đồng thời tuyên bố với sự trơ tráo không mang tính đặc trưng “Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, và chúng ta đến đây để ở lại.” Thậm chí trong khi bắn những phát đạn này về phía mũi tàu của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ đã tìm cách gửi đi những bức thông điệp khác, có lẽ là trái ngược. Về mặt tài chính quốc tế, các quan chức Chính phủ Mỹ nói rằng đồng nhân dân tệ giá rẻ đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ, nhưng họ không đe dọa sẽ trả đũa hoặc có hành động kiện cáo trước tổ chức WTO. Về mặt quân sự, Nhà Trắng cũng không nói rõ ràng rằng Trung Quốc đang tìm cách loại Mỹ ra khỏi khu vực, mặc dù đó là những gì họ lo ngại. Một Tổng thống Cộng hòa ít nhất sẽ thay đổi cán cân nhạy cảm này. Mỹ sẽ mô tả thẳng thừng hơn về Trung Quốc như một đối thủ và đòi nước này thay đổi chính sách của mình một cách mạnh mẽ hơn. Những người bảo thủ nói về việc thiết lập một liên minh châu Á mạnh hơn nhiều được củng cố bởi nhiều vũ khí hơn và hiện đại hơn của Mỹ cũng như sự đáp lại công khai hơn đối với nỗ lực bá chủ khu vực của Trung Quốc. Quả thực, Romney và các đảng viên bảo thủ khác viện dẫn sự cần thiết phải đối phó với chủ nghĩa quân phiệt của Trung Quốc như lý lẽ có sức thuyết phục nhất để tăng ngân sách của Lầu Năm Góc, thay vì cắt giảm ngân sách này khoảng 450 tỉ USD trong hơn một thập kỷ qua như Obama và Quốc hội Mỹ đã nhất trí làm như vậy. Romney sẽ tăng chi phí quốc phòng ít nhất là 50 tỉ USD/ năm, và tham gia một chương trình lớn về đóng tàu một phần để ngăn chặn những dụng ý của Trung Quốc. Dĩ nhiên, việc này sẽ làm cho việc làm giảm mức thâm hụt ngân sách trở nên khó khăn hơn nhiều; Romney đã không giải thích chương trình trong nước nào ông sẽ cắt giảm thậm chí mạnh hơn so với kế hoạch hiện nay nhằm tài trợ cho một sự mở rộng như vậy.

Trung Quốc thực sự dường như đã từ bỏ học thuyết “trỗi dậy hòa bình” của mình để chuyển sang học thuyết tăng cường đe dọa các nước láng giềng, và đó là lý do vì sao Obama đã chấp nhận một giọng điệu cứng rắn hơn. Nhưng sự cứng rắn chứa đựng những mối nguy hiểm riêng của nó. Sự hợp tác của Trung Quốc là không thể thiếu được trong hàng loạt vấn đề, bao gồm nền kinh tế toàn cầu, các nguồn cung cấp năng lượng, và việc thay đổi khí hậu; khiêu khích chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc là con đường chắc chắn đi đến một mối quan hệ bị sứt mẻ. Đó là lý do vì sao các tổng thống của cả hai đảng có khuynh hướng hòa giải với Trung Quốc nhiều hơn là họ nói họ có thể khi còn là ứng cử viên. Hơn nữa, không rõ là ngay cả những đồng minh vốn lo ngại các chiến thuật hăm dọa của Trung Quốc có sẽ hoan nghênh một sự hiện diện có phần vênh váo của Mỹ hay không; họ, thậm chí hơn cả Mỹ, phải lo cân đối những sự quan ngại về an ninh của họ với mong muốn được hưởng lợi từ nền kinh tế năng động của Trung Quốc. Một niềm tin vững chắc trong những người Cộng hòa là thế kỷ 21, giống như thế kỷ 20, sẽ là thế kỷ của người Mỹ, điều cũng có nghĩa là đó không phải thế kỷ của người Trung Quốc. Nhưng “nước Trung Quốc Cộng sản” là cách nói cổ xưa lố bịch, và Trung Quốc dường như sẽ không kết thúc trên đống tro tàn của lịch sử. Việc đối xử với cường quốc đang nổi lên hàng đầu của thế giới giống như Liên bang Xôviết trong những năm 1960 sẽ là một sai lầm mang tầm vóc lịch sử.

Một trong những cách nói được ưa chuộng của đảng Cộng hòa là Tổng thống Obama đã luồn cúi trước các đối thủ của chúng ta và phản bội các đồng minh của chúng ta. Đồng minh duy nhất mà những người Cộng hòa gần như luôn nghĩ đến trong công thức này là Ixraen. Không giống như Obama, Michele Bachmann cam kết không bao giờ để có một khoảng cách nhỏ nào giữa Mỹ và Ixraen. Romney kết tội Obama đã phản bội Ixraen. Hoàn toàn chính xác là Obama sẵn sàng chỉ trích Ixraen nhiều hơn George Bush, mặc dù cũng không hơn so với nhiều trong số những người tiền nhiệm khác của ông. Obama đã xác định rõ ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông rằng Ixraen sẽ phải có cử chỉ thiện ý là ngừng xây dựng các khu định cư ở những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng để mang đến cho giới lãnh đạo Palextin một khoảng không chính trị để có được những sự nhân nhượng đau đớn của riêng mình trong một cuộc thương lượng về một giải pháp hai nhà nước. Ixraen cuối cùng đã lẩn tránh, và người Palextin thì bỏ đi. Trong bài diễn văn của mình đọc tại Cairô, Obama đã kêu gọi mỗi bên thừa nhận tính hợp pháp của những khát vọng cơ bản của bên kia. Sẽ là khó có thể lập luận rằng chính sách gây sức ép như nhau đối với cả hai bên của ông đã thành công: Obama tìm cách bảo vệ người Ixraen và làm người Palextin thất vọng, với việc hầu như chẳng đạt được gì cả. Tuy nhiên, ông đang làm việc với chính những bên chẳng có gì là hứa hẹn, vì Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu không sẵn sàng đưa ra những sự nhân nhượng nghiêm túc vì hòa bình, trong khi người Palextin hiện bị chia rẽ đến mức họ hầu như thậm chí không thể nhất trí về những sự nhân nhượng của chính bản thân họ.

