Năm nay, chi tiêu quốc phòng châu Á sẽ vượt qua châu Âu lần đầu tiên trong hơn nửa thiên niên kỷ. Sự sụt giảm mạnh trong chi tiêu quân sự của châu Âu sau Chiến tranh Lạnh, trong khi sự gia tăng đồng thời và ổn định trong chi tiêu của Trung Quốc cùng với việc tăng mạnh gần đây trong chi tiêu quốc phòng ở những nước còn lại của châu Á đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa hai châu lục. Nhiều lý do khác nhau để tăng cường quân sự ở châu Á, cho dù hợp lý hay không, đã khởi nguồn cho những suy đoán về tác động đối với khu vực. Nhưng có một điều dường như chắc chắn: Tăng cường quân sự của châu Á sẽ không chỉ là ánh đèn flash chớp nhoáng mà có khả năng nó sẽ còn kéo dài.

Trong suốt những năm 1990, Trung Quốc đã công bố giảm bớt chi phí quân sự gia tăng của mình và chắc chắn chi tiêu quốc phòng không bao giờ thấp hơn tuyên bố. Vào đầu thập kỷ này, phần lớn ngân sách quân sự của Trung Quốc đã được dành để chuẩn bị cho việc huy động quốc gia và duy trì lực lượng thông thường với số lượng lớn. Nhưng trong một vài năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu tái phân bổ ngân sách, chuyển các nguồn lực từ các lực lượng bộ binh sang lực lượng hải quân và không quân. Trung Quốc đã giảm mạnh lực lượng bộ binh với việc cho xuất ngũ hơn một triệu quân; quân đội giảm từ hơn 120 sư đoàn xuống còn chưa tới 60 sư đoàn được trang bị đầy đủ vào cuối thập kỷ này. Điểm đáng chú ý là quá trình này đi kèm với việc thúc đẩy các nguồn lực dành cho nghiên cứu, phát triển và mua lại của các hệ thống vũ khí mới.

Nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đang dần có khả năng hơn giai đoạn đầu, từ chỗ chỉ sản xuất một bộ phận nhỏ của tàu chiến, sau đó đã tiến nhanh hơn trong vòng một thập kỷ. Mặc dù các lực lượng hải quân Trung Quốc phải mua một số lượng tàu khu trục và tàu ngầm từ Nga, nhưng sau đó Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất hàng loạt sản phẩm riêng và cuối cùng đã tân trang một tàu sân bay cũ của Ucraina gọi là tàu Liêu Ninh vào năm 2012. Trung Quốc có thể đóng thêm hai tàu riêng của mình trong những năm tới. Hải quân Trung Quốc thậm chí còn xây dựng một căn cứ hải quân mới, rất lớn ở mũi phía Nam của đảo Hải Nam bao gồm một đường hầm dưới lòng đất để tấn công hạt nhân và tàu ngầm tên lửa đạn đạo.

So với cùng kỳ trước đó, lực lượng không quân của Trung Quốc bắt đầu chuyển mình, từng bước thay thế các máy bay chiến đấu cũ bằng các loại máy bay chiến đấu Su-30MKK và Su-27SK hiện đại hơn của Nga và những loại máy bay chiến đấu sản xuất trong nước J-10 và J-11. Để tạo ra hạm đội mới của mình, Trung Quốc đã đầu tư mạnh không chỉ vào những mẫu thiết kế kỹ thuật của Nga, mà còn đặt nền móng cho một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ trong nước có thể phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của mình. Trong khi đó, lực lượng không quân cũng đã mua các loại máy bay đòi hỏi sẽ phải có một chiến trường "thông tin hóa" kèm theo, chẳng hạn như máy bay A-50 và Y-8W để cảnh báo sớm và trinh thám (AEW & C) và máy bay H-6U để tiếp dầu trên không. Trung Quốc cũng đã xuất sắc trong việc phát triển công nghệ và tên lửa. Lực lượng quân sự thông thường cũng đã có tên lửa không đối không mới và tên lửa hành trình phóng từ dưới biển chống tàu đầu tiên. Lực lượng quân sự chiến lược của Trung Quốc nhận được không chỉ tên lửa đạn đạo mới, mà còn có cả tên lửa đủ khả năng chính xác nhắm đến mục tiêu một con tàu trên biển (nếu kết hợp với một hệ thống giám sát đại dương đủ đảm bảo độ chính xác). Lo ngại sự thống trị của Mỹ trong không gian, Trung Quốc đưa vào quỹ đạo vệ tinh quân sự riêng của mình cũng như thiết kế và thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh, đầu tiên vào năm 2007 và sau đó có thể lặp lại sớm nhất vào năm 2013.

