Hằng ngày, các dòng tít đều tiết lộ cảm giác Mỹ đang sa sút về sức mạnh và ảnh hưởng địa chính trị. Cảm giác này phần nào do sự trỗi dậy tự nhiên của các quốc gia khác như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil với tư cách là các bên tham gia mới quan trọng. Nhưng phần lớn cảm giác này cũng do sự sụp đổ về lôgích của đế quốc Mỹ, những sai lầm lớn của chính sách đối ngoại Mỹ trong 3 thập kỷ qua, và những tổn thất nặng nề mà các cuộc chiến tranh không có lợi đã gây ra đối với trật tự chính trị, kinh tế và xã hội Mỹ – chứ chưa đề cập đến những nạn nhân nước ngoài của các cuộc chiến tranh đó.

Chính tính chất đồng bóng và tai hại của rất nhiều chính sách của Chính quyền Trump có xu hướng che giấu các nguồn gốc sâu xa hơn của sự sa sút tự sinh này. Việc đổ hết trách nhiệm cho nhân vật có tên là Donald Trump thật dễ dàng, thậm chí còn có tính an ủi, và cuối cùng là nguy hiểm làm sao. Việc tập trung vào những thất bại cá nhân của ông như vậy thúc đẩy ảo tưởng rằng về cơ bản thì Trump chính là vấn đề và do dó việc ông ra đi sẽ giải quyết được những vấn đề này. Mọi việc sẽ không như vậy. Chúng có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều. Về mặt chính sách đối ngoại, chúng bắt nguồn ít nhất từ sự sụp đổ của Liên Xô và cái gọi là “khoảnh khắc đơn cực” khi Mỹ ủng hộ quan điểm cho rằng lúc này Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới có khả năng xác lập bá quyền toàn cầu mà không bị thách thức trong dài hạn. Còn nhớ điều này đã báo hiệu thế nào về “Thế kỷ Mỹ sắp tới” chứ?

Phần lớn giới tinh hoa chính sách đối ngoại Mỹ vẫn đại diện cho những quan điểm như vậy. Họ nhận thức về bá quyền Mỹ như là trạng thái tự nhiên của mọi vấn đề, có lẽ thậm chí là những vấn đề do Chúa đưa ra; bất kỳ quan điểm nào đi ngược lại niềm tin đó đều là xa lạ, ngây thơ về bản chất thế giới, không thể chấp nhận, hay thậm chí là mang tính phản nghịch, về ý thức hệ. Nhóm tác giả nhận thấy điều này trong quan điểm của giới tinh hoa trên khắp các phương tiện truyền thông chính thống bắt đầu từ cuộc gặp của Trump với Kim Jong-un đầu năm 2018. Nhóm tác giả nhận thấy điều này ở những giọng hát nhiệt thành vang lên từ cuốn thánh ca của bộ máy chính sách đối ngoại phản đối quyết định của Trump rút những binh lính Mỹ còn sót lại ra khỏi Syria, hay trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm khắc phục tình trạng sa sút thực sự nguy hiểm của quan hệ giữa Mỹ với Moskva – mà trong đó Washington thấy khó hiểu về việc bất kỳ yếu tố nào trong các chính sách của riêng họ đều có thể có tác động nào đó mang tính nhân quả đến tình trạng sa sút như vậy.

Giờ đây, tác giả thấy rõ sự ngờ nghệch của Trump về các vấn đề đối ngoại, bên cạnh nhiều nhược điểm khác của ông. Nhìn chung cho đến nay, cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên bị nhiều người chỉ trích là vô ích và ngây thơ. Chắc chắn sẽ không có bất kỳ hành động phi hạt nhân hóa nào đáng kể ở Triều Tiên trong tương lai gần, nhưng bán đảo Triều Tiên đã thay đổi rõ rệt. Quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hiện đang trong tình trạng rất khác so với thời điểm cách đây một năm; giọng điệu khoa trương và những lời đe dọa về các cuộc trao đổi hạt nhân đã nhường chỗ cho việc thận trọng nối lại tình hữu nghị. Hàn Quốc đang chấp nhận một số rủi ro có tính toán trong tiến trình này, nhưng họ đang tiến hành một cách nhanh chóng với sự tán thành thận trọng và khá rộng rãi của người dân ở đó. Bán đảo Triều Tiên đang bắt đầu giai đoạn sóng yên biển lặng.

Vậy còn mặt trái của vấn đề thì sao? Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc chắc chắn sẽ chấm dứt nếu mọi việc giữa hai miền Triều Tiên tiếp tục tiến triển tốt đẹp. Một căn cứ địa chiến lược then chốt của Mỹ ở Đông Á sẽ không còn nữa. Nhưng đối với người dân Triều Tiên, mà quả thực là đối với phần lớn thế giới, liệu các bước đi của Triều Tiên hướng tới bình thường hóa và có lẽ cuối cùng là tái thống nhất có bị xem là một bước đi tiêu cực hay không? Có lẽ trong con mắt của giới tinh hoa chính sách Mỹ vốn vẫn níu kéo ảo tưởng về vai trò quản lý vĩnh viễn của Mỹ đối với tình hình địa chính trị toàn cầu, thậm chí là trước ngưỡng cửa của Trung Quốc, điều này đúng là như vậy.

