Thỏa thuận năng lượng giữa Nga và Trung Quốc nhằm xây dựng đường ống “Sức mạnh Siberia”, nối liền các mỏ khai thác khí đốt ở vùng Siberia với các thành phố công nghiệp phía Đông Bắc Trung Quốc, đang đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn do áp lực kinh tế ở cả hai nước.

Hãng thông tấn Interfax cho biết ngày 29/12/2015, doanh nghiệp dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga tuyên bố hủy gói thầu xây dựng 822 km đường ống khí đốt “Sức mạnh Siberia” trị giá 156 tỷ rouble sau khi cơ quan Liên bang Chống Độc quyền (FAS) của Nga phát hiện nhiều hành vi vi phạm và đe dọa gửi khiếu nại lên Tổng thống Vladimir Putin. Vụ việc này diễn ra một tuần sau khi Gazprom trao gói thầu trị giá 197,7 tỷ rouble cho một công ty xây dựng của Arkady Rotenberg, một người bạn của Tổng thống Vladimir Putin, một trong số những doanh nghiệp có tên trong danh sách chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hiện vẫn chưa rõ hành động của FAS có đơn thuần chỉ là nhằm cắt giảm các khoản chi phí nảy sinh từ việc đấu thầu thiếu tính cạnh tranh hay không, song trên thực tế, chi phí hiện đang là một trong những vấn đề khúc mắc nhất của thỏa thuận khí đốt có giá trị ước tính vào khoảng 400 tỷ USD này, được Gazprom ký với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) vào năm 2014 sau một thập kỷ đàm phán.

Theo báo cáo cuối năm của Interfax, quá trình đấu thầu thiếu minh bạch, tình trạng quan liêu và những thách thức về mặt kỹ thuật đều cản trở kế hoạch hoàn tất việc xây dựng đường ống dẫn dầu nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng của Trung Quốc. Giới chức Gazprom cho biết: “Dự án vẫn đang diễn ra theo kế hoạch”. Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho rằng mặc dù “Sức mạnh Siberia” sẽ cải thiện đáng kể hoạt động cung cấp năng lượng, song trở ngại lớn nhất hiện nay là làm thế nào để hoàn thành dự án như đã định. Theo hãng thông tấn TASS, toàn bộ dự án dự kiến xây dựng 3.968km đường ống từ Siberia tới biên giới Trung Quốc, với tổng chi phí ước tính ở vào khoảng 21,3 tỷ USD. Interfax cho biết hiện 80 km đường ống đã được hoàn thành, song hiện rất khó có được câu trả lời cụ thể từ phía Gazprom về các vấn đề liên quan đến dự án, do doanh nghiệp này vừa mới tái cơ cấu một số bộ phận.

Những trì hoãn đã khiến các nhà thầu bỏ lỡ thời điểm thuận lợi để tiến hành các hoạt động xây dựng, và dự án có thể sẽ tiếp tục bị hoãn lại do hiện ở Siberia đang là mùa đông, mặt đất bị đóng băng và trở nên rất cứng. Chi phí xây dựng mỗi km đường ống ở khu vực này hiện đã cao hơn vài lần so với ở miền Tây nước Nga. Tuy nhiên, đây chưa phải là những thách thức lớn nhất đối với dự án tham vọng này.

Giá bán khí đốt đã giảm tới gần 50% kể từ khi thỏa thuận xuất khẩu có hiệu lực 30 năm này được ký. Theo thỏa thuận, dự kiến mỗi năm Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc tối đa 38 tỷ mét khối khí đốt. Dự kiến việc đưa đường ống vào sử dụng đã bị hoãn từ năm 2018, sang 2019, rồi sang 2021 hoặc lâu hơn nữa.

Giới quan sát cho rằng số lợi nhuận mà Nga thu được từ dự án này chắc chắn sẽ không được như kỳ vọng ban đầu. Trong khi đó, Trung Quốc hiện vẫn chưa hoàn thành khoản thanh toán trả trước cho các nhà thầu Nga. Một số thông tin cho rằng các ngân hàng Trung Quốc lo ngại việc cho Nga vay tiền, bởi quốc gia này đang gánh chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây và một nền kinh tế suy thoái. Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexei Ulykayev cho biết Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2015 đã giảm 3,7%.

