Tính tới thời điểm này, máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc hiện đại nhất cũng chỉ cùng thế hệ với máy bay tác chiến chủ lực của không quân Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, tức là thế hệ thứ ba. Về mặt công nghệ, máy bay chiến đấu Su-30 MKI của Ấn Độ thậm chí còn có tính năng cơ bản vượt máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba của không quân Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, nước này có tất cả các loại trang bị vũ khí, chủng loại máy bay chiến đấu mà không quân Trung Quốc sở hữu, hơn nữa, còn đi trước Trung Quốc trong một số lĩnh vực công nghệ. 

Tuy nhiên, sau khi sở hữu 24 chiếc Su-35, trình độ tác chiến của không quân Trung Quốc ít nhất sẽ dẫn trước không quân Nhật Bản và không quân Ấn Độ nửa thế hệ trở lên. Bởi Su-35 là loại máy bay được thế giới công nhận thuộc thế hệ 4++, trang bị động cơ công suất lớn với lực đẩy gia tốc lên tới 14.500 kg, khiến Su-35 có năng lực đạt được tốc độ siêu âm nhanh chóng. Hơn nữa, Su-35 còn được trang bị hệ thống công nghệ kiểm soát lực đẩy kiểu vector (TVC) mà Nhật Bản và Việt Nam không có, chỉ có máy bay chiến đấu Su-30 MKI của không quân Ấn Độ là được trang bị công nghệ TVC. 

Bên cạnh đó, Su-35 được trang bị radar IRBIS-E với cự ly hoạt động gấp 4 lần loại radar trang bị cho máy bay Su-30 MKK của không quân Trung Quốc hiện nay. Điều đó có nghĩa khi xuất hiện trên bầu trời thành phố Thanh Đảo (thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), Su-35 có thể phát hiện các mục tiêu trên không ở bán đảo Triều Tiên, tiến hành theo dõi đồng thời 30 mục tiêu và có năng lực tấn công đồng thời 8 mục tiêu. 

Tạp chí “Kanwa Defense Review” cho rằng xuất phát từ thực tế là tới trước năm 2015, hãng Sukhoi mới hoàn thành đơn đặt hàng 48 chiếc Su-35S cho không quân Nga, cho nên, sớm nhất là vào khoảng từ năm 2016 tới năm 2018, không quân Trung Quốc mới nhận được lô hàng 24 chiếc Su-35 mua từ Nga. Tới khi đó, Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản vẫn chưa thể được trang bị máy bay chiến đấu F-35 A. Đối với Ấn Độ, chí ít là trước năm 2020, không quân nước này mới được trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (FGFA). Trong trường hợp của Đài Loan, khi đó, cho dù những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đã hoàn thành việc cải tiến về mặt kĩ thuật công nghệ, nhưng vẫn kém hơn so với Su-35. Và ở đây, người ta thấy động cơ quan trọng nhất của việc nhập khẩu Su-35 có thể là nhằm triệt tiêu hiệu quả từ việc Mỹ giúp quân đội Đài Loan nâng cấp F-16. 

Có thể thấy từ năm 2015 tới năm 2020, với việc có được những chiếc Su-35, không quân Trung Quốc sẽ đi trước không quân Nhật Bản và Ấn Độ về mặt công nghệ máy bay chiến đấu đang phục vụ trong quân đội. Về lý thuyết, hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) trang bị cho những chiếc máy bay chiến đấu của Nhật Bản và Ấn Độ có tốc độ xử lý nhanh hơn, nhưng các tính năng khác thì không có nhiều khác biệt (so với Su-35). Ưu điểm của AESA là có hiệu suất tương đối cao và cự ly hoạt động lớn. Việc sử dụng hay không AESA chủ yếu xuất phát từ khả năng làm chủ công nghệ cũng như những tính toán về giá thành, nếu cần thiết thì lúc nào cũng có thể thay đổi được. Nga cũng chế tạo được AESA hoàn chỉnh. 

