Trong vài năm trở lại đây, bất ổn và những diễn biến khó lường đã trở thành một “sự bình thường mới”. Thế giới rung chuyển bởi các cuộc xung đột ở Syria và Iraq, sự can dự ngày càng sâu của Nga vào cuộc chiến ở Ukraine, những bê bối tham nhũng làm xáo trộn chính trường Brazil, sự đảo chiều của nền kinh tế Trung Quốc hay những hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ và chứng khoán… Tuy nhiên, 2016 có thể sẽ là một năm còn tồi tệ hơn thế, nhất là bởi nhiều cuộc khủng hoảng sẽ trầm trọng hơn, đe dọa đẩy thế giới đứng trước những bất ổn cực kỳ khó lường. Giá dầu và nhiều mặt hàng khác có thể còn tiếp tục giảm sâu, dòng người di cư tràn về châu Âu ngày một nhiều, trong khi nền kinh tế Nga chao đảo và các quốc gia đối mặt với bóng ma khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng những nhóm chân rết của IS trên toàn cầu.

1. Mỗi ngày 1 triệu thùng dầu của Iran sẽ được đưa ra thị trường thế giới

Trong gần 4 năm qua, Mỹ và Iran đã triển khai những biện pháp ngoại giao để ít nhất là giải quyết vấn đề khúc mắc xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran. Ngày 16/1, các thanh sát viên quốc tế đã hoàn tất quá trình thẩm tra kéo dài 6 tháng về mức độ tuân thủ thỏa thuận của Iran, và các lệnh trừng phạt liên quan đến hạt nhân đã được dỡ bỏ, giúp nước Cộng hòa Hồi giáo này “thu về” hơn 100 tỷ USD từ các nguồn tiền mặt bị đóng băng và có quyền khôi phục lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Cộng đồng quốc tế cho rằng với việc được dỡ bỏ trừng phạt, Iran sẽ đưa khoảng từ 500-600 nghìn thùng dầu ra thị trường quốc tế và điều này sẽ tiếp diễn trong vòng từ 12-18 tháng tới. Tuy nhiên, Iran đã tuyên bố kế hoạch sản xuất khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Điều mà nhiều người tự hỏi là trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường thế giới đang dư thừa như hiện nay, lý do nào khiến Iran đi đến quyết định tăng mạnh sản lượng.

Iran tự cho mình là một cường quốc số một ở khu vực Trung Đông, với lịch sử 2.500 năm cùng hàng loạt di sản văn chương, các nhà văn và triết học nổi tiếng. Iran cho rằng nước này đã nhiều năm bị bẽ mặt bởi sự thống trị của Ả Rập Saudi trên thị trường dầu mỏ quốc tế, hay bởi những hành động gây tổn hại của Mỹ. Giờ đây họ sẽ có cơ hội để xóa bỏ những điều này. Có thể nói Iran đã chuẩn bị cho ngày này từ rất lâu.

Giới quan sát cho rằng tốt hơn hết là người ta không nên kỳ vọng vào một “tuần trăng mật” với Tehran. Những diễn biến hồi đầu tháng 1 như việc Iran bắt giữ các thủy thủ người Mỹ, đối xử với họ như tù nhân chiến tranh; bắt cóc 3 công dân Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq chỉ vài ngày sau khi hai nước tiến hành trao đổi tù binh, càng củng cố hơn nhận định này.

Trước thực tế nhiều nhân vật ủng hộ cải cách ở Iran bị hủy bỏ tư cách tham gia các cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, cuộc bầu cử bị coi là có lợi cho phe có quan điểm cứng rắn ở nước Cộng hòa Hồi giáo này, cho thấy 2016 nhiều khả năng sẽ tiếp tục là một năm cực kỳ căng thẳng trong quan hệ giữa Iran, Ả Rập Saudi và Mỹ.

2. Giá dầu tiếp tục ở mức thấp

Sự xuất hiện của nguồn dầu mỏ Iran trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục giữ giá dầu thô ở mức thấp trong năm nay. Điều này kéo theo nguy cơ suy thoái toàn cầu khá nghiêm trọng. Giá dầu có thể tăng dần vào khoảng cuối năm song khó có thể vượt quá 45 USD/thùng.

Trong khi đó, Ả Rập Saudi vẫn sẽ tiếp tục duy trì sản lượng của mình, khoảng 10 triệu thùng/ngày, với mục đích làm tổn hại nền kinh tế của kẻ thù không đội trời chung là Iran. Bởi Iran sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp với nguyên nhân chủ yếu là dự trữ tiền mặt của nước Cộng hòa Hồi giáo này thấp hơn rất nhiều so với của Riyadh.

