Những bước đi chắc chắn sẽ thất bại trong lĩnh vực thương mại 

Ông Trump thường được mô tả là một vị tổng thống "con buôn" coi thế giới như một chiếc bàn thương lượng lớn, nơi ông ta có thể dùng kinh nghiệm kinh doanh của mình để mặc cả những điều khoản và điều kiện tốt hơn cho người lao động và các công ty Mỹ. Do đó, ông Trump sẽ tiếp tục để chương trình nghị sự của mình chú trọng vào lĩnh vực mà ông xem là thế mạnh của mình: kinh tế và thương mại. Mặc dù nền kinh tế nội địa có thể là thứ gần gũi nhất với sở trường của tổng thống, song đó cũng chính là nơi mà ông gặp phải bức tường rào hiến pháp. Kết quả là, cuộc cải cách thuế được ông quảng bá rầm rộ nhằm giảm mạnh thuế cho các công ty sẽ tiếp tục mắc kẹt trong cuộc tranh cãi tại quốc hội xung quanh vấn đề chăm sóc sức khỏe và ngân sách. 

Chính quyền mới của Mỹ sẽ tập trung xử lý các vấn đề thương mại, chẳng hạn như gây áp lực với những quốc gia mà Mỹ đang phải chịu thâm hụt thương mại lớn. Tuy nhiên, Mỹ khó có thể chỉ đơn giản là buộc những nước này phải nhập khẩu thêm hàng hóa của Mỹ nhằm thu hẹp đáng kể thâm hụt thương mại của Mỹ. Và trong một số trường hợp, công suất hiện nay của các nhà máy ở Mỹ chưa sẵn sàng cũng như không thể đáp ứng được nhu cầu gia tăng đáng kể ở nước ngoài. Thay vào đó, đối với một số ngành nhất định, Washington sẽ tìm cách khuyến khích người Mỹ mua hàng Mỹ và thực thi các biện pháp thương mại để hạn chế một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài. 

Nhà Trắng sẽ chú trọng vào ngành thép vì chính nhân công làm việc trong ngành này là lực lượng cử tri chủ đạo ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, việc tăng thuế nhập khẩu thép có nguy cơ chọc giận những nhà tiêu dùng thép lớn ở Mỹ. Mặt khác, công suất trong nước của Mỹ không đủ đáp ứng hầu hết nhu cầu thép của nước này (thường là dùng cho những sản phẩm liên quan đến quân sự). Mỹ có thể sử dụng một số điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thắt chặt những hạn chế đối với hàng nhập khẩu. Song từ rất lâu trước khi ông Trump thắng cử, Washington đã áp đặt hơn 150 khoản thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu. 

Chính quyền Trump đã giới thiệu trước Quốc hội chính sách "bảo vệ quyết liệt chủ quyền của nước Mỹ trước những vấn đề về chính sách thương mại". Cụ thể là Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ không ràng buộc bản thân với những điều khoản của WTO "không phù hợp" với luật pháp Mỹ. Điều này làm dấy lên câu hỏi là Nhà Trắng sẽ thúc đẩy chính sách bảo hộ đi xa đến mức nào để giải quyết tình trạng nhập siêu và quá trình này sẽ gây ra những nguy cơ gì. Ông Trump đã chỉ đạo Bộ Thương mại mở cuộc điều tra về việc liệu thép nhập khẩu có làm tổn hại lợi ích an ninh của nước Mỹ khi gạt ra rìa những nhà sản xuất thép trong nước hay không. Dựa trên định nghĩa trước đây và hiện tại về an ninh quốc gia, Mỹ khó có thể biện minh cho lập luận như vậy. Song mệnh đề an ninh quốc gia là công cụ cực mạnh trong tay nhà hành pháp. Nếu Chính quyền Trump mở rộng định nghĩa này để bổ sung những vấn đề như việc làm và sự ổn định nội địa, Nhà Trắng có thể sử dụng thêm một loạt công cụ nhằm vào những ngành khác cũng đang khó khăn do sự cạnh tranh của nước ngoài. 