Đối với Su-35, loại máy bay thế hệ 4++ này được trang bị radar có khả năng hoạt động trong bán kính gần 400 km, công nghệ đẩy kiểu vector và động cơ cho phép bay với tốc độ siêu âm. So với Su-30 MKI, năng lực tác chiến tổng hợp của Su-35 chí ít là gấp 3 lần còn đối với F-15J là trên 4 lần. Chỉ với 24 chiếc Su-35, năng lực tác chiến tổng hợp của chúng có thể tương đương 64 chiếc Su-30 MKI và 80 chiếc F-15. Như vậy, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020/2022, nghĩa là trước khi không quân Ấn Độ có máy bay chiến đấu thế hệ 5 và F-35A có mặt ở Nhật Bản, chỉ có máy bay chiến đấu F-22A của Mỹ mới có khả năng bảo đảm sự cân bằng cơ bản về năng lực tác chiến trên không ở vùng Viễn Đông (do phía Nga có Su-35) và Nhật Bản có khả năng sẽ phải yêu cầu quân Mỹ tích cực hơn trong việc đưa F-22A tới bố trí ở Okinawa. 

Rốt cuộc, Su-35 trang bị cho quân đội Nga và Su-35 xuất khẩu sang Trung Quốc có những điểm khác biệt nào về công nghệ? Đây sẽ là vấn đề chủ yếu mà hai bên sẽ phải thảo luận trong năm 2013 này. Trên thực tế, nó đã được đặt vào nghị trình tham vấn kĩ thuật. Để thực hiện việc này, gần đây, hãng Sukhoi và Tập đoàn Xuất khẩu Vũ khí Quốc gia Nga (Rosoboronexport) đã thành lập tổ công tác chung để tiến hành đàm phán một cách chi tiết với phía Trung Quốc. 

Điều kỳ lạ là lần này, Trung Quốc nhập khẩu vũ khí nhưng không bao gồm yêu cầu chuyển giao công nghệ. Về mặt lý thuyết, điểm khác biệt lớn nhất về công nghệ của Su-35 trang bị cho quân đội Nga và Su-35 bán cho Trung Quốc là nước này có thể sẽ yêu cầu phía Nga lắp đặt cho Su-35 một số hệ thống vũ khí, thiết bị cảm biến và bộ truyền dữ liệu do Trung Quốc tự sản xuất. Đây là phương thức giống với sự hợp tác giữa Nga và Ấn Độ trong vấn đề Su-30 MKI: Tất cả các máy tính sử dụng để thực thi nhiệm vụ trên Su-30 MKI đều do Ấn Độ chế tạo và giai đoạn tiếp theo là lắp đặt tên lửa đa năng BrahMos và tên lửa không đối không Astra do Ấn Độ sản xuất cho những chiếc Su-30 MKI mà nước này mua của Nga. 

Trong các trang thiết bị vũ khí mà phía Trung Quốc có thể yêu cầu phía Nga lắp đặt cho Su-35, đáng chú ý là bộ truyền dữ liệu. Nó vừa phải đảm bảo thực thi tác chiến phù hợp với các máy bay chiến đấu mà Trung Quốc mua của Nga, vừa phải có khả năng chia sẻ thông tin và thực thi tác chiến chung với các máy bay chiến đấu do Trung Quốc sản xuất cũng như máy bay cảnh báo sớm KJ-200/2000. 

Rốt cuộc, trải qua 10 năm nỗ lực, ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc đã nắm trong tay một số công nghệ mũi nhọn và Nga khó có thể từ chối yêu cầu của phía Trung Quốc (về việc lắp đặt chúng cho Su-35). Nhưng những trang thiết bị vũ khí do Trung Quốc sản xuất phải lắp đặt cho Su-35 ở chừng mực nào đó cần phải có sự phối hợp của phía Nga. Bởi nó đòi hỏi phải cải tiến phần mềm điều khiển cũng như các chương trình vi tính. 

Một vấn đề khác là tại sao Trung Quốc chỉ nhập khẩu có 24 chiếc Su-35? Liệu Trung Quốc có đi lại con đường cũ như đã làm với Su-27, nghĩa là thử sử dụng trước, rồi “lần đá qua sông”, thấy tốt sẽ lại nhập khẩu tiếp lô thứ hai? Hiện nay, người ta không có đủ cứ liệu để đưa ra kết luận liên quan. Một dụng ý khác của Trung Quốc khi nhập khẩu Su-35 nằm ở động cơ 117S. Sau năm 2016, Trung Quốc có thể bắt đầu tiến hành bay thử loại máy bay có công năng như máy bay chiến đấu thế hệ 5 mà thực chất là sự kết hợp giữa J-20 và động cơ 117S vốn được trang bị cho Su-35. Nếu làm được như vậy, tới năm 2022, quân đội Trung Quốc có thể được trang bị máy bay chiến đấu thế hệ 5. Khi đó, cho dù không quân Ấn Độ có được máy bay chiến đấu thế hệ 5 và không quân Nhật Bản có được F-35A, không quân Trung Quốc cũng không hề kém cạnh về trình độ và công nghệ với sự góp mặt của J-20. Đồng thời những chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc sẽ không còn bị rơi vào thế yếu kém toàn diện. 

