Trước khi kết thúc thế kỷ trước, nhiều học giả đã dự báo thế kỷ 21 là “thế kỷ của Châu Á”. Quan điểm này bắt nguồn một phần từ giả thuyết đến lượt của châu Á, sau khi Thế Kỷ 19 được coi là “Thế kỷ của Anh” và Thế kỷ 20 là “Thế kỷ của Mỹ”. Phần khác, quan điểm trên thừa nhận sự nổi lên của Trung Quốc, Ấn Độ và các cường quốc châu Á khác. Tuy nhiên, một thập kỷ đã qua trong thế kỷ hiện tại và sự quan tâm tới châu Á đang giảm dần trước thực tế của chính trường toàn cầu. Trong chuyến thăm gần đây tới Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và 3 quốc gia ĐNÁ, tác giả đã chứng kiến một phần của câu chuyện về châu Á mới này và thu được một số manh mối cho tương lai.

Ấn Độ là nhân tố trung tâm trên sân khấu châu Á. “Châu Á” - theo các tài liệu chiến lược không nhất thiết bắt đầu từ kênh đào Suez trải dài tới biển Nhật Bản, tuy nhiều chuyên gia Ấn Độ hay định nghĩa không gian châu Á là “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, khác với trước đây, ngay cả những định nghĩa hẹp nhất hiện nay về CÁ cũng nhất trí bao gồm Ấn Độ. Đối với các chính phủ châu Á và cộng đồng chiến lược, “Châu Á” có nghĩa là “Châu Á – Thái Bình Dương” với các thành viên giống như tại Hội Nghị Cấp cao Đông Á, bao gồm 10 quốc gia ASEAN, 6 “đối tác đối thoại” và 2 cường quốc “Thái Bình Dương” là Mỹ và Nga.

Quan hệ Trung - Mỹ

Trung Quốc, nhân vật chính của vở kịch, không nghi ngờ gì là nhân tố quan trọng nhất, thu hút sự chú ý của thế giới tới khu vực và chứng thực cho quan điểm rằng quyền lực đang dịch chuyển từ Tây sang Đông. Cho tới gần đây, Trung Quốc vẫn phát triển các mối quan hệ hợp tác với những quốc gia láng giềng và cùng chia sẻ thành quả của khối tài sản ngày một gia tăng. Tuy nhiên, của cải gia tăng đã đi kèm với khả năng và ý chí cho việc chi tiêu những khoản tiền khổng lồ để mua sắm công nghệ, trang thiết bị quân sự, mong muốn thúc đẩy những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trước đây và theo đó là việc thể hiện thái độ hung hăng. Đây là một diễn biến mới đối với ASEAN, nhóm các quốc gia trong khu vực mong muốn giải quyết vấn đề theo “phương thức ASEAN”, thông qua tham vấn và đồng thuận, nhưng thất bại. Trong số nhiều nguyên nhân cho việc đó có hai nguyên nhân quan trọng liên quan tới căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản và tình hình phức tạp trên bán đảo Triều Tiên. Trong đó, Triều Tiên vốn là bù nhìn trước kia của Trung Quốc, tiếp tục chống lại tất cả, hướng tới phát triển kho vũ khí hạt nhân của chính mình. Bên cạnh phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, những điều này có thể phần nào giải thích tình hình an ninh bấp bênh của Trung Quốc, được thể hiện bằng một thái độ hung hăng hơn.

Mỹ, quốc gia với một ưu thế tuyệt đối đã nhìn Trung Quốc với con mắt có phần thận trọng, e ngại phải vạch ra một chiến lược tối ưu để đối phó với sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc khi mà sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã tăng trưởng đến quy mô chưa từng có. Phản ứng trước đề nghị của ASEAN và các quốc gia khác, Mỹ dưới thời Obama nhiệm kỳ trước đã tuyên bố chiến lược “trục” Châu Á qua việc tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực. Khi Bắc Kinh lên tiếng cho rằng Mỹ đang quay trở lại chính sách thời Chiến tranh lạnh, “kiềm chế” Trung Quốc thì Washington đã thay đổi với tuyên bố hay được nhắc đến hiện nay là “tái cân bằng” trách nhiệm chiến lược của Mỹ tại Ấn Độ và Thái Bình Dương. Tại hội nghị ở Kuala Lumpur, Đại sứ Christopher Hill, cựu quan chức hàng đầu của Mỹ, đã khẳng định sẽ còn tiếp tục có sự điều chỉnh chính sách. Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thiết lập các thể chế hợp tác, tránh xung đột tại châu Á. Mỹ và Trung Quốc ít có khả năng hướng tới một cuộc “chiến tranh lạnh” hay “chiến tranh nóng” mà tương lai của mối quan hệ này sẽ là sự pha trộn giữa “hợp tác, cạnh tranh, đối đầu và căng thẳng”.

