Khi Trung Quốc đang nỗ lực tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 6, Triều Tiên đã nhân cơ hội này tiến hành thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của mình. Hành động này không chỉ tạo ra thách thức đối với các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc cùng sự quan tâm của cộng đồng thế giới về cục diện an ninh tại bán đảo Triều Tiên, mà còn gián tiếp cho thấy chính sách của các bên liên quan đối vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã hoàn toàn thất bại. Điều này đang đặt ra yêu cầu cấp bách, buộc cộng đồng quốc tế phải xem xét lại các chính sách đã áp dụng từ trước đến nay để tìm ra giải pháp mới cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trước tiên, cộng đồng thế giới đã không tạo ra cơ sở để bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng, khiến họ hình thành động cơ sở hữu vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa Washington và Bình Nhưỡng tiềm ẩn sau những bất đồng giữa hai miền Nam-Bắc bán đảo Triều Tiên. Mỹ có lực lượng quân sự cùng sức mạnh hạt nhân lớn hơn Triều Tiên rất nhiều lần, do đó phát triển vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình đã trở thành lựa chọn mang tính thực tiễn của Chính quyền Bình Nhưỡng. Cùng với đó, việc Chính quyền Saddam Hussein ở Iraq và Chính quyền Gaddafi ở Lybia lần lượt bị Mỹ lật đổ khiến Triều Tiên nhận thức một cách rõ ràng rằng nếu không có vũ khí hạt nhân để tự vệ thì trong một bối cảnh nào đó, bản thân mình cũng sẽ đi vào “vết xe đổ” của các chính quyền kể trên.

Đối với Triều Tiên, việc có hay không có vũ khí hạt nhân đã trở thành vấn đề liên quan đến vận mệnh sống còn, tồn tại hay diệt vong của chế độ. Trong tất cả các hoạt động đàm phán song phương hoặc đa phương từ trước đến nay, Mỹ chưa một lần khẳng định hoặc cam kết sẽ không dùng vũ lực đối với Triều Tiên. Các quốc gia khác, chủ yếu là Trung Quốc và Nga cũng không đưa ra cơ sở để đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, tránh cho họ phải đương đầu với sự tấn công quân sự của Mỹ. Hiệp ước tương trợ hữu nghị Trung-Triều được Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ký năm 1961 đến nay vẫn còn tác dụng. Do đó, Bắc Kinh về lý thuyết vẫn phải có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Bình Nhưỡng, nhưng trên thực tế từ sau khi Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa đến nay, hai bên ngày càng xa rời nhau và hiệp ước kể trên cũng chỉ là văn kiện “hữu danh vô thực”. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Triều Tiên quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình.

Tiếp đó, cộng đồng quốc tế cũng không tăng cường áp lực quân sự để buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Mặc dù Mỹ liên tục đe dọa quân sự và không cho phép Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng Washington từ trước đến nay chưa một lần tuyên bố rõ ràng rằng nếu Triều Tiên có vũ khí hạt nhân thì sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt quân sự như thế nào và cơ bản cũng chưa đặt ra “giới hạn đỏ” cho chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng. Do đó, biện pháp đe dọa quân sự của Mỹ chỉ đơn thuần mang tính hình thức, không tạo ra uy hiếp thực sự đối với Chính quyền Triều Tiên. Không những vậy, việc làm của Mỹ còn thường xuyên vấp phải sự phản đối từ các nước Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Trung Quốc từ trước đến nay luôn phản đối việc dùng vũ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nga biểu thị rõ lập trường phản đối chiến tranh. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tuyên bố rằng Mỹ sẽ buộc phải nhận được sự đồng ý từ phía Hàn Quốc nếu muốn phát động chiến tranh với Triều Tiên. Tất cả những điều này, đặc biệt là lập trường phản đối chiến tranh một cách mạnh mẽ của Trung Quốc vô hình trung đã tạo ra chiếc ô bảo hộ cùng “kim bài miễn tử” cho chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Điều này không chỉ dung túng cho việc Triều Tiên thử hạt nhân, mà còn khiến cho biện pháp đe dọa quân sự của Mỹ đối với Bình Nhưỡng không đạt được hiệu quả đề ra.

Bình Nhưỡng đã lợi dụng tốt các mâu thuẫn và bất đồng kể trên của cộng đồng quốc tế để tạo cho mình sự ổn định cần thiết và cuối cùng là sở hữu thành công vũ khí hạt nhân mà không vấp phải bất kỳ sự trừng phạt quân sự nào. Do đó, các bên liên quan tới đây cần áp dụng mô hình “cây gậy và củ cà rốt”, đồng thời tiến hành cả các biện pháp cứng rắn lẫn mềm dẻo để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