Hiện nay, vấn đề lo ngại nhất của giới công nghiệp hàng không Nga là Trung Quốc có thể sẽ làm nhái động cơ 117S. Về vấn đề này, người viết cho rằng không cần phải lo ngại vì tới trước hoặc sau năm 2020, Trung Quốc cũng không thể làm nhái được động cơ có lực đẩy lớn, nếu không họ không cần phải nhập khẩu Su-35. Điều đó có nghĩa mô hình phát triển của J-20 (kết hợp với động cơ 117S) vẫn tuân thủ mô hình phát triển của J11B, J-15 và J-15 (kết hợp với động cơ AL31F) là nhập khẩu để thay thế. Tuy không vui vẻ khi nhìn thấy thực tế này, nhưng Nga cũng không có biện pháp nào khác. Lợi nhuận xuất khẩu động cơ 117S cao hơn rất nhiều so với động cơ AL31F. Chỉ riêng động cơ 117S đã có giá xuất khẩu là 20 triệu USD, tương đương với việc xuất khẩu một chiếc máy bay huấn luyện YAK-130. 

Nếu Trung Quốc có được Su-35, ý nghĩa quân sự lớn lao của nó không chỉ nằm ở việc nước này sở hữu loại máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4 ++. Kết quả lớn nhất của việc Trung Quốc sở hữu Su-35 là tiến độ hoàn thành công tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu J-20 do Trung Quốc sản xuất được đẩy nhanh, giúp J-20 nhanh chóng được trang bị cho quân đội và có khả năng bay với tốc độ siêu âm. Như vậy, J-20 có thể phát triển thành máy bay chiến đấu thế hệ 5. Đây là tính toán lớn nhất của Trung Quốc và không phải là Nga không biết điều đó. 

Tuy nhiên, không ít chuyên gia và học giả Nga vẫn cho rằng J-20 không thể nào so sánh được với máy bay chiến đấu thế hệ 5 (FGFA). Vì khi đó, T-50 (một loại máy bay chiến đấu thế hệ 5, do hãng Sukhoi chế tạo) được trang bị động cơ có lực đẩy lớn hơn. Đồng thời, so sánh giữa các loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 khi đó không chỉ nằm ở việc có đạt được tốc độ siêu âm hay không mà trọng điểm còn là máy bay chiến đấu nào có tốc độ siêu âm nhanh hơn. 

Động cơ 117S trang bị cho Su-35 được chế tạo dựa trên những cải tiến kĩ thuật đối với động cơ máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư AL31F như: tăng kích cỡ cánh quạt gió từ mức 905 mm lên 932 mm, thay máy lõi của động cơ bằng loại tiên tiến hơn, lắp đặt hệ thống kiểm soát được số hóa hoàn toàn. Nhờ vậy, động cơ 117S đạt được lực đẩy gia tốc tương đương 14.500 kg và lực đẩy sử dụng cho mục đích quân dụng tương đương 8.800 kg. Nhờ cải tiến về động cơ, Su-35 đã trở thành loại máy bay hoàn toàn mới. Do đó, việc Nga xuất khẩu Su-35 cho Trung Quốc với giá không hề rẻ là điều không còn phải nghi ngờ. Chỉ riêng giá của động cơ 117S đã cao hơn rất nhiều so với giá của động cơ AL31F. 

