Xét đến sự chú ý chưa có tiền lệ mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dành cho Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong chính sách châu Á của Mỹ, sẽ luôn là một thách thức đối với Chính quyền Trump để theo kịp mức độ can dự với tiểu khu vực này của chính quyền tiền nhiệm, và đối với các tầng lớp đang bàn tán để chấp nhận sự thật đầy cảnh tỉnh này. Và tình hình đã tỏ ra đúng như vậy, với một số người ở Washington và ở Đông Nam Á đã đặt ra nhiều phép thử giấy quỳ khác nhau cho chính quyền mới, trong đó có việc ông Trump tới dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Philippines vào tháng 11. 

Đó chắc chắn sẽ là một diễn biến được hoan nghênh nếu ông Trump cuối cùng lại ghi điểm không kém ông Obama về vấn đề Đông Nam Á và ASEAN. Nhưng cũng đúng là xét đến vị trí truyền thống của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại Mỹ, sự cam kết chưa có tiền lệ của Chính quyền Obama đối với tiểu khu vực này, và tầm nhìn của Chính quyền Trump tính đến nay, bài kiểm tra đó có thể có vẻ không công bằng và các thước đo có lẽ không hoàn toàn có thể áp dụng được. Một bài kiểm tra có ý nghĩa hơn và cuối cùng sẽ là khắt khe hơn về ASEAN dành cho Chính quyền Trump, vượt ra ngoài một sự kiện hoặc thước đo đơn lẻ, là việc họ có thể duy trì được hay không vai trò của Mỹ như một cường quốc Thái Bình Dương có năng lực và sẵn sàng tìm cách thúc đẩy an ninh, thịnh vượng mạnh mẽ hơn ở châu Á-Thái Bình Dương đồng thời làm việc với các nước Đông Nam Á về các thách thức chung theo cách thúc đẩy các lợi ích của Mỹ nhưng vẫn duy trì sự tự chủ và tự do hành động của họ. 

Đông Nam Á và chính sách của Mỹ 

Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đánh giá chính sách Đông Nam Á của Chính quyền Mỹ mới cũng nên bắt đầu với việc hiểu rõ tiểu khu vực này cũng như vị trí của nó trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Mỹ. Đông Nam Á là một khu vực đa dạng từng tương tác với một loạt cường quốc chủ yếu qua nhiều thế kỷ. Lịch sử của khu vực có thể được tóm tắt như là một cuộc tìm kiếm sự thống nhất khi đối diện với tính đa dạng, được thể hiện bởi 10 bông lúa trên lá cờ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được thành lập ban đầu năm 1967 bởi Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (hay “ASEAN 5”) sau 2 lần tập hợp khu vực thất bại và ngắn ngủi khác. Qua thời gian, các quốc gia Đông Nam Á đã quen với việc điều chỉnh những liên kết đối ngoại của họ để đối phó với sự phát triển trong nước của chính họ, các tương tác với các nước khác trong khu vực, và bản chất thay đổi của sự cạnh tranh giữa các cường quốc chủ yếu. 

Mặc dù Mỹ có khuynh hướng dành sự chú ý khác nhau cho các nước Đông Nam Á đơn lẻ, Đông Nam Á theo truyền thống cũng chỉ chiếm một vai trò không đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung và chính sách châu Á của Mỹ nói riêng, không giống như Trung Quốc hoặc Nhật Bản, hai nước này đều có cái bóng lớn hơn nhiều. Trong khi Mỹ đã có sự hiện diện rõ ràng ở một số quốc gia Đông Nam Á từ nhiều thập kỷ trước, tiểu khu vực này chỉ thực sự trỗi dậy nổi bật trong bối cảnh các mối đe dọa đối với Mỹ và các đồng minh và đối tác châu Âu hoặc châu Á của nước này, dù đó là Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai hay Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Là các quốc gia nhỏ hơn, các nước Đông Nam Á cũng đã nhận thấy những thay đổi trong sự cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương rõ rệt nhất là trong vài thập kỷ gần đây, từ việc Mỹ rút quân sau Chiến tranh Việt Nam đến việc Mỹ giảm bớt sự hiện diện của mình sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. 

