Dự án "Con đường tơ lụa đương đại" của Thổ Nhĩ Kỳ và Dự án của Trung Quốc mang tên "'Một vành đai, một con đường" hay "Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa" (SREB) đang mang lại những cơ hội tuyệt vời cho cả hai nước. Trên thực tế, việc xây dựng "Con đường tơ lụa đương đại" đã là đề tài của nhiều cuộc tranh luận kể từ đầu những năm 1990 và Dự án này đến nay vẫn chưa đi vào thực hiện. Tuy nhiên, sáng kiến mới liên quan đến hội nhập của khu vực Con đường tơ lụa mới đã thu hút được tài chính trong mấy năm gần đây. Hai nước, dường như được đánh giá là ủng hộ mạnh mẽ nhất dự án này, chính là Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Các chủ đề của '"Con đường tơ lụa đương đại" đã được các chuyên gia của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc thảo luận trong hai cuộc họp gần đây có sự tham dự của tác giả bài phân tích này. Hợp tác khu vực Con đường tơ lụa là tiêu đề chính bao trùm các hội thảo được liên kết tổ chức giữa Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ (SAM) và Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (SIIS) vào ngày 11/12/2014 tại Ankara và một hội nghị chuyên đề của SAM và Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) tổ chức vào ngày 18/12/2014 tại Bắc Kinh. Mặc dù tên của dự án gần giống như cũ, nhưng bản thân dự án này vẫn chưa được triển khai. Có rất nhiều sự khác biệt trong quan điểm cũng như sự hội tụ liên quan đến khuôn khổ và việc thực thi dự án. Thậm chí những ưu tiên cơ bản gắn liền với dự án này khác nhau rất nhiều giữa các nước có liên quan. Trong phạm vi này, tác giả muốn chia sẻ ý kiến cá nhân về những lợi ích mà Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực sẽ có thể có được từ dự án Con đường tơ lụa trong trường hợp được hiện thực hóa, và câu hỏi cho các lĩnh vực tiềm năng hợp tác giữa các nước.

Chính sách Trung Á của Thổ Nhĩ Kỳ

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn với các nước cộng hòa mới độc lập. Quan hệ với các nước Trung Á của Thổ Nhĩ Kỳ, bắt nguồn từ mối quan hệ lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và với khu vực, đưa Trung Á trở thành một mục tiêu trong chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 25 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ có bước tiến đáng kể trong việc hợp tác về chính trị, kinh tế và văn hóa với các nước Trung Á. Và Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển một mối quan hệ chặt chẽ với nhiều nước trong khu vực.
Tuy nhiên, cũng có những dự án lớn do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra vẫn chưa được chấp nhận. Các vấn đề như thiếu sự hợp tác trong khu vực Trung Á, năng lực kinh tế hạn chế của Thổ Nhĩ Kỳ, và sự bất cập của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trong khu vực đã gây khó khăn cho Ankara trong việc tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực. Từ quan điểm này, các dự án trên sẽ tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và việc tạo ra một khu vực thịnh vượng bao phủ toàn bộ khu vực đang trở nên cấp bách.

Những lợi ích của Trung Quốc trong việc thúc đẩy SREB

Dự án này là khá quan trọng với ý nghĩa rằng nó chắc chắn sẽ thúc đẩy khả năng quyền lực mềm của Trung Quốc. Tăng cường hiểu biết lẫn nhau cũng có tầm quan trọng để tạo dựng nhận thức cộng đồng liên quan đến các dự án ở các nước có liên quan. Với mục đích đó, việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức chính phủ, truyền thông và các nhà chiến lược là vô cùng quan trọng. Hơn nữa, vấn đề trao đổi giáo dục và mối liên hệ "giữa người với người" cũng sẽ giúp tạo ra môi trường cần thiết cho dự án phát triển.
Về khía cạnh kinh tế của dự án được quan tâm này, điều quan trọng cần phải nhấn mạnh là Trung Quốc có quá nhiều lượng tiền tiết kiệm trong nước mà cần phải được đầu tư ra nước ngoài. Với sự giúp đỡ của SREB, Trung Quốc sẽ có một cơ hội tạo ra kênh kết nối để đưa các khoản tiền tiết kiệm này vào các dự án liên quan để từ đó sẽ có được những lợi ích đáng kể trong dài hạn. Cuối cùng, sự phát triển chung của các nước trong khu vực sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế Trung Quốc.