Ngoài tuổi thọ lên tới 4.000 giờ bay, động cơ 117S còn được cải thiện rất lớn về thời gian phải tiến hành đại tu. Nếu như những động cơ AL31F của không quân Trung Quốc hiện nay phải đưa đi đại tu sau mỗi 500 giờ bay thì đối với động cơ 117S sẽ là 1.000 giờ bay, cao gấp đôi so với động cơ AL31F. Vậy đơn vị nào sẽ cung cấp động cơ 117S cho Trung Quốc? Đương nhiên, đó vẫn là tổ hợp UFA. Tổ hợp này cũng sản xuất động cơ AL31F cung cấp cho Trung Quốc cùng với tổ hợp Salyut, nhưng Salyut cung cấp nhiều động cơ AL31F cho Trung Quốc hơn là UFA. 

Hiện nay, động cơ trang bị cho T-50 thậm chí còn hiện đại hơn 117S. So với 117S, trọng lượng của động cơ 117 trang bị cho T-50 chỉ vào khoảng 1.420 kg, nhẹ hơn 150 kg. Lực đẩy gia tốc cũng lớn hơn, đạt khoảng 15.000 kg (cũng có người nói là 15.500 kg). Nhưng đây chỉ là loại động cơ sử dụng cho bay thử, qua cải tiến giai đoạn 1, lực đẩy gia tốc của động cơ 117 phải được tăng lên mức 16.000 kg và khi đó sẽ được trang bị cho T-50 để sản xuất hàng loạt. Tiếp đó còn có cải tiến giai đoạn 2 và giai đoạn 3, qua mỗi lần cải tiến đều sẽ tiến thêm một bước. Thông qua việc thay đổi vật liệu, công nghệ, lực đẩy của động cơ 117 sẽ được tăng lên còn trọng lượng sẽ được giảm xuống. Mục tiêu cuối cùng của việc cải tiến động cơ 117 đương nhiên sẽ hướng tới việc đạt tiêu chuẩn động cơ trang bị cho máy bay chiến đấy F-22 của Mỹ. Máy bay T-50 trang bị động cơ 117 có trọng lượng trên không là 18,5 tấn với chiều dài là 22,6 m và sử dụng khoảng 25% vật liệu phức hợp. Hiện nay, T-50 chưa tiến hành bay thử với tốc độ siêu âm. Do đó, việc T-50 có thể đạt tốc độ 1,2-1,5 mach hay không còn vẫn còn phải chờ xem. 

Đối với trường hợp của F-22, loại máy bay chiến đấu đa năng của Mỹ này được trang bị động cơ F119-PW-100 tương đối hoàn thiện và cao cấp. Động cơ F119-PW-100 có lực đẩy gia tốc lên tới 18.300 kg. Nhờ đó, F-22 có khả năng bay với tốc độ 1,5 mach, xuất sắc nhất trong các loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 hiện nay. Sau khi có được 117S, dễ dàng nhận thấy là Trung Quốc sẽ sở hữu loại động cơ sơ cấp của máy bay chiến đấu thế hệ 5, nghĩa là trên nền tảng động cơ máy bay chiến đấu thế hệ 4, Trung Quốc tiến hành một số cải tiến như thay máy lõi của động cơ. Nhưng rốt cuộc nước này vẫn chưa thể đạt được tiêu chuẩn của động cơ máy bay chiến đấu thế hệ 5 trên phương diện công nghệ vật liệu. Nhưng cho dù thế nào, công nghệ của động cơ 117S vẫn cao hơn tất cả các loại động cơ mà Trung Quốc đang có hiện nay. Cái gọi là “động cơ thế hệ 5 WS15” của Trung Quốc, thực chất tính năng của nó vẫn nằm trên giấy tờ. Hiện nay, Trung Quốc mới đang trong giai đoạn nghiên cứu chế tạo máy lõi của động cơ WS15. 15 năm nữa người ta cũng chưa chắc đã thấy động cơ WS15 được đưa vào sản xuất để sử dụng. 

Máy bay chiến đấu J-20 cùng với động cơ 117S hiện nay là phương án kết hợp duy nhất và cũng không có lựa chọn nào khác để Trung Quốc có được cái gọi là “máy bay chiến đấu thế hệ 5”. Có thể dự đoán sau khi có được động cơ 117S, tiến độ và phương hướng nghiên cứu chế tạo J-20 sẽ được thay đổi nhanh hơn. Hiện nay, J-20 sử dụng hai động cơ WS10G. Có người nói rằng máy lõi của động cơ này vẫn là kiểu cải tiến từ động cơ AL31F, nhưng chưa được Trung Quốc xác nhận. Đây mới chính là trình độ thực sự của ngành hàng không Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc bắt buộc phải tìm đến Su-35 và như vậy, J-20 hiện vẫn chưa thể thực hiện thử nghiệm bay với tốc độ siêu âm cũng như không có công nghệ kiểm soát lực đẩy kiểu vector (TVC). Rốt cuộc, việc Trung Quốc mua Su-35 sẽ mang tới cho J-20 hai bước tiến vượt bậc là bay với tốc độ siêu âm và sở hữu TVC. 