Do đó, ông Trump đang có xu hướng hành động có thể dễ dàng dẫn đến thất bại. Nếu như Mỹ tích cực chơi con bài an ninh quốc gia trong lĩnh vực thương mại, các đối tác thương mại của họ sẽ buộc phải hành động tương tự. Trò ăn miếng trả miếng sẽ gây phương hại tới nền tảng của trật tự thương mại quốc tế mà suốt 70 năm qua Mỹ đã củng cố như một phần của trách nhiệm lãnh đạo thế giới. 

Tuy nhiên, đây không phải là lý do để đưa ra những dự đoán đáng lo ngại về sự kết thúc của hình thái thương mại tự do mà chúng ta vốn quen thuộc. Chỉ một tổng thống sẽ không thể hủy hoại những dây chuyền cung ứng liên quan chặt chẽ với nhau trên toàn cầu đã tồn tại hàng thập niên qua. Ngoài ra, không có gì đảm bảo là Nhà Trắng sẽ theo đuổi xu hướng chính sách này đến tận cùng. Chính quyền Trump không đủ sức chấp nhận được cái giá chính trị phải trả nếu như phá bỏ những quan hệ thương mại của Mỹ với bên ngoài, và Nhà Trắng vẫn cần một WTO đáng tin cậy để thực thi nhiều biện pháp thương mại mà họ vốn đã đang tìm cách viện đến. Trên thực tế, chỉ cần đưa ra lời đe dọa làm đảo lộn cách thức quản lý thương mại quốc tế đã là một chiến thuật đàm phán hữu ích trong bối cảnh Nhà Trắng tìm cách cải thiện những điều khoản mậu dịch song phương với những quốc gia như Mexico và Trung Quốc. 

Tình thế nan giải quen thuộc trong vấn đề Triều Tiên 

Ông Trump đã loan báo với cả thế giới rằng bằng cách gây áp lực thương mại lên Trung Quốc, ông sẽ xử lý được cuộc khủng hoảng Triều Tiên theo cách "chưa từng có". Song việc gắn thương mại với chính sách đối ngoại đã nhanh chóng trở nên rối tung. Gần đây, Tổng thống Trump đã đổi ý, không còn lấy việc xác định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ làm chiến thuật đàm phán nhằm buộc Bắc Kinh phải tăng áp lực lên Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ngay từ đầu, mối đe dọa dùng chiến thuật này đã không khả thi. Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã bảo vệ, chứ không phá giá đồng nội tệ của mình; trên thực tế nước này muốn ngăn chặn đồng nhân dân tệ mất giá quá mạnh vì điều này làm trầm trọng thêm làn sóng chảy vốn ra nước ngoài và cản trở những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố tiêu dùng trong nước và giảm bớt sự phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu. Tất nhiên, Trung Quốc lo ngại về những biện pháp thương mại có chọn lọc mà Nhà Trắng đang theo đuổi nhằm mục tiêu vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, và họ sẽ đưa ra những hứa hẹn cho phép các nhà đầu tư Mỹ tiếp cận nhiều hơn một số lĩnh vực của họ. 

Động lực thương mại Mỹ-Trung sẽ đem lại sự thay đổi đáng kể trong cách xử lý vấn đề Triều Tiên? Không đúng. Trong bối cảnh củng cố quyền lực trước thềm Đại hội đảng Cộng sản và chống đỡ những đòn tấn công thương mại từ Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình đang thận trọng cách tiếp cận kết hợp cây gậy quân sự và củ cà rốt kinh tế đối với các nước láng giềng nhằm xác định khu vực ảnh hưởng, gạt Mỹ ra ngoài. Triều Tiên đang can thiệp vào những kế hoạch này. Bình Nhưỡng càng tiến gần hơn tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân tầm xa, Mỹ càng dấn sâu hơn vào châu Á-Thái Bình Dương, vươn tới nơi mà Trung Quốc xem là sân nhà của họ. 

