Sự vĩ đại nhất của một hệ thống chính trị dân chủ là có tính hợp pháp trước mọi thay đổi. Khi một chính phủ độc tài thay đổi người lãnh đạo, sẽ luôn không rõ chính phủ đó sẽ như thế nào và điều gì sẽ xảy ra. Năm 2016 tại Mỹ, ông Donald Trump đã giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử hợp pháp và trở thành tổng thống đắc cử. Đây là một cuộc bầu cử đã phơi bày sự thật là người dân Mỹ không hài lòng như thế nào đối với cách điều hành của chính phủ nước này trong 2 chính quyền vừa qua. Cả hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thể hiện những hình ảnh bế tắc và trì trệ. Chính quyền George Bush công khai chỉ trích chính sách phá đám của phe Dân chủ tại Quốc hội, trong khi chính quyền Obama xỉ vả quan điểm không khoan nhượng của những người Cộng hòa. Và người dân Mỹ ngày càng tức giận với cả hai chính đảng này. Tổng thống đắc cử Trump đã nắm bắt được tâm lý đó của công chúng Mỹ và dù thế nào thì cuộc bầu cử vừa qua cũng cho thấy một sự tiếp quản đầy bất lợi của đảng Cộng hòa. Chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump mang tính chất trình diễn hơn là đấu tranh cho các kế hoạch chính sách cụ thể. Việc dựng lên một bức tường ngăn biên giới ở phía Nam và bắt Mexico phải chi trả kinh phí là một hành động cảm tính, chứ không phải là một kế hoạch chính sách. Những người ủng hộ ông Trump biết rõ điều đó, trong khi những nhân vật theo chủ nghĩa quốc tế truyền thống kiên trì bám lấy những ngôn từ cụ thể như thể chúng tạo thành khuynh hướng chính sách thật sự. Cử tri Mỹ muốn xóa bỏ hệ thống chính trị cũ kỹ ở Washington, nhưng đất nước này vẫn cần cấu trúc và nguyên tắc điều hành chính phủ đáng tin cậy. Giờ đây, sự cảm tính trong chiến dịch tranh cử của ông Trump cần phải chuyển hóa thành những chính sách rõ ràng trong chính quyền. Điều đó đòi hỏi sự hiểu biết về chính phủ và cách thức vận hành của nó, sự hiểu biết về những vấn đề đang tồn đọng và hiểu rõ rằng các lực lượng sẽ cần phải được điều chỉnh khi định hình chính sách mới. Bối cảnh toàn cầu hiện nay đồng nghĩa với việc Mỹ phải am hiểu thế giới bên ngoài và thấu hiểu một điều là các hành động xảy ra ở các quốc gia khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mạng sống của người dân và sự thịnh vượng tại Mỹ. Hơn bao giờ hết, Chính phủ mới của Mỹ sẽ cần phải có những ý tưởng lớn và những phân tích chất lượng. Vậy đâu là những thách thức an ninh quốc gia lớn nhất mà Chính quyền Donald Trump sẽ phải đối mặt sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017?  4 thách thức, vốn không phải là những thách thức được trình bày trong Báo cáo hàng ngày của Tổng thống, như đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, cuộc chiến tại Syria hay ứng phó với một Triều Tiên vũ trang hạt nhân. Thay vào đó, đây là những thách thức sẽ tạo ra xung lực ngầm mang lại cơ hội hoặc biến thành khủng hoảng trong những năm tới, định hình không chỉ thành công của Chính quyền Donald Trump mà cả sức sống cho nước Mỹ trong các chính quyền tiếp sau đó. 