Nếu dự đoán không sai, vào năm 2016, sau khi có được động cơ 117S, Trung Quốc có thể sẽ thiết kế lại J-20, chủ yếu là mở rộng phần thân sau để có thể lắp được động cơ 117S với đường kính cánh quạt 932 mm. Sự thay đổi này rất khó có thể nhận biết nếu chỉ nhìn vào bề ngoài, giống như Su-35 và Su-27. Nhưng nếu chỉ dựa vào động cơ để có được tốc độ siêu âm, liệu J-20 có cần thiết kế cánh trước? Đây chính là nghi vấn lớn nhất. Bỏ cánh trước có nghĩa J-20 cần phải có sự thay đổi lớn và chiếc J-20 M (cải tiến) sẽ hoàn toàn khác so với J-20. Các nhà thiết kế Trung Quốc dường như rất thích thiết kế cánh trước. Họ cho rằng sự kết hợp giữa đầu máy bay hình thoi với các đường vuốt từ đầu tới đuôi máy bay và cánh trước sẽ giúp J-20 tăng hiệu suất nâng lên 60%, cao hơn 10% so với F-22 và 30% so với T-50. Do đó, muốn loại bỏ cánh trước của J-20 dường như là vấn đề khó khăn. Nhưng nếu vậy chỉ còn cách hi sinh tính năng tàng hình. 

Hiện nay, người ta có rất ít số liệu kĩ thuật cụ thể về J-20 mà chủ yếu rút ra trên cơ sở phân tích ảnh vệ tinh về J-20. Theo đó, J-20 có độ dài khoảng 20 m, rộng 3,9 m, cánh dài 12,8 m, với trọng lượng trên không khoảng 17 tấn. Căn cứ vào lực đẩy của động cơ 117S, sự khác biệt về vật liệu phức hợp mà Trung Quốc và Nga sử dụng cũng như trọng lượng của J-20 và T-50, có thể phán đoán, sau khi được lắp đặt động cơ 117S, J-20 có thể bay với tốc độ siêu âm, nhưng là tốc độ siêu âm thấp nhất trong các loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mỹ, Nga và Trung Quốc. 

Tạp chí “Kanwa Defense Review” không cho rằng J-20 có thể đạt tới mức sử dụng trên 25% vật liệu phức hợp. Đây là khác biệt lớn giữa Trung Quốc và Nga, phương Tây. Các nhà thiết kế vật liệu của Trung Quốc cũng thừa nhận tỉ lệ sử dụng vật liệu phức hợp của máy bay chiến đấu nước này hiện nay chưa đến 10%. Tỉ lệ sử dụng vật liệu phức hợp của chiếc J-20 nguyên mẫu có thể đạt mức 15% và đối với phiên bản đưa vào biên chế là gần 20%. Nếu được vậy thì đây đã là bước nhảy vọt lớn về công nghệ vật liệu của Trung Quốc. Nói tóm lại, động cơ 117S giúp J-20 đạt được tốc độ 1,1-1,2 mach là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 

Tuy nhiên, trong các cuộc không chiến giữa các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 với nhau, nếu như chỉ có tốc độ siêu âm sẽ không đủ, mà cần phải có sự khác biệt về công nghệ hệ thống radar và hệ thống điện tử hàng không. Ngoài ra, trong cùng một điều kiện, chiếc máy bay nào có tốc độ nhanh hơn sẽ nắm trong tay nhân tố giành chiến thắng. Cho dù là động tác truy kích từ phía sau hay tháo chạy thì những chiếc máy bay có tốc độ siêu âm nhanh hơn sẽ chiếm ưu thế. Nếu đó là cuộc chiến giữa máy bay chiến đấu thế hệ 5 và máy bay chiến đấu thế hệ 4, sở hữu tốc độ siêu âm sẽ là nhân tố quan trọng mang tính quyết định. Ở khía cạnh tàng hình, cũng giống như T-50, vấn đề của J-20 là làm thế nào để chống bị phát hiện bằng hồng ngoại cho ống thoát khí của hệ thống TVC. Trên phương diện này, người ta đang cố gắng thực hiện thông qua việc giảm bớt nhiệt độ cho ống thoát khí của hệ thống TVC. 