Đối với Trung Quốc, một Triều Tiên bất ổn đáng ngại hơn nhiều so với một Triều Tiên có hạt nhân. Mặc dù Trung Quốc có đòn bảy kinh tế đáng kể đối với Triều Tiên, song có những giới hạn rõ ràng cho việc Bắc Kinh áp dụng các lệnh trừng phạt với nước này. Trung Quốc không muốn phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng người tị nạn trên biên giới của họ và không muốn khiến chính phủ tại Bình Nhưỡng sụp đổ nếu như điều đó đồng nghĩa với kịch bản là Trung Quốc phải chấp nhận một Triều Tiên thống nhất dưới cái ô an ninh của Mỹ. Các nhà hoạch định kế hoạch quân sự tại khu vực và Mỹ biết rằng đơn giản là không có phương án quân sự để kiểm soát hành động của Bình Nhưỡng khi mà Hàn Quốc nằm trong tầm ngắm của số lượng pháo binh khổng lồ của Triều Tiên và cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều nằm trong tầm ngắm của kho tên lửa của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, chính phủ của Kim Jong-un đã làm được một việc khác thường là khiến Trung Quốc (và phần còn lại của thế giới) phải đau đầu xem xét những đánh giá của tình báo khi hoạch định kế hoạch quân sự sao cho tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất là một cuộc chiến tranh khu vực. 

Do đó, mặc dù những phát biểu hùng hồn của Washington về Triều Tiên đã mang âm hưởng của "sự mất kiên nhẫn chiến lược", song ông Trump có thể sẽ chịu chung số phận của những người tiền nhiệm. Sau khi đã vận dụng hết áp lực kinh tế có thể lên Trung Quốc, Chính quyền Trump sẽ phải hủy phương án quân sự rủi ro cao, đó là tấn công phủ đầu Triều Tiên trong trường hợp Washington phát hiện thấy Bình Nhưỡng chuẩn bị tiến hành tấn công liều chết nhằm vào Mỹ, Nhật Bản, hay Hàn Quốc. Về phần mình, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển khả năng răn đe hạt nhân. Mỹ sẽ tìm cách vô hiệu hóa mối đe dọa này bằng cách chú trọng vào những biện pháp ngầm nhằm phá hoại chương trình này, tăng cường phòng thủ tên lửa tại khu vực, và hỗ trợ khả năng phòng thủ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự hiện diện dày đặc hơn của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ làm xấu hơn căng thẳng giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Mỹ và các đối tác an ninh của họ. Và trước thực tế Triều Tiên có hạt nhân, những cam kết an ninh của Washington tại khu vực sẽ được thử thách. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc có lý do để nghiêm túc đặt câu hỏi về chiếc ô hạt nhân của Mỹ đang bảo vệ họ, hai nước này có thể sẽ có những bước đi tiến tới phát triển các chương trình hạt nhân của riêng mình, đúng như điều mà ông Trump đã công khai kêu gọi trong chiến dịch tranh cử. 

Cuộc đối đầu kéo dài tại khu vực Á-Âu 

Quan hệ của Mỹ với Nga sẽ tiếp tục căng thẳng trong những tháng tới. Cuộc điều tra liên miên về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ là ngọn lửa chính trị mà Nhà Trắng sẽ không thể dập tắt hoàn toàn. Kết quả là vấn đề nới lỏng trừng phạt có thể tiếp tục là vấn đề gai góc, không thể được nêu ra trong thời gian tới. 

Cả Mỹ lẫn Nga đều duy trì lực lượng quân sự tại châu Âu vốn trong trạng thái sẵn sàng hành động do cuộc đối đầu kéo dài. Nếu như Moskva và Washington có tổ chức được cuộc đàm phán nào có ý nghĩa thực chất trong 100 ngày tới, thì đó sẽ là về vấn đề kiểm soát vũ khí. Song họ cũng sẽ phải đối đầu với nhiều trở ngại lớn. Trước một nước Mỹ đang mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và cuộc chạy đua về vũ khí siêu thanh, Nga không có ý định tự trói buộc mình vào những hiệp định kiểu như Hiệp ước các lực lượng hạt nhân thông thường, vốn không còn tồn tại trên thực tế. Và trong khi Trung Quốc đứng ngoài các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí, cả Nga lẫn Mỹ đều có động cơ khác, ngoài sự cạnh tranh lẫn nhau, để xóa bỏ những ràng buộc lỗi thời của những hiệp ước trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, họ sẽ vẫn tìm cách tìm kiếm những lĩnh vực có thể đạt được thỏa thuận mới. 

