10/02/2010
Theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam tham gia từ ngày 23/06/1994, nước ta có 5 vùng biển: Nội thủy nằm bên trong đường cơ sở; lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý; vùng tiếp giáp lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở; thềm lục địa có thể kéo dài tới 350 hải lý.
Cũng theo quy định của Liên Hợp Quốc, vùng biển của nước ta được mở rộng có diện tích khoảng 1 triệu km2. Biên giới trên biển Việt Nam tiếp giáp và tạo thành các vùng chồng lấn không chỉ với Trung Quốc, Đài Loan, Cam-pu-chia mà cả với các nước trong khu vực như Phi-lip-pin, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan. Do đặc điểm của Biển Đông nên giữa Việt Nam và các nước láng giềng còn tồn tại một số tranh chap hoặc chưa thống nhất cần được giải quyết. Nhưng ở Biển Đông tồn tại 2 loại tranh chấp cơ bản sau:
Một là: tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc; Trường Sa là vấn đề giữa 5 nước và 1 bên. Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền toàn bộ; Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, và Đài Loan tuyên bố chủ quyền một phần quần đảo Trường Sa.
Hai là: tranh chấp vùng biển, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các nước tiếp giáp Biển Đông bao gồm tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Bru-nây, In-đô-nê-xi-a và tranh chấp giữa các nước trên với nhau.
Trong hai loại tranh chấp trên, tranh chấp chủ quyền, lãnh hải với Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin. Hãy xem xét sự tranh chấp và lập luận của các nước và vùng lãnh thổ nói trên.
I. Về phía Trung Quốc
Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ gắn bó lâu đời, hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tư tưởng, lối sống. Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã giành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn và quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Chúng ta biết ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc về sự giúp đỡ quý báu này.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN, đều do Đảng cộng sản lãnh đạo. Với quyết tâm và cố gắng chung cả hai Đảng và nhân dân hai nước, Việt Nam và Trung Quốc đã và đang phát triển quan hệ toàn diện theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Từ sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay, quan hệ Việt-Trung không ngừng phát triển. Đây là thành tựu chung của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, được lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều phải có trách nhiệm cùng nhau giữ gìn và phát huy.
Tuy trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục bàn bạc giải quyết, nhưng nhìn tổng thể, sự tin cậy và hiểu biết giữa hai nước đang ngày càng được tăng cường, quan hệ hợp tác về mọi mặt ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.
Tranh chấp về biên giới lãnh thổ và trên Biển Đông là một vấn đề do lịch sử để lại, rất phức tạp và nhạy cảm. thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Trung Quốc đã nêu yêu sách “chủ quyền” với tất cả trong phạm vi đường “lưỡi bò” do họ sự vẽ ra vào năm 1947, chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng vào vùng đặc quyền kinh tế của tất cả các nước còn lại, nên đều bị các nước phản đối. Trong số các đường của đường 9 khúc do Trung Quốc tự vẽ, có 3 đường đáng chú ý: (1) đường cách đông Đà Nẵng của Việt Nam khoảng 67 hải lý, các đông đường cơ sở của Việt Nam (điểm A10) khoảng 40 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam về phía Tây khoảng 160 hải lý; (2) Đường cách đông Cam Ranh của Việt Nam khoảng 49 hải lý, cách đông đường cơ sở của Việt Nam khoảng 43 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam về phía Tây khoảng 157 hải lý; (3) đường cách đông nam Côn Đảo của Việt Nam khoảng 100 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam về phía Tây khoảng 100 hải lý.
Do vậy, tranh chấp chủ yếu ở Biển Đông là tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước, trọng tâm là giữa Trung Quốc với Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải đặc biệt quan tâm và có nhiều giải pháp xử lý vấn đề trên, trong đó cần coi trọng giải pháp đàm phán đấu tranh.
Với thiện chí và cố gắng chung của cả hai bên, hai nước đã ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác về nghề cá vào cuối năm 2000. Hai bên cũng đã tiến hành 11 vòng đàm phán về vấn đề trên biển và 5 vòng đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Gần đây, Việt Nam và Trung Quốc đạt được một số nhận thức chung về việc hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực từ bảo vệ môi trường, cứu hộ cứu nạn, dự báo khí tượng biển và hợp tác thăm dò khai thác dầu khí ở một số khu vực… Đây là kết quả của quá trình đàm phán đấu tranh trong thời gian qua, tạo tiền để cho các bước đàm phán đấu tranh với Trung Quốc trong thời gian tới.
