trump_0.jpg

Sau một năm nắm quyền cùng với Chiến lược An ninh Quốc gia mới (NSS) mà Trump vừa công bố ngày 18/12/2017, chúng ta có thể phần nào phán đoán được triển vọng chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ trong thời gian tới.

Học thuyết Trump

Với quan điểm cho rằng Mỹ đang phải đối mặt với sự va chạm giữa các nền văn minh và đối phó với những thách thức nảy sinh từ vấn đề này, Tổng thống Donald Trump trước hết kêu gọi xây dựng và duy trì một lực lượng quân đội có sức mạnh áp đảo và ưu việt nên đã tăng cường đáng kể cho ngân sách quân đội. Với học thuyết "áp đảo", Washington cùng một lúc phải "duy trì được năng lực để đối phó với kẻ thù", đồng thời phải "đảm bảo công dân Mỹ không bao giờ phải tham gia vào những cuộc chiến mà kẻ thù có sức mạnh tương đương hoặc vượt trội".

Mỹ cần phải ngăn chặn xung đột, nếu không thì cũng cần phải đảm bảo giành chiến thắng trong cuộc đọ sức đó. Khả năng giành thắng lợi cần được đảm bảo ở tất cả các mặt trận (trên đất liền, trên không, trên biển, trong không gian và cả không gian mạng) đồng thời phải ngăn chặn được tất cả các khả năng tấn công chiến lược của đối tượng khủng bố cho tới các cuộc tấn công "tại vùng xám" của những đối thủ lớn muốn lợi dụng sự mập mờ giữa chiến tranh và hòa bình. Chính quyền Trump tuyên bố sẽ cương quyết ngăn chặn các hoạt động leo thang đe dọa của kẻ thù, bao gồm cả việc ngăn chặn không để xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân. Theo đó, Nhà Trắng sẽ sử dụng các biện pháp phủ đầu để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Mỹ. Biện pháp này có thể được áp dụng để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.

Bên cạnh đó, để có thể xây dựng được ưu thế vượt trội cho quân đội, chiến lược của chính quyền Trump nhằm tập trung tăng cường phát triển kinh tế với quan điểm cho rằng "an ninh kinh tế là an ninh quốc gia". Theo đó, Nhà Trắng cam kết thúc đẩy tăng trưởng, bảo vệ lợi thế của Mỹ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và sáng tạo làm nền tảng cho việc tăng cường sức mạnh cho quân đội, nhất là công nghệ mới nổi có thể áp dụng để sản xuất các loại vũ khí tiên tiến.

Để giảm thiểu sự quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Trump chủ trương ưu tiên làm sống lại ngành sản xuất Mỹ. Để đảm bảo độc lập và tự do trong hành động, Trump cũng chủ trương thúc đẩy nhằm biến Mỹ thành cường quốc năng lượng lớn nhất, nhà sản xuất dầu khí và khí tự nhiên hàng đầu thế giới thông qua quyết định gây nhiều tranh cãi là: đồng ý cho phép các hoạt động khoan dầu tại các khu vực ngoài khơi của Mỹ.

Cuối cùng, Trump đang tìm cách đàm phán lại với các đối tác nước ngoài nhằm thay đổi các quan hệ đối tác đồng thời góp phần giảm thiểu thâm hụt thương mại giữa hai bên. Đây cũng là một trong những chủ đề chính trong chuyến công du châu Á hồi cuối năm 2017 vừa qua. Để đạt được mục tiêu này, Nhà Trắng tăng cường đấu tranh với "các hành động thương mại không công bằng" như: bán phá giá, sử dụng các hàng rào phi thuế quan nhằm phân biệt đối xử với hàng hóa Mỹ, chuyển giao công nghệ cưỡng bức, trợ cấp công nghiệp và các hoạt động hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhà nước...

Bên cạnh việc muốn các đồng minh, đối tác của Mỹ đóng góp một cách hợp lý cả khả năng và thiện chí trong đối phó với các mối đe dọa chung, Trump còn cho rằng các đồng minh, đối tác cần hợp tác để đối phó với các cường quốc hiếu chiến có hành động đe dọa độc lập và chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước. Ngoài việc thúc đẩy các lợi ích kinh tế Mỹ, mục đích của việc này là nhằm duy trì "sự cân bằng có lợi" cho Mỹ trên toàn cầu. NSS mới của Mỹ nêu rõ "Washington sẽ sử dụng tất cả các công cụ để đảm bảo rằng các khu vực trên thế giới không bị một quyền lực nào đó chi phối" - ngụ ý nhằm vào Trung Quốc.