Tuy nhiên, sự phát triển ghê gớm của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có những thiếu sót. Ngay khi nhà máy đóng tàu của Trung Quốc khởi động các tàu chiến lớp mới, nhiều tàu trong số đó được hoạt động bằng động cơ tuabin khí đốt của Ukraina và được hệ thống radar tìm kiếm trên không của Nga bảo vệ. Và mặc dù Viện Thiết kế Máy bay Thành Đô của Trung Quốc và Tổng công ty Máy bay Thẩm Dương đã làm giới quan sát sửng sốt khi cho ra mắt máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ tiếp theo J-20 và J-31, nhưng hầu hết các hạm đội máy bay chiến đấu nâng cấp của Trung Quốc vẫn còn sử dụng những động cơ phản lực được Nga và Ukraina thiết kế và sản xuất. Quả thực, một số nhà quan sát đã rất ngạc nhiên khi biết rằng Trung Quốc đã đàm phán với Nga để mua khoảng 48 máy bay chiến đấu Su-35 mới, cho dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Chắc chắn Trung Quốc đã không đơn lẻ trong hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Nhiều quốc gia châu Á khác cũng đã làm như vậy ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90. Nhưng gần như tất cả sớm gặp phải những rắc rối trước những khó khăn kinh tế. Khi nền kinh tế của Nhật Bản vật lộn đầu tiên với hai “thập kỷ mất mát”, các lực lượng phòng vệ Nhật Bản cố gắng duy trì cơ cấu lực lượng - chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của Tokyo đối với các công ty hàng không vũ trụ và các công ty đóng tàu để có được sự ổn định cho loại máy bay chiến đấu F-2 và tàu chiến mới.

Quân sự của Ấn Độ ở tình trạng còn tồi tệ hơn. Trong suốt những năm 1990, sức mạnh của Ấn Độ bị suy sụp trước hoạt động nổi dậy chống đối ở Kashmir, trong khi ngân sách bị teo lại do lạm phát cao và đồng tiền mất giá làm xói mòn sức mua hàng hóa bên ngoài (một tình huống hiện đang bị lặp lại). Kết quả là quân đội Ấn Độ phải chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh Kargil năm 2002 chủ yếu bằng các trang thiết bị lỗi thời.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 xảy ra tại Hàn Quốc và nhiều nước Đông Nam Á đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tham vọng hiện đại hóa quân sự của họ. Ví dụ như Thái Lan từng mơ ước trở thành một cường quốc hải quân châu Á. Đầu những năm 1990, Bangkok thậm chí tài trợ đóng mới một tàu sân bay đầu tiên của khu vực Đông Á, mang tên Chakri Naruebet, đưa vào hoạt động năm 1996. Nhưng ngay sau cuộc khủng hoảng, các tàu tạm dừng hoạt động tại cảng, chỉ có thể đi lại một ngày trong tháng để duy trì và hỗ trợ cho số máy bay phản lực Harrier bị giảm bớt. Một số phận tương tự xảy ra với máy bay chiến đấu F/A-18 và MiG-29 hiện đại của Malaysia. Với chi phí bảo dưỡng cao nên hiếm khi có thể bay, do vậy khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng bị ảnh hưởng.

