2016 sẽ là một năm không dễ dàng đối với nền kinh tế thế giới. Giá cả hàng hóa vẫn sẽ duy trì ở mức thấp và tổng khối lượng thương mại toàn cầu tăng không đáng kể. Tuy nhiên, trong điều kiện như vậy, vẫn sẽ có những quốc gia nắm được ưu thế, và có cả những quốc gia trở thành kẻ thua cuộc. Những kẻ thua cuộc chính có thể sẽ là Nga, Brazil và Trung Quốc, và người được hưởng lợi là Mỹ, Iran và Argentina.

Một vài năm trước, các thị trường khối BRICS (các nền kinh tế mới nổi) là nơi đầu tư chính của nền tài chính toàn cầu. Bây giờ mọi thứ đã đổi khác, nền kinh tế của 3 trong số 4 thành viên tham gia khối này là Nga, Trung Quốc và Brazil đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Trong năm 2016, ba quốc gia này có thể tiếp tục đánh mất vị thế của mình.

Tình hình đối với Nga rất dễ hiểu và rõ ràng. Những dự báo kinh tế, cũng như ngân sách Liên bang đều được đưa ra trên cơ sở giá dầu ở mức 50 USD/thùng. Hiện giá dầu Brent Biển Bắc chỉ ở mức 36-38 USD/thùng, có nghĩa là giá dầu Urals của Nga còn thấp hơn mức đó vài USD. Giá dầu rẻ kéo theo một loạt vấn đề- sự suy yếu của đồng ruble, lạm phát tăng cao, giảm nhập khẩu và đầu tư, thu nhập của người dân và mức nhu cầu đều suy giảm. Cho đến nay, Chính phủ Nga vẫn không thay đổi những dự báo của mình trong năm tiếp theo. Bộ Phát triển Kinh tế Nga kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2016 sẽ ở mức 0,7%. Nhưng nếu giá dầu vẫn duy trì ở mức như hiện nay hoặc tiếp tục giảm thì sự suy thoái kinh tế sẽ trầm trọng hơn. Có khả năng suy thoái sẽ ở mức từ 3,8-3,9% trong năm nay.

Cả Brazil cũng đang rơi vào thời kỳ khó khăn. Theo dự báo của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch, GDP của Brazil năm 2015 đã giảm 3,7% và dự báo trong năm nay là 2,5%. Ngày 16/12, Fitch đã hạ mức xếp hạng của Brazil từ mức đầu tư BB+ xuống mức BBB- với triển vọng tiêu cực. Hãng này cho biết: “Sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tình hình tín dụng khó khăn, độ tin cậy thấp đối với nền kinh tế và lạm phát cao đã tạo áp lực đối với mức tiêu thụ, trong khi đó tình hình chính trị cũng có nhiều bất ổn, những khó khăn trong việc điều tra và hậu quả của việc điều tra tham nhũng đối với quỹ đầu tư Petrobras”.

Trung Quốc cũng không có hy vọng. Nền kinh tế Trung Quốc chưa thực sự rơi vào khủng hoảng. Trong năm 2015, dự báo tăng trưởng ở mức 6,8-6,9%. Vấn đề là trong giai đoạn 2012-2014, GDP của Trung Quốc tăng 7,3-7,4%, và giai đoạn 2008-2011 là 9,2-10,6%. Mức dưới 7% đã không xảy ra ở Trung Quốc kể từ năm 1990, khi GDP chỉ đạt 3,8%. Theo dự báo của các chuyên gia trên cơ sở khảo sát của Bloomberg, GDP của Trung Quốc năm 2016 có thể tăng 6,5% và 2017 tăng 6,3%. Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế, định hướng lại từ xuất khẩu chuyển sang tiêu thụ trong nước và xây dựng xã hội khá giả. Con đường thực hiện chính sách này có nhiều cạm bẫy. Có một khối lượng lớn các khoản nợ xấu tích tụ trong các lĩnh vực nhà nước và doanh nghiệp, bong bóng thị trường bất động sản và thị trường tài chính, dư thừa năng suất công nghiệp. Chính bởi vậy, có thể bất cứ lúc nào Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng nền kinh tế không phải chỉ tăng trưởng chậm lại mà còn suy thoái kinh tế.