3. Ông Putin sẽ bỏ rơi Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ lựa chọn kiểu thỏa thuận nào cho hòa bình ở Syria. Có ý kiến cho rằng ông Putin có thể sẽ nhân nhượng phương Tây với việc chấp nhận để ông Assad rời khỏi chiếc ghế Tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 12/1, ông Putin đã đề cập tới việc có thể cung cấp cho nhà lãnh đạo này một nơi trú ẩn an toàn sau khi ông từ nhiệm. Ả Rập Saudi nhiều khả năng sẽ ủng hộ một thỏa thuận kiểu này, bởi điều đó đồng nghĩa với việc “thoát khỏi” Assad. Iran có thể sẽ không đồng tình với thỏa thuận trên và tìm cách cản trở. Về phía Mỹ, giới chức sẽ chấp nhận nếu một cuộc bầu cử được lên kế hoạch diễn ra vào một thời điểm nào đó cuối tiến trình hòa bình (trong vòng 18 tháng tới).

Đổi lại, ông Putin có thể sẽ yêu cầu phương Tây, EU và cả NATO thay đổi chính sách đối với Ukraine. Ông cũng có thể đòi hỏi một sự hiện diện thường xuyên của Nga tại Syria, và yêu cầu phương Tây dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt kinh tế nước này. Bởi vậy, khi giá dầu hồi phục, Nga sẽ nhanh chóng có cơ hội khôi phục kinh tế và sự ủng hộ của dư luận trong nước.

Về phía phương Tây, với những kinh nghiệm không mấy vui vẻ sau nhiều lần đàm phán với Putin, cũng có thể chấp nhận thỏa thuận này. Khó có thể nói trước về diễn biến các cuộc đàm phán song một thỏa thuận làm hài lòng tất cả các bên là phương Tây cam kết để ông Putin tiếp tục có ảnh hưởng tại Syria, bên cạnh Mỹ, trong khi yêu cầu nhà lãnh đạo này hạn chế can thiệp vào Ukraine.

4. Tổng thống Obama sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo

Sau chiến dịch quân sự tại Afghanistan để trả đũa vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Mỹ đã bắt 780 người liên quan đến vụ việc này và giam tại nhà tù ở Vịnh Guantanamo. Vài tháng sau, nhiều thủ lĩnh của tổ chức khủng bố al-Qaeda cũng bị bắt giam và được đưa tới đây. Tuy nhiên, sau hàng loạt bê bối liên quan đến việc tra tấn tù nhân hay bắt giam không qua xét xử và vô căn cứ đã khiến nhà tù này trở thành đề tài bị nhiều người chỉ trích. Việc đóng cửa nhà tù Guantanamo là cam kết cuối cùng chưa được hoàn tất trong chiến dịch tranh cử năm 2008 của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhiều người dự đoán ông sẽ nỗ lực hoàn thành kế hoạch này trong giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ.

5. Donald Trump trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa, song sẽ để thua Hillary Clinton

Nhiều học giả cho rằng những cuộc thăm dò ý kiến trong nhiều tháng qua không phản ánh đúng cuộc chạy đua giành tấm vé đại diện cho đảng Cộng hòa và nhà tỷ phú tai tiếng Donald Trump sẽ nhanh chóng bị các ứng cử viên khác vượt mặt khi cuộc đua vào giai đoạn nước rút. Tạp chí “Financial Times” dự đoán Thượng nghị sỹ Ted Cruz sẽ đại diện cho đảng này trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với ứng cử viên đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong mọi cuộc thăm dò tại nhiều tiểu bang và trên cả nước trong suốt những tháng qua, ông Trump đều đang bỏ xa các đối thủ và thậm chí trong cuộc thăm dò ý kiến gần đây do tờ “Wall Street Journal” và kênh truyền hình NBC tiến hành trên cả nước, tỷ phú Trump đang nhận được 33% sự ủng hộ của cử tri trong khi ông Cruz chỉ nhận được 20% số phiếu ủng hộ. Nhiều khả năng ông Trump sẽ là người đối mặt trực tiếp với bà Clinton trong cuộc chạy đua trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, và nếu kịch bản này trở thành sự thật, cựu Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ sẽ đánh bại ông Trump một cách thuyết phục.

Theo Quartz

Văn Cường (gt)