Cuộc gặp ba bên đầu tiên trong gần ba năm qua giữa Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là dấu hiệu tích cực, cho thấy khả năng đạt được bước đột phá trong bế tắc ngoại giao vốn gây tổn hại đến quan hệ giữa ba nước trong suốt thời gian qua. Về nguyên tắc, ba nước cam kết sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng hiện vẫn chưa rõ khi nào cuộc gặp này sẽ diễn ra. Trong khi Nhật Bản mong muốn sớm tổ chức cuộc gặp thì cả Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn tỏ ra thận trọng.

Mặc dù cuộc gặp giữa ba ngoại trưởng chỉ kéo dài một giờ, nhưng trong thông cáo chung, họ đã bày tỏ hy vọng thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bảo vệ môi trường, chống khủng bố, trao đổi văn hóa và nối lại cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Cuộc gặp này diễn ra sau hàng loạt diễn biến quan trọng trong quan hệ giữa ba nước, trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 11/2014 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, việc ký kết thỏa thuận năm 2014 giữa Seoul, Tokyo và Washington về chia sẻ thông tin tình báo nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên và gần đây nhất là thỏa thuận Trung-Nhật ngày 19/3 về việc tăng cường thông tin liên lạc quân sự nhằm giải quyết những tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Bất chấp những diễn biến tích cực này, quan hệ giữa ba nước vẫn còn khá phức tạp do những bất đồng sâu sắc liên quan đến lịch sử và "cuộc chiến" ngoại giao nhân dân. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tận dụng cuộc gặp lần này và cuộc họp báo sau đó để nhấn mạnh rằng vấn đề lịch sử vẫn là mối quan ngại hiện nay. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se lại đề cập tới vấn đề binh lính Nhật Bản ép phụ nữ Hàn Quốc làm nô lệ tình dục trong những năm 1930-1940 và kế hoạch của Tokyo kỷ niệm 70 năm ngày chấm dứt Chiến tranh Thế giới Thứ hai vào cuối năm nay.

Động cơ của ba nước trong việc sử dụng "quân bài lịch sử" là khác nhau. Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc vốn mong muốn thúc đẩy một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn, việc coi ông Abe là người theo chủ nghĩa xét lại, bác bỏ những lời xin lỗi về quá khứ trước đây là nhằm chỉ trích Nhật Bản, cho rằng quốc gia này đang có ý định phá vỡ trật tự thế giới sau năm 1945 và theo đuổi chính sách quốc phòng quân phiệt giống như thập kỷ 1930.

Đối với Seoul, việc đề cập tới vấn đề "phụ nữ mua vui" không hẳn nhằm chỉ trích Tokyo mà chủ yếu là do sự mất niềm tin của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng như dư luận ở nước này về những tham vọng của Nhật Bản trong khu vực. Tổng thống Park Geun-hye từng coi sự tin cậy lẫn nhau là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của bà. Việc bà Park Geun-hye vẫn chưa đồng ý gặp song phương với ông Abe đã phần nào cho thấy suy nghĩ của bà, đó là một số chính khác cấp cao của Nhật Bản không thành thật khi bày tỏ sự ăn năn về các cuộc xâm lược trước đây.

Về phần mình, cả Thủ tướng Nhật Bản Abe và Ngoại trưởng Fumio Kishida đều đã nhắc lại cam kết đối với tuyên bố năm 1995 của Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Tomiichi Murayama với hàm ý rõ ràng về "chế độ thuộc địa và các cuộc xâm lược của Nhật Bản" cũng như "sự ăn năn sâu sắc" và "lời xin lỗi chân thành" của ông Murayma vì "chính sách sai lầm" dẫn đến chiến tranh và đau thương ở châu Á. Tuy nhiên, ông Abe đã nói "bóng gió" rằng một số ngôn từ trong tuyên bố của ông Murayama có thể cần thay đổi.

Thông qua chuyến thăm ngôi đền gây tranh cãi Yasukuni ở Tokyo hồi năm 2013, ông Abe dường như muốn thể hiện sự ủng hộ đối với một chính sách theo chủ nghĩa dân tộc hơn. Động thái này khiến ông bị cáo buộc là đã phớt lờ những vấn đề nhạy cảm trong khu vực, làm gia tăng căng thẳng giữa Nhật Bản và các nước láng giềng. Quyết định của ông Abe tiến hành tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai trong năm 2015, trong khi tiếp tục thúc đẩy vai trò ngoại giao của Tokyo càng làm gia tăng lo ngại trong khu vực rằng đây chỉ là vỏ bọc nhằm che đậy quá khứ thời chiến của Nhật Bản. Việc giải quyết những bất đồng liên quan đến lịch sử là không hề dễ dàng. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng đã có dấu hiệu mất kiên nhẫn với những người đồng nhiệm Hàn Quốc và Trung Quốc, vốn bị cho là sẵn sàng lợi dụng lịch sử để nâng cao uy tín của mình trước người dân trong nước.

Để cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đòi hỏi phải có những bước tiến trong hai lĩnh vực chính sau:

Thứ nhất, truyền thông ở cả ba nước cần phải minh bạch hơn và thông tin đầy đủ các ý kiến cả trong và ngoài nước. Điều này đặc biệt quan trọng khi có các dấu hiệu ở Seoul và Tokyo cho thấy các hãng thông tấn độc lập ngày càng bị cuốn vào "cuộc chiến" ngoại giao nhân dân giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Thứ hai, các nhà lãnh đạo cần phải có sự đồng cảm và tăng cường nhận thức về sự tương đồng liên quan đến lịch sử của từng nước. Trên thực tế, cả ba nước đều có điểm chung là nạn nhân của chiến tranh. Nhận thức được điều này có thể giúp Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc giảm bớt căng thẳng trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn, sự cải thiện trong quan hệ giữa ba nước có thể đến từ việc tiếp tục đối thoại, hạn chế đưa ra những tuyên bố liên quan đến vấn đề nhạy cảm và sự hợp tác thực tế giữa ba bên.

Theo “Chatham House

Vũ Hiền (gt)