Là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc có khả năng đóng vai trò hàng đầu trong dự án. Đồng thời, Trung Quốc cũng cần phải có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của khu vực/các quốc gia lân cận.

Năng lực kinh tế ngày càng tăng của các nước trong khu vực với sự giúp đỡ của SREB sẽ lần lượt đóng góp vào sự gia tăng mức sống của công dân các nước này. Bên cạnh đó, việc tạo ra một khu vực thịnh vượng chung sẽ giúp loại bỏ các rào cản văn hóa giữa người dân khu vực. Điều quan trọng trong ý nghĩa này chính là việc làm rõ sự hiểu lầm nhất định có thể tạo điều kiện cho các nước trong khu vực giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội trong tương lai.

Lĩnh vực hợp tác trong dự án Con đường tơ lụa

Hợp tác trong giao thông vận tải và phát triển cơ sở hạ tầng

Trở ngại lớn nhất cho việc tăng cường thương mại khu vực và hợp tác kinh tế theo chiều sâu là sự bất cập của cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng các tuyến đường sắt và đường cao tốc mới, thiết lập kết nối hàng không hiệu quả, và thiết lập một mạng lưới giao thông trong khu vực thích hợp sẽ là những bước rất quan trọng trong khía cạnh đó. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại trong khu vực, mà còn đẩy nhanh tốc độ phát triển của các nước Con đường tơ lụa. Phát triển nhanh chóng và giảm tỷ lệ thất nghiệp sẽ tạo điều kiện cho việc hình thành một khu vực thịnh vượng chung của khu vực.

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và ngành công nghiệp khai thác mỏ

Trung Quốc đã đạt đến mức khá cao về chuyên môn kỹ thuật cũng như việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân có liên quan. Do đó Bắc Kinh có thể cải thiện sự hợp tác với cả Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trong khu vực trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới ở những nước đó.

Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu sẽ được một công ty của Nga, Rosatom, xây dựng, còn nhà máy điện hạt nhân Sinop sẽ được xây dựng bởi một liên doanh của Nhật-Pháp (Mitsubishi-Areva). Tuy nhiên, để đối phó với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ 3 và thứ 4 trong tương lai. Không nghi ngờ rằng Trung Quốc, đã thua trong đợt đấu thầu nhà máy điện hạt nhân Sinop, sẽ là một trong những ứng cử viên mạnh nhất trong lần đấu thầu sắp tới cho các dự án mới.
Trung Quốc là một trong những nước hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo. Nước này có thể hỗ trợ đáng kể cho việc thành lập các cơ sở năng lượng tái tạo ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trong khu vực.

Trung Quốc cũng có nhiều kinh nghiệm, và có công nghệ khá tiên tiến trong lĩnh vực khai thác mỏ. Vì vậy nước này có thể có những đóng góp đáng kể trong việc giảm rủi ro an toàn, và tăng năng suất trong lĩnh vực khai thác mỏ của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trong khu vực. Một lần nữa, các hợp đồng có thể được trao cho các công ty Trung Quốc vốn đang sẵn sàng để phát triển các mỏ khai khoáng.

Giáo dục và hợp tác văn hóa

Đây cũng là bước vô cùng quan trọng để tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, và là bước đầu tiên thiết lập các chương trình trao đổi Con đường tơ lụa nhằm tạo ra đủ nguồn nhân lực mà sẽ cho phép hội nhập thực sự trong khu vực. Một chương trình trao đổi chung giữa các nước trong khu vực, chứ không phải là thỏa thuận song phương, được coi là phù hợp hơn. Ví dụ, chương trình Erasmus trong các trường đại học châu Âu có thể được thực hiện như là một mô hình cho một chương trình trao đổi Con đường tơ lụa.