Sự do dự của Trung Quốc trong việc đầu tư vào dự án xây dựng đường ống này đã cản trở chiến lược chuyển hướng về châu Á của Gazprom, với mục đích nhằm vào giới chỉ trích châu Âu và tăng tính cạnh tranh cho các nguồn lực của Nga. Đầu tháng 12/2015, Interfax cho biết Gazprom sẽ lại tổ chức các cuộc gặp với giới đầu tư thường niên tại New York và London sau khi từng tiến hành các hội nghị này tại Hong Kong và Singapore hồi năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do “sự thiếu quyết đoán và bảo thủ của các nhà đầu tư châu Á cũng như quy mô hạn chế của thị trường tài chính châu Á”.

Tổng cục Thuế quan Trung Quốc (GAC) cho biết kim ngạch thương mại Nga-Trung trong năm 2015 đã giảm 28%, chủ yếu là do giá dầu sụt giảm. Xuất khẩu từ Nga vào Trung Quốc giảm 19% xuống còn 31,4 tỷ USD.

Trong khi các điều kiện địa lý tại Nga khiến dự án có thể sẽ phải hoãn lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế ì ạch của Trung Quốc càng cản trợ việc hoàn thành dự án, mặc dù chính quyền đã có những nỗ lực nhằm nhanh chóng thay thế nguồn năng lượng than đá bằng khí đốt. CNPC cho biết mức tăng nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc trong năm 2013 là 17,4%, tới năm 2014 chỉ còn 8,9%. Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước (NDRC) cho hay trong năm 2015, mức tăng thậm chí còn tụt xuống 3,7%.

Vùng công nghiệp phía Đông Bắc Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chính của “Sức mạnh Siberia”, hiện cũng đang chật vật với mức tăng trưởng GDP thấp và thực trạng thừa nguồn cung. Nhiều nhà máy từng được cho là các “khách hàng” tiền năng hiện đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Nhiều lý do tới từ cả hai phía cũng đang cản trở dự án khí đốt này. Ngày 16/1, ông Ulyukayev phủ nhận thông tin cho rằng các điều khoản của thỏa thuận sẽ thay đổi do nhu cầu yếu từ phía Trung Quốc, sau khi Reuters dẫn lời một nguồn tin từ Gazprom cho biết sản lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Trung Quốc có thể sẽ giảm.

Edward Chow, nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh năng lượng và quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington, cho rằng bất chấp những khó khăn, Nga vẫn cương quyết thực hiện dự án đắt đỏ này, vốn được coi là chìa khóa giúp Moskva khai thác nguồn tài nguyên dồi dào ở miền Đông Siberia và Viễn Đông Nga. Ông nói: “Sau khi dự án được ký kết, không may là giá dầu và khí đốt liên tục giảm, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc không cao như trông đợi, bởi vậy dự án vấp phải không ít trở ngại và Nga đối mặt với nguy cơ không đủ tài chính để xây dựng hệ thống đường ống… Bởi vậy, trì hoãn cũng là điều dễ hiểu. Câu hỏi là sự trì hoãn này sẽ diễn ra trong bao lâu. Tôi không lấy làm ngạc nhiên nếu tới tận 2025 hoặc lâu hơn nữa các đường ống chưa thể đi vào hoạt động”.

Ông Chow cho rằng người ta có thể theo dõi thời điểm Trung Quốc trả cho Nga các khoản tạm ứng để xác định tiến độ của dự án. Ông cũng nhấn manh việc hủy bỏ dự án sẽ đem lại nhiều rủi ro hơn cho cả hai nước. Ông Chow nói: “Đây là một dự án quan trọng cả về chiến lược và chính trị đối với cả Nga và Trung Quốc, bởi vậy họ không thể từ bỏ nó. Các doanh nghiệp quốc doanh luôn có khả năng xoay chuyển tình thế”. Tuy nhiên, ông cho rằng Nga có thể sẽ vấp phải những thách thức lớn từ việc phát triển hai mỏ khí đốt khổng lồ là Kovykta và Chayanda, dự kiến sẽ là nguồn cung cấp khí đốt cho các đường ống này. Ông nói: “Đáng lẽ ra việc xây dựng đường ống phải là phần dễ nhất của dự án ”.

Theo Eurasia Review

Văn Cường (gt)