Đến cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, tầm quan trọng của Đông Nam Á với tư cách một tiểu khu vực đã gia tăng đáng kể, nhưng trong một số trường hợp chính sách của Mỹ đã không được điều chỉnh để dành cho tiểu khu vực này sự chú ý thích đáng. Sự tăng trưởng kinh tế trong các nước đầu tiên trong nhóm ASEAN 5, vai trò trung tâm của Đông Nam Á trong việc giải quyết các thách thức từ chủ nghĩa khủng bố tới sự trỗi dậy của Trung Quốc, và sự biến đổi của ASEAN từ một khối chống cộng sang một diễn đàn để các cường quốc chủ yếu can dự đã làm rõ tầm quan trọng của khu vực. Tuy vậy, sự chú ý của Mỹ tiếp tục “lúc thịnh lúc suy” phụ thuộc vào mối đe dọa của thời kỳ đó, dù đó là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố những năm 2000. Mặc dù đã được trông đợi, điều này cũng ngăn chặn sự trỗi dậy của một cách tiếp cận trên phạm vi khu vực mang tính chiến lược và cân bằng hơn đối với Đông Nam Á. 

Sự “tái cân bằng trong tái cân bằng” của ông Obama 

Mặc dù một số bước đi đã bắt đầu trong nhiệm kỳ thứ 2 của George W. Bush, Obama là tổng thống đầu tiên thực sự nâng tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách châu Á của Mỹ lên và thúc đẩy đáng kể cam kết của Mỹ đối với tiểu khu vực này để hỗ trợ cho điều đó. Quả thực, có thể nói khía cạnh đáng kể nhất của chiến lược tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương của Chính quyền Obama là sự chú ý lớn hơn dành cho Đông Nam Á cũng như toàn bộ ASEAN trong chính sách châu Á của Mỹ - điều đã trở thành cái gọi là “sự tái cân bằng trong tái cân bằng”. 

Dưới thời Obama, Mỹ đã phê chuẩn Hiệp ước thân thiện và hợp tác, trở thành quốc gia ngoài ASEAN đầu tiên chỉ định một đại sứ thường trực ở ASEAN, tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, thể chế hóa các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN hàng năm mà tổng thống đã thường xuyên tới dự, và thậm chí đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN đầu tiên trong lịch sử ở Mỹ. Chính quyền Obama cũng đã có những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng mở rộng các liên minh và mối quan hệ đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á, từ việc ký kết các hiệp định đối tác chiến lược và toàn diện mới với các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam tới việc ký kết một Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường mới với Philippines. Tác giả bài viết đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đối với bộ máy quan liêu về châu Á của Mỹ mà phần lớn vẫn tiếp tục bị chi phối bởi các mối quan ngại Đông Bắc Á, những thành tích đó không hề nhỏ. 

Tuy vậy, chính sách Đông Nam Á của Mỹ dưới thời Chính quyền Obama cũng đã tiếp tục bị đeo đuổi bởi một loạt thách thức bắt nguồn từ sự can dự của Mỹ với tiểu khu vực này cũng như từ chính sách châu Á rộng lớn hơn của họ. Rõ ràng nhất, về chính sách Trung Quốc, sự hăm hở của Chính quyền Mỹ nhằm xoa dịu sự bất an của Bắc Kinh và hợp tác trên các vấn đề như biến đổi khí hậu – ban đầu được gọi là “sự trấn an chiến lược” – khiến Washington khó lòng đối phó với một Bắc Kinh ngày càng tự tin và đôi khi là quyết đoán, với ví dụ cụ thể là vấn đề Biển Đông. 

Trong lĩnh vực kinh tế, bất chấp các nỗ lực tốt nhất của Chính quyền Obama, thất bại trong việc thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – trong đó có 4 nước Đông Nam Á: Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam – trong nhiệm kỳ của mình đã mở đường cho sự sụp đổ cuối cùng của hiệp định này, dẫn tới mất đi một cơ hội cho cấu trúc nghệ thuật quản trị kinh tế của Mỹ ở châu Á. Còn trên mặt trận dân chủ và nhân quyền, mặc dù các quan chức đã đúng khi họ lập luận không biết mệt mỏi rằng chính sách của Mỹ phải tránh xa việc rao giảng cho các nước Đông Nam Á như trước đây, thất bại trong việc tìm ra một tầm nhìn thay thế – đối lập với các sáng kiến đơn lẻ như các cuộc gặp gỡ công chúng của giới lãnh đạo và Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) – mở đường cho nhận thức rằng đó không phải là một ưu tiên chủ yếu so với các lợi ích khác của Mỹ. 

Bài kiểm tra thực sự về ASEAN dành cho ông Trump 

Bất chấp những dự đoán thảm họa hậu bầu cử về sự sụp đổ của trật tự khu vực, sau sự khởi đầu có đôi chút chệch choạc, cam kết của Chính quyền Trump ở châu Á cho đến nay đã thể hiện sự tiếp nối hơn nhiều so với những gì mà ban đầu những người phản đối ám chỉ. Điều này cũng đúng với Đông Nam Á. Việc bác bỏ TPP, đặt câu hỏi về chính sách “Một Trung Quốc” và lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump (điều đã dẫn tới những lời đồn sai sự thật về khả năng có một sự mở rộng lệnh này nhằm bao trùm các nước Đông Nam Á) đều đã mang tới khắp khu vực những nỗi lo âu về những gì họ có thể trông đợi từ một chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”. 