Khi những đám mây u ám trong lĩnh vực kinh tế của khu vực châu Á cuối cùng cũng tan đi trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ mới, nhiều nước đã chậm chạp tiếp tục chương trình nâng cấp quân đội của họ. Nước đầu tiên làm như vậy là Ấn Độ. Nhưng thách thức lớn nhất chính là bộ máy quan liêu của chính mình, thậm chí khi kinh phí đã được phân bổ để hiện đại hóa trang thiết bị quân sự và tổ chức, một phần quan trọng không được chi, còn các khoản khác lại bị lãng phí. Trong khi nhiều người chỉ ra rằng chương trình xe tăng Arjun 50 năm của Ấn Độ là điển hình của sự kém hiệu quả này, thì một thực tế còn đáng lo ngại hơn là quân đội sau 27 năm chờ đợi không còn chịu đựng nổi để nhận bất cứ đơn vị pháo binh mới nào. Tuy nhiên, Ấn Độ đã thành công trong việc nâng cấp cơ sở dọc theo biên giới tranh chấp với Trung Quốc và trong vịnh Bengal, sau một số chi phí quá mức, cùng với việc đưa vào sử dụng một tàu sân bay tân trang của Liên Xô, mang tên Vikramaditya, cũng như tàu ngầm tấn công hạt nhân mới Akula. Cũng phục hồi từ cuộc khủng hoảng nợ vào giữa thập kỷ, Hàn Quốc hồi sinh kế hoạch hiện đại hóa quân sự của mình. Kể từ đó, nước này đã mua sắm xe tăng mới, xe chiến đấu bọc thép, tàu khu trục Aegis trang bị đầy đủ, và 6 tàu ngầm loại 214.

Nhìn chung, chỉ trong vòng vài năm qua hầu hết các nước châu Á khác đã tăng tốc các chương trình hiện đại hóa quân sự của họ. Việt Nam hướng tới đồng minh trước đây là Nga để mua các hệ thống phòng không tinh vi mới, máy bay chiến đấu Su-30MK2, và ấn tượng nhất là một đơn đặt hàng 6 tàu ngầm lớp Kilo. Việt Nam cũng yêu cầu sự trợ giúp của Nga để khôi phục căn cứ hải quân tại Đà Nẵng. Indonesia cũng bắt đầu hiện đại hóa quy mô lớn trong năm 2012 với nhiều đơn đặt hàng các loại xe chiến đấu, 3 tàu ngầm loại 209 do Hàn Quốc chế tạo, một số lượng nhỏ các máy bay chiến đấu Su-30MK2, và một lượng lớn hơn các máy bay huấn luyện và vận tải. Nhưng có lẽ điểm ngoặt ấn tượng nhất là ở Philippines mà trước đó các bộ phận của lực lượng vũ trang nhằm bảo vệ bên ngoài giảm xuống gần như không tồn tại. Sự thay đổi diễn ra vào năm 2011, khi Manila mua hai chiến hạm sắp được “nghỉ hưu” của Mỹ và bắt đầu thảo luận với Nhật Bản về 10 tàu tuần tra nhỏ. Kể từ đó, chính phủ Philippines đã lùng sục khắp thế giới để mua các thiết bị quân sự, gần đây đã đàm phán mua hàng chục máy bay chiến đấu của Hàn Quốc và thậm chí còn cân nhắc mua hai tàu khu trục tên lửa Italy.

