Đây là Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên được công bố dưới thời của Thủ tướng Shinzo Abe. Trong lời mở đầu AWP-2013, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã nhận xét rằng những vấn đề và yếu tố bất ổn định trong môi trường an ninh của Nhật Bản đã trở nên “rõ ràng và gay gắt hơn” và ông cam kết sẽ bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân, cũng như lãnh thổ, lãnh hải và không phận của Nhật Bản. Lời nói đầu đã liệt kê các vụ thử hạt nhân và vệ tinh của Bắc Triều Tiên; sự mở rộng và tăng cường hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển và vùng trời xung quanh Nhật Bản là những thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản có một bản báo cáo như vậy được công bố kể từ khi ông Abe trở lại nắm chức Thủ tướng vào tháng 12/2012. Mục tiêu đầu tiên của ông là thay đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Điều này làm một số láng giềng của Nhật Bản khó chịu vì cho rằng thay đổi đó có thể dẫn tới sự phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Có một quan niệm rộng rãi trong khu vực rằng Nhật Bản chưa bao giờ thể hiện đầy đủ sự hối hận về hành động thực dân hóa tàn bạo đối với khu vực Viễn Đông và châu Á trước đây. Chỉ trong vòng một tháng lên nắm quyền của ông Abe, lần đầu tiên trong 11 năm, Nhật Bản đã tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm thêm 0,7% lên mức 4.680 nghìn tỷ yên (46 tỷ USD).

Nhật Bản cũng đang tiến hành đánh giá các nguyên tắc chỉ đạo về chính sách quốc phòng dài hạn, sẽ tạo nên chiến lược quốc phòng của nước này trong thập niên tới. Những đường lối chỉ đạo này dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay, sẽ tăng quy mô các cuộc tập trận quân sự với Mỹ - đồng minh chủ chốt hiện đang duy trì hơn một chục căn cứ quân sự và hàng chục nghìn nhân viên quân sự tại Nhật Bản. 

Sách Trắng đã đưa ra một số chi tiết về những đường lối chỉ đạo, nhấn mạnh đến hai lĩnh vực mới đang được thảo luận có thể sẽ làm thay đổi nghiêm trọng bản chất vai trò phòng vệ của quân đội Nhật Bản: phát triển khả năng tấn công phòng ngừa vào các căn cứ của kẻ thù ở nước ngoài và thành lập một lực lượng đổ bộ giống như lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. 

Phản ứng từ các nước láng giềng 

Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đã ngay lập tức chỉ trích AWP-2013 của Nhật Bản. Chỉ ít giờ sau khi Nhật Bản công bố AWP-2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Tokyo đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống Trung Quốc. Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu nay về các quần đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông do Tokyo kiểm soát. Căng thẳng leo thang kể từ khi Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 9/2012 mua lại những quần đảo không có cư dân (Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) từ các chủ sở hữu tư nhân người Nhật. Hãng tin Tân Hoa Xã bình luận “Nhật Bản đang mạo hiểm đùa với lửa”. Còn phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố các hoạt động hàng hải của Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế. Trung Quốc đang trên đường phát triển hòa bình và luôn sẵn sàng giải quyết bất đồng lãnh thổ thông qua đối thoại. Bà cáo buộc Nhật Bản đe dọa Trung Quốc, gây căng thẳng và đối đầu… 

Sách Trắng mô tả chi tiết các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc vào vùng biển Nhật Bản và liệt kê tất cả có 41 vụ như vậy trong giai đoạn từ tháng 9/2012-4/2013 và kêu gọi Trung Quốc chấp nhận và tôn trọng các nguyên tắc quốc tế. Nhật Bản không còn là “con mèo” sợ hãi trước tiếng gầm của “con hổ” và ông Abe có vẻ quyết tâm nâng cao hình ảnh của Nhật Bản.

