Về kinh tế thế giới: Chính sách tiền tệ-tín dụng tiếp tục nới lỏng và giá dầu thấp trong năm tới sẽ có tác động giảm bớt sự mâu thuẫn trong nội bộ châu Âu. Thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng. Giá dầu thấp tiếp tục có ảnh hưởng quan trọng đến vấn đề địa chính trị. Việc Iran đưa dầu ra bán ở thị trường thế giới vào nửa đầu năm 2016 sẽ bù đắp cho việc sụt giảm khai thác dầu ở Mỹ.  Trong khi đó, Ả Rập Xê-út vẫn sẵn sàng mua thêm trái phiều dài hạn và trì hoãn việc giảm lượng dầu dự trữ để đối phó với giá dầu thấp. Ả Rập Xê-út chỉ thay đổi chính sách khai thác dầu chỉ khi biết chắc mức độ ảnh hưởng của việc bán dầu Iran đối với thị trường dầu lửa thế giới.  Giá nguyên nhiên liệu thấp và việc tăng lãi suất tín dụng ở Mỹ ảnh hưởng đến đồng tiền của các quốc gia khác, báo hiệu một năm khó khăn đối với phần lớn các nước Mỹ La Tinh. Tổng thống Brasil Dilma Russeff  đe dọa bị truất quyền và môi trường đầu tư ở nước này xấu đi.  Tổng thống Argentina có cơ hội tiến hành cải cách nhưng nguồn lực của ông rất hạn chế. Đảng XHCN của Venezuela cuối cùng bị tan vỡ do áp lực kinh tế và chính trị. Đất nước này có nguy cơ phải tuyên bố vỡ nợ vào năm tới.

Về cuộc chiến chống khủng bố: Nhiều nước trên thế giới tiếp tục quan tâm đến mối đe dọa của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, cuộc chiến chống IS và sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến này. Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là chống lại lực lượng IS, mà còn kiềm chế những người Kurd ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường ảnh hưởng ở khu vực, đẩy mạnh hoạt động quân sự ở miền Bắc Syria, cũng như tăng cường sự hiện diện của mình ở phía Bắc Irak. Nga ít mong muốn điều này vì Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát lối ra Biển Đen và Địa Trung Hải. Những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ làm tăng nguy cơ xung đột với Nga và Iran. Nước Nga không muốn đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng họ có tránh được điều này hay không khi Nga đang tích cực đẩy mạnh hoạt động quân sự trên mặt trận Syria và cuộc chiến chống IS là một phần chính sách của Nga tại Syria. Sự can dự của Nga vào cuộc xung đột ở Syria sẽ tăng lên và điều này sẽ dẫn đến sự mở rộng nhiệm vụ ban đầu Nga đặt ra và Nga sẽ phải giải quyết quá nhiều nhiệm vụ trong một lúc. Nga sẽ tìm cách thỏa hiệp với Mỹ và làm chậm sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại không gian hậu Xô Viết. Về phần mình, Mỹ sẵn sàng đàm phán với Nga về các vấn đề có tính chiến thuật nhưng sẽ chống lại các mưu toan của Nga muốn sử dụng cuộc chiến chống IS làm đòn bẩy gây áp lực đối với các vấn đề khác. Tuy nhiên, những hành động của chính quyền Mỹ không đủ để củng cố khối liên minh với các đồng minh châu Âu trên mặt trận chống Nga.

Chiến dịch quân sự chống IS được tăng cường chắc chắn sẽ gây tổn hại tới hạt nhân của lực lượng hồi giáo này. Tuy nhiên, tổ chức hồi giáo Khalifat ở miền Nam sẽ không bị tiêu diệt trong năm tới. Việc thiếu vắng lực lượng bộ binh tham chiến sẽ cản trở chiến dịch chống IS. Vị thế của IS ở Trung Đông giảm đi, trong khi đó lực lượng này và các chi nhánh của nó sẽ tìm cách tiến hành các cuộc khủng bố ở bên ngoài Trung Đông để duy trì sự hiện diện của mình. Điều này thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhóm khủng bố Jihad theo kiểu Al-Qaeda tại bán đảo A Rập, các nước Maghreb, Tây Phi và Nam Á. Mối đe dọa của Jihad sẽ nuôi dưỡng tư tưởng bài đạo Hồi ở phương Tây và gây chia rẽ châu Âu. Việc kiểm soát biên giới để bảo vệ bản sắc dân tộc sẽ phá vỡ nguyên tắc của EU về việc đảm bảo tự do đi lại của con người. Việc đóng cửa biên giới sẽ tạo “cái bẫy” đối với người nhập cư ở các nước phía Tây Ban Căng, nơi đang tồn tại những căng thẳng về sắc tộc và tôn giáo. Đức và Pháp, hai trụ cột của EU vẫn giữ vai trò hàng đầu trong liên minh châu Âu. Trong bối cảnh chuẩn bị cho các cuộc bầu cử vào năm 2017, tại hai nước này đang có sự chuyển dịch ngày càng mạnh theo hướng dân tộc chủ nghĩa và có thái độ hoài nghi về sự tồn tại của EU. Đức ngày càng trở nên dễ thỏa hiệp hơn trong các vấn đề hội nhập châu Âu.

