china-usa-cogs-bg.jpg

Vụ đánh cắp hàng triệu hồ sơ cá nhân từ Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM) được các nhà chức trách Mỹ tiết lộ hồi tháng 6/2015 đã đẩy Chính phủ Mỹ vào thế khó xử. Tháng 4/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã công bố một chiến lược an ninh mạng mới, theo đó Mỹ sẽ trả đũa các “cuộc tấn công mạng gây hậu quả nghiêm trọng” cho nước này.

Theo tờ "Thời báo New York", Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tin rằng Chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau vụ gián điệp mạng. Các quan chức Chính phủ Mỹ đánh giá bản chất của sự việc này rất nghiêm trọng và cần phải trả đũa để ngăn chặn Trung Quốc có những hành động tương tự trong tương lai. Tháng 9 vừa qua, trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã nhất trí không tiến hành hoặc hỗ trợ các hoạt động gián điệp mạng nhằm đem lại lợi ích cho các công ty hoặc các lĩnh vực thương mại. Nhưng thỏa thuận này không giải quyết vấn đề gián điệp mạng vì mục đích an ninh quốc gia và chưa đủ mạnh để ngăn chặn các nước khác tiến hành hoạt động gián điệp mạng với quy mô lớn nhằm vào Mỹ và các đồng minh của nước này. Tóm lại, Mỹ cần phải xem xét lại hệ thống thu thập thông tin tình báo hiện nay của mình. Chính quyền Mỹ sẽ phải phân biệt rõ giữa hoạt động tình báo vì an ninh quốc gia và hoạt động gián điệp mạng do chính phủ hậu thuẫn vì lợi ích thương mại. Điều đó có nghĩa Mỹ sẽ coi hoạt động tình báo vì an ninh quốc gia là hợp pháp, còn hoạt động gián điệp mạng mà Trung Quốc đã tiến hành là bất hợp pháp. Song hành vi trộm cắp thông tin từ OPM dường như phù hợp với “danh mục đầu tiên nhiều hơn là danh mục thứ hai”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ "Nhật báo phố Wall", ông Michael Hayden- cựu Giám đốc của cả Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)- cho rằng “những hồ sơ đó là một mục tiêu tình báo nước ngoài hợp pháp. Nếu tôi, với tư cách là Giám đốc của CIA hay NSA, có cơ hội để lấy những hồ sơ như vậy trong hệ thống của Trung Quốc, tôi sẽ không do dự, không cần xin phép”. Giả sử Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành vi trộm cắp đó, bất kỳ hành động trả đũa nào cũng sẽ không thể ngăn cản được Bắc Kinh. Chừng nào Washington còn giữ quan niệm cho rằng việc thu thập thông tin tình báo vì an ninh quốc gia là hợp pháp, chính phủ nước ngoài cũng vẫn làm tương tự đối với Mỹ. Việc trả đũa của Mỹ nhằm gây tổn hại lợi ích quốc gia của Trung Quốc sẽ chỉ kích động hành động tương tự chống lại Mỹ. Vấn đề trở nên phức tạp hơn bởi Mỹ bất lực, không thể khẳng định Trung Quốc chính là thủ phạm. Hoặc Chính phủ Mỹ không có bằng chứng đáng tin cậy về việc Trung Quốc đứng đằng sau vụ đánh cắp dữ liệu từ OPM, hoặc nếu có bằng chứng nhưng không thể tiết lộ vì sợ ảnh hưởng đến những công cụ tình báo thu thập bằng chứng đó.

Trong hoàn cảnh này, hình thức trả đũa nhiều khả năng nhất là Washington có thể tiến hành các hoạt động gián điệp mạng chống lại Trung Quốc. Sau đó, Mỹ có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh và “chính thức chơi bài ngửa”. Mục đích là để tạo ra một lỗ hổng tạm thời trong khả năng duy trì chính sách kiểm duyệt Internet của Bắc Kinh và để làm tăng tính dễ bị tổn thương của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian mạng. Nhưng biện pháp này có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ Trung- Mỹ vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem đó là một cuộc tấn công vào hệ thống an ninh chính trị vốn được coi là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Các đồng minh thân cận của Mỹ như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước NATO có lý do để lo ngại về những diễn biến này. Một mặt, những nước này phụ thuộc vào Mỹ để bảo đảm an ninh cho mình. Nếu Mỹ không thể ngăn chặn chính phủ nước ngoài ăn cắp một lượng lớn dữ liệu mật về các nhân viên liên bang của mình, thì an ninh của các đồng minh của Mỹ cũng sẽ dễ dàng bị đe dọa. Mặt khác, hành động trả đũa của Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Mỹ- Trung sẽ làm mất ổn định hệ thống quốc tế và là điều mà không đồng minh nào của Mỹ mong muốn vì hầu hết họ có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc.

Các đồng minh của Mỹ nên thúc giục Washington kiềm chế tìm kiếm răn đe trả đũa chừng nào bản thân Mỹ cũng tiến hành các hoạt động tình báo mạng tương tự đối với Trung Quốc và các quốc gia khác. Họ nên gửi thông điệp rằng việc thu thập tin tức tình báo nước ngoài vì an ninh quốc gia mà không có bất kỳ giới hạn nào không còn được coi là hợp pháp nữa. Thay vào đó, cần phải có những quy định mới để hạn chế các hoạt động tình báo. Thoạt nhìn, chi phí cho việc theo đuổi các chuẩn mực mới về tình báo có thể khá cao, nhưng cộng đồng tình báo phương Tây sẽ được hưởng lợi vì lâu nay họ có nguồn lực tài chính dồi dào và công nghệ vượt trội. Trong bối cảnh hoạt động gián điệp mạng ngày càng tinh vi, phức tạp và gây nhiều thiệt hại, lợi ích an ninh quốc gia của một nước không nên phụ thuộc vào việc phổ biến các hoạt động tình báo do nhà nước hậu thuẫn và các hoạt động gián điệp mạng.

Theo “East Asia Forum

Viết Tuấn (gt)