Khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Hội nghị cấp cao G-20 tổ chức ở Anatalya, Thổ Nhĩ Kỳ, hồi giữa tháng 11/2015, họ chào nhau như những người bạn cố tri, đầy ắp nụ cười ấm áp và những lời nói tốt đẹp. Hai tháng trước đó, hai nhà lãnh đạo này đã tỏ ra thân mật như vậy tại Bắc Kinh khi bà Park tham dự lễ duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm 70 năm chiến thắng của Trung Quốc trong “cuộc kháng chiến chống đế quốc Nhật Bản xâm lược”. Bà Park đã thực hiện chuyến đi đó bất chấp sự phản đối của Mỹ và Nhật Bản. Chính vì thế, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ sự cảm ơn bằng cách thể hiện sự thân mật chưa từng có tiền lệ với nhà lãnh đạo Hàn Quốc.

Một sự kiện ngoại giao khác vào ngày 31/10, khi Tổng thống Park chào đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Phủ Tổng thống tại Seoul, với rất nhiều thiếu nhi Hàn Quốc vẫy cờ hai nước. Ông Lý đến Seoul để tham gia cuộc gặp ba bên Nhật-Trung-Hàn nhưng ông lại đến Seoul một ngày trước Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhân vật số số 2 của Trung Quốc được đón tiếp với tư cách là chính khách cấp nhà nước với một đội danh dự và thảm đỏ tại Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc).

Khi hai nhà lãnh đạo đi duyệt đội danh dự, màu vàng áo khoác của bà Park được đánh giá là phối hợp một cách ăn ý với thảm đỏ để tạo nên màu quốc kỳ của Trung Quốc. Bà Park nói rằng bà đã gặp tất cả các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc trong năm 2015. Đáp lại, ông Lý ca ngợi những nỗ lực của bà để thúc đẩy quan hệ song phương. Mặc dù cuộc gặp cấp cao là một hội nghị ba bên có tính chất bình đẳng, song hai chi tiết đủ để thể hiện Trung Quốc “ở chiếu trên”. Thủ tướng Lý Khắc Cường hội kiến với Tổng thống Park và nhà lãnh đạo Trung Quốc được đón tiếp trong khuôn khổ của một “chuyến thăm chính thức”, một thể thức ngoại giao cao hơn chuyến đi “làm việc” của Thủ tướng Abe. Rõ ràng, cả thời gian và thể thức của chuyến thăm được tiến hành theo yêu cầu của Bắc Kinh. Quan hệ giữa Bắc Kinh với Seoul được đánh giá là ở mức cao nhất từ trước đến nay nhưng sự thật là Hàn Quốc không có nhiều lựa chọn ngoài việc làm Trung Quốc hài lòng. Thị trường rộng lớn của Trung Quốc là huyết mạch cho kinh tế Hàn Quốc, nơi có thị trường nội địa quá nhỏ để hỗ trợ cho nền kinh tế của chính mình. Kim ngạch thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc trong năm 2014 là 235,3 tỷ USD, gấp đôi kim ngạch với Mỹ và lớn hơn cả kim ngạch thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản. Khoảng 25.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc kể từ năm 1980, chính vì vậy mới có câu nói “Trung Quốc hắt hơi, Hàn Quốc cảm lạnh”. Sự lệ thuộc kinh tế này giải thích tại sao Hàn Quốc ưu tiên hiệp định thương mại song phương với Trung Quốc hơn là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hàn Quốc trước đó cũng đã xích lại gần Trung Quốc song phải đến thời bà Park thì mối quan hệ này mới thực sự thân cận. Được gọi là người có xu hướng thân Trung Quốc, bà Park sử dụng tốt tiếng Trung và thích đọc sách, nhạc trẻ Trung Quốc. Kể từ khi nhậm chức năm 2013, bà Park đã 6 lần trực tiếp đối thoại với ông Tập Cận Bình và 3 lần thăm Trung Quốc. Bà và ông Tập Cận Bình biết nhau đã hơn 10 năm và trao đổi thiệp chúc mừng sinh nhật từ năm 2013, trong khi đó Thủ tướng Nhật Bản Abe là người mà bà chưa có cuộc gặp cấp cao song phương nào cho đến ngày 2/11/2015.

Khi vận động tranh cử tổng thống năm 2012, bà Park cam kết sẽ thắt chặt quan hệ với Mỹ và cải thiện quan hệ với Trung Quốc mà bà mô tả là “đối tác hợp tác chiến lược”. So với người tiền nhiệm là ông Lee Myung-bak, người tập trung vào mối liên minh với Mỹ, bà Park đã đặt Trung Quốc vào vị trí ưu tiên. Một cam kết tranh cử khác là khởi động đối thoại với Mỹ và Trung Quốc về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ngay sau khi bà Park nhậm chức, Ngoại trưởng Yun Byung-se đã mô tả mối quan hệ với Trung Quốc là “thân thiết về kinh tế song lạnh lẽo về chính trị”. Ông nói Chính phủ Hàn Quốc mong muốn quan hệ với Trung Quốc cũng trở nên thân thiết trên lĩnh vực chính trị và an ninh. Điều này một phần vì bà Park tin rằng hợp tác với Trung Quốc là cần thiết để thúc đẩy ngoại giao liên Triều, đạt được thống nhất và giải quyết được chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Về nước sau chuyến thăm Trung Quốc, bà Park nói với báo chí rằng các cuộc thảo luận toàn diện sẽ được khởi động sớm để đạt được sự thống nhất hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Dường như bà đang vội vàng để đạt được kết quả trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 12/2018.