Thứ nhất, tình hình trong nước 

Nền chính trị của nước Mỹ đang bị xuống cấp, chính phủ tự cao tự đại, kinh tế trì trệ và đất nước thì bị chia rẽ. Tất cả những điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia của nước Mỹ. Các nước khác đang theo dõi khả năng của Mỹ làm những việc lớn, nói đi đôi với làm, khả năng hành động hiệu quả và có mục đích rõ ràng, cũng như hoạch định một cách hiệu quả các chiến lược. Nếu Mỹ không làm được những điều này, hoặc vì thiếu khả năng hoặc vì thiếu quyết tâm, các quốc gia khác sẽ coi đó như là dấu hiệu của sự yếu kém. Các đồng minh sẽ xa lánh và kẻ thù thì được khích lệ. Tôi thường có cảm giác rằng sức mạnh của Mỹ trước tiên phản ánh qua sức mạnh của xã hội và nền kinh tế trong nước. Nghĩ về điều nước Mỹ có thể làm, và tín hiệu mà nó phát đi ra thế giới bên ngoài, Chính quyền Donald Trump có thể xây dựng sự đồng thuận chính trị ở trong nước về vấn đề tạo công ăn việc làm, cải cách thuế, đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nghề, tái thiết cơ sở hạ tầng, hợp lý hóa các quy định và vận hành chính phủ hiệu quả hơn. Dù đây chỉ là những vấn đề quốc nội của Mỹ, giới lãnh đạo và người dân khắp thế giới sẽ quan sát chúng ta một cách sát sao. Nếu chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề nội bộ này trong vòng 4 năm tới, vị thế và tầm ảnh hưởng của nước Mỹ trên trường quốc tế sẽ tăng mạnh. Lấy một ví dụ, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã thể hiện mong muốn không bị hạn chế chi tiêu của Bộ Quốc phòng, những khoản cắt giảm chi tiêu tự động được áp dụng sau cuộc khủng hoảng trần nợ công hồi năm 2011. Tình trạng cắt giảm ngân sách là rất tai hại và nên được chấm dứt. Tuy nhiên, việc chấm dứt tình trạng này phụ thuộc vào khả năng của Chính quyền Trump tìm kiếm một sự đồng thuận rộng rãi trong việc cân bằng ngân sách và các nguồn lực như thế nào trong những năm tới. Cho đến nay, các chính đảng mới chỉ thúc đẩy cách giải quyết của họ đối với các vấn đề tài chính mà chính phủ phải đối mặt. Những quyết sách dài hạn phụ thuộc vào sự thỏa hiệp. Điều khiến cho kiểu chính trị thỏa hiệp trở lên khó khăn như hiện nay là việc bản thân Quốc hội Mỹ đã suy yếu. Sức mạnh thật sự tại Washington có được khi chúng ta kiểm soát đời sống chính trị trong điều hành đất nước. Hiện nay nền chính trị đang mất kiểm soát. Các lá phiếu là những tuyên bố mang tính biểu tượng được đưa ra để định hình cuộc bầu cử tiếp theo. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nước Mỹ sẽ không hơn gì một con hổ giấy trong mắt cộng đồng quốc tế. 

Thứ hai, quan hệ với các đồng minh 

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn về các đồng minh của Mỹ. Ứng cử viên Trump về cơ bản miêu tả các đồng minh tại châu Âu, châu Á và vùng Vịnh là hưởng lợi từ sự bảo vệ của Mỹ mà không đóng góp gì (giống một cảm nghĩ được Tổng thống Barack Obama nêu ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi mùa Hè 2016). Hàm ý của câu nói này là Mỹ đang phải một mình gánh vác các gánh nặng đảm bảo trật tự quốc tế và đó là điều chúng ta nên chấm dứt, đồng thời bắt đầu chia sẻ gánh nặng cho các quốc gia khác vốn lâu nay được hưởng lợi từ sự lãnh đạo của Mỹ mà không chia sẻ trách nhiệm đảm bảo an ninh với chúng ta. Chưa rõ Tổng thống Donald Trump sẽ hành xử như thế nào với các đồng minh hay ông đánh giá họ ra sao. 