Vấn đề cuối cùng là liệu Nga có chịu để Trung Quốc sao chép công nghệ thông qua việc nhập khẩu động cơ 117S hay không? Về việc này, động cơ 117S khác với động cơ AL31F. Động cơ AL31F được mua cả lô để trang bị cho rất nhiều loại máy bay nhập khẩu của Trung Quốc như Su-30 MKK, Su-30 MK2 và Su-27. Do đó, Trung Quốc có thể sử dụng động cơ AL31F nhập khẩu để lắp đặt cho những chiếc máy bay chiến đấu sao chép như J-11B, J-15 và J-16. Nhưng số lượng nhập khẩu Su-35 chỉ là 24 chiếc nên số lượng động cơ nhập khẩu sẽ có hạn. Trung Quốc cũng chưa đưa ra yêu cầu chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ 117S. Đây là vấn đề có thể hiểu được. Do 117S không phải là động cơ thế hệ thứ 5 thực sự, đa phần công nghệ nguyên vật liệu chế tạo động cơ 117S Trung Quốc đã vận dụng để chế tạo động cơ WS15A. Hơn nữa do giá động cơ 117S quá đắt. Do đó, sau khi sở hữu số lượng động cơ 117S có hạn, tìm cách làm nhái có thể là lựa chọn thứ hai của người Trung Quốc. Để có động cơ 117S trang bị cho J-20, người Trung Quốc sẽ muốn nhập khẩu nhiều động cơ 117S trong thời gian dài, nhưng sẽ gặp phải những khó khăn trong vấn đề duy tu và giá mua. Đây sẽ là nội dung đàm phán then chốt giữa Trung Quốc và Nga trong năm 2013 này. Có thể Trung Quốc đã bày tỏ một cách rõ ràng với phía Nga rằng ngoài việc mua Su-35, họ còn muốn nhập khẩu thêm nhiều động cơ 117S để sử dụng cho máy bay chiến đấu sản xuất trong nước. Như vậy có thể sẽ tồn tại hai loại giá. Một là giá động cơ 117S chuyên dụng cho Su-35. Hai là giá xuất khẩu động cơ 117S đơn chiếc. 

Những bước tiến giữa Nga và Trung Quốc trong các thương vụ mua bán vũ khí công nghệ cao mới liên quan tới máy bay chiến đấu đa năng Su-35 (thế hệ 4++) và tàu ngầm lớp Lada (thế hệ 4) hé lộ sự thất bại của Mỹ trong quan hệ với Nga ở “thời đại Obama”. Thương vụ này không chỉ khiến Nga và Trung Quốc một lần nữa xích lại gần nhau về mặt chính trị, ngoại giao, mà còn hiện thực hóa “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Nga và Trung Quốc. Từ nay về sau, Nga và Trung Quốc có thể sẽ có thái độ thống nhất trong hàng loạt vấn đề đối ngoại và chiến lược. 

Xem xét lịch sử mua bán vũ khí giữa Nga và Trung Quốc, người ta thấy rằng khi quan hệ Nga-Mỹ có chuyển biến tích cực, thậm chí ở trạng thái tốt đẹp thì việc xuất khẩu vũ khí từ Nga sang Trung Quốc cũng vẫn chỉ là những vũ khí công nghệ lạc hậu và vấn đề chất lượng vũ khí dành cho thị trường Trung Quốc luôn chịu sự hạn chế lớn. Ví dụ: Năm 1992, dưới thời Boris Yeltsin làm Tổng thống Nga, quan hệ Nga-Mỹ được coi như “đồng minh” và khi đó, Nga rất thiếu tiền, nhưng vũ khí bán cho Trung Quốc vẫn lạc hậu hơn nhiều so với bán cho các nước xung quanh Trung Quốc, đặc biệt là Ấn Độ. Đa số vũ khí Nga xuất khẩu cho Trung Quốc là máy bay chiến đấu Su-27 SK. Nga không bán cho Trung Quốc nhiều hệ thống vũ khí khác. 