Giao lưu nhân dân giữa các quốc gia Con đường tơ lụa vẫn còn ở mức độ hạn chế. Điều cần thiết là phải tạo điều kiện di chuyển tự do của những người muốn đi lại giữa các nước Con đường tơ lụa để tiến hành kinh doanh, tiếp nhận giáo dục hoặc cho các mục đích du lịch. Một lần nữa, hợp tác trong các lĩnh vực của ngành văn hóa - truyền hình, âm nhạc, nghệ thuật, điện ảnh và thể thao - có thể được thúc đẩy. Để nâng cao nhận thức công chúng về tầm nhìn Con đường tơ lụa, một quỹ tương hỗ có thể được tạo ra để hỗ trợ cho các bộ phim và phim tài liệu với chủ đề liên quan.

Hợp tác an ninh

Các tranh chấp biên giới và lãnh thổ giữa các nước trong khu vực có thể được xếp như là các vấn đề an ninh truyền thống. Mất lòng tin giữa các quốc gia láng giềng cũng tạo ra những khó khăn trong việc nâng cao hợp tác an ninh giữa các nước trong khu vực. Hơn nữa, việc thiếu một khuôn khổ tổ chức bao trùm toàn bộ khu vực sẽ làm suy yếu khả năng giải quyết tranh chấp giữa các nước trong khu vực. Mỗi tổ chức khu vực như Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), SCO, Liên minh Âu-Á, Hội đồng Turkic... có chương trình nghị sự đặc biệt của riêng mình làm cho việc thảo luận và giải quyết các vấn đề khu vực một cách toàn diện và nhất quán trở nên khó khăn hơn.

Sự ổn định của Afghanistan là rất quan trọng đối với an ninh của khu vực Con đường tơ lụa. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng ở Afghanistan trong giai đoạn sau năm 2014. Các thỏa thuận an ninh song phương đã được ký kết vào tháng 9/2014 giữa Afghanistan và Mỹ là rất quan trọng, như là "Sứ mệnh Kiên định Hỗ trợ", bao gồm lực lượng không tham gia chiến đấu chủ yếu từ các nước NATO. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai 1.000 binh sĩ trong quy mô của một lực lượng quốc tế như vậy, nước này sẽ đứng thứ hai hoặc thứ ba trong số những nước cung cấp lực lượng tới Afghanistan. Việc tiếp tục đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ cho sự ổn định bền vững, ít nhất ở một mức độ nhất định, ở Afghanistan như một đối tác có trách nhiệm cho tương lai của nước này là rất quan trọng, ngay cả khi tổng số lực lượng nước ngoài triển khai ở Afghanistan là có giới hạn.

Mặt khác, hỗ trợ của Trung Quốc cho Afghanistan cũng sẽ góp phần đáng kể vào việc ổn định chính trị và phát triển kinh tế của nước này. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ tư về Tiến trình Istanbul về Afghanistan, chủ yếu tập trung vào chủ đề này, đã được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 31/10/2014. Việc bảo đảm của Afghanistan với tư cách một quốc gia có chủ quyền hoàn toàn có thể duy trì sự ổn định trong và dọc theo biên giới đất nước có tầm quan trọng sống còn cho sự phát triển của các tuyến đường vận chuyển và thiết lập thành công một khu vực kinh tế chung của khu vực trong khuôn khổ các dự án khác nhau nhằm tạo sức sống cho Con đường tơ lụa.

Những thách thức an ninh phi truyền thống cũng đang gia tăng trên toàn khu vực. Các nhóm khủng bố quốc tế, các mạng lưới bất hợp pháp, buôn bán người, buôn lậu vũ khí, ma túy và tất cả đang tạo thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước trong khu vực. Một lộ trình chung để chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới nên được các nước trong khu vực xác định và sự đoàn kết trong nội bộ khu vực sẽ trở thành tiêu chuẩn mới để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa đó.

Kết luận

Từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực, SREB không chỉ là một dự án đáng làm mà còn là một điều tất yếu. SREB mang lại một loạt cơ hội cho các nước trong phạm vi Con đường tơ lụa vì nó sẽ cho phép họ phòng ngừa rủi ro nghiêm trọng bằng cách tham gia các lực lượng và sử dụng lợi thế so sánh của mình. Ở khía cạnh này, đối với các nước trong khu vực, việc tập trung vào các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ của Dự án, và đưa tầm nhìn chung của họ vào thực tiễn để có thể lựa chọn thời điểm xây dựng tránh sự chậm trễ là rất quan trọng.

Theo The Journal of Turkish Weekly

Văn Cường (gt)