2(1).jpg

 

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã tăng lên kể từ khi đảng Dân Tiến, vốn ủng hộ độc lập của lãnh thổ này, tiến hành cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp vào tháng 1/2016. Chủ tịch đảng Dân Tiến, bà Thái Anh Văn, đã cố gắng hành động thật khéo léo. Bà tìm cách mở rộng quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác và khẳng định các lợi ích chiến lược cũng như kinh tế quan trọng của Đài Loan ở những nơi như Biển Đông. Đồng thời, bà Thái Anh Văn đã tìm cách để tránh những hành động khiêu khích chọc giận Bắc Kinh và dẫn đến một cuộc khủng hoảng.

Ông Donald Trump đã làm dấy lên nhiều đồn đoán bằng các phát biểu ông đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Fox News trước khi ông nhậm chức. Ông Trump tuyên bố thẳng thừng rằng Mỹ không bị ràng buộc bởi chính sách “Một Trung Quốc” mà những người tiền nhiệm của ông công nhận. Nhận xét đó, nếu nghiêm túc, sẽ báo hiệu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ. Mặc dù Washington chưa bao giờ chấp nhận lời khẳng định của Bắc Kinh rằng chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc, nhưng các tổng thống trước đây đã khẳng định rằng Mỹ sẽ không thách thức vấn đề đó. Những hành động và phát biểu của ông Trump đã gợi ý rằng Washington có thể sẽ từ bỏ quan điểm đó - một sự thay đổi có ý nghĩa sâu sắc.

Việc Mỹ từ chối chính sách "Một Trung Quốc" có ý nghĩa khích lệ lớn đối với các nhân vật ủng hộ độc lập ở Đài Loan cũng như những người ủng hộ ở Mỹ. Điều trùng hợp hơn nữa là chính quyền của bà Thái Anh Văn cũng đã thực hiện các bước để tăng cường sự hiện diện của mình cũng như các yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông. Đài Bắc cũng tăng cường nỗ lực để đạt được vị thế chính thức trong các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, khi chính thức ngồi vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã bắt đầu nhấn mạnh mong muốn có mối quan hệ song phương sâu sắc hơn với Trung Quốc. Trong một bức thư gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump khẳng định rằng Washington sẽ tiếp tục tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc".

Sự thay đổi đột ngột và kịch tính của ông Trump rất khó hiểu. Khi ông có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn và sau đó đưa ra bình luận khiếm nhã về chính sách "Một Trung Quốc", có thể ông đã không hiểu được tường tận hậu quả của những hành động đó. Cũng có thể tân Tổng thống Mỹ đã cố tình thực hiện các hành động này như một lời cảnh báo tới Bắc Kinh, rằng sẽ có những hậu quả xấu đối với vấn đề Đài Loan nếu các quan chức Trung Quốc không nhượng bộ về thương mại, vấn đề Biển Đông, Triều Tiên và nhiều vấn đề khác.

Cho dù động cơ là gì thì hành động của ông Trump cũng làm cho tình cảnh của Đài Loan vốn đã rất dễ bị tổn thương nay lại càng khó khăn hơn. Ngay sau khi cam kết đổi mới với chính sách "Một Trung Quốc", Bắc Kinh đã bắt đầu tăng áp lực lên Đài Bắc. Trong suốt 8 năm nắm quyền, người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu đã theo đuổi một chính sách mang tính thích ứng với Bắc Kinh, Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chiến dịch của mình để mua chuộc một số ít các nước (chủ yếu là nhỏ và nghèo) có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc bằng cách tăng cường hỗ trợ tài chính hào phóng. Giờ đây, Bắc Kinh rõ ràng dự định khôi phục chiến dịch đó với cường độ mạnh chưa từng thấy, với mục đích cô lập hoàn toàn Đài Loan về ngoại giao. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thẳng thắn tuyên bố vào ngày 8/3 rằng Đài Loan "không có tương lai ngoại giao".

Chính quyền của bà Thái Văn Anh dường như đang ngừng nỗ lực tạo dựng mối quan hệ gần gũi hơn, đặc biệt là mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn, với Mỹ. Bằng chứng gần đây nhất là tuyên bố của Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đài Loan nhắc lại quyết định năm 2016 rằng Đài Bắc sẽ không tham gia vào việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Đài Loan cho rằng việc tham gia hệ thống phòng thủ này có nguy cơ khiến cơn giận của Bắc Kinh vượt quá sức chịu đựng. Những mối quan ngại này rất thực tế. Trung Quốc đã phát đi những lời cảnh báo rằng có thể sẽ sử dụng quân đội nếu Đài Bắc tham gia hệ thống đó. Cho dù chính quyền Đài loan có quyết định tham gia THAAD hay không thì sự hỗ trợ mạnh mẽ và đáng tin cậy của Mỹ vẫn còn chưa chắc chắn.

Một đặc điểm quan trọng của một chính sách đối ngoại hiệu quả và thông minh là tính nhất quán và tin cậy. Tổng thống Trump đã không được Đài Loan ủng hộ khi thể hiện sự mâu thuẫn của mình. Nếu Tổng thống Trump không nghiêm túc về việc thay đổi chính sách đối với Đài Loan, ông nên kiềm chế không để Đài Loan nuôi hy vọng và làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Những hành động như vậy là dấu hiệu của một chính sách đối ngoại nghiệp dư.

Tác giả là Ted Galen Carpenter, thành viên cao cấp của Viên Nghiên cứu Chiến lược CATO (Mỹ). Bài viết đăng trên “National Interest”.

Vũ Hiền (gt)