Đồng thời, giờ vẫn là những ngày đầu, và sự can dự dường như đang chậm chạp thành hình. Đầu tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gặp mặt các đại sứ và đại biện lâm thời của các quốc gia ASEAN ở Washington, tại đây ông đã cố gắng xoa dịu một số mối quan ngại còn dai dẳng về chính sách của Mỹ đối với khu vực. Và mặc dù vấn đề nhân sự quả thật đã được xử lý chậm hơn nhiều so với các chính quyền trước, các nhà ngoại giao và quan chức từ các quốc gia ASEAN riêng lẻ cũng đã bắt đầu gặp mặt các quan chức Chính quyền Trump ở nhiều cấp khác nhau và đã cố gắng lên lịch viếng thăm trong năm 2017. Nhiều sự kiện khác cũng sắp diễn ra: Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ tới thăm Indonesia vào tháng 4 như một phần của chuyến thăm châu Á rộng lớn hơn, và một cuộc họp giữa ông Tillerson và các ngoại trưởng ASEAN cũng sẽ sớm diễn ra. 

Khi chính sách Đông Nam Á của Mỹ bắt đầu thành hình dưới thời Chính quyền Trump, điều gì có thể là một bài kiểm tra công bằng để qua đó đánh giá nó? Chúng ta đã nhận thấy rằng chính sách thật sự sẽ khác – thường là một cách đáng kể – so với luận điệu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump và các tín hiệu ban đầu của chính quyền. Điều này phản ánh sự chuyển tiếp từ tranh cử sang quản lý cũng như việc chính sách châu Á của một chính quyền thường ít được đánh giá qua các cách tiếp cận ban đầu của họ hơn so với qua các phản ứng cuối cùng của họ trước các diễn biến đang tiếp diễn. Tương tự như vậy, các thang đo đơn lẻ như số các cuộc viếng thăm là những chỉ báo ít ỏi về cam kết của Mỹ đối với Đông Nam Á dưới thời bất kỳ chính quyền nào, đặc biệt là vì 3 tổng thống gần đây nhất – trong đó có ông Obama – đều đã bỏ lỡ hoặc gần như bỏ lỡ các chuyến thăm tới châu Á vì các mối quan ngại ở các nơi khác trên thế giới hoặc trong nước. 

Một cách có ý nghĩa hơn, bài kiểm tra thực sự về ASEAN của Chính quyền Trump là việc họ có thể duy trì được hay không vai trò của Mỹ như một cường quốc Thái Bình Dương có năng lực và sẵn sàng tìm cách thúc đẩy an ninh, thịnh vượng mạnh mẽ hơn ở châu Á-Thái Bình Dương đồng thời làm việc với các nước Đông Nam Á về các thách thức chung theo cách thúc đẩy các lợi ích của Mỹ nhưng vẫn duy trì sự tự trị và quyền tự do hành động của họ. Điều này có nghĩa là đạt được 5 điều. 

Duy trì sự tập trung vào châu Á 

Thứ nhất, Chính quyền Trump phải đảm bảo rằng Mỹ vẫn tập trung vào châu Á trong chính sách đối ngoại của mình. Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng ta đã chứng kiến một động lực mà trong đó vị trí của châu Á trong chính sách đối ngoại của Mỹ thường không tương xứng với tầm quan trọng đang gia tăng của châu Á trên thế giới, với việc Washington thường xuyên trở nên xao nhãng bởi những mối quan ngại ở các khu vực khác từ vùng Balkan tới Trung Đông. Ở cấp độ rộng lớn nhất của nó, sự tái cân bằng là một nỗ lực nhằm chỉnh đốn điều này, với việc Mỹ ưu tiên châu Á ngay cả khi họ tiếp tục xử lý các mối quan ngại ở các khu vực khác trên thế giới như bất kỳ siêu cường thế giới nào. 