Thực tế, những ký ức chiến tranh không được phép phủ bóng lên các mối quan hệ hiện nay. Thế hệ hiện nay không thể chịu trách nhiệm về những sai lầm của thế hệ trước đây. Các nhà lãnh đạo chính trị kế tiếp của Nhật Bản đã bày tỏ sự ăn năn về những sai lầm của quá khứ song những lời ăn năn đó vẫn không làm dịu tình cảm của người Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nước Nhật dưới thời ông Abe có vẻ sẵn sàng đối phó với bất cứ sức ép nào.

Chủ quyền quốc gia quý giá đối với người Trung Quốc thì cũng quý giá đối với người Nhật Bản và không nước nào được phép vượt quá giới hạn đã được xác định. Chủ quyền của Nhật Bản được mở rộng bao hàm cả những không phận trên các vùng lãnh hải của họ cũng như biển và đáy biển. Bảo vệ các hòn đảo xa cũng góp phần bảo vệ các nguồn hải sản và nguồn tài nguyên ngầm dưới đáy biển của Nhật Bản. Hành động trên biển của Trung Quốc, trong đó có các vụ xâm nhập của tàu ngầm và các tàu hải quân khác, đã tăng lên tại các vùng biển gần Nhật Bản. Do có nhiều quần đảo xa xôi nên Nhật Bản không thể quản lý và bảo vệ tất cả các quần đảo đó một cách thích hợp. Ngành đánh cá của Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về tình hình này, đặc biệt tại Kyushu, gần Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhiều ngư dân Nhật Bản đề nghị chính phủ hành động để bảo vệ những hòn đảo xa xôi nhằm tăng cường quản lý các vùng lãnh hải của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã soạn thảo chính sách cơ bản về bảo vệ các quần đảo xa, nhưng sẽ cân nhắc thêm các biện pháp dựa trên kết quả khảo sát thực tế. 

Trung Quốc và Nhật Bản trong năm 2012 đã nhất trí thành lập “đường dây nóng” giữa các quan chức quốc phòng cấp cao, song quan hệ hai nước vẫn căng thẳng và biện pháp cần thiết tối thiểu để tránh khủng hoảng vẫn chưa được thực hiện. Cho dù lời lẽ mạnh mẽ được sử dụng trong Sách Trắng, vẫn chưa rõ Nhật Bản sẽ xử lý như thế nào về sự hiện diện hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp. 

Với tình trạng thù địch tăng lên trong khu vực, Nhật Bản không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ. Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản 2013 đã nhấn mạnh điều này. Nhật Bản và Mỹ mới đây đã bắt đầu đánh giá lại các đường lối chỉ đạo quốc phòng song phương với mục tiêu trao vai trò lớn hơn cho Nhật Bản trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và khu vực. Khi Washington đang bị sức ép trong nước đòi cắt giảm chi tiêu quốc phòng, cho dù Mỹ đang theo đuổi chính sách “chuyển hướng sang châu Á”, Nhật Bản bị thúc ép tăng phần chia sẻ gánh nặng quốc phòng. Sách Trắng lưu ý rằng trong môi trường an ninh, liên minh an ninh song phương Nhật-Mỹ là quan trọng và việc triển khai máy bay quân sự MV-22 Osprey của Mỹ tại Okinawa sẽ đóng góp lớn cho hòa bình và an ninh khu vực. Sách Trắng gợi ý rằng các lực lượng Nhật Bản phải có khả năng tấn công các căn cứ của kẻ thù, cũng như xây dựng một hệ thống đánh chặn hiệu quả chống các nguy cơ tên lửa đạn đạo. Hệ thống này là nhằm chống lại các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên như Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera khẳng định. Sách Trắng cũng đề cập đến những chủ đề khác như an ninh mạng, lĩnh vực mà Nhật Bản nghĩ rằng cần thiết để chống lại các cuộc tấn công vào hệ thống mạng. 