Giữa lúc phải đối phó với làn sóng bất mãn dâng cao ở trong nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ duy trì chiến lược lâu nay là làm rạn nứt trụ cột của Liên minh châu Âu và NATO. Các kết quả bầu cử ở Pháp có nguy cơ làm lung lay nền tảng của EU. Cử tri Pháp bị chia rẽ và nguy cơ cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6 có thể khiến nước Pháp rơi vào thế bế tắc, đó là chưa kể đến những vấn đề thâm căn cố đế gây ra sự đình trệ kinh tế và căng thẳng xã hội, sẽ khiến cho dư luận Pháp tiếp tục có thái độ hoài nghi EU và cản trở những cuộc cải cách cơ cấu. Cùng lúc, Italy, vẫn còn rất mong manh, sẽ tiến gần hơn tới một cuộc bầu cử, và mâu thuẫn Bắc-Nam ở châu Âu sẽ rộng thêm - đúng vào lúc cử tri Đức chuẩn bị đi bỏ phiếu vào mùa Thu. Trong khi đó, nước Anh bước vào các cuộc đàm phán kéo dài sau quyết định rời khỏi EU. (Trong quá trình này, London sẽ trở thành tấm gương để một số thành viên khác của EU có thể noi theo). Nhà Trắng đã công khai tán thành nhãn quan châu Âu của những người hoài nghi châu Âu là phù hợp với quan điểm của Washington về lợi ích quốc gia là trên hết. Tuy nhiên, nếu trật tự của châu Âu bị đảo lộn Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì những lợi ích của mình tại đây trong khi Nga sẽ lợi dụng tình thế mới để làm tan rã liên minh phương Tây. 

Những tái điều chỉnh đầy rủi ro tại Trung Đông 

Giữa lúc những cơn địa chấn lan rộng khắp châu Âu và châu Á, Mỹ sẽ phải bận rộn tìm cách xoay xở giữa ma trận chính trị Trung Đông. Chiến trường Syria đem lại cơ hội để Mỹ phô diễn sức mạnh quân sự, mà điển hình là vụ tấn công tên lửa vào căn cứ quân sự của Chính phủ Syria gần đây. Song Syria cũng là nơi mà Mỹ phải thực sự chú trọng vào cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong cuộc chiến dó, Nga sẽ đóng cả hai vai trò cản trở và trung gian hòa giải, nhằm cố gắng buộc Mỹ phải tham gia cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn. Thổ Nhĩ Kỳ, sau chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý gần đây về hiến pháp, có thể dám đối đầu với Mỹ, Nga và Iran trong khi xác định vùng ảnh hưởng của họ ở toàn bộ miền bắc Syria và Iraq với lý do là kiềm chế người Kurd và bảo vệ người Sunni trước sự bành trướng của Iran. 

Các cường quốc Sunni hàng đầu tại khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia sẽ nhận thấy rằng vị Tổng thống Mỹ này sẵn sàng kiềm chế Iran hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Trong khi cựu Tổng thống Barack Obama lãnh trách nhiệm vô hiệu hóa mối đe dọa hạt nhân của Iran để Mỹ có thể tránh bị kéo vào một cuộc chiến tranh khác tại Trung Đông, giờ đây ông Trump sẽ nỗ lực để làm thay đổi cán cân quyền lực khu vực theo hướng nghiêng về phe Sunni. Điều này không có nghĩa là Chính quyền Trump sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và mở ra một chiến trường xung đột tiềm tàng mới. Thay vào đó, Nhà Trắng có quan điểm cứng rắn hơn đối với Iran thông qua việc tiếp viện các đồng minh Sunni trong cuộc chiến "mượn tay người khác" tại Syria, Yemen và Iraq. Những biện pháp trừng phạt can thiệp trực tiếp vào thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sẽ được tránh, song có thể Nhà Trắng sẽ bổ sung những lệnh trừng phạt liên quan đến lạm dụng nhân quyền và Iran tài trợ khủng bố. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Iran dự kiến diễn ra vào ngày 19/5, những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm kiểm chế Iran sẽ gây tác động ngoài mong muốn, đó là làm lợi cho phe cứng rắn ở Iran, làm tăng thêm sự bấp bênh cho mối quan hệ vừa mới hòa dịu giữa Washington và Tehran. 