II. Về phía Đài Loan
Do cùng dựa trên một cơ sở pháp lý và lịch sử, lập luận của Đài Loan cũng có chung điểm yếu như lập luận của Trung Quốc, đó là việc phát hiện và thực hiện liên tục chủ quyền đối với đảo Ba Bình.
Chính quyền Đài Loan chứ không phải Trung Quốc là tác giả của “đường lưỡi bò”. Đài Loan là bên tranh chấp đầu tiên đã xác lập được sự có mặt của mình ở Trường Sa vào cuối chiến tranh thế giới thứ 2, sau khi Nhật rút khỏi. Năm 1946, quân đội Đài Loan đã cập đảo và chiếm đảo Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 1947, Đài Loan tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa. Năm 1950, khi quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chiếm đảo Hải Nam, Đài Loan rút quân khỏi Ba Bình. Trong 5 năm sau đó, Ba Bình không hề bị chiếm đóng; năm 1956, Đài Loan quay lại tái chiếm Ba Bình. Kể từ đó cho đến nay, Đài Loan vẫn có măt liên tục tại đảo Ba Bình.
Lợi ích của Đài Loan đối với Biển Đông tập trung chủ yếu ở khía cạnh kinh tế. Giống như Nhật Bản, Đài Loan là một hòn đảo, nghèo tài nguyên song lại có nền kinh tế khá phát triển. Nhu cầu về năng lượng (dầu lửa) cũng như các tài nguyên khoáng sản khác rất lớn. Biển Đông vừa là nơi Đài Loan hy vọng khai thác vừa là con đường nhập khẩu dầu lửa chủ yếu của họ.
Về an ninh, hiện nguy cơ lớn nhất của Đài Loan là sự tấn công từ Trung Quốc. Cho tới nay, Trung Quốc chưa từ bỏ việc dung vũ lực để thu hồi phần lãnh thổ này. Do vậy, đối với Đài Loan, Biển Đông chiếm vị trí hàng đầu trong chính sách an ninh của họ.
Ngày 21/5/1992, Đài Loan thông qua một đạo luật tuyên bố chủ quyền và lãnh hải tính từ bờ biển của mình. Đạo luật này bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Điếu Ngư. Ngày 31/12/1998, Đài Loan cũng đã công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mình. Trong Luật về vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải của mình, khác với Trung Quốc, Đài Loan đã không đề cập đến “tính chất lịch sử” của “đường lưỡi bò” mà họ đã từng yêu sách. Tháng 2/1999, Đài Loan cũng tuyên bố thay đổi lực lượng quân đội đóng tại Ba Bình bằng lực lượng cảnh sát.
III. Về phía Ma-lai-xi-a
Ma-lai-xi-a là nước dính líu muộn nhất vào cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Ma-lai-xi-a là nước duy nhất chỉ yêu sách đối với một phần phía Nam quần đảo Trường Sa. Các yêu sách của Ma-lai-xi-a thể hiện ở một số sự kiện chủ yếu sau:
Năm 1971, Đại sứ Ma-lai-xi-a tại Sài Gòn gửi Công hàm cho Chính quyền Sài Gòn nói một cách dè dặt rằng: “họ có chủ quyền đối với phần phía Nam quần đảo Trường Sa mà họ gọi là nước Cộng hòa Mo rac Songhrati nằm trong liên bang Ma-lai-xi-a.”
Năm 1979, Ma-lai-xi-a xuất bản bản đồ công bố ranh giới thềm lục địa của Ma-lai-xi-a bao trùm lên vùng phía Nam quần đảo Trường Sa, trong đó có các đảo An Bang (Việt Nam đóng quân), đá Công Đo (Phi-líp-pin đóng quân).
Tháng 6/1983 Ma-lai-xi-a bắt đầu hoạt động chiếm đóng trên thực địa bằng việc đưa quân ra đảo Hoa Lau. Tiếp đó, vào năm 1986, Ma-lai-xi-a chiếm đóng thêm 2 bãi Kỳ Vân, Kiệu Ngựa và biến chúng thành các căn cứ kiên cố.
Tháng 6/1999, nước này lại tiếp tụ đưa quân tới đá Én Ca và bãi Thám Hiểm.
Như vậy, cho tới nay, Ma-lai-xi-a quản lý tới 5 vị trí tại quần đảo Trường Sa. Tất cả các vị trí Ma-lai-xi-a nhận quản lý đều nằm trong đường đòi hỏi về ranh giới thềm lục địa năm 1979 của họ.
