Theo trang mạng của Tổ chức phân tích thông tình báo "Stratfor", việc tăng cường can dự vào Biển Đông chỉ là một phần trong những toan tính mới của Nhật Bản. Trong hàng thập niên sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản rơi vào thế bị cuốn theo những thay đổi chiến lược của khu vực. Ngày nay, trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, tất cả các đảng phái chính trị tại Nhật Bản đều thừa nhận rằng thay đổi là cần thiết. Tokyo đang trong giai đoạn đầu của tiến trình khôi phục sức mạnh chính trị và kinh tế, đồng thời lấy lại niềm tự hào về vị thế của mình tại khu vực. 

Năm 2017, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể liên quan đến tiến trình kể trên. Ngoài việc tăng cường can dự vào Biển Hoa Đông và Biển Đông, chính quyền Abe có thể còn tăng cường sự hiện diện về ngoại giao và kinh tế của Tokyo tại Đông Nam Á. Trong khi đó, ông Abe sẽ theo đuổi một hòa ước với Nga để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài. Quan trọng hơn, ông Abe sẽ mở rộng hợp tác an ninh và ngoại giao song phương với Mỹ nhằm tìm cách đảm bảo cam kết và sự can dự của Wasington tại khu vực. Đồng thời, Nhật Bản sẽ tận dụng những cơ hội đến từ những thay đổi tiềm tàng trong chiến lược khu vực của Mỹ - đó là chuyển từ các mối quan hệ đối tác đa phương như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã phá sản sang các mối quan hệ song phương - để đóng vai trò lãnh đạo tích cực hơn nhằm kiềm chế Trung Quốc. 

Ông Abe sẽ sử dụng vị thế chính trị mạnh mẽ của mình - liên minh cầm quyền đang giữ siêu đa số tại cả hai viện của Quốc hội Nhật Bản - để thúc đẩy chương trình nghị sự ở trong nước. Trong năm 2017, ông Abe sẽ làm những gì cần thiết để duy trì hai "cung tên" đầu tiên của kế hoạch kinh tế của ông, đó là nới lỏng tiền tệ và kích thích tài chính, đồng thời hối thúc các cải cách cơ cấu thứ ba (mũi tên thứ ba) trong các lĩnh vực như lao động, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động và người nhập cư. Có thể chính quyền của ông sẽ tìm cách lợi dụng cuộc cạnh tranh an ninh khu vực đang leo thang và sự bấp bênh xung quanh vị thế của Washington tại khu vực để hối thúc các cuộc cải cách hiến pháp nhằm bình thường hóa các lực lượng quân sự của Nhật Bản. Trung Quốc sẽ vẫn giữ vị trí trung tâm tại châu Á-Thái Bình Dương. 

Còn về Trung Quốc, sau 3 thập niên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế "vũ bão" nhờ xuất khẩu các sản phẩm rẻ tiền và hoạt động đầu tư của nhà nước vào hạ tầng cơ sở, Trung Quốc đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng tư nhân và hoạt động chế tạo có giá trị gia tăng cao. 

Đối với vấn đề Biển Đông, Trug Quốc sẽ áp dụng chiến lược vừa cưỡng bức vừa để ngỏ một số cơ hội hợp tác. Trong năm 2017, Trung Quốc sẽ theo hướng giải quyết các tranh chấp trên cơ sở song phương, và có thể đưa ra thêm nhân nhượng trong những lĩnh vực như phát triển năng lượng và có thể sẽ ký một bộ quy tắc ứng xử, theo đó hạn chế những hành động của chính họ. Chiến lược mới của Trung Quốc sẽ vấp phải những thách thức đến từ quan hệ với Mỹ xấu đi, một số quốc gia như  Indonesia, Singapore, Úc  và Nhật Bản - tất cả đều không có tuyên bố chủ quyền tại những vùng tranh chấp nóng nhất của Biển Đông  - can dự vào các vấn đề an ninh hàng hải của khu vực. 

Bị kẹt giữa một Trung Quốc đang trỗi dậy và một Nhật Bản đang hồi phục, cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều tự thấy mình rơi vào những tình huống bấp bênh về chiến lược, tuy theo các cách khác nhau. Trong năm 2017, Triều Tiên có thể tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân vì các mục đích kỹ thuật cũng như nhằm nhắc nhở thế giới - đặc biệt là Washington - về tầm quan trọng chiến lược của họ. Điều này sẽ gây áp lực buộc Seoul phải tăng cường quốc phòng và mua thêm vũ khí, mặc dù cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay có thể cản trở nỗ lực này. Washington có thể sẽ mở rộng cơ chế trừng phạt Bình Nhưỡng song song với việc yêu cầu Bắc Kinh gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy có thể không thu được kết quả: Bắc Kinh vẫn tránh gây áp lực đáng kể lên Bình Nhưỡng vì không muốn chính phủ Triều Tiên sụp đổ. 