Cuộc khủng hoảng ngày một nghiêm trọng tại Caribe 

Mỹ cũng sẽ khó có thể phớt lờ bầu không khí hoảng loạn sẽ bao trùm vùng Caribe trong những tháng tới. Những điều kiện kinh tế ngày một xấu đi tại Venezuela rốt cuộc đã dẫn đến những cuộc biểu tình rầm rộ ở thủ đô, kể cả ở những khu nghèo nhất của Caracas, nơi mà hệ tư tưởng Chavismo một thời rất mạnh nay đã phai nhạt. Nguy cơ công ty dầu khí quốc doanh Petroleos de Venezuela (PDVSA) vỡ nợ sẽ tăng lên đáng kể trong nửa cuối năm nay, trở thành một nguyên nhân gây bất ổn nữa. Trước viễn cảnh đáng ngại đó, chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro sẽ phải có những bước đi củng cố quyền lực và trấn áp các cuộc đấu tranh trên đường phố. Song những rạn nứt sâu sắc trong các lực lượng an ninh và quân sự chịu trách nhiệm dập tắt bạo động đang đe dọa làm tan rã chính phủ. Mỹ đã chọn phương án đẩy nhanh sự sụp đổ của chính quyền này bằng cách áp dụng các lệnh trừng phạt nặng nền hơn đối với PDVSA, song trước một số cuộc khủng hoảng khác và những ưu tiên phải cân nhắc, có thể Nhà Trắng tiếp tục giữ khoảng cách, để mặc cho quốc gia này tự sụp đổ. 

100 ngày tiếp theo 

Mặc dù theo truyền thống chức danh tổng thống Mỹ rất có uy thế, song những người sáng lập ra nước Mỹ đã khiến cho chức vụ này bị bao vây bởi nhiều phía. Và mặc dù nhánh hành pháp có ít cơ hội để định hình chính sách đối ngoại hơn so với luật nội địa, song cơ quan này phải thường xuyên đấu tranh với những hiện thực địa chính trị đầy trúc trắc vốn cản trở tổng thống hiện thực hóa nhãn quan về thế giới của mình. "Nước Mỹ trên hết" cũng có nghĩa là "Trung Quốc trên hết", "Nước Nga trên hết", "Nước Đức trên hết" và vân vân. Mỗi quốc gia đều theo đuổi lợi ích quốc gia của mình, trong quá trình làm điều đó thường xuyên nhận thấy những động lực của mình xung đột với động lực của những nước khác. Những lực lượng kinh tế, nhân khẩu học, công nghệ không thể đảo lộn đang định hình lại bức tranh thương mại toàn cầu, mối đe dọa của một cuộc chiến tranh ở Đông Bắc Á liên quan đến Triều Tiên, sự hoài nghi có từ trong lịch sử giữa Nga và phương Tây và trong cả nội bộ châu Âu, cuộc chiến hệ tư tưởng và giáo phái thâm căn cố đế đang bị khuấy động trong thế giới Hồi giáo - tất cả là một tập hợp những cuộc khủng hoảng đáng sợ mà bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng phải xử lý. Và cho dù chúng ta nhìn lại 100 ngày đã qua hay hướng về 100 ngày trước mắt, chắc chắn sẽ thấy những giới hạn quyền lực của tổng thống đã, đang và sẽ bị thử thách.

Reva Goujon là chuyên viên Phân tích Toàn cầu tại tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor. Bài viết được đăng trên Stratfor.

Văn Cường (gt)