Mặc dù Chính quyền Trump có thể không tiếp nhận thuật ngữ tái cân bằng, họ vẫn phải thể hiện tinh thần của nó và xoa dịu các mối quan ngại về tính bền vững của cam kết của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương. Khó có thể nói chuyện với một quan chức hoặc một nhà ngoại giao Đông Nam Á ngày nay mà họ không nhắc tới khả năng Mỹ có thể một lần nữa bị lôi kéo vào một vũng lầy ở một khu vực khác – có khả năng là Trung Đông – mà sẽ hướng sự tập trung của Mỹ ra xa khỏi châu Á. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á gần đây đã nói với tác giả bài viết ở Manila: “Điều chúng tôi không mong muốn nhất là quay trở lại tương lai một lần nữa”. Việc xoa dịu những nỗi lo lắng rằng tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” của họ không trở nên có hại cho một chính sách đối ngoại châu Á trên hết nên là một ưu tiên hàng đầu đối với Chính quyền Trump. 

Xây dựng lại các nền tảng của sức mạnh Mỹ 

Thứ hai, êkíp của ông Trump nên xây dựng lại các nền tảng của sức mạnh Mỹ củng cố cho sự cam kết được duy trì của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù các dự báo về ngày tận thế của sự sa sút của Mỹ bị cường điệu rất nhiều – như những gì được đưa ra gần như sau mỗi 1 hoặc 2 thập kỷ – cũng đúng là sự vô trách nhiệm về tài khóa và hoạt động chính trị sai chức năng mà chúng ta đã chứng kiến trong vài năm qua đã làm gia tăng những nỗi lo âu về sức bền của nước Mỹ. 

Dù đây là nhiệm vụ dành cho nhiều chính quyền, Chính quyền Trump có cơ hội để bắt đầu có một số tiến triển trong việc xây dựng cơ sở trong nước cho chính sách châu Á của Mỹ. Về mặt quân sự, một số việc đã và đang được thực hiện và có triển vọng, với ngân sách quốc phòng dồi dào hơn và cam kết chấm dứt sự bảo lưu ngân sách. Nhưng nó phải được cân đối với các động thái trong các lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, để không tiếp sức cho lời than phiền dai dẳng trên toàn nước Mỹ rằng chính sách của Mỹ đang bị quân sự hóa quá mức. Về mặt kinh tế, điều này có nghĩa là xử lý các vấn đề cấu trúc như sự phát triển cơ sở hạ tầng và thiết lập một chính sách thương mại gắn kết hơn với mong muốn của cộng đồng người dân Mỹ rộng lớn hơn. Việc chấm dứt TPP càng làm gia tăng tính cấp bách của việc chính quyền xúc tiến hình thức sáng kiến kinh tế nào đó, ngay cả khi đó là một vài thỏa thuận song phương then chốt hoặc các dàn xếp từng phần khác. 

Tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ Mỹ-Trung 

Thứ ba, Chính quyền Trump phải tìm ra sự cân bằng thích hợp giữa sự can dự và việc cân đối trong chính sách Mỹ-Trung. Mặc dù việc các chính quyền Mỹ ban đầu phải vật lộn tìm cách đối phó của họ trong vấn đề Trung Quốc không phải là hiếm thấy, nhưng cho tới nay, dù đúng hay sai, một số nhà quan sát Đông Nam Á nghiêm túc nhận thấy chính quyền đã quay ngoắt từ đường lối cực kỳ hiếu chiến sang đường lối chủ hòa quá mức, dẫn tới việc họ xem xét các kịch bản chẳng hạn như ông Trump thỏa thuận với Bắc Kinh về Triều Tiên và đánh đổi bằng các vấn đề khác như Biển Đông. Mặc dù những nỗi lo sợ này có thể không được đặt đúng chỗ, các nhận thức có thể nhanh chóng tạo ra thực tế của riêng chúng ở Đông Nam Á. 

Chính quyền Obama được cho là đã làm tốt hơn trong việc can dự với Trung Quốc ở những nơi họ nên làm vậy thay vì đối đầu với Bắc Kinh khi họ phải làm vậy. Êkíp của ông Trump phải sớm tìm ra một sự cân bằng tốt hơn và báo hiệu điều này cho khu vực, vì điều đó sẽ tác động tới cách các quốc gia này xác định cách tiếp cận của họ với Trung Quốc. Điều này không chỉ có nghĩa là tỏ ra “cứng rắn”, mà còn là tính toán điều đó bằng các cách rõ ràng và thực tế để hợp tác với Bắc Kinh trong khu vực khi có thể vì điều đó sẽ trấn an khu vực rằng cả 2 cường quốc đều tận tâm với một mối quan hệ mang tính xây dựng. Việc có được sự cân bằng phù hợp cũng sẽ thúc đẩy khả năng của chính quyền để khi đó làm việc với các nước dễ bị lung lay hơn ở Đông Nam Á, đáng chú ý là Philippines, về cách đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy và đang đưa ra cơ hội cũng như thách thức cho họ. 