Yêu sách của Ma-lai-xi-a đối với Trường Sa dựa trên lập luận:
Các đảo, đá này thuộc Ma-lai-xi-a từ lâu đời, nằm trong Vương quốc cổ của Ma-lai-xi-a. Tuy nhiên, Ma-lai-xi-a lại không đưa ra được bằng chứng lịch sử nào để chứng minh. Năm 1975, phía Ma-lai-xi-a vẫn còn hỏi chính quyền Sài Gòn xem quần đảo Trường Sa có thuộc phạm vi Việt Nam yêu sách hay không.
Ma-lai-xi-a lại cho rằng các đảo đá này thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Ma-lai-xi-a, vì vậy chúng thuộc Ma-lai-xi-a. Lập luận này không có cơ sở theo luật Quốc tế vì chỉ có chủ quyền trên các đảo mới mang lại danh nghĩa quyền tài phán quốc gia trên các cùng biển lân cận chứ không phải ngược lại. Ma-lai-xi-a đã tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế từ năm 1980 nhưng không vạch rõ ranh giới.
Các lập luận của Ma-lai-xi-a đều chỉ dựa vào các yếu tố địa lý, kề cận về an ninh… những yếu tố này không được luật pháp quốc tế coi là điều kiện cơ bản để xem xét vấn đề chủ quyền lãnh thổ của một vùng đất vô chủ. Trong khi đó, khi Ma-lai-xi-a nhảy vào tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa thì quần đảo này đã có chủ quyền từ ít nhất 3 thế kỷ rồi.
IV. Về phía Phi-líp-pin
Cũng như Ma-lai-xi-a, trước khi Công ước Luật biển 1982 được hình thành với những quy định mời về đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và quy chế quốc gia quần đảo, Phi-líp-pin chưa có yêu sách một cách rõ ràng đối với quần đảo Trường Sa. Song từ cuối những năm 60, 70, thế kỷ 20, thời điểm mà những quy định mới này dần định hình, yêu sách của nước này đối với quần đảo Trường Sa mới trở nên rõ nét hơn.
Trước năm 1898, Phi-líp-pin là thuộc địa của Tây Ban Nha. Ngày 10/12/1898, Tây Ban Nha ký Hiệp ước Pa-ri với Mỹ nhượng quần đảo Phi-líp-pin cho Mỹ. trong hiệp ước này, quần đảo Phi-líp-pin được xác định bằng đường ranh giới theo tọa độ cụ thể. Không một hòn đảo, đá và bãi ngầm nào thuộc quần đảo Trường Sa nằm trong ranh giới này.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Phi-líp-pin kêu gọi trả lại các lãnh thổ mà Nhật Bản chiếm đóng cho Phi-líp-pin nhưng không nói gì tới quân đảo Trường Sa kể cả trong hội nghị San Francisco năm 1951.
Đòi hỏi về chủ quyền đối với Trường Sa của Phi-líp-pin một phần dựa trên “sự phát hiện” của Thomas Cloma năm 1956. Ngày 15/5/1956, Cloma chính thức thông báo đến Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Phi-líp-pin Carlos P.Garcia rằng họ đã chiếm hữu “một lãnh thổ trong Biển Đông, ngoài vùng biển của Phi-líp-pin và không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào.”
Ngày 21/5/1956, Cloma gửi một bức thư cho Bộ Ngoại Giao Phi-líp-pin để thông báo cho Chính phủ Phi-líp-pin việc đặt tên cho vùng lãnh thổ mà ông tuyên bố chiếm hữu là Freedomland. Sau đó Cloma chính thức tuyên bố thành lập chính quyền riêng biệt tại đảo Freedomland và đề nghị Chính phủ Phi-líp-pin dành cho nhóm đảo này được hưởng chế độ “bảo hộ”.
Khi đó, Bộ Ngoại Giao Phi-líp-pin cho rằng, ngoài 7 hòn đảo mà quốc tế thường gọi là Spratly, các đảo, cù lao, bãi ngầm được Cloma gọi là Freedomland đều gọi là đất vô chủ. Mọi công dân Phi-líp-pin đều có quyền tự do khai thác kinh tế và lập nghiệp tại các đảo này như công dân của bất cứ quốc gia nào.