 Triển vọng về một sự phục hồi đôi chút về nhu cầu hàng hóa toàn cầu sẽ là sự thay đổi đáng hoanh nghênh đối với những nước xuất khẩu như Úc và Indonesia, song sự sụt giảm giá cả do khu vực nhà ở của Trung Quốc chậm lại vẫn là một nguy cơ thực sự. Trong năm tới, các nền kinh tế mới nổi của châu Á có thể bị phương hại do những nguy cơ bao gồm: chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại Mỹ, tranh chấp mậu dich Mỹ-Trung, khả năng FED đẩy nhanh các đợt tăng lãi suất, và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực củng cố các ngành công nghiệp nặng và có liên quan đến tài nguyên. Những quốc gia nhiều nguy cơ phải chịu cú sốc kinh tế nhất là những nước vay nợ nước ngoài nhiều (Malaysia và Indonesia), những nước có nền tảng kinh tế và mậu dịch thiếu đa dạng (Cambodia), và những nước phải đối phó với sự bất ổn và bấp bênh chính trị trong nước (Thái Lan và Hàn Quốc). Tuy nhiên, các nền kinh tế nhỏ hơn của châu Á sẽ tiếp tục theo đuổi sự hòa nhập đầu tư, mậu dịch và kinh tế khu vực bất luận làn sóng hoài nghi mậu dịch đang dân cao tại những khu vực khác của thế giới. 

Thái Lan sẽ chú trọng vào các vấn đề nội địa trong năm 2017, trong khi chính quyền quân sự tìm cách duy trì sự ổn định chính trị và xã hội trong nước. Cuộc thử nghiệm quan trọng đầu tiên sẽ xuất hiện trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm sau. 

Trong khi đó, Philippines sẽ tiếp tục giữ cân bằng giữa quan hệ đối tác với Mỹ và mối quan hệ đang ấm lên với Trung Quốc. (Một cuộc chạm trán bất ngờ tại Bãi cạn Scarborough có thể làm thay đổi động lực này). Chiến lược này sẽ tạo cho Manila thêm khoảng không để chú trọng vào các vấn đề nội địa như cải cách chính trị và các cuộc hòa đàm tại miền Nam .

Chừng nào uy tín của Tổng thống Rodrigo Duterte còn cao thì quyền lực của ông sẽ không gặp phải mối đe dọa nghiêm trọng nào trong năm 2017. Tuy nhiên, những sáng kiến đối nội và chương trình nghị sự đối ngoại của ông sẽ đòi hỏi phải duy trì nhiều vốn liếng chính trị, trong khi chúng có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc đấu quyền lực nội bộ giữa các thành viên trong chính phủ và giới tinh hoa chính trị. 

Với các cuộc bầu cử của Malaysian có khả năng diễn ra trong năm 2017, sự manh mún về chính trị và sự bất ổn về kinh tế sẽ thử thách sự cấu kết về sắc tộc và xã hội đã tồn tại kể từ khi quốc gia này giành độc lập. 

Tương tự, những quan ngại về sự ổn định xã hội, chính trị và kinh tế tại Indonesia sẽ vừa thúc đẩy, vừa kiềm chế các cuộc cải cách kinh tế và tài chính hiện hành. Những quan ngại này diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với Indonesia, giữa lúc Jakarta đang chuyển trọng tâm từ các cơ chế trên toàn ASEAN sang các cuộc đàm phán song phương để đảm bảo những lợi ích hàng hải của mình. 

Úc sẽ tìm cách đóng vai trò nổi bật hơn trong việc thúc đẩy sự hòa nhập về đầu tư và mậu dịch tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nước này cũng sẽ tìm cách đảm bảo an ninh hàng hải dọc theo những tuyến đường mậu dịch quan trọng sống còn. Tuy nhiên, ở trong nước, Canberra sẽ phải vật lộn để vượt qua những chia rẽ chính trị ngày càng lớn và thế bế tắc tại Quốc hội.

Theo Stratfor

Trần Quang (gt)