Nhật Bản nằm trong số các quốc gia mới nhất tăng cường tốc độ chi tiêu quân sự. Bên cạnh việc tiếp tục chương trình đóng tàu đều đặn với mức trung bình một tàu ngầm tấn công mới và một tàu nổi mới mỗi năm, tốc độ này có thể tăng lên trong những năm tới. Nhật Bản cũng đã thay thế tàu chiến cũ bằng những con tàu hiện đại hơn nhiều. Hai tàu khu trục lớp Shirane từ thời 1970, mang theo 3 máy bay trực thăng mỗi tàu, sẽ được thay thế bằng hai tàu 22DDH mới – “tàu khu trục chở máy bay trực thăng” - mỗi tàu trong số đó trên danh nghĩa sẽ có thể mang theo cả chục máy bay trực thăng, nhưng kích thước và sự di chuyển của chúng sát hơn với những tàu tấn công đổ bộ của Mỹ Wasp, có khả năng hoạt động cho máy bay chiến đấu V/STOL và 40 máy bay trực thăng. Tàu khu trục 22DDH đầu tiên, mang tên Izumo, đã được đưa ra vào tháng 8/2013. Với chiến thắng của đảng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản một tháng trước đó, có thể là ông sẽ thúc đẩy thông qua các biện pháp mới để tăng tốc độ mua sắm tàu chiến và tàu bảo vệ bờ biển, sự giảm giá gần đây của đồng yên Nhật Bản có thể buộc ông phải mở rộng việc mua các máy bay chiến đấu của Mỹ.

Ngoài Trung Quốc, chỉ có Singapore đã liên tục dành nguồn lực để nâng cấp tất cả 3 quân chủng của lực lượng vũ trang của mình từ những năm 1990. Kết quả là quốc đảo này đã có thể chuyển đổi các lực lượng quốc phòng địa phương thành quân đội hiện đại với khả năng triển khai sức mạnh đáng kể, bao gồm không chỉ các tàu ngầm tấn công, mà còn cả tàu động cơ đẩy bằng không khí độc lập hiện đại và không chỉ có máy bay chiến đấu F-15SG và F-16C/D, mà cả máy bay được hỗ trợ hệ thống AEW&C và máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Ngày 8/9, Singapore đã chuẩn bị nhận bàn giao chiếc tàu ngầm lớp Archer thứ hai và có khả năng sẽ là quốc gia thứ hai châu Á, sau Nhật Bản, mua được máy bay tấn công liên kết F-35 của Mỹ.

Lý do tăng cường quân sự ở châu Á

Đương nhiên, những lý do đằng sau sự tăng cường quân sự của châu Á rất đa dạng và thường liên quan đến nhau. Một số nước có những vấn đề cần phải cân nhắc đến yếu tố chiến lược hoặc những vấn đề trong nước. Có cả những lý do liên quan đến các tính toán chính trị trong nước. Ở những nước mà quân đội can thiệp vào đời sống chính trị, các chính trị gia dân sự đôi khi phải sử dụng ngân sách quốc phòng lớn hơn nhằm tìm kiếm sự bình yên trong giới quân sự. Nghiên cứu trước đây về mối quan hệ dân sự - quân sự châu Á đã cho thấy đây có thể là trường hợp ở các nước như Indonesia và Thái Lan. Một lý do khác liên quan đến chi phí quân sự được gắn trực tiếp đến việc ủng hộ các công ty trong nước được ưu đãi, các ngành công nghiệp hoặc việc cung cấp công ăn việc làm địa phương. Dĩ nhiên, điều đó có thể là đúng ở một mức độ nhất định đối với một quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng khá lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và Singapore. Đơn đặt hàng thường xuyên đối với các tàu chiến và tàu ngầm của Nhật Bản có thể phản ánh niềm hy vọng duy trì vị trí ngành đóng tàu của đất nước ngang với mong muốn cải thiện an ninh của nước đó, đặc biệt là sau khi các đơn đặt hàng tàu thương mại chủ yếu chuyển sang các nước có chi phí thấp hơn là Trung Quốc và Hàn Quốc. Lý do nữa (có phần trái ngược với lẽ thường) là sự đánh giá ngày càng cao của các nhà lãnh đạo quốc gia về việc sử dụng sức mạnh quân sự đóng góp vào các nỗ lực cứu trợ nhân đạo. Khi trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 tàn phá tỉnh Aceh ở Indonesia, quân đội nước này không thể làm gì nhiều để cứu trợ, trong khi quân đội Mỹ và Australia từ những tàu ngoài khơi vào bờ để hỗ trợ và tìm kiếm các nạn nhân. Được thúc đẩy từ chính sự kiện này, kể từ đó Indonesia đã dành nhiều ngân sách quốc phòng của mình cho tàu vận tải và máy bay.

