Kim Xán Vinh, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc, chuyên gia về các vấn đề Trung-Mỹ, cho rằng lần này ông Obama liên nhiệm là việc tốt đối với Trung Quốc, bởi nếu ông Romney thắng cử, tuy về lâu dài có thể không có ảnh hưởng nhiều lắm, song nhất định sẽ có nhiều phiều toái đối với Trung Quốc trong thời gian đầu ông ta lên nắm quyền. Cần nhớ rằng, trong lúc tranh cử, ông Romney đã từng có những lời lẽ “hằn học” đối với Trung Quốc, ví như “cần khiến Trung Quốc trả giá đắt hơn nữa trên con đường trở thành cường quốc khu vực”, và vị cố vấn của Romney về chính sách châu Á-Thái Bình Dương cũng là con người có phong cách cực kỳ cứng rắn. Nay Obama thắng cử, những phiền toái này tạm thời sẽ không có, có thể tránh được những ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ Trung-Mỹ, đảm bảo sự ổn định cho mối quan hệ này, mà ổn định chính là điều cả hai bên đều cần. 

Theo Kim Xán Vinh, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, Obama cũng từng thử tìm cách để quan hệ với Trung Quốc. Trong quá trình đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, Obama năm 2009 đã đưa ra khái niệm nhóm “G-2” (gồm Trung Quốc và Mỹ), muốn lôi kéo Trung Quốc trở thành đối tác, cùng nhau xử lý các vấn đề, song đã bị Trung Quốc từ chối. Ngoài ra, chính sách “trở lại châu Á” bị nội bộ nước Mỹ chỉ trích là sẽ tiêu tốn nhiều tiền của, Chính phủ Mỹ sẽ không gánh vác nổi. Vì vậy, Obama lại phải tìm biện pháp mới để đối phó Trung Quốc, đó là chính sách mới trung dung, tìm ra một điểm kết hợp giữa “lôi kéo” và “bao vây” Trung Quốc. Nói tóm lại là “sự phát triển quan hệ Trung-Mỹ tới đây sẽ tích cực hơn hai ba năm qua”. Kim Xán Vinh cho rằng trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua nhân tố Trung Quốc cũng có những đặc điểm mới khác trước. Một là điểm chú ý của các ứng cử viên không còn là vấn đề nhân quyền nữa mà là coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chủ yếu. Hai là vấn đề Trung Quốc không còn là vấn đề ngoại giao đơn thuần mà đã tiến vào đời sống chính trị trong nước của Mỹ. Trong quá trình tranh cử, cả hai ứng cử viên khi nói về Trung Quốc đều gắn với các vấn đề kinh tế và việc làm của Mỹ. Ba là cả hai nhân vật này đều có thái độ mâu thuẫn đối với Trung Quốc, vừa muốn thể hiện với dân chúng Mỹ là sẽ cứng rắn đối với Trung Quốc, song lại vừa muốn thể hiện với Bắc Kinh rằng họ muốn là đối tác của Trung Quốc. Thái độ mâu thuẫn này đã phản ánh tính phức tạp của mối quan hệ Trung-Mỹ, cũng là hiện thực vừa cạnh tranh vừa hợp tác của mối quan hệ này. 

Theo Khúc Tinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Trung Quốc, ở bất kỳ cuộc tranh cử nào ở Mỹ, các ứng cử viên thường quy kết những mâu thuẫn mang tính kết cấu bên trong nước Mỹ cho hoàn cảnh bên ngoài và các nước khác, từ đó khiến cho quan hệ Trung-Mỹ ở vào hoàn cảnh “sóng gió”. Tuy nhiên, sóng gió quan hệ Trung-Mỹ giống như quả lắc đồng hồ, tuy không ngừng lắc song trước sau vẫn có một điểm cân bằng. Khi tranh cử kết thúc, quan hệ Trung-Mỹ sẽ tích cực hơn, sự phá vỡ mối quan hệ này sẽ là bất lợi cho cả hai bên. Về tương lai quan hệ Trung-Mỹ, Lưu Kiến Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cho biết trên cơ sở lợi ích quốc gia và chiến lược toàn cầu, chính sách “trở lại châu Á” của Mỹ sẽ tiếp tục, song Mỹ sẽ không đối địch với Trung Quốc, mặc dù vẫn lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tạo ra thách thức đối với bá quyền của Mỹ. Về phát triển quan hệ mậu dịch Trung-Mỹ trong 4 năm tới, Hà Vĩ Văn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung-Mỹ-Âu - cho rằng ông giữ thái độ lạc quan “thận trọng”. Theo Hà Vĩ Văn, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ Obama là làm thế nào đối phó với nguy cơ xảy ra “vách đá tài chính”, do đó xử lý các vấn đề thương mại đối với Trung Quốc sẽ không phải là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Một trong những nguyên nhân gây ra cọ sát thương mại Trung-Mỹ là do sự suy giảm kinh tế trong nước, tới đây nếu như kinh tế Trung Quốc khá lên, áp lực đối với Trung Quốc cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, mấu chốt của cọ sát thương mại Trung-Mỹ không chỉ là ở sự bất cân bằng thương mại, mà còn ở toàn bộ thể chế thương mại, do đó Trung Quốc cần phải chuẩn bị đối phó. 

Giới chuyên gia Bắc Kinh đều cho rằng các vấn đề cũ như Đài Loan, Tây Tạng, bản quyền và tranh cãi kinh tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới quan hệ Trung-Mỹ. Cùng với sự đẩy nhanh bước nâng cấp ngành nghề ở Trung Quốc, Mỹ sẽ không ngừng gây khó khăn cho Trung Quốc trong các lĩnh vực vũ trụ, mạng Internet và điện tử. Bên cạnh đó, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc cũng luôn động chạm tới thần kinh của Mỹ, do đó, trong tương lai Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép đối với vấn đề minh bạch chi phí quân sự của Trung Quốc. 

Lê Sơn (gt)