Hội chứng Trung Quốc

Trung Quốc là đối thủ chính trong chính sách đối ngoại của Trump. NSS của Mỹ coi Trung Quốc là "đối thủ chiến lược", không chỉ "thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích Mỹ" mà còn "cố gắng làm xói mòn an ninh và thịnh vượng của Mỹ". Sự cạnh tranh Mỹ-Trung diễn ra ở mọi khu vực địa lý, từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, từ không gian vũ trụ đến không gian mạng.

Ở châu Âu, Nhà Trắng cam kết hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để đối phó với "các hoạt động kinh tế và thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc và hạn chế Bắc Kinh mua lại những công nghệ nhạy cảm". Tại Mỹ La Tinh, NSS của Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc ủng hộ chính quyền Venezuela, tăng cường buôn bán vũ khí tại khu vực và sử dụng các khoản vay đe dọa tới chủ quyền của các nước. Tại Nam và Trung Á, trong khi chính quyền Trump tiến hành các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Pakistan, Trung Quốc lại hợp tác với nước này thông qua dự án "Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan" với số vốn trị giá lên tới 62 tỉ USD. Tại Trung Đông, Trung Quốc cũng đã tạo ra được ảnh hưởng kinh tế rộng lớn. Bắc Kinh là khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Iran, gây khó khăn cho Mỹ trong việc cô lập Iran. Đối với khu vực châu Phi, Nhà Trắng cũng sẽ tìm cách thách thức "các dấu ấn kinh tế" của Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã làm sói mòn sự phát triển của lục địa đen thông qua việc hối lộ tầng lớp tinh hoa, thống trị các ngành công nghiệp đồng thời thao túng các quốc gia này bằng các khoản nợ và những cam kết không rõ ràng.

Ở khu vực "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", chính quyền Trump coi nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi cán cân quyền lực và là một mối đe dọa chiến lược đối với các lợi ích của Mỹ. NSS của Mỹ cho rằng các "hoạt động kinh tế" của Bắc Kinh như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại... là nhằm phục vụ tham vọng địa chính trị của Trung Quốc. Nhà Trắng đã gọi các hành động "tôn tạo, xây dựng trái phép" của Trung Quốc cũng như những nỗ lực quân sự hóa của nước này tại Biển Đông là hành động "gây nguy hiểm cho tự do thương mại và đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác đồng thời làm sói mòn sự ổn định của khu vực". Và luận điệu ngụy biện "win-win" (cùng thắng) của Trung Quốc là nhằm che dấu sự thống trị của Bắc Kinh vốn đe dọa tới chủ quyền của các nước nhỏ hơn trong khu vực.

Ngoài ra, chính quyền Trump còn nhằm vào các chương trình phát triển vũ khí tiên tiến, khả năng Trung Quốc có thể đe dọa tới cơ sở hạ tầng và sở chỉ huy, kiểm soát của Mỹ. Năng lực quân sự của Trung Quốc ngày càng được nâng cấp và những công nghệ đột phá tiềm năng được thiết kế để hạn chế Mỹ tiếp cận và đưa ra quyết định tại các khu vực như Biển Đông. Trong không gian vũ trụ và không gian mạng, vũ khí và công nghệ hiện đại của Bắc Kinh cũng đang đe dọa tới kiến trúc viễn thông vốn được sử dụng để hỗ trợ cho kinh tế và quân đội Mỹ. Sự hiện đại hóa quân đội và sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc một phần xuất phát từ các hoạt động đánh cắp công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Theo đó, Trump sẽ kiên quyết bảo vệ các phát minh sáng chế, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm quốc gia... trước các ảnh hưởng của Trung Quốc. Thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đã kết thúc và NSS thực chất là chiến lược để Mỹ tranh giành quyền lực với Trung Quốc.

Trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Tổng thống Trump dường như đang theo đuổi "Chủ nghĩa hiện thực nguyên thủy". Theo đó, chính sách "được định hướng bởi kết quả chứ không phải theo hệ tư tưởng" đồng thời dựa trên các giả định kép về sự cạnh tranh liên tục (nhất là giữa các nước lớn) và sự ảnh hưởng tích cực của các giá trị Mỹ trong vấn đề toàn cầu.

Tác giả là ông Roncevert Ganan Almond, Phó Giám đốc Tập đoàn The Wicks có trụ sở tại Washington DC, cố vấn luật quốc tế của Ủy ban xem xét các vấn đề an ninh, kinh tế trong quan hệ Mỹ-Trung. Bài viết đăng trên “The Diplomat”.

Hùng Sơn (gt)