Mặc dù vậy, các toan tính chiến lược liên quan đến những thay đổi trong môi trường địa chính trị đóng vai trò lớn nhất trong việc tăng cường quân sự ở châu Á những năm sau Chiến tranh Lạnh và đặc biệt là trong thập kỷ qua. Ngay từ năm 1991, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc, sau khi chứng kiến ​​sự thành công không thể phủ nhận về vũ khí và cách tổ chức của Mỹ trong cuộc xung đột vùng Vịnh Persian, nhận ra sự cần thiết phải hiện đại hóa lực lượng vũ trang của họ. Nhưng mãi cho đến khi Bắc Kinh thất bại trong việc ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ trong nỗ lực đe dọa Đài Loan về việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo vào năm 1995 và 1996, Trung Quốc mới tiếp tục mục tiêu hiện đại hóa quân sự một cách nghiêm túc. Cuối cùng giới lãnh đạo Trung Quốc đã được thuyết phục rằng việc xây dựng lực lượng xung quanh lãnh thổ theo cách nghĩ truyền thống là không đủ để chống lại sức mạnh hải quân và không quân của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng chỉ có cách hiện đại hóa quân sự toàn diện mới có thể hy vọng giữ cho các lực lượng Mỹ không mở rộng sức mạnh quân sự cũng như ngăn chặn các nước khác tác động đến "lợi ích cốt lõi", bao gồm cả chủ quyền lãnh thổ ở phía Đông, và Biển Đông và trên khu vực biên giới Himalaya, ngăn chặn vòng vây địa chính trị bao quanh Trung Quốc.

Thật không may, sự hiện đại hóa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đã tạo ra một tình thế khó xử về an ninh cho các nước châu Á láng giềng. Khi Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ về quân sự, thì các nước châu Á khác đều nhận thấy an ninh của họ sụt giảm tương đối. Không có gì ngạc nhiên về việc Ấn Độ nhanh chóng hành động với những nghi ngờ trong lịch sử với Trung Quốc – đối thủ trong cuộc xung đột biên giới năm 1962 với Ấn Độ và là một đồng minh của Pakistan - kẻ thù lâu năm của Ấn Độ. Và trong suốt những năm 2000, New Delhi không ngừng lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc với việc lưỡng dụng hóa (cả mục đích dân sự - quân sự) các cơ sở hạ tầng sân bay, đường sắt, và đường bộ ở Tây Tạng và những lợi ích thương mại ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương. Không xa lạ gì với những kế hoạch bao vây, các chuyên gia an ninh Ấn Độ đã nhận thấy Trung Quốc phát triển một "chuỗi ngọc trai" trên Ấn Độ Dương và có thể một ngày nào đó bao vây Ấn Độ. Và như vậy, ngay cả khi Trung Quốc thường nêu khẩu hiệu chống lại Mỹ, nhưng Ấn Độ cũng phải chú trọng đến khả năng quân sự của mình để đối phó với Trung Quốc và tự bản thân thấy mình cũng bị đe dọa. Thật vậy, những lo ngại về khả năng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc khiến Ấn Độ vội vàng củng cố khu vực biên giới tranh chấp của họ ở Arunachal Pradesh. Ấn Độ cho xây dựng 6 tiền đồn trên núi (bao gồm cả hai tiền đồn mới) chỉ để đối mặt với ba chốt tuần tra núi của Trung Quốc ở phía bên kia. Trong năm 2013, Ấn Độ thậm chí quyết định "về nguyên tắc" tài trợ cho một quân đoàn "tấn công" mới, để củng cố khả năng tấn công tốt hơn cho các đơn vị tiền tuyến.