Một Tổng thống Cộng hòa sẽ bênh vực giới lãnh đạo Ixraen ngay cả khi giới này xử sự theo cách làm cho người Palextin, và thế giới Arập nói chung, giận dữ. Điều này có thể làm cho tình hình vốn rất tồi tệ lại càng tồi tệ hơn nữa. Obama, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Ápganixtan (và hiện là Giám đốc CIA) David Petraeus đều đã công khai thừa nhận rằng sự bế tắc trong vấn đề nhà nước Palextin đã làm tăng thêm nỗi tức giận Mỹ trong thế giới Arập, và vì vậy gây nguy hiểm cho nền an ninh của chúng ta. Nỗi tức giận đó sẽ chỉ càng sâu sắc thêm khi các triển vọng về hòa bình đều biến mất và Mỹ kiên quyết bảo vệ sự không khoan nhượng của Ixraen. Quả thực, trong những năm gần đây, sự ủng hộ chắc chắn của các nhà lãnh đạo Cộng hòa đã mang đến niềm tin cho Netanyahu để phớt lờ sức ép của Obama. Trước đây, các đồng minh độc đoán trong thế giới Arập đã phụng sự như các bên đối thoại với Ixraen, và làm giảm nỗi tức giận chung về tình cảnh của những người Palextin. Mùa Xuân Arập phần lớn đã chấm dứt kỷ nguyên đó - điều có nghĩa là Mỹ hiện bị phơi trần chưa từng thấy trước công luận Arập. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Romney - hoặc Gingrich hoặc Perry – có thể có vị trí chắc chắn hơn hiện nay; nhưng nước này sẽ đứng một mình. Mỹ sẽ có nhiều đối thủ hơn – bao gồm Iran, Trung Quốc, Nga, Vênêxuêla và “những người Hồi giáo”, để chỉ những đối thủ chính mà các ứng cử viên nhằm tới – và sẽ có ít đồng minh hơn. Với tư cách là một ứng cử viên, Obama lập luận rằng George Bush đã làm hại nước Mỹ qua việc quay lưng lại với các đồng minh truyền thống ở Tây Âu cũng như Liên Hợp Quốc, và ông bắt đầu phục hồi những mối quan hệ này trong từng trường hợp. Các quan chức Nhà Trắng tranh luận rằng sự kết hợp giữa chủ nghĩa đa phương được phục hồi với việc tuân thủ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân đã giúp Mỹ có những phản ứng mạnh mẽ hơn đối với cả Iran và Bắc Triều Tiên, trong khi thái độ sẵn sàng của Tổng thống Mỹ muốn chia sẻ quyền lãnh đạo ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã dẫn đến những nghị quyết cho phép NATO tiến hành không kích Libi. Chủ nghĩa đa phương, đối với Obama, không phải là một biểu hiện xuất phát từ sự yếu kém, mà là một biện pháp làm tăng thêm sức mạnh của Mỹ.

Trái lại, những người Cộng hòa thấy Liên Hợp Quốc như một nơi thù địch về cơ bản, còn hơn nữa khi vấn đề cương vị nhà nước Palextin tiếp tục được đưa ra bàn luận. Dưới thời một Tổng thống Cộng hòa, những căng thẳng giữa Mỹ và Liên Hợp Quốc có thể chìm xuống mức của nhiệm kỳ đầu đầy mâu thuẫn của Bush, và Oasinhtơn có thể phản ứng lại bằng cách cắt trợ cấp đối với tất cả hoặc một phần của thể chế này. Mọi sự hài lòng trước mắt mà việc này mang đến cho một số người có thể phai nhạt dần khi tổng thống mới nhận ra rằng Liên Hợp Quốc đang làm nhiều việc – như việc gìn giữ hòa bình – mà Mỹ muốn làm nhưng không muốn làm một mình. Người Cộng hòa cũng tỏ ra nghi ngờ nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ. Ít người trong số họ thậm chí đề cập đến Tây Âu. Chẳng hạn như Romney nói về châu Âu chủ yếu như quê hương của một cuộc thí nghiệm thất bại về dân chủ xã hội. Gingrich cũng nói như vậy. Nhưng những vấn đề của châu Âu có thể nhanh chóng trở thành những vấn đề của nước Mỹ, và Mỹ sẽ phải làm việc với các thủ đô châu Âu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng. Các ứng cử viên tổng thống gần như luôn xem xét thế giới theo cách đơn giản hơn nó thực ra là vậy. Ứng cử viên Obama, thật đáng khen, đã không biến chính sách ngoại giao thành những nguyên tắc lỗi thời, và không bao giờ làm cho thành công nghe có vẻ như chỉ là nỗ lực của ý chí. Tuy nhiên, các đối thủ của ông dường như thực sự tin vào những biện pháp ngờ nghệch mà họ rêu rao khi đi diễn thuyết hoặc đưa ra trong khi tranh luận. Đó là một ý nghĩ dễ sợ. Người Cộng hòa cho rằng thế giới này nguy hiểm hơn so với những gì mà Obama nghĩ đến – và họ sẽ chỉ đạo chính sách của Mỹ theo cách có thể làm cho điều này trở thành lời tiên đoán tự thực hiện./.

Theo Washingtonmonthly

Nhật Linh (gt)