Có vẻ ông Trump coi trọng các đồng minh, nhưng sẽ yêu cầu họ phải cam kết lớn hơn. Chiến lược trọng tâm đã được phát triển để giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh - xây dựng các liên minh để chia sẻ gánh nặng phòng thủ và để thiết lập một trật tự thế giới có quy chuẩn – vẫn còn nguyên giá trị và hữu dụng. Nước Mỹ cam kết bảo vệ các nước khác để sẽ không phải tự vệ trong đơn độc. Các thách thức an ninh mà nước Mỹ đối mặt hiện nay có thể ít mang tính sống còn hơn so với trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, song chúng phức tạp hơn rất nhiều. Chúng ta không được nghĩ rằng đất nước có thể dễ dàng giải quyết một mối đe dọa mà không cần đồng minh. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu các đồng minh và đối tác của Mỹ đánh giá giá trị mà họ nhận được trong mối quan hệ với Mỹ và nhận thấy chúng ta còn thiếu sót. Điều gì sẽ xảy ra nếu các quốc gia bắt đầu hoài nghi “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ, hoặc nếu việc không có một chiến lược kinh tế tại châu Á đẩy các nước xích lại gần Trung Quốc hơn, hoặc nếu châu Âu bắt đầu tan rã không còn là một khối thống nhất, hoặc nếu các đối tác vùng Vịnh tìm kiếm một nước bảo trợ khác cho an ninh khu vực? Không một kịch bản nào trong số này tốt với Mỹ. Dù Donald Trump tin rằng việc tuyên bố cứng rắn với các đồng minh sẽ gây ấn tượng về sự mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump có thể kết luận rằng những lời lẽ hùng hồn như thế khiến các đồng minh hoài nghi cam kết của Washington đối với việc chia sẻ gánh nặng đảm bảo an ninh, làm xói mòn hơn nữa nền tảng chiến lược của Mỹ lãnh đạo một mạng lưới các quốc gia chia sẻ nhận thức về lợi ích chung. Nước Mỹ sẽ làm mới mạng lưới đó như thế nào để đối phó hiệu quả hơn trước các thách thức an ninh hiện nay? 

Thứ ba, các đối thủ cạnh tranh khu vực ngày càng quyết đoán 

Điều khiến các đồng minh của Mỹ đặc biệt lo lắng là những đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Trung Quốc, Nga và Iran đang ngày càng hành động quyết đoán trong những năm gần đây. Các nước này đang phát triển những phương thức nhằm thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ, song ở một cấp độ chưa đủ để châm ngòi cho một sự đáp trả công khai của Washington. Đây được gọi là “cuộc chiến mơ hồ”, “chiến tranh lai tạp” và “hoạt động trong vùng xám”. “Hoạt động trong vùng xám” bao gồm các hoạt động do thám mạng, tác chiến ngầm, các chiến dịch tâm lý, khuyến khích các nhân tố nổi dậy, diễn tập quân sự hay phá hoại kinh tế và chính trị một cách toàn diện. Học thuyết này nằm ngoài phạm vi những hành động phòng vệ truyền thống, khởi đầu bằng những biện pháp ngấm ngầm hối lộ các chính khách tại những quốc gia mục tiêu. Bởi vì chúng ta không dễ nhìn thấy biểu hiện hữu hình của sự lạm quyền này, và bởi vì nó được đặt dưới chuẩn một cách có chủ ý, nên chúng ta sẽ không đáp trả ngay lập tức. Các “giới hạn đỏ” có từ lâu trở nên vô nghĩa. Chúng ta biết cần làm gì nếu một trong các đồng minh bị xâm lược, nhưng quả là mơ hồ hơn nhiều khi một thực thể thương mại bí ẩn nào đó mua một ngân hàng không đáng tin cậy và sử dụng ngân hàng này để mua chuộc các chính khách của một quốc gia đồng minh. Đây không phải là chiến tranh, nhưng hệ quả thật sự là Mỹ đánh mất tầm ảnh hưởng tại châu Á, châu Âu và Trung Đông. Nước Mỹ có thêm một rắc rối đó là chính phủ không được tổ chức tốt để phát hiện và ứng phó với vấn đề này. Mối đe dọa vượt qua các đường ranh giới truyền thống giữa quốc phòng, ngoại giao và ngoại giao công; giữa hành động công khai và do thám; giữa an ninh và kinh tế. Trong thời Chiến tranh Lạnh, chúng ta hành động hiệu quả hơn khi áp dụng một cách tiếp cận toàn diện vì có một cái nhìn đồng thuận về kẻ thù. Hiện nay không hề có một sự đồng thuận như thế. Đây là điều phức tạp hơn rất nhiều so với Chiến tranh Lạnh, đòi hỏi một sự ứng phó tinh vi và có phối hợp hơn nhiều so với điều nước Mỹ đã làm từ trước tới nay. 