Kiểm soát nhận thức về các mối đe dọa 

Thứ tư, êkíp của ông Trump nên suy nghĩ về cam kết của họ đối với Đông Nam Á không chỉ qua lăng kính của các mối đe dọa hẹp, mà còn của các lợi ích lâu dài. Đòi hỏi nhiều hơn nữa từ cá nhân các nước Đông Nam Á cũng như ASEAN trong các vấn đề cốt yếu đối với các lợi ích của Mỹ – dù là chiến đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo hay đối mặt với Trung Quốc – là có thể hiểu được và thậm chí có thể có hiệu quả nếu được thực hiện đúng. Nhưng Chính quyền Trump cũng nên công nhận rằng một chính sách Trung Quốc không cân bằng hoặc một nhận thức bị cường điệu quá mức về các mối đe dọa liên quan tới chủ nghĩa khủng bố cũng có thể làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Mỹ trong các cộng đồng dân cư của các quốc gia này cũng như giới hạn quá mức các lựa chọn mà các nhà hoạch định chính sách cần duy trì vì an ninh và sự thịnh vượng của họ. 

Tương tự, ngay cả nếu thành tích tới dự các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á của ông Trump cuối cùng thưa thớt hơn của ông Obama, chính quyền của ông vẫn phải thể hiện sự cam kết đối với chủ nghĩa đa phương ở Đông Nam Á. Thậm chí nếu ASEAN không làm điều gì đó quá vội vàng, các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN với tư cách một khối vẫn là các bên tham gia quan trọng trong việc xử lý các thách thức mà ông Trump và các cố vấn của ông cho là quan trọng, trong đó có chủ nghĩa khủng bố và an ninh hàng hải. Và mặc dù ông Trump hoặc các quan chức khác trong nội các của ông sẽ phải kiên nhẫn hài lòng với những sự phô trương và nghi thức thông thường liên quan tới các hội nghị thượng đỉnh như vậy, chúng cũng sẽ là các cơ hội quý giá để can dự với các nước song phương quan trọng nhất định bên lề các cuộc họp này, trong đó có các chủ tịch ASEAN (Philippines năm 2017 và Singapore năm 2018). Chủ nghĩa song phương và đa phương không loại trừ lẫn nhau như một số người vẫn nghĩ. 

Xử lý thỏa đáng về các quyền 

Xử lý không thỏa đáng về vấn đề quyền sẽ là một sai lầm. Ngoài việc gây nguy hiểm cho sự cam kết lâu dài của Mỹ đối với các lý tưởng của mình, nhận thức cho rằng chính quyền sẽ sẵn sàng gạt bỏ vấn đề dân chủ và nhân quyền đối với một số quốc gia nhất định, chẳng hạn như Thái Lan hay Philippines, sẽ làm giảm ảnh hưởng đòn bẩy của Mỹ đối với các quốc gia này, trong đó một số đã có những kỳ vọng bị thổi phồng về cách tiếp cận sắp tới của Mỹ trong lĩnh vực này. Đưa ra một đường lối rõ ràng cũng cho phép êkíp của ông Trump chuẩn bị trước cho các sự kiện, với các cuộc bầu cử ở Malaysia và Campuchia sắp diễn ra vào năm 2018 mà cả 2 sự kiện này đều có thể chứng kiến những sự chuyển tiếp mang tính lịch sử hoặc các kết quả gây tranh cãi. 

Đối với trong nước, điều này cũng sẽ mở cửa cho các bên tham gia khác trong tiến trình hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ mà đang đặt ra các giới hạn đối với sự phát triển của các mối quan hệ này, qua đó làm phức tạp thêm các mối liên hệ giữa các nhánh khác nhau của chính phủ. Thay vì nhìn nhận vấn đề về các quyền như một thách thức, êkíp của ông Trump nên nhìn nhận nó như một cơ hội để thúc đẩy các giá trị cốt yếu đối với Mỹ có liên quan tới các bên tham gia khác như Trung Quốc. 

Bài kiểm tra có ý nghĩa và khắt khe này chắc chắn là một chuẩn mực cao hơn nhiều so với việc tham dự một vài hội nghị thượng đỉnh, và vượt qua nó chắc chắn sẽ là một thách thức. Nhưng nếu Chính quyền Trump có một khởi đầu sớm, họ có thể nhanh chóng có những tiến triển trên một số mặt trận.

Prashanth Parameswaran là biên tập viên liên kết của Tạp chí The Diplomat, trụ sở Washington, D.C., nghiên cứu sinh tiến sĩ không thường trú tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts. Chuyên ngành của ông là về các vấn đề an ninh Đông Nam Á, Châu Á và chính sách của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Văn Cường (gt)