Bà Park đang đi theo con đường ngoại giao trung lập trong đó Hàn Quốc giữ quan hệ tốt với một loạt cường quốc. Với cách tiếp cận này, Chính phủ Hàn Quốc đã chọn lựa những đồng minh khác nhau tùy thuộc vào các nhu cầu an ninh, kinh tế, và các nhu cầu khác. Mô hình này được coi là đang được Canada và Úc áp dụng.

Chiến lược ngoại giao cân bằng của Hàn Quốc, trong một mức độ nhất định, là vì quan ngại bị một cường quốc duy nhất lấn lướt. Có câu nói ở Hàn Quốc rằng “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”. Nói cách khác, kẻ yếu mới là đối tượng bị thiệt hại trong cuộc chiến của kẻ mạnh. Hàn Quốc, nạn nhân trong cuộc đấu giữa các cường quốc Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc, biết rất rõ điều này.

Các hoạt động ngoại giao của bà Park trong mùa Thu 2015 đã làm nổi rõ cam kết của bà sử dụng đường lối ngoại giao trung lập. Bà nhấn mạnh quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc bằng chuyến đi tháng 9/2015, đứng cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình trong buổi duyệt binh. Mặt khác, bà ngồi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hồi tháng 10/2015, bà sang Mỹ để hội đàm với Tổng thống Barack Obama và đề nghị ông tăng cường liên minh song phương. Tháng tiếp theo, bà đóng vai trò chủ nhà trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhân cuộc gặp này, bà cũng hội đàm song phương với ông Abe, để đáp lại đề nghị của Tổng thống Obama là củng cố sự đoàn kết Mỹ-Nhật-Hàn vì an ninh Đông Á.

Tuy nhiên, trong khi Hàn Quốc đặt Trung Quốc vào vai trò là đối tác quan trọng sống còn để tạo ra một Triều Tiên phi hạt nhân và Bán đảo Triều Tiên thống nhất, Bắc Kinh có thể có ý đồ riêng.

Điều này trở nên rõ ràng tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm giữa bà Park với ông Tập tại Seoul tháng 7/2014. Trong khi bà Park nói rằng hai nhà lãnh đạo đồng ý về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thì ông Tập chỉ đề cập đến việc phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên. Ảnh hưởng của Bắc Kinh thể hiện rõ ràng trong tuyên bố chung, trong đó có đoạn “hai nước phản đối việc phát triển hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên”. Một chuyên gia về Triều Tiên nói rằng trong mắt Trung Quốc, phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên bao gồm cả việc Mỹ rút khỏi Hàn Quốc, trong đó có tàu sân bay và máy bay ném bom mà Bắc Kinh cho là tăng cường khả năng Mỹ phát động cuộc tấn công hạt nhân vào bán đảo này, yêu cầu phù hợp với quan điểm của Triều Tiên.
Bà Park cũng nói là ông Tập Cận Bình ủng hộ bà trong cái gọi là “thống nhất hòa bình”. Tuy nhiên, từ chính xác mà ông Tập dùng là: “thống nhất hòa bình một cách tự nguyện”. Ông Tập nói ông ủng hộ sự thống nhất với sự chủ động của Triều Tiên và Hàn Quốc và ông cũng bày tỏ mong muốn là giữ lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc trong tầm kiểm soát.

Quan hệ không ổn định giữa Triều Tiên với Trung Quốc không phải là vấn đề. Triều Tiên đóng vai trò địa chính trị vô cùng lớn đối với Trung Quốc vì nước này như một vùng đệm chống lại lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc. Lý do chính khiến Trung Quốc lôi kéo Hàn Quốc vào quỹ đạo của mình vì nhận thấy nước này có giá trị chiến lược nếu xét từ khía cạnh an ninh.

Trung Quốc đặc biệt lo ngại về một hệ thống phòng thủ tên lửa mới mà Mỹ đang dự định triển khai tại Hàn Quốc. Với tên gọi Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống này sử dụng một hệ thống radar hiện đại có thể nhanh chóng phát hiện các vụ phóng tên lửa của kẻ thù. Hệ thống này được coi là lá chắn chống lại các vụ tấn công hạt nhân của Triều Tiên nhằm vào lục địa Mỹ. Các chuyên gia cho biết hệ thống radar này có khả năng phát hiện tên lửa từ khoảng cách 1.000-2.000km và thu thập những tin tức tình báo tại các căn cứ tên lửa ở Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng mục tiêu thực sự của Mỹ khi triển khai hệ thống này là Trung Quốc. Nếu THAAD được triển khai ở thành phố Pyeongtaek, Hàn Quốc, chẳng hạn, nó có thể loại bỏ khả năng Trung Quốc tiến hành một vụ tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ Mỹ tại đây.