Còn đối với 7 nhóm đảo mà quốc tế thường gọi là quần đảo Spratly, Chính phủ Phi-líp-pin cho rằng, chúng thuộc chế độ giám hộ của các quốc gia thắng trận trong chiến tranh thế giới thứ hai do kết quả của Hiệp ước Hòa bình Nhật ký tại San Francisco ngày 08/9/1951. Theo đó, Nhật khước từ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tới lúc này, các quốc gia đồng minh chưa có sự dàn xếp cụ thể đối với hai quần đảo này. Phi-líp-pin với tư cách là một trong những quốc gia đồng minh đã đánh thắng Nhật cho rằng, về phương diện địa lý, các quần đảo thuộc Freedomland kế cận với lãnh thổ Phi-líp-pin và đóng vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh, quốc phòng và kinh tế đối với Phi-líp-pin. Tại cuộc họp báo ngày 19/5/1956 tại Ma-ni-la, Ngoại trưởng Phi-líp-pin tuyên bố rằng, một nhóm đảo ở Biển Đông kể cả đảo Ba Bình (Ba Bình) và đảo Trường Sa (Spratly) đúng lý ra phải thuộc về Phi-líp-pin vì chúng nằm kế cận nước này.
Ngay khi đó, Chính quyền miền Nam Việt Nam và Trung Quốc nhanh chóng phản đối vời tuyên bố của Cloma. “Nhà nước Kelayaan” chỉ tồn tại trong một sự chiếm đóng ngắn ngủi và hình thành khu định cư trên một vài đảo. Sau đó những người định cư bị cấm đến Kalayaan và bị đưa tới Palawan, một đảo lớn gần Phi-líp-pin nhất. Tuy nhiên, Cloma vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với những đảo này cho tới tận cuối những năm 1970.
Năm 1971, một chiếc tàu đánh cá Phi-líp-pin mạo hiểm tiến quá gần đảo Ba Bình đã bị lính Đài Loan bắt. Phản ứng lại, Chính phủ Phi-líp-pin phản đối và một trong số các hành động phản đối là tuyên bố sở hữu trên danh nghĩa về mặt luật pháp đối với Trường Sa dựa vào việc “phát hiện” của Cloma. Từ năm 1971, Phi-líp-pin bắt đầu tiến hành chiếm đóng các đảo. Tháng 2/1979, Phi-líp-pin công bố sắc lệnh số 1596 của Tổng thống quy thuộc quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ Phi-líp-pin (trừ đảo Trường Sa), đặt tên là Kalayaan và cho hưởng quy chế độc lập thuộc tỉnh Palawan dựa trên sự giải thích của Ma-ni-la về Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951, về tính kế cận, về quyền lợi an ninh quốc phòng sống còn của Phi-líp-pin và về việc chiến đóng thực tế.
Tuyên bố của Phi-líp-pin ngay từ đầu đã bị nhiều nước phản đối, đây có lẽ là tuyên bố yếu nhất trong số các bên tham gia vào tranh chấp Trường Sa. Tuyên bố của Thomas Cloma về việc “phát hiện” các đảo vào năm 1947 là hoàn toàn không có cơ sở. Quần đảo Trường Sa bao gồm các đảo mà Cloma tuyên bố chủ quyền, rất lâu trước đó đã là mục tiêu của nhiều chuyến thám hiểm vẽ bản đồ và đã được “phát hiện” nhiều lần. Điều quan trọng là toàn bộ quần đảo này về mặt pháp lý đã thuộc chủ quyền của Việt Nam, ít nhất là thế kỷ XVII.
Từ những năm 1980, Phi-líp-pin đã đưa ra lập luận dựa trên thuyết quốc gia quần đảo. Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, quốc gia quần đảo có quyền mở rộng các vùng biển của mình ra ngoài đường cơ sở quần đảo. Các vùng biển này tạo nên vùng chống lấn với các vùng biển của quần đảo Trường Sa và các đảo Trường Sa nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin nên thuộc sở hữu của Phi-líp-pin. Lập luận này giống như lập luận mà Ma-lai-xi-a đưa ra.
Mặc dù tuyên bố chủ quyền của Phi-líp-pin đối với các đảo thuộc Trường Sa được coi là yếu nhất, song vào năm 1978, nước này vạch một ô “hình quả trám” mà theo đó đòi hỏi hâu như toàn bộ quần đảo Trường Sa (chỉ trừ đảo Trường Sa họ công nhận thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Sau những căng thẳng với Trung Quốc xung quanh đá Scarborough và bãi đá Vành Khăn 1995, Phi-líp-pin một mặt có phản ứng rất mạnh song mặt khác cũng hết sức chủ động trong việc tìm giải pháp. Phi-líp-pin đề cập tới nhiều cách thức giải quyết vấn đề (song phương, đa phương có sự tham gia của bên thứ ba, thậm chí cả việc đưa vấn đề ra trước Tòa án Quốc tế).