Trong những năm gần đây, nhiều nước châu Á khác đã bắt đầu phản ứng tương tự với sự tăng cường quân sự của Trung Quốc, mặc dù họ trước đó đã hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc vì những lợi ích kinh tế được mang lại. Từ cuối những năm 1990 và nửa đầu thập kỷ đầu tiên của thế kỷ mới, chính sách ngoại giao "tấn công quyến rũ" của Bắc Kinh đem lại hy vọng cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, những nước hài lòng với thiện chí của Trung Quốc dường như chấp nhận sở thích của họ để ưu tiên phát triển kinh tế hơn là xung đột chính trị và xem xét các chuẩn mực đa phương trong khu vực. Nhưng khi Trung Quốc tự tin với việc gia tăng ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự, Bắc Kinh bắt đầu khẳng định ưu tiên lợi ích của mình trong các tranh chấp với khu vực Đông Nam Á. Thay vì chấp nhận đối thoại đa phương, Trung Quốc dường như ngày càng đứng ngoài mối quan tâm khu vực Đông Nam Á và theo đuổi mục tiêu của mình một cách riêng biệt hoặc chỉ thông qua đàm phán song phương. Thực tế là phương pháp tiếp cận gần đây của Trung Quốc xung đột với các bên trong việc phân chia sử dụng sông Mekong và cả biên giới trên biển của nước này ở Biển Đông.

Vào cuối năm 2007, Bắc Kinh đã nâng cấp cơ quan hành chính quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở thành "thành phố cấp địa khu" tại tỉnh Hải Nam. Sau đó, Trung Quốc đưa tuyên bố chủ quyền Biển Đông trở thành "lợi ích cốt lõi" của mình, thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu. Cảm nhận được sự trượt dốc, một số nước Đông Nam Á công khai đối đầu với sự quyết đoán Trung Quốc tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 17 vào năm 2010. Trung Quốc đã cảm thấy tức giận khi bị phản đối. Sau đó, tàu tuần tra Trung Quốc đã thường xuyên sách nhiễu tàu thăm dò dầu khí của Philippines và Việt Nam, các bên tranh chấp có sức mạnh quân sự yếu nhất tại Biển Đông - bằng cách cắt các dây cáp kéo thiết bị thăm dò địa chấn trên tàu của họ. Trong năm 2012, Trung Quốc làm tăng thêm căng thẳng khi cho xây dựng cơ sở trên Amy Douglas Reef  (bãi Trung Lễ) mà Philippines tuyên bố chủ quyền và gây ra bế tắc hàng hải kéo dài hàng tháng. Kết quả là, mặc dù nhiều nước Đông Nam Á từng sẵn lòng cho rằng lợi ích của Trung Quốc trong việc tăng cường quân sự là một phần của "sự trỗi dậy hòa bình" hoặc nhằm chống lại sự bướng bỉnh của Đài Loan, giờ đây họ cũng cẩn thận với Trung Quốc hơn rất nhiều và việc mua sắm quân sự cũng trở nên cấp bách hơn.

Một loạt sự kiện tương tự xảy ra ở quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) mà Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông. Bắt đầu từ năm 2010, tàu tuần tra Trung Quốc và Nhật Bản đã đối mặt nhau trong các vùng biển xung quanh các đảo. Sau đó, Bắc Kinh tăng cường tuần tra hàng hải tại khu vực này và cho phép công dân nước mình trút sự tức giận vào những lợi ích thương mại của Nhật Bản tại Trung Quốc. Mặt khác, ngày càng nhiều người Nhật thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường chuẩn bị quốc phòng. Kết quả là Tokyo đã triển khai thêm một phi đội máy bay chiến đấu F-15J đến Okinawa và duy trì tuần tra suốt ngày đêm ở gần quần đảo tranh chấp. Tuy nhiên, nhu cầu duy trì tuần tra như thế khiến việc sử dụng các thiết bị của các lực lượng tự vệ và bảo vệ bờ biển của Nhật Bản bắt đầu căng thẳng, dẫn đến nhu cầu về máy bay và các tàu mới có khả năng hơn.