Thứ tư, nội hàm an ninh của cuộc cách mạng viễn thông 

Cuộc cách mạng viễn thông đang tác động lớn tới các cách tiếp cận an ninh quốc gia truyền thống, và sẽ trở thành vấn đề quan trọng hơn nữa trong vài năm tới. Ở mức cơ bản nhất, nước Mỹ dễ tổn thương trong lĩnh vực đảm bảo thông tin và cơ sở hạ tầng. Nằm sâu dưới những tuyên bố mang tính chính trị hóa về vấn đề này trong chiến dịch tranh cử vừa qua là một mối đe dọa thật sự có thể xuất hiện nếu kẻ thù tiếp cận hoặc kiểm soát được quyền chỉ huy hạt nhân, hệ thống ngân hàng hoặc mạng lưới điện của Mỹ. Lịch sử đã chứng minh rằng tấn công thường dễ hơn phòng thủ trong lĩnh vực không gian mạng và đây là điều đáng quan ngại. Ngoài an ninh mạng, chúng ta cũng thấy vai trò của truyền thông hiện đại trong việc lên kế hoạch, thúc đẩy và cực đoan hóa các phần tử khủng bố, những kẻ muốn gây phương hại cho nước Mỹ. Tình trạng thiếu niềm tin giữa Chính phủ Mỹ và khu vực tư nhân đã khiến việc giải quyết vấn đề giám sát và ngăn chặn các vụ tấn công trở nên đặc biệt khó khăn. Mỗi bên đều coi “an ninh” hoặc “quyền bảo mật” là ưu tiên cao nhất, khiến cho thỏa hiệp trở thành điều bất khả thi. Cuối cùng, gián tiếp hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng, chúng ta đang chứng kiến cách thức các công cụ truyền thông hiện đại cho phép những cá nhân ở khắp nơi trên thế giới né tránh các thực thể, kênh thông tin và các quy tắc đã được thiết lập. Đây là nguồn gốc của dân chủ và tự do, nhưng đi kèm theo nó là những tác động ngoài mong muốn như bào mòn năng lực của chính phủ đối phó một cách thích đáng trước các sự việc. Các chính phủ sẽ không bao giờ đủ lanh lợi để theo kịp tốc độ của truyền thông hiện đại. Điều này đương nhiên sẽ trao cho các thế lực thù địch phi chính phủ một lợi thế khi sự quan tâm bị phân tán. 

Nhìn về tương lai

Đây là 4 thách thức lớn sẽ định hình bản chất các cuộc khủng hoảng cũng như cơ hội phát sinh trong 4 năm tới. Trong khuôn khổ báo cáo này, các chuyên gia của CSIS nỗ lực phác thảo các lĩnh vực chính sách mà chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ phải đối mặt. Công việc của một tổng thống Mỹ luôn là giúp nước Mỹ sinh tồn và người dân Mỹ thịnh vượng. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, nước Mỹ luôn là niềm hy vọng của thế giới về một thế giới tốt đẹp hơn. Trách nhiệm là rất lớn và thành tích cũng chưa hoàn hảo, song vấn đề là nước Mỹ đang gánh vác nhiệm vụ này. Không có lý do gì để nghĩ rằng nước Mỹ sẽ bỏ cuộc trong những năm tới. Khi Thượng nghị sĩ Bob Dole nhận Huân chương Tự do Tổng thống từ Tổng thống Bill Clinton, chỉ vài tuần sau khi thua ông Bill Clinton trong cuộc bầu cử, ông Bob đã đưa ra tuyên bố như sau: “Các thách thức của chúng ta không phải là hoài nghi lý tưởng của người Mỹ, hay thay thế chúng, mà là hành động một cách xứng đáng với những lý tưởng đó. Nếu chúng ta ghi nhớ điều này, khi đó nước Mỹ sẽ luôn là quốc gia của tương lai, nơi mỗi ngày đều là một sự khởi đầu mới và mọi người đều được Chúa đối xử công bằng”. 

Hành động xứng đáng với các lý tưởng của Mỹ: đây chính là thách thức lớn nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta phải thật sự đối mặt. 

Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS). Bài viết nằm trong loạt bài Dự báo toàn cầu năm 2017 của CSIS.

Trần Quang (gt)