Sau đó, mức độ công nghệ vũ khí mà Nga bán cho Trung Quốc luôn trồi sụt, lúc cao lúc thấp. Nhưng về tổng thể, dưới thời Yeltsin, do vẫn ôm ấp hy vọng gia nhập châu Âu, cho nên Mátxcơva đã thực thi chính sách coi trọng phương Tây. Bối cảnh đó đã khiến Nga không xuất khẩu vũ khí công nghệ cao cho Trung Quốc. Vào giai đoạn đầu của “thời đại Putin”, Nga vẫn kỳ vọng rằng chính sách gia nhập châu Âu có thể thành công và việc xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc ở chừng mực nào đó vẫn phải chịu sự hạn chế về công nghệ. 

Bắt đầu từ năm 1999, quan hệ Nga-Mỹ xuất hiện những va chạm lớn về địa chính trị và chiến lược ngoại giao. Những sự kiện như chiến tranh Balkan, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang phía Đông, NATO tiến vào Trung Á, nơi được mệnh danh là “sân sau” của Nga… khiến cho quan hệ Mỹ-Nga rơi vào tình trạng căng thẳng hơn. Trong thời gian này, Nga đã bán cho Trung Quốc nhiều hệ thống vũ khí với công nghệ cao hơn như máy bay chiến đấu Su-30 MK2, Su-30 MKK… Khi ông Dmitry Medvedev làm Tổng thống Nga, xuất phát từ tình cảm cá nhân khá tốt đẹp của ông Medvedev đối với phương Tây, quan hệ Nga-Mỹ đã lắng dịu đôi chút. Cộng thêm việc Trung Quốc tiến hành làm nhái bất hợp pháp một lượng lớn vũ khí của Nga, hợp tác quân sự Nga-Trung từ năm 2005 dường như đã rơi vào trạng thái đình trệ. Vũ khí hàng năm xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ giới hạn ở một số loại động cơ. 

Rất nhiều nhà quan sát phương Tây cho rằng Tổng thống Medvedev chỉ là một nhà lãnh đạo bù nhìn, nhưng Tạp chí “Kanwa Defense Review” không cho là như vậy. Cuộc đấu tranh quyền lực kiểu Nga có đặc điểm riêng. Trong các vấn đề như chính trị trong nước hay nhân sự quan trọng, ông Vladimir Putin (lúc này xuống làm Thủ tướng) vẫn nắm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phạm vi nhỏ như ngoại giao, xây dựng quân đội, ông Medvedev vẫn có quyền của mình. Đó là sự phân công, nếu không, ông Putin và ông Medvedev không thể nào hợp tác được với nhau mười mấy năm. 

Sau khi ông Putin quay trở lại Điện Kremli làm tổng thống vào năm 2012, quan hệ chiến lược Nga-Mỹ, Nga-châu Âu đứng trước thách thức mới. Trong rất nhiều vấn đề quốc tế, Nga cần tới sự hợp tác của Trung Quốc. Sự lạnh giá trong quan hệ Nga-Mỹ phần nào có thể nhìn thấy từ việc Tổng thống Mỹ Barack Obama chậm trễ trong việc chúc mừng ông Putin thắng cử. Sau đó vào tháng 6/2012, ông Putin thậm chí còn không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 (diễn ra tại Trại David ở Mỹ). Ông Putin không muốn nhìn thấy thái độ không thân thiện của lãnh đạo phương Tây đối với mình. 

Tổng hợp bối cảnh quốc tế lớn trong 2 năm qua, người ta thấy Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau trong quan điểm về nhiều vấn đề. Trước tiên là vấn đề Mỹ tích cực chủ trương xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Âu và châu Á. Từ trước tới nay, Nga và Trung Quốc có chính sách thống nhất về vấn đề này. Việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đã trở thành trở ngại gai góc nhất đối với quan hệ Nga-Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Putin, đặc biệt là khi Mỹ muốn bố trí radar và tên lửa đánh chặn ở Ba Lan, Cộng hòa Séc và Rumani. Năm 2013, vấn đề này tạm thời được gác lại, không phải là do Mỹ có nhượng bộ chính trị mà do sự thiếu hụt về ngân sách của nước này. 