Một số người hiện nay cho rằng sự tăng cường quân sự của châu Á có thể dẫn đến tình trạng chạy đua vũ trang của một hoặc nhiều nước - trường hợp xung đột lợi ích hoặc nỗi sợ hãi về nhau gây ra sự gia tăng cạnh tranh chạy đua vũ trang giữa hai nước hoặc liên minh các nước. Cho đến nay, điều đó chưa xảy ra, ít nhất là theo nghĩa đen: nếu không có lý do nào khác thì không một quốc gia châu Á hoặc liên minh các quốc gia có thể đủ khả năng để cạnh tranh trực tiếp với tốc độ cũng như quy mô hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, ngăn cản sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy chưa hẳn là một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng phần lớn việc tăng cường trang bị quân sự của châu Á có thể được mô tả như là một cuộc đuổi bắt vũ trang. Mặc dù các nước châu Á không đưa ra một khẩu hiệu đối với Trung Quốc, song họ đã cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự - một phần thông qua việc hiện đại hóa quốc phòng và một phần thông qua các mối quan hệ gần gũi hơn với các cường quốc bên ngoài làm rào cản chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chẳng có gì nghi ngờ đó là lý do tại sao các nước châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, có lợi ích dường như rất khác nhau trong quá khứ, hiện lại trở nên quá quan tâm đến hợp tác kinh tế và hợp tác an ninh.

Tác động của sự tăng cường quân sự ở châu Á

Mối quan tâm chính của những người theo dõi việc tăng cường mua sắm quân sự của châu Á chính là mức độ gia tăng của vũ khí có khả năng sẽ dẫn đến xung đột thông qua những tính toán hoặc mưu đồ sai lầm. Bên cạnh đó, lập luận về khả năng tính toán sai lầm dễ xảy ra hơn cả vì sự chồng chéo của những nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự - Trung Quốc cố gắng bắt kịp với Mỹ, Ấn Độ không muốn kém Trung Quốc, Nhật Bản với Trung Quốc, và phần còn lại của châu Á với Trung Quốc - đang tạo ra một tình huống phức tạp mà thực tế chức năng cân bằng quyền lực là rất khó xác định.

Mặc dù vậy, khi bỏ qua được các yếu tố đối kháng thì khả năng xung đột có thể giảm xuống. Thứ nhất, mặc dù các nước châu Á đang tái vũ trang để ứng phó với chi tiêu quốc phòng gia tăng cũng như hành vi quyết đoán của Trung Quốc, họ cũng không muốn coi Trung Quốc như một kẻ thù và hy vọng rằng Trung Quốc có thể tiếp tục là một nguồn sức sống kinh tế cho khu vực. Thật vậy, tất cả các nước châu Á, thậm chí cả Trung Quốc, đều nhấn mạnh tính ôn hòa trong những ý định của họ. Thứ hai, tất cả các nước châu Á chia sẻ lợi ích chung ràng buộc các quốc gia họ, chẳng hạn như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngăn chặn khủng bố, và chặn đứng tội phạm xuyên quốc gia. Và thứ ba, như lịch sử đã chứng minh, mở rộng quân sự cũng có thể dẫn đến các thỏa thuận hạn chế vũ khí, đặc biệt là khi họ trở nên tốn kém hơn để tích luỹ mua sắm. Đó chính là mối quan tâm khiến năm cường quốc hải quân hàng đầu thế giới đồng ý về một hiệp ước hạn chế vũ khí hải quân tại Hội nghị Washington năm 1921-1922 .

