Ông Obama đã chủ trì Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Hawaii (Mỹ) và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Bali (Inđônêxia). Trong chuyến công du này, nhà lãnh đạo Mỹ còn dừng chân tại Ôxtrâylia và có bài phát biểu trước Quốc hội nước này, trong đó tái khẳng định Mỹ đã từng và sẽ luôn là một thế lực ở Thái Bình Dương. Ông nói: “Trên cương vị tổng thống, tôi đã đề ra một quyết định chiến lược có cân nhắc. Với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ sẽ đóng một vai trò lớn hơn, lâu dài hơn trong việc định hình tương lai của khu vực bằng cách cổ vũ các nguyên tắc cốt lõi, cũng như hợp tác chặt chẽ với đồng minh và bạn hữu trong khu vực”.

Tại Ôxtrâylia, nhà lãnh đạo Mỹ thông báo quyết định nâng cấp liên minh quân sự với Ôxtrâylia đã được duy trì trong suốt 6 thập niên qua, cùng với kế hoạch duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài tại Ôxtrâylia - một động thái được coi là thông điệp rõ ràng của Oasinhtơn gửi đến Bắc Kinh trong bối cảnh có nhiều quan ngại về khả năng xảy ra xung đột tại Biển Đông.Ông Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề châu Á thuộc tổ chức Heritage, nhận định về mục tiêu và kết quả chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ: “Tôi tin rằng chuyến đi của Tổng thống Obama là một thành công lớn. Quả vậy, ông Obama đã chứng minh rằng vai trò và sự hiện diện của người Mỹ vẫn cần thiết trong khu vực. Nhưng theo tôi, nói người Mỹ đã trở lại châu Á, như Chính phủ của Tổng thống Obama hay nói, e rằng không đúng bởi vì người Mỹ chưa bao giờ rời khu vực Thái Bình Dương. Người Mỹ đã đóng một vai trò thiết yếu tại đó trong 60 năm qua. Người Mỹ đã duy trì hòa bình, ổn định và sự an toàn của các tuyến hàng hải khu vực trong một thời gian rất dài. Người Mỹ không phải là những người mới xuất hiện trong vùng”.

Theo ông Patrick Cronin, Giám đốc đặc trách chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh mới của Mỹ, điều mà Tổng thống Obama đã thực hiện trong 9 ngày vận động ngoại giao ở châu Á là ông đã củng cố chính sách về các lực lượng Mỹ bằng cách loan báo một bước đi nhỏ, nhưng đã giúp Mỹ củng cố vững hơn sự hiện diện quân sự tại Ôxtrâylia. Cùng lúc tại Hội nghị APEC, ông đã củng cố chính sách kinh tế khi đề nghị một “hệ thống thương mại tự do” do Mỹ dẫn đầu, là đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương với các đối tác trong vùng. Về chính trị, Tổng thống Obama chứng tỏ khả năng lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) bằng cách thuyết phục 16 trong tổng cộng 18 nước thành viên đồng thuận với ông rằng một giải pháp an ninh biển đa phương là giải pháp tốt đẹp hơn so với giải pháp đơn phương mà Trung Quốc chọn để xử lý cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Ông cho rằng các nỗ lực ngoại giao đó rất tích cực, nhưng trên thực tế đã không thay đổi gì, đó chỉ là đề xuất một phương hướng mà ông tin rằng cả hai chính đảng ở Mỹ đều mong Mỹ sẽ tiến bước trong những năm tới, cũng như trong tương lai lâu dài hơn.

Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương được coi là tâm điểm đối với các quyền lợi của Mỹ trong thế kỷ 21, ông Cronin cho rằng đó là một hướng đi đúng đắn. Và theo ông, bây giờ cũng là thời điểm thuận lợi cho nỗ lực này. Ông nói: “Tôi tin rằng đó là một hướng đi đúng. Là một thế lực toàn cầu, Mỹ có nhiều quyền lợi lâu dài và quan trọng ở Trung Đông. Iran là một vấn đề lớn. Cho nên Mỹ phải hành động một cách toàn cầu. Nhưng điểm cần nhấn mạnh là chính sách nhìn về châu Á của Mỹ đang đi đúng hướng, đặc biệt vì trong một thập niên qua, Mỹ hầu như chỉ tập trung vào cuộc chiến tranh chống khủng bố. Chính sách nhìn về châu Á là một bước tích cực cho thấy Mỹ sẽ đổi mới, phục hồi sức mạnh trên cương vị là nền kinh tế dẫn đầu - một nền dân chủ tại một khu vực, nơi tập trung các nền kinh tế mới nổi”. Câu hỏi được đặt ra là liệu sự chuyển hướng đó có phải là do sự hối thúc của các nước trong khu vực, vốn lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, hay không? Ông Walter Lohman khẳng định: “Chắc chắn rồi, các nước trong khu vực đã kêu gọi Mỹ tăng cường sự hiện diện ở vùng này. Philíppin là một đồng minh đã ký hiệp định quốc phòng với Mỹ, vì vậy, Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ Philíppin, kể cả các lực lượng quân sự và tàu bè của nước này”. 

Trả lời câu hỏi trên, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương Patrick Cronin nói rằng Mỹ không thể tiến hành chính sách ngoại giao tập trung vào châu Á nếu không có sự khuyến khích của các quốc gia trong khu vực. Sự quyết đoán của Trung Quốc và sự kiện nước này không ngừng hiện đại hóa quân đội trong những năm qua là nguyên nhân dẫn tới các nỗ lực ngoại giao đó. Chính những diễn tiến đó đã khiến rất nhiều nước - kể cả Xinhgapo và các đồng minh khác của Mỹ như Philíppin, Ôxtrâylia và Nhật Bản - tiếp tục khích lệ Oasinhtơn tiếp tục có mặt và khẳng định rằng người Mỹ sẽ ở lại lâu dài trong khu vực. Tổng thống Obama đã khẳng định rằng Mỹ không chỉ là một nước Thái Bình Dương, mà còn là một thế lực vĩnh viễn trong khu vực. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi các biện pháp thắt lưng buộc bụng đang được cân nhắc ở Mỹ, nhiều nước tỏ ra lo ngại và đặt câu hỏi liệu Mỹ có duy trì cam kết của họ hay không, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách bành trướng?

 Theo VOA Asia Pacific security on VOA encounter

Mỹ Anh (gt)