Về tình hình Trung Quốc: Chính quyền Trung Quốc đối mặt với việc tăng trưởng kinh tế chậm lại và hiện buộc phải xem xét lại chính sách của mình. Có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách tự do hóa thị trường tài chính và giảm bớt áp lực quản lý hành chính đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn một đối trọng kinh tế cho việc thúc đẩy tăng trưởng các nước Đông Nam Á để cân bằng với sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở khu vực này.

Về tình hình Nga: Tình hình ở Nga phụ thuộc nhiều vào khả năng của chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế bởi nó đang dẫn tới sự chống đối ngày càng tăng trong xã hội. Điện Cremlin sẽ không ngăn cản mạnh tay những sự chống đối ở quy mô nhỏ mang màu sắc kinh tế, nhưng sẽ đàn áp bất kỳ những hoạt động phản kháng quy mô lớn và có tổ chức, mang tính chất chống đối chính phủ. Việc tăng cường tuyên truyền cổ súy cho cuộc chiến chống IS có thể đẩy mạnh phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan, đôi khi dẫn tới việc các lực lượng dân tộc chủ nghĩa truy lùng những người nhập cư. SBU muốn sử dụng các mối đe dọa của IS và các nhóm hồi giáo cực đoan khác để mở rộng quyền lực của mình ở trong và ngoài nước. Điện Cremlin sẽ tìm cách gây sức ép lên lực lượng đối lập trước thềm bầu cử quốc hội vào tháng 9 tới. Bên canh đó, cuộc đấu tranh trong nội bộ giới tinh hoa chính trị của điện Cremlin tiếp tục tăng lên. Những mâu thuẫn chính là vấn đề trợ giúp của chính phủ, chính sách năng lượng, trong đó có việc cổ phần hóa Rosneft và có khả năng chấm dứt sự độc quyền của Gasprom đối với các đường ống dẫn khí đốt, các vấn đề liên quan đến Ucraina và Syria, cũng như việc phân chia quyền lực và tài chính giữa các phe nhóm khác nhau trong quân đội và lực lượng đặc nhiệm.

Về tình hình Ucraina: Các biện pháp kinh tế “thắt lưng, buộc bụng”, tốc độ cải cách tư pháp và tòa án chậm sẽ dẫn tới sự thay đổi nội các chính phủ trong năm 2016 nhất là đối với Thủ tướng Yaseniuk, người đang bị chỉ trích mạnh. Tuy nhiên, Tổng thống Poroshenco vẫn tiếp tục chính sách thân phương Tây. Việc tiếp cận được sự giúp đỡ tài chính của phương Tây và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh với NATO, đặc biệt là Mỹ là những nhân tố quyết định sự tồn tại của chính quyền Ucraina. Sau khi suy giảm 10% trong năm 2015, nền kinh tế Ucraina dần hồi phục trong năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát cao và tình trạng thất nghiệp tiếp tục châm ngòi cho những phản kháng của người dân. Quan hệ kinh tế giữa Kiev và Moscow chắc chắn sẽ giảm sút. Hai nước sẽ thảo luận về việc thanh toán nợ, các vấn đề năng lượng và cung cấp năng lượng, việc thực hiện thỏa thuận tự do thương mại với EU, có hiệu lực từ 1/1/2016. Việc trao đổi thương mại trong lĩnh vực năng lượng và hàng nông sản giữa hai nước sẽ giảm đi, tuy nhiên, Kiev sẽ dần điều chỉnh nền kinh tế và các lợi ích chiến lược của mình theo hướng ly tâm khỏi Nga và hướng về phương Tây.

Thỏa thuận Minsk tiếp tục là cơ sở cho các cuộc đàm phán giải quyết cuộc xung đột ở Donbass. Nga và lực lượng ly khai có cách diễn giải thỏa thuận này khác với Ucraina và phương Tây. Sự khác biệt này sẽ cản trở việc thực hiện thành công đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận trong năm 2016. Ngoài ra, Mỹ và EU hầu như chắc chắn sẽ duy trì các lệnh cấm vận chống Nga trong năm 2016 nếu như Nga không chứng tỏ mình sẵn sàng từ bỏ việc kiểm soát biên giới giữa Nga và Ucraina và cho phép OSCE giám sát đầy đủ vùng Donbass. Có khả năng Nga sẽ nhượng bộ trong hai vấn đề này. Về phần mình, việc thực hiện thỏa thuận Minsk cũng là một trong những vấn đề nan giản nhất đối với Kiev. Các lực lượng dân tộc chủ nghĩa và cực đoan tiếp tục gây sức ép lên chính quyền Ucraina, cản trở Kiev có những nhượng bộ với lực lượng ly khai như đảm bảo cho Donetsk và Lugansk tồn tại không chịu sự kiểm soát chính trị của Kiev, nhưng các mối quan hệ kinh tế được khôi phục.

Theo Strafor

Trần Quang (gt)