Nhà kinh tế cao cấp về các vấn đề toàn cầu thuộc Citigroup, Vilem Biucher, nhận định Trung Quốc đã bước vào một khu vực của nguy cơ tăng trưởng nhanh mang tính chu kỳ “hạ cánh cứng” sẽ kèm theo sự sụt giảm các chỉ tiêu kinh tế. Và điều này sẽ lại gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, ảnh hưởng đặc biệt tới các quốc gia phát triển vốn vẫn cung cấp hàng hóa và nguyên liệu thô cho Trung Quốc. Còn một yếu tố nữa đó là những tranh chấp liên tục giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong khu vực và với Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông. Xung đột vũ trang chính là điều tồi tệ nhất có thể gây ảnh hưởng tới tình hình hiện nay.

Tình hình tại Ấn Độ và Iran khả quan hơn. Quốc gia duy nhất thuộc BRICS không rơi vào tình cảnh khó khăn là Ấn Độ. Tăng trưởng ở quốc gia này đạt 7%. Nhưng trong năm tới, giới phân tích cho rằng tăng trưởng sẽ giảm dần và nguyên nhân là do chính sách của chính quyền. Andrew Mowat, chiến lược gia của JP Morgan về các thị trường phát triển, cho rằng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đang làm chậm sự tăng trưởng GDP. Ngân hàng muốn giảm lạm phát (hiện nay đang cao hơn 5%), chính vì thế không vội vàng hạ lãi suất cơ bản (tại thời điểm hiện tại đang ở mức 6,75%).

Trong khi đó, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Iran giai đoạn 2016-2017 sẽ tăng lên 4-5,5%, và triển vọng trong trung hạn sẽ đạt 4%. Xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ trở thành vấn đề đối với các quốc gia khác. Tổng khối lượng dầu mới (0,5-1,5 triệu thùng/ngày) xuất ra thị trường sẽ tạo ra dư thừa và gây áp lực lên giá thành. Và người tiêu dùng chính là những người được hưởng lợi.

Đối với Argentina, tình hình có một chút phức tạp hơn. Triển vọng của quốc gia này liên quan tới hoạt động của chính quyền mới do Tổng thống thân phương Tây Mauricio Macri dẫn dắt. Người ta đang chờ đợi vị Tân tổng thống ngừng giới hạn ngoại hối, tự do hóa nền kinh tế và ngoại thương, giảm thâm hụt ngân sách. Đồng Peso đã được thả nổi tự do vào giữa tháng 12 vừa qua và việc hạn chế người dân mua ngoại tệ được gỡ bỏ. Tuy nhiên, nếu đồng Peso giảm 1/3 giá trị thì sẽ thúc đẩy lạm phát và làm cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, việc gỡ bỏ hạn chế trong các lĩnh vực khác nhau và sự bắt đầu tư nhân hóa tài sản quốc hữu trước đó có thể dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài.

Mỹ sẽ đè bẹp Nga trên thị trường dầu mỏ. Chính phủ Mỹ hy vọng năm 2016 sẽ trở nên tích cực đối với họ, mặc dù đồng USD đã tăng giá thông qua chính sách tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED). Dự kiến việc chuyển hóa tài sản thành đồng USD sẽ tăng lên, tốc độ tăng trưởng sẽ làm tăng lợi nhuận của các ngân hàng và của người dân bằng cách thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Mỹ có thể tính toán và cải thiện vị trí thương mại của mình trên thế giới. Họ đã lập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 quốc gia, và trong năm 2016 cần phải yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) ký TPP với họ.

Có thể khẳng định ý kiến cho rằng Nga, Brazil và Trung Quốc là những kẻ thua cuộc, còn Iran, Argentina và Mỹ là người chiến thắng là có cơ sở. Ở nhiều quốc gia, lĩnh vực tài chính vẫn có những điểm yếu và ở các thị trường mới nổi thì rủi ro tài chính càng cao. Tất cả những điều này cho thấy tăng trưởng toàn cầu năm 2016 sẽ không được như kỳ vọng và cũng không đồng đều giữa các quốc gia.

Theo Gazeta (Nga)

Thùy Bình (gt)