Hàn Quốc cũng là một mục tiêu tiềm tàng của các lực lượng Bắc Triều Tiên, song họ đã cùng Trung Quốc chỉ trích Sách Trắng của Nhật Bản. Chính phủ Hàn Quốc đã phản đối những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ không chính đáng của Chính phủ Nhật Bản về một bãi đá rộng chưa đến 1/5 km2 do Hàn Quốc nắm giữ, tiếng Hàn gọi là Dokdo và tiếng Nhật gọi là Takeshima. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng quan điểm không đúng của Nhật Bản về lịch sử đáng bị chỉ trích và vấn đề này sẽ không thể giảm căng thẳng trong khu vực, mà còn tăng thêm chủ nghĩa dân tộc từ tất cả các bên. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Wi Yong-seop đã bác bỏ bất cứ quyền lợi nào về lịch sử, địa lý hoặc pháp lý của Nhật Bản đối với bãi đá đó. Ông Wi nói nếu Nhật Bản từ chối rút quân khỏi vùng tranh chấp thì có thể không còn hy vọng về các hoạt động trao đổi quốc phòng hoặc hợp tác quân sự giữa hai nước.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã bày tỏ quan điểm rằng môi trường hiện nay ngăn cản Seoul tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tokyo . Phát biểu trước giới thông tin Hàn Quốc ngày 10/7, bà Park nói rằng quan hệ với Nhật Bản sẽ trở nên xấu hơn nữa nếu có những vấn đề nổi lên ngay sau cuộc gặp giữa bà với Thủ tướng Abe. Đảo Takeshima/Dokdo và vấn đề “nô lệ tình dục” trong thời kỳ chiến tranh trước đây tiếp tục gây cản trở quan hệ song phương Nhật-Hàn. Trong khi thừa nhận tầm quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Park nói những cuộc gặp như vậy chỉ có ý nghĩa khi hai nước cùng tiến về một hướng tích cực. 

Đánh giá 

Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2013 chú trọng tới Trung Quốc, chủ yếu do căng thẳng về quần đảo Senkaku tăng lên kể từ khi Chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo này từ tư nhân hồi tháng 9/2012. Ảnh hưởng của Thủ tướng Abe và quan điểm của Chính phủ ông về an ninh được thể hiện rõ trong Sách Trắng. Những phần đề cập đến tình hình quân sự tại nhiều nước khác trong Sách Trắng chủ yếu dành cho Trung Quốc. Các nhà phân tích có quan điểm rằng Sách Trắng của Nhật Bản đã thổi phồng quá mức tình hình, nhưng vẫn có những quan điểm khác nhau về tính nghiêm trọng của vấn đề.

Số trang của Sách Trắng về mua sắm thiết bị quốc phòng tăng lên và chi tiết về chi phí nghiên cứu và phát triển thiết bị đã được giải thích. Song người ta hoàn toàn chưa rõ về những ý định đằng sau các chi tiết như vậy. Những điểm được đề cập trong Sách Trắng có thể sẽ được sử dụng trong các cuộc thảo luận không chính thức tại Quốc hội và những nơi khác ở Nhật Bản.

Chính quyền Abe có thể sẽ sớm thảo luận tại Quốc hội vấn đề quyền phòng vệ tập thể và tấn công các căn cứ của kẻ thù. Trong các bước tiếp theo, Chính phủ Nhật Bản có thể thiết lập cơ cấu phòng thủ và tạo quy chế pháp lý để giải quyết những nguy cơ về an ninh được mô tả trong Sách Trắng. Sách Trắng cũng đề cập đến mối tranh chấp chưa giải quyết về các quần đảo do Nga chiếm giữ mà Nhật Bản muốn lấy lại kể từ cuối cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai./.

Tác giả bài viết là TS. Rajaram Panda thuộc Viện nghiên cứu hòa bình và xung đột (IPCS) của Ấn Độ. 

Thuỳ Anh (gt)