John Cassidy khẳng định hiện tại quy mô các thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tương đối nhỏ, nên dù sụp đổ cũng không gây hiệu ứng quá lớn cho thị trường chứng khoán thế giới. Nhưng với nền kinh tế tổng thể của Trung Quốc thì khác. Kinh tế Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới, những rắc rối gần đây ở nước này đã thực sự gây ra nhiều phiền toái, đặc biệt trên các thị trường hàng hóa. Do vậy, suy thoái ở Trung Quốc sẽ gây ra những tác động lớn trên toàn cầu. 

Ở mức độ nào đó, những biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc phản ánh những sai lầm chính sách cần phải sửa chữa. Khi quyết định tách nhiệm vụ giám sát thị trường chứng khoán và giám sát thị trường tiền tệ cho hai thể chế khác nhau là Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh muốn học theo mô hình của phương Tây. Nhưng đáng tiếc là hai thể chế này lại gửi đi những tín hiệu trái chiều cho các nhà đầu tư, khiến họ bị mất lòng tin và, có thể, đã tạo ra phản ứng tiêu cực giữa hai thị trường. 

Cũng giống như những chuyển động trên các thị trường lớn, rất khó để xác định điểm khởi phát vấn đề. thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh sau khi xuất hiện các số liệu cho thấy lĩnh vực sản xuất rộng lớn của nước này đang co hẹp lại. Những lo ngại về việc Ủy ban Điều tiết Chứng khoán sắp dỡ bỏ lệnh cấm bán đối với các cổ đông lớn có thể là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này. Cũng có thể nguyên nhân đến từ việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tìm cách hạ giá đồng nhân dân tệ so với USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong nước. Và cuối cùng, việc đưa vào thực hiện cơ chế “ngắt mạch” – thị trường tự ngừng hoạt động khi bị sụt giảm một lượng giá trị nhất định – cũng góp phần dẫn đến tâm lý bán tháo cổ phiếu. Những cơ quan nhà nước của Trung Quốc dường như đang hoạt động chồng chéo, trong khi các nhà lãnh đạo của nước này mắc kẹt giữa một bên là mong muốn để các nguồn lực thị trường tự vận hành và một bên là mối lo sợ canh cánh về những tác động không mong muốn do các nguồn lực thị trường tạo ra (trong trường hợp này là sự biến động mạnh của giá cổ phiếu). 

Ở Mỹ, như được chứng kiến năm 2008, nhiệm vụ trấn an các thị trường thuộc về trách nhiệm của Bộ Tài chính và người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang. Trong khi đó ở Trung Quốc, nơi bộ máy hoạch định chính sách ít minh bạch hơn, nhiệm vụ này có thể thuộc về Thủ tướng Lý Khắc Cường, người chịu trách nhiệm giám sát các cải cách và chính sách kinh tế; Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc kỳ cựu của Ngân hàng Trung ương; hay một quan chức nào đó thấp hơn. Mọi việc vậy là đã rõ, thách thức đối với Trung Quốc nằm ở việc sử dụng đòn bẩy nào để thúc đẩy thị trường. Các thị trường cần một định hướng rõ ràng, cho dù định hướng đó là nhà nước áp dụng cách tiếp cận tự do kinh doanh. 

Chính phủ Trung Quốc có những thành viên tài giỏi nhưng họ không nên đưa ra những lời hứa vượt quá khả năng, như cam kết sẽ thúc đẩy cải cách hiến pháp. Bắc Kinh từng thảo luận việc thành lập cơ quan siêu điều tiết có nhiệm vụ tăng cường điều phối, học theo cách nước Anh đã làm sau cuộc khủng hoảng năm 2008, và trao thêm quyền cho Ngân hàng Trung ương. Nhưng hình thành cơ cấu tổ chức của một cơ quan bao giờ cũng là phần việc dễ. Cái khó là cơ quan đó vận hành như thế nào và làm sao để đạt được hiệu quả mong đợi. 

Do vậy, thách thức thực sự đối với Trung Quốc là điều chỉnh toàn bộ phần còn lại của nền kinh tế. Sau hơn 2 thập kỷ tăng trường thần kỳ, ai cũng hiểu một thực tế là Trung Quốc đang đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc dư thừa trong lĩnh vực sản xuất; tỷ lệ nợ cao, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp; bong bóng bất động sản tại một số thị trường; và sự chuyển đổi nhân khẩu học diễn ra nhanh chóng do dân số trong độ tuổi lao động đang giảm nhanh. Dựa theo lịch sử của những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, nguy cơ phá sản dường như đang là mối đe dọa hiện hữu đối với Trung Quốc.