Trung Quốc quá lo ngại công nghệ này đến mức đã cử bộ trưởng quốc phòng và các quan chức quốc phòng cấp cao khác đến Hàn Quốc hồi đầu năm để thuyết phục. Họ cảnh báo nếu hệ thống THAAD được triển khai, Hàn Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ bị tấn công hạt nhân.

Trung Quốc tin rằng giành thế thượng phong với Hàn Quốc sẽ làm rạn nứt liên minh Mỹ-Nhật-Hàn mà Mỹ vốn được coi là nhân tố chủ chốt đối với an ninh châu Á. Ngoài ra, nó cũng đem lại cho Bắc Kinh một đối tác nữa trong vụ tranh chấp với Nhật Bản về các vấn đề lãnh thổ.

Vì những lý do đó và nhiều lý do khác, nhiều người, trong đó có cả trong và ngoài Hàn Quốc, muốn bà Park giảm bớt khuynh hướng thân Trung. Hồi tháng 11/2015, một bài báo do Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Stanford đã thu hút sự chú ý tại Hàn Quốc. Trong bài báo, nhà nghiên cứu Shin Gi-wook nói rằng việc cải thiện quan hệ với Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp Hàn Quốc giảm bớt căng thẳng giữa hai bên. Nhưng ông cũng nói rằng đặt mình vào vị trí là “đối tác cân bằng” giữa hai cường quốc sẽ đem lại rủi ro, nó tạo ra ấn tượng Hàn Quốc đang chơi một ván bài chính trị và có thể gây ra những hiểu lầm không cần thiết.

Một số tổ chức truyền thông Hàn Quốc bảo thủ nói rằng mong muốn của chính phủ đối với Trung Quốc đã bị lừa dối. Theo những người này, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấm dứt liên minh với Triều Tiên và cảnh báo quan hệ nồng ấm với Trung Quốc có thể sẽ đẩy cả Bán đảo Triều Tiên rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc.

Báo Chosul Ilbo đã đăng một bài báo do một giáo sư Đại học Quốc gia Seoul kêu gọi chính phủ cân nhắc về vấn đề địa chính trị trong thời kỳ hậu thống nhất. Vị giáo sư này nhìn lại lịch sử của Bán đảo Triều Tiên nhiều lần bị Trung Quốc xâm lược và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với Mỹ. Theo ông, mọi việc có thể ổn khi Trung Quốc tử tế nhưng một cuộc tranh chấp lãnh thổ có thể nhanh chóng làm thay đổi điều này.

Mỹ đang thể hiện rõ ràng thái độ không hài lòng trước quan hệ ngày càng gắn bó giữa Seoul với Bắc Kinh. Điều này một phần xuất phát từ thái độ đề phòng của Washington trong quan điểm phản đối các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trong cuộc hội đàm với bà Park tại Washington hồi tháng 10/2015, ông Obama đã nói rõ rằng Washington muốn Seoul nói thẳng với Bắc Kinh không tuân thủ quy định và tiêu chuẩn quốc tế.

Trong chuyến đi đó, bà Park mô tả liên minh Mỹ-Hàn là “cốt lõi”. Bà thậm chí còn kêu gọi mở rộng sự thành công mà hai nước đã đạt được tại Hàn Quốc ra toàn bộ Bán đảo Triều Tiên, tạo ra hình ảnh quân đội Mỹ đã đặt chân lên cửa ngõ của Trung Quốc.

Trong hội nghị bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á tại mở rộng Malaysia ngày 4/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo đã kêu gọi các đối tác giải quyết một cách hòa bình căng thẳng ở Biển Đông, đảm bảo tự do hàng không và hàng hải. Truyền thông Hàn Quốc đã vẽ chân dung ông Han đứng về phía Mỹ trong vấn đề này. Họ cũng nói rằng khi ông Han, tại một cuộc họp tiếp theo, đề nghị lập đường dây nóng giữa hải quân và không quân của Hàn Quốc với Trung Quốc. Người đồng cấp Trung Quốc đã im lặng một lúc trước khi mở lời.

Tại Hàn Quốc, thường có câu chuyện về nhóm G2 và câu chuyện Mỹ cũng như Trung Quốc kiểm soát thế giới như thế nào. Cho Sae-young, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao hiện đang đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Dongseo cho rằng cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều bất lợi nếu Mỹ và Trung Quốc thiết lập trật tự tại vùng Đông Á theo cách của họ. Ông Cho nói: “Để xây dựng một tương lai hòa hợp và ổn định cho khu vực, Hàn Quốc cần hợp tác với Nhật Bản vì hai nước có chung nhiều vấn đề. Seoul nên nỗ lực lập một mạng lưới với Đông Nam Á với các liên minh tiềm năng như Hàn Quốc-Indonesia-Philippines và Hàn Quốc-Việt Nam-Malaysia”.

Theo Nikkei Asia Review

Văn Cường (gt)