Vấn đề xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á đã tác động tới quan hệ 4 bên là Nga, Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản. Người viết cho rằng đó là nguyên nhân cơ bản khiến cho thái độ ngoại giao của Mátxcơva đối với Tôkyô ngày càng trở nên cứng rắn. Bởi việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á sẽ đúng chạm tới lợi ích căn bản của Nga về an ninh chiến lược ở vùng Viễn Đông. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã biểu thị một cách rõ ràng sẽ cùng Mỹ nghiên cứu chế tạo hệ thống đánh chặn SM3 Block II/II A. Hệ thống này có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa. Lần thử nghiệm đầu tiên của hệ thống này đã diễn ra vào năm 2012. Theo kế hoạch, hệ thống sẽ được bố trí vào năm 2018. Bước tiếp theo, khi tên lửa đánh chặn Block II B đạt tốc độ bay lên tới 6,5 km/giây, hệ thống sẽ có khả năng đánh chặn hạn chế đối với tên lửa xuyên lục địa. Do đó, ở giai đoạn tới, việc Trung Quốc và Nga bắt tay phản đối việc Mỹ-Nhật bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Á sẽ trở thành vấn đề then chốt trong cuộc đấu giữa các nước lớn. 

Hơn nữa, Nga và Mỹ chưa bao giờ ngừng tranh giành quyền chủ đạo về địa chính trị và ngoại giao. Tình hình hiện nay thậm chí còn căng thẳng hơn so với đầu những năm 2000. Điển hình là trong vấn đề Xyri. Nga ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Xyri Bashar al-Assad. Sự nhất trí cao độ giữa Trung Quốc và Nga trong vấn đề Xyri cũng rất đáng chú ý. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thậm chí đã nhiều lần công khai chỉ trích thái độ của Nga và Trung Quốc trong vấn đề Xyri. 
Nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ về mặt quân sự của Nga, chính quyền của ông al-Assad mới trụ được tới hôm nay. Xyri sớm trở thành đồng minh truyền thống của Nga từ khi Chiến tranh Lạnh mới bắt đầu. Căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải cũng là ở Xyri. Do đó, Nga không thể vứt bỏ Xyri. Việc này liên quan tới toàn bộ tình hình Trung Đông và quyền phát ngôn ngoại giao của Nga trong khu vực. 

Việc Nga và Mỹ không tin tưởng lẫn nhau thậm chí còn được phản ánh trong một số lĩnh vực không thuộc phạm vi lợi ích cốt lõi của quốc gia. Ví dụ, sau khi trở lại làm tổng thống, ông Putin đã ký sắc lệnh cấm người Mỹ được nhận trẻ em Nga làm con nuôi. Trước đó, Mỹ cũng đưa ra "Dự luật nhân quyền Magnitsky" (nhằm áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, do liên quan tới cái chết cách đây 3 năm của luật sư Nga Sergei Magnitsky) Cuộc tranh giành quyền chủ đạo về chiến lược địa chính trị giữa Nga và Mỹ còn được thể hiện rõ trong vấn đề hạt nhân Iran . Từ trước tới nay, Nga và Trung Quốc đều phản đối việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bằng biện pháp trừng phạt toàn diện. Iran là thị trường xuất khẩu vũ khí chủ yếu của Nga và Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc lệ thuộc nghiêm trọng vào tài nguyên dầu mỏ của Iran . 

Tóm lại, mấy năm lại đây, Nga và Trung Quốc dường như có thái độ hoàn toàn thống nhất trong các vấn đề quốc tế chủ yếu. So với việc Trung Quốc làm nhái vũ khí của Nga, những lợi ích về ngoại giao, chiến lược và an ninh quốc gia (mà Nga có được từ sự ăn ý với Trung Quốc) rõ ràng lớn hơn nhiều. Quan hệ Nga-Mỹ không được cải thiện triệt để, điều đó đồng nghĩa với việc hợp tác chiến lược và hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc sẽ trở nên nồng ấm. Ở giai đoạn tiếp theo, cùng với những tiến triển trong kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa SM 3 Block II ở châu Á của Mỹ và Nhật Bản, hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc có thể sẽ được nâng cấp. Hậu quả trực tiếp là khả năng Trung Quốc có được hệ thống tên lửa phòng không S-400 một cách dễ dàng hơn./.

Theo Tạp chí “Kanwa Defense Review”