Những người lạc quan về Trung Quốc không nên hạ thấp nguy cơ này. Thay vào đó, họ cần lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc đã ý thức về vấn đề này từ nhiều năm và đang nỗ lực đạt được một số tiến bộ. Tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực dịch vụ tăng lên. Một số ngân hàng đen đã bị khống chế. Các quan chức cũng bắt đầu xem xét việc để các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phá sản. Trong một năm qua, để hạn chế những tác động từ suy giảm sản xuất, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất và tăng các dự án cơ sở hạ tầng. 

Theo các số liệu chính thức, những động thái chính sách này đã giữ cho kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng. Thật vậy, tốc độ tăng trưởng GDP không giảm nhiều so với mục tiêu đặt ra là 7%, tiêu dùng hộ gia đình tăng lên đáng kể và giá nhà đang phục hồi tại một số thành phố. Trong một bài viết, Simon Rabinovitch - biên tập viên về kinh tế châu Á của tạp chí the Economist – cho rằng 2016 sẽ là năm mà những người hoài nghi cũng phải thừa nhận rằng “mặc dù thời hoàng kim của Trung Quốc đã qua nhưng tăng trưởng của nước này vẫn không biến mất”. 

Dự báo của Simon Rabinovitch xem ra có thể chính xác. Tuy nhiên, sự xáo động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc ngay trong những ngày đầu năm mới là lời nhắc nhở kịp thời rằng những người hoài nghi cũng có những lập luận mạnh mẽ. Sự lao dốc của thị trường chứng khoán, dù được khẳng định do các sai lầm chính sách, có thể phản ánh một yếu tố cơ bản hơn: đó là sự thiếu lòng tin trong nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù có một thực tế là một số công ty hàng đầu của Trung Quốc hiện chỉ hoạt động cầm chừng (giao dịch một phần nhỏ trong tổng thu nhập kiếm được) nhưng các nhà đầu tư vẫn cho rằng các công ty này đang được đánh giá quá cao. 

Hiện ngành sản xuất - động cơ chính dẫn tới tăng trưởng thần kỳ ở Trung Quốc - vẫn đang tiếp tục trầy trật, tương tự như ngành xây dựng - động lực tăng trưởng khác của nền kinh tế. Trong khi đó, những tăng trưởng việc làm trong ngành dịch vụ gần đây chủ yếu tập trung trong lĩnh vực tài chính, có lẽ có liên quan tới bong bóng thị trường chứng khoán. Tỷ lệ lạm phát cũng giảm mạnh từ mức hơn 5% cách đây 5 năm xuống còn 1,5% trong tháng 12/2015. Điều này cho thấy tổng cầu ở Trung Quốc đang giảm mạnh, gây sức ép lên giá và làm tăng nguy cơ giảm phát. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đang tiếp tục tăng lên, một số người dự đoán có thể đã lên tới 240%. Việc tái cơ cấu nợ xấu trên quy mô lớn, rất cần thiết tại một số điểm, tiếp tục bị trì hoãn. Theo bài học rút ra từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, sẽ luôn tốt hơn và ít tốn kém hơn nếu Trung Quốc sớm lo đối phó với các vấn đề về nợ. 

Cuối cùng, danh tiếng về năng lực của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, mà khó khăn lắm họ mới giành được, lại một lần nữa được đặt ra. Một số nhà quan sát, như Jim Cramer của kênh CNBC, cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc không biết họ đang làm gì. Trung Quốc sẽ khó có thể thành công nếu không tiến hành các biện pháp triệt để hơn, như đưa các gói kích thích tài chính quy mô hơn, tiếp tục cắt giảm lãi suất, tái cấu trúc nợ doanh nghiệp và hạ giá đồng nhân dân tệ. Mỗi biện pháp sẽ tạo ra những tác động khác nhau và còn rất nhiều điều thú vị về những gì sẽ diễn ra ở Trung Quốc trong năm nay.

John Cassidy là cây viết của tờ The New Yorker từ năm 1995. Ông cũng viết bài phân tích, bình luận về chính trị, kinh tế và các vấn đề khác cho tờ báo. Bài viết được đăng trên The New Yorker.

Văn Cường (gt)