007.jpg

Khi mọi sự chú ý trên toàn cầu đang tập trung vào các chính sách của chính quyền Trump đối với Triều Tiên và Iran, Nhà Trắng đang chuẩn bị cho một sự thay đổi chính sách khác mà gần như không được nhiều người chú ý - và lần này là đối với Trung Quốc. Các báo cáo cho thấy chính quyền Trump sẽ sớm áp dụng chiến lược “sắc nhọn” hơn với các hành vi gian lận thương mại và tìm cách chiếm công nghệ Mỹ của Trung Quốc, trong số các vấn đề khác. Về lý thuyết, điều này cho thấy một sự chuyển hướng lớn khỏi cách thức Mỹ đang tiếp cận với Trung Quốc - hiện là nền kinh tế và nước chi tiêu cho quân sự lớn thứ 2 thế giới.

Tuy nhiên, khả năng của chính quyền Trump nhằm biến cách tiếp cận mới này thành hành động được duy trì liên tục vẫn bị hoài nghi. Nhiều chính quyền Mỹ đã cố gắng, và thất bại, trong việc hướng sự chú ý vào một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Các nhà lãnh đạo Mỹ - dễ dàng bị xao lãng bởi các vấn đề trong ngắn hạn - đã không thể hành động trong lúc Trung Quốc đã trở thành cường quốc quân sự và kinh tế có khả năng thách thức sự lãnh đạo của Mỹ không chỉ ở châu Á, mà còn ngày một tăng cường khả năng trên thế giới.

Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ, từng một thời được coi là không thể vượt qua. Dù một số người gọi quân đội Trung Quốc là “con hổ giấy”, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rõ tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng “quân đội được xây dựng để chiến đấu”.

Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc là một đối thủ ngang sức với Mỹ. Không chấp nhận việc chỉ là “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc đang làm xói mòn vị thế lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, bằng các hành vi gian lận thương mại như tìm cách “ăn cắp” tài sản trí tuệ của nước ngoài. Thâm hụt thương mại đang gia tăng của Mỹ với Trung Quốc gây ra nhiều hậu quả nhưng một trong số đó là việc Bắc Kinh tích cực theo đuổi các chính sách trọng thương.

Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã ngày một thách thức sự lãnh đạo của Mỹ ở cả châu Á và trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Trong lúc làn sóng bảo hộ gia tăng ở Mỹ và châu Âu, Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện họ là người đấu tranh mới cho toàn cầu hóa. Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc sẽ củng cố hơn nữa khả năng của Bắc Kinh để cạnh tranh với Mỹ trên nền tảng toàn cầu. Dưới “cái ô” của sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc có kế hoạch chi nghìn tỷ USD để kết nối các khu vực của châu Á với Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Đầu tư của Bắc Kinh đang làm thay đổi quan hệ của họ với các nước có giá trị chiến lược với Mỹ, như Pakistan và Djibouti, nơi Trung Quốc vừa mở một căn cứ quân sự.

Nếu Mỹ muốn tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới, lợi thế quân sự và sự thịnh vượng kinh tế, thì các nhà lãnh đạo Mỹ, bắt đầu từ chính quyền hiện nay, phải có một cách tiếp cận có tính cạnh tranh hơn với Trung Quốc. Điều này không loại trừ khả năng hợp tác trong các lĩnh vực có chung lợi ích.

Bắc Kinh không có lý do gì để xuống nước trong các vấn đề gây tranh cãi trong khi đang theo đuổi các mục tiêu chung thông qua hợp tác, và Washington cũng nên như vậy. Cuối cùng, Trung Quốc cần sự hợp tác với Mỹ cũng như chiều ngược lại. Cách tiếp cận cạnh tranh hơn và được áp dụng một cách thông minh với Trung Quốc sẽ không làm tổn hại đến các lĩnh vực hợp tác hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, liệu Mỹ có thể tập trung chú ý tới Trung Quốc hay không vẫn là điều bị hoài nghi. Chính quyền Trump đang đứng trước 4 thách thức trong lúc họ phải tìm cách tránh khỏi các sai lầm của các nhà tiền nhiệm.

Đầu tiên, Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề khác gây xao lãng. Mặc dù các nhà lãnh đạo Mỹ biết rằng Trung Quốc là cường quốc duy nhất có thể sắp xếp lại trật tự thế giới, nhưng họ vẫn bị xao lãng bởi Nga, Iran và Triều Tiên cũng như vấn đề khủng bố. Rõ ràng các mối quan ngại an ninh khác cũng đòi hỏi sự chú ý thường xuyên, nhưng các nền kinh tế lớn thứ 12, 19 và 113 thế giới này chắc chắn không có được sự chú ý như một Trung Quốc đang đẩy mạnh để vươn lên vị trí số 1.

Thứ hai, Bắc Kinh đang khuyến khích Washington bỏ qua các động lực cạnh tranh trong quan hệ Mỹ - Trung bằng việc kêu gọi hợp tác “cùng thắng” và đưa ra “mồi nhử” để có được sự trợ giúp của Trung Quốc trong các vấn đề như Triều Tiên. Bắc Kinh hy vọng ảo tưởng về tiến triển này sẽ làm chệch hướng sự chú ý của Mỹ khỏi các vấn đề có nguy cơ bất đồng như các hành vi gian lận thương mại và cưỡng ép các nước láng giềng của Trung Quốc. Chiến lược này đã thường xuyên giành được thành công.

Thứ ba, một chính sách với Trung Quốc thành công cuối cùng sẽ đòi hỏi việc hành xử đúng đắn trong khu vực. Các đồng minh và đối tác của Mỹ không muốn xung đột với Bắc Kinh, bởi vậy thái độ cứng rắn với Trung Quốc có nguy cơ làm mất đi các nước bè bạn xung quanh, cho dù nó "ghi điểm" về chính trị trong nước. Thay vào đó, các nước trong khu vực mong muốn nhìn thấy Washington đứng lên đấu tranh vì luật lệ quốc tế và các giá trị chung, trong khi ủng hộ tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, một chiến lược đưa ra sẽ chỉ đơn thuần mang tính tham vọng nếu không có nguồn lực để thực thi nó. Chính quyền hiện nay bị cản trở bởi sự thiếu vắng các vị trí quan chức phụ trách các vấn đề châu Á. Sự bất hòa trong cơ quan hành pháp, cũng như trong Quốc hội, làm xói mòn sự cam kết và tín nhiệm của Mỹ.

Mối nguy hiểm chính với các nhà lãnh đạo Mỹ đó là các tham vọng chiến lược “vượt quá” khả năng thực thi các kế hoạch của họ. Nếu các cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo Mỹ, thì Washington sẽ tiếp tục bị Bắc Kinh “vượt mặt”. Trong lúc chỉ còn vài ngày nữa là tới chuyến thăm châu Á đầu tiên của Tổng thống Trump, hiện là thời điểm để chính quyền Mỹ thúc đẩy sự chú ý của Mỹ tới Trung Quốc và huy động đủ nguồn lực để thực hiện chương trình nghị sự tích cực trong khu vực.

Tác giả Daniel Kliman là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới; Zack Cooper là nghiên cứu viên cao cấp về An ninh Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược. Bài viết đăng trên “Foreign Policy.”

Vũ Hiền (gt)