Họ đưa vấn đề ra thảo luận trước mọi diễn đàn, ở mọi cấp khác nhau. Ngoài ra, Phi-líp-pin cũng thúc đẩy sự trở lại của Mỹ đối với khu vực này nhằm giúp kiềm chế Trung Quốc. Thượng viện Phi-líp-pin đã thông qua Hiệp định thăm viếng lẫn nhau (VFA) với Mỹ, mở đường cho sự hiện diện trở lại của Mỹ. Tháng 2/2000 Phi-líp-pin và Mỹ tổ chức cuộc tập trận chung. Bên cạnh đó, Phi-líp-pin muốn Mỹ có vai trò nhất định trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông như là trung gian, tham gia vào quá trình giải quyết…
Tuy nhiên, Phi-líp-pin cũng không phải là đầu tàu trong việc đấu tranh chống lại “đòi hỏi” của Trung Quốc ở Biển Đông. Qua vụ Vành Khăn, người ta thấy rằng, do thực lực yếu, nên khi đạt được sự nhân nhượng nhất định từ phía Trung Quốc, Phi-líp-pin dễ dàng đi vào thỏa hiệp.
Cho đến nay, Phi-líp-pin đã có thỏa thuận với Trung Quốc và Việt Nam về một số quy tắc chung trong vấn đề giải quyết tranh chấp quần đảo Trường Sa, đồng thời là một trong những nước tích cực tham gia các biện pháp xây dựng lòng tin và giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình.
Phi-líp-pin cũng là nước đi đầu trong việc xúc tiến xây dựng một “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” giữa ASEAN và Trung Quốc. Với nội dung cơ bản là các bên tranh chấp không mở rộng chiếm đóng, tự kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình và tiến tới giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng.
Tuy nhiên, ngày 10/3/2009, Tổng thống Phi-líp-pin A-rô-giô đã ký ban hành Luật đường cơ sở mới của Phi-líp-pin, trong đó quy thuộc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ của Phi-líp-pin. Theo đó, Luật này coi các nhóm đảo thuộc Bãi cạn Xca-bơ-rô (Trung Quốc gọi Hoàng Nham) thuộc chủ quyền của Phi-líp-pin. Các đảo này có lãnh hải riêng thuộc thãnh thổ của Phi-líp-pin
Tóm lại, dựa trên cơ sở Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, trên Biển Đông đã và đang xảy ra tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các nước tiếp giáp Biển Đông. Việt Nam đã nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, ký Hiệp định phân định với Trung Quốc tại vùng Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định phân định với indo và Hiệp định phân định với Thái lan… Tuy nhiên, do Trung Quốc và các nước khác gần đây liên tục tuyên bố về chủ quyền, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực thực địa, thậm chí đưa ra đạo luật về Đường cơ sở, tạo vấn đề về pháp lý để trình Liên Hợp Quốc trong thời gian tới, khiến tình hình vấn đề tranh chấp trên đang ngày càng phức tạp./.
Duy An
Ngày 11/7/2024, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức Hội thảo Thường niên lần thứ 14 về Biển Đông tại Washington, D.C., Mỹ. TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao đã có bài phát biểu tại Phiên thứ nhất của Hội thảo về những diễn biến mới trong tình hình Biển Đông....
Ngày 25/6/2024, Học viện Ngoại giao phối hợp với Trung tâm Geneva về Quản trị An ninh Khu vực (DCAF), Thụy Sĩ tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quản trị Trí tuệ Nhân tạo tại Đông Nam Á”.
Từ ngày 24 đến ngày 29/05/2024, Học viện Ngoại giao phối hợp với Học viện Clingendael (Hà Lan) tổ chức Khóa học Luật biển quốc tế lần thứ 4 tại Hà Nội.
Ngày 13-15/9/2023, TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại Thường niên về Hậu quả Chiến tranh và Hòa bình tại Việt Nam, Lào và Campuchia lần thứ hai tại Washington, DC, Mỹ do Viện Hòa bình Mỹ (USIP) tổ chức.
Ngày 28/6, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ đã tổ chức Hội thảo Quốc tế Thường niên lần thứ 13 về Biển Đông tại Washington D.C., Mỹ. PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã có bài phát biểu tại Phiên thứ 2 của Hội thảo về những diễn biến pháp...
Ngày 11/7, Đối thoại Biển lần thứ 11 với chủ đề “Hoạt động phức hợp: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển” do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) đồng tổ chức đã diễn ra tại Hải Phòng.