Quyền lực cấp II

Đánh giá thực tế cho thấy Ấn Độ và Nhật Bản là các quyền lực cấp II, không thực sự cùng đẳng cấp với Mỹ và Trung Quốc. Việc thẳng thắn thừa nhận thực tế đó có thể giúp Ấn Độ theo đuổi một chính sách đáng tin cậy trước sự phức tạp tại châu Á. New Delhi đã thể hiện một cách khái quát chiến lược của mình khi đón TTg/Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ trước khi TTg Singh đi Nhật Bản.

Ấn Độ mong muốn hợp tác chứ không phải xung đột với Trung Quốc, hướng tới một mối quan hệ dựa trên sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Về bản chất, Ấn Độ muốn một mối quan hệ đối tác bình đẳng chứ không phải sự thống trị của Trung Quốc tại khu vực. Những động lực này, cùng với mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Tokyo và Bắc Kinh đã tạo nền tảng mạnh mẽ cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn cầu giữa Ấn Độ và Nhật Bản mà thủ tướng hai nước đã tuyên bố gần đây. Lợi ích kinh tế đã đưa hai quốc gia xích lại gần nhau và được củng cố bởi một nhu cầu chiến lược về việc tạo ra sự cân bằng quyền lực trong khu vực. Họ hướng tới các quốc gia dân chủ khác như Australia, Hàn Quốc, ASEAN để đảm bảo rằng lực lượng mong muốn hợp tác sẽ chiếm ưu thế trước các yếu tố muốn kéo khu vực vào xung đột. Tuy nhiên, đề xuất về một “liên minh dân chủ”, ý tưởng ưa thích của Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe, sẽ không thể thành công nếu được xây dựng trên các điều khoản chống Trung Quốc. Điều này giải thích tại sao Ấn Độ nỗ lực tạo ra một sự cân bằng quyền lực tốt hơn, đi đầu trong việc ủng hộ một thể chế khu vực toàn diện. Điều cần thiết là tăng cường cơ chế Cấp cao Đông Á, coi đó là một cơ chế khu vực để giải quyết khác biệt giữa các quốc gia thông qua đàm phán. Những đề xuất về một hiệp ước hữu nghị mới do Indonesia và Nga đưa ra gần đây đáng được xem xét tích cực trong bối cảnh này.

Hiểu biết về Trung Quốc

Bà Phó Oánh, một nhân vật chính trị hàng đầu của Trung Quốc, đã nói thẳng tại hội nghị ở Kuala Lumpur khi định nghĩa về “giấc mơ của Trung Quốc”. Theo đó, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc chỉ đơn giản mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi công dân Trung Quốc, nhấn mạnh “giấc mơ của Trung Quốc” là một phần trong “giấc mơ của Châu Á rộng lớn hơn”. Bà cũng cho biết các đồng nghiệp của bà thường hỏi tại sao thế giới không thể hiểu được cách tiếp cận thân thiện của Trung Quốc và tại sao khu vực láng giềng của Trung Quốc lại “không yên ổn đến vậy”. Các cuộc trao đổi với bà cho thấy sự khác biệt giữa những lời nói và hành động của Trung Quốc. Nếu khác biệt này ít thì lòng tin có thể được củng cố nhưng nếu khác biệt bị nới rộng thì lòng tin sẽ bị tổn hại.

Con đường phía trước

Tóm lại, cơ hội để một “Thế kỷ châu Á” trở thành hiện thực còn chưa ngã ngũ. Cơ hội này chỉ có thể được cải thiện khi các cường quốc hàng đầu châu Á bắt đầu làm những điều họ đang nói và nói một cách thẳng thắn những điều họ đang làm. Họ cũng cần đọc lại lịch sử của châu Âu. Để hòa giải các lợi ích quốc gia xung đột nhau, chiến tranh không phải là lựa chọn duy nhất. Kiên trì đối thoại với sự ủng hộ của một ý chí chính trị mạnh mẽ sẽ có thể thành công. Phòng họp Cấp cao Đông Á là nơi các nhà lãnh đạo châu Á cần dành nhiều thời gian hơn là mưu tính cử binh lính tới vùng Ladakh xa xôi, điều tàu hải quân tới Biển Đông hay tàu cá tới Biển Hoa Đông./.

Bài viết của Rajiv Bhatia, cựu Đại sứ, Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Ấn Độ, đăng trên tạp chí The Hindu.

Vũ Hiền (gt)