“Củ cà rốt” ở đây chính là việc Trung Quốc cam kết bảo đảm an ninh cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân. Thực tiễn tiến trình đàm phán 6 bên từ trước đến nay cho thấy Mỹ cơ bản chưa từng suy nghĩ đến việc đưa ra căn cứ để bảo đảm an ninh cho Triều Tiên, hoặc luôn trong trạng thái do dự nên giải quyết vấn đề hạt nhân trước hay nên đưa ra cơ sở để bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng trước. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có thể và cần phải can thiệp một cách nỗ lực hơn để phá vỡ trạng thái kể trên. Sở dĩ như vậy vì giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng đối với Trung Quốc. Thứ nhất, xét trên góc độ chính trị và quân sự, một Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân và dựa vào sự bảo hộ an ninh của Trung Quốc sẽ tốt hơn rất nhiều so với một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân cùng các hành động ngông cuồng, không xác định. Thứ hai, lãnh thổ Triều Tiên nhỏ hẹp, nên những địa điểm cất giữ và tiến hành thử nghiệm hạt nhân của nước này rất gần với Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của người dân cùng hệ sinh thái ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Xét về khía cạnh địa lý, mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đối với Trung Quốc còn lớn hơn cả mối đe dọa đối với Mỹ. Do đó, Trung Quốc có thể và nên gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trước đây, Trung Quốc luôn cho rằng bản chất của vấn đề hạt nhân Triều Tiên là mâu thuẫn giữa Washington và Bình Nhưỡng, Bắc Kinh chỉ là bên trung gian hòa giải. Trung Quốc cần phải điều chỉnh lại nhận thức, coi mình là người có lợi ích liên quan trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, không đơn thuần chỉ là một bên hòa giải. Theo đó, Trung Quốc hoàn toàn có thể thay thế Mỹ đưa ra cơ sở để bảo đảm an ninh cho Triều Tiên với điều kiện Bình Nhưỡng phải từ bỏ hạt nhân. Trên thực tế, Trung Quốc chỉ cần tái khẳng định Hiệp ước tương trợ đã ký kết với Triều Tiên, không cần phải đầu tư hoặc nghiên cứu xây dựng thêm cơ chế hợp tác an ninh nào khác.

“Cây gậy” chính là biện pháp tăng cường áp lực quân sự của Mỹ đối với Chính quyền Bình Nhưỡng. Chỉ một “củ cà rốt” trong việc đảm bảo an ninh của Trung Quốc sẽ chưa đủ sức hấp dẫn để Triều Tiên từ bỏ hạt nhân. Xét theo góc độ của Bình Nhưỡng, sở hữu hạt nhân để tự đảm bảo an ninh cho mình đương nhiên sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc dựa dẫm vào người khác. Do đó, ngoài “củ cà rốt”, còn cần phải có cả “cây gậy” để đe dọa mới có thể khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Như đã đề cập ở trên, vũ khí hạt nhân liên quan đến vận mệnh sống còn của Chính quyền Bình Nhưỡng, hoàn toàn không phải là vấn đề có thể đem lợi ích kinh tế ra đánh đổi. Hơn nữa, các biện pháp cấm vận kinh tế càng nặng nề thì càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân, không phải các lãnh đạo của Triều Tiên. Do đó, cấm vận kinh tế cơ bản sẽ không thể làm thay đổi được quyết tâm sở hữu hạt nhân của Chính quyền Bình Nhưỡng, giải pháp duy nhất có hiệu quả trong trường hợp này chính là “cây gậy” đe dọa vũ lực. Trong bối cảnh sự việc đã phát triển đến mức độ nghiêm trọng như hiện nay, các bên liên quan bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc cần đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng gia tăng áp lực quân sự đối với Triều Tiên. Trong đó, Washington sẽ là bên trực tiếp gia tăng áp lực đe dọa quân sự đối với Bình Nhưỡng, các bên còn lại đóng vai trò phối hợp và hỗ trợ.

Ở đây có hai vấn đề mang tính then chốt đặt ra. Thứ nhất, biện pháp đe dọa quân sự của Mỹ phải thực sự có sức mạnh và uy lực, tiến hành theo đúng yêu cầu thực chiến, không chỉ đơn thuần mang tính dọa dẫm. Thứ hai, các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc không được phản đối biện pháp đe dọa vũ lực của Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc cần thể hiện một cách nghiêm khắc rằng nếu Triều Tiên không từ bỏ hạt nhân thì Bắc Kinh sẽ đơn phương xóa bỏ Hiệp ước tương trợ hữu nghị Trung-Triều, hết trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng. Chỉ có như vậy mới tạo ra sự uy hiếp mạnh mẽ đối với Triều Tiên, buộc họ phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Lãnh đạo Triều Tiên không điên khùng mà cũng chẳng ngốc nghếch. Trong bối cảnh đối mặt với sự uy hiếp về quân sự rằng nếu không từ bỏ hạt nhân sẽ chỉ còn con đường chết, họ chắc chắn sẽ không “quyết một trận sống mái”, mà ngược lại sẽ có hành động mang tính thực tế hơn, quay trở lại bàn đàm phán, từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy hòa bình.

Tóm lại, để thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cộng đồng quốc tế có thể tính đến việc áp dụng giải pháp “cây gậy và củ cà rốt” trong chính sách đối với Triều Tiên. Trong đó, việc Trung Quốc cam kết bảo đảm an ninh cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân là “củ cà rốt” và việc Mỹ gia tăng uy hiếp quân sự nếu Triều Tiên sở hữu hạt nhân là “cây gậy”. Không có “củ cà rốt”, Triều Tiên sẽ không có động cơ để từ bỏ hạt nhân; không có “cây gậy”, Bình Nhưỡng cũng không có áp lực phải từ bỏ hạt nhân. Do đó, chỉ có kết hợp chặt chẽ cả hai giải pháp mới có thể khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Giáo sư Dư Trí,  trường Đại học Kinh tế-Tài chính Thượng Hải. Bài viết được đăng trên Liên hợp Buổi sáng (Singapore).

Lan Hoàng (gt)