Nhưng nếu các lợi ích kinh tế và lợi ích chung không đủ để xoa dịu những mối lo ngại hơn về ý định của các đối thủ tiềm tàng - thường là trong trường hợp như vậy - thì sự tăng cường mua sắm quân sự của châu Á vẫn tiếp tục, sau đó những quốc gia bắt kịp với Trung Quốc sẽ được khuyên làm như vậy thông qua việc mua lại công nghệ quân sự mới. Thay vì cố gắng để đuổi kịp số lượng máy bay và tàu chiến của Trung Quốc, họ có thể cố gắng tiếp cận với công nghệ mới chống lại những vũ khí khiến Trung Quốc có được sự bảo vệ ít hơn. Giống như nỗ lực của Trung Quốc ngăn chặn các tàu sân bay của Mỹ với tên lửa đạn đạo trang bị vũ khí thông thường, nhiều nước châu Á có thể nhấn mạnh đến sự kết hợp của công nghệ mới và chiến thuật giúp bù đắp cho số lượng ít hơn. Những hệ thống như vậy có thể bao gồm tên lửa hành trình siêu thanh (và các hệ thống radar hỗ trợ), tàu ngầm tấn công tàng hình, máy bay không người lái có vũ trang, hoặc thậm chí vũ khí ngăn chặn tầm xa phóng từ bệ phóng đặc biệt, giống như máy bay tuần tra trên biển P-8A. Làm như vậy sẽ giúp các nước châu Á nhanh chóng tiếp cận ngang bằng hơn với Trung Quốc, bất kể khoảng cách hiện tại về sức mạnh quân sự thông thường, và mang lại an ninh và sự ổn định hơn cho khu vực.

Đối với Mỹ, sự tăng cường quân sự của châu Á có thể được xem như là một nguồn gây lo ngại và thoải mái. Đương nhiên, việc tiếp tục mở rộng quân sự của Trung Quốc khiến chuẩn mực về khả năng của Mỹ gặp phiền hà, mặc dù chưa ở mức báo động trừ khi Mỹ cắt giảm nỗ lực hiện đại hóa quân của mình. Nhưng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đã tạo ra những thách thức mới đối với các thỏa thuận an ninh song phương của Mỹ trong khu vực. Một mặt, nếu việc đảm bảo an ninh của Mỹ quá sâu, thì các đối tác an ninh có thể lôi Mỹ vào một cuộc xung đột không mong muốn. Mặt khác, nếu việc đảm bảo an ninh của Mỹ là quá yếu, thì các đối tác an ninh có thể lựa chọn lợi ích của họ và có thể quay sang đáp ứng và thiên về Trung Quốc. Cho đến nay, đó vẫn chưa phải là trường hợp xảy ra. Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, việc trang bị vũ khí mới và sự quyết đoán trên biển gần đây của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia châu Á đầu tư nghiêm túc vào nền quốc phòng của họ. Ở một phạm vi nào đó, các quốc gia này rất thân thiện với Mỹ, Washington có thể có được một số sự cổ vũ trên thực tế vì hiện nay nhiều nước khác sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn gánh nặng cân bằng ở châu Á.

Trong bất cứ trường hợp nào, vẫn còn xa để khẳng định rằng việc tăng cường quân sự ở châu Á chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng hay chiến tranh. Điều quan trọng cuối cùng không phải là số lượng vũ khí của khu vực, mà là nhận thức của khu vực về quyền lực và mục tiêu. Tại thời điểm này, chính người Trung Quốc cũng quan tâm nhiều đến các nước châu Á. Tuy nhiên, nếu họ, cùng với Mỹ, tập hợp đủ sức mạnh để thuyết phục Trung Quốc giảm bớt hành vi khiêu khích, thì việc tăng cường quân sự của họ sẽ góp phần đảm bảo an ninh và sự ổn định của khu vực. Ngược lại, nếu sức mạnh quân sự của Trung Quốc tiếp tục phát triển tương đối so với các nước láng giềng, thì có thể khả năng về một cuộc đối đầu sẽ lớn hơn.

Felix K. Chang, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại (FPRI). Bài viết được đăng lần đầu trên FPRI.

Trần Quang (gt)