Đương nhiên là có một nhân tố mang tên Nhật Bản. Tokyo có khả năng sẽ rút ra một kết luận tối thiểu rằng họ sẽ cần phải cải thiện và làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với Trung Quốc chứ không phải là trốn sau những “chiếc váy chiến lược” của Mỹ trong những thập kỷ tới. Nhưng chẳng phải Nhật Bản, tự họ vốn đã là một nước mạnh, cũng có ý định chấp nhận thực tế của Trung Quốc theo những điều kiện của riêng họ hay sao? Liệu Mỹ có còn thường xuyên tham gia hành động chống lại sự tiến triển của các mối quan hệ “bình thường” hơn giữa các cường quốc khu vực ở Đông Á hay không? Phải chăng chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn cam kết lâu dài với việc duy trì và thao túng các xung đột quốc tế?

Syria là vấn đề gây tranh cãi gần đây nhất ở Washington mà ở đó các nhà bảo thủ, phần lớn những người theo chủ nghĩa tự do và các chuyên gia chính sách đối ngoại dường như cùng nhau chỉ trích quyết định của Trump rút một số lượng nhỏ binh lính Mỹ ra khỏi bãi lầy Syria. Nhưng liệu sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria có thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình từng bước khôi phục hòa bình ở Syria – chấm dứt tình trạng tàn sát và dòng người tị nạn hay không? Nhưng chúng ta nhìn thấy những dòng tít gì chứ? “Món quà Giáng sinh Trump dành tặng Putin”, “Mỹ mất chỗ đứng ở Syria”, “Ai đã để mất Syria?”, “Iran và Nga là những nước thắng lớn ở Syria” và những câu chuyện khác giống như vậy chi phối những bình luận chính thống của Mỹ.

Không may là, phần lớn thái độ thù địch trước việc Mỹ rút quân khỏi Syria đều dựa trên sự chống đối chính trị tự động trước bất kỳ hành động nào của Trump nhằm làm suy yếu ông. Những người khác than vãn rằng bước đi này khiến Mỹ rời xa vị trí chủ đạo mà họ từng nắm giữ ở Trung Đông thêm một bước. Nhưng ở đây chúng ta phải đặt ra câu hỏi liệu sự chi phối của Mỹ đối với Trung Đông – các cuộc xâm lược quân sự, các vụ ném bom, các chiến dịch đặc biệt, việc phá hủy cơ sở hạ tầng, cái chết của hơn 1 triệu người Hồi giáo – có mang lại bất kỳ lợi ích gì cho khu vực này trong suốt nhiều thập kỷ qua hay không. Cùng lắm thì giờ đây những chính sách này cũng chỉ phục vụ những mục tiêu chính trị thiển cận của Israel và Saudi Arabia. Phải chăng chúng ta thực sự tin rằng các nước láng giềng là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hay Nga và Trung Quốc có thể vĩnh viễn bị loại ra khỏi vai trò là các bên tham gia chủ yếu ở khu vực đó? Phải chăng mọi thứ đều phải là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm?

Afghanistan rất có thể là địa điểm rút quân tiếp theo. Cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đã chẳng đi đến đâu. Phải chăng Mỹ thực sự ấp ủ một sứ mệnh quốc gia là duy trì mãi mãi vai trò người bảo vệ ở Afghanistan? Hãy ghi nhớ, mặc dù lý do rõ ràng cho việc xâm lược Afghanistan là để tiêu diệt al-Qaeda – điều chưa bao giờ xảy ra – nhưng mục tiêu địa chính trị thực sự là nhằm thiết lập các căn cứ quân sự của Mỹ ở trung tâm châu Á ngay trước ngưỡng cửa của Nga và Trung Quốc. (Liệu chúng ta có thể tưởng tượng ra được phản ứng của Mỹ trước một nỗ lực của Nga hay Trung Quốc nhằm thiết lập các căn cứ quân sự ở các nước láng giềng của Mỹ hay không?).

Một số người sẽ không đồng tình với các quan điểm của tác giả trong bài viết này. Họ tin rằng Mỹ, với tư cách một “quốc gia ngoại lệ”, có quyền, chứ không phải nghĩa vụ, phục vụ, một cách vô thời hạn và không bị thách thức, trong vai trò cảnh sát thế giới. (“Mang dân chủ đến thế giới” là miêu tả được yêu thích nhất.)

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì những nhà phê bình này cũng có lý, vì quả thực là có một câu hỏi địa chính trị chính đáng và sâu sắc hơn cần phải đặt ra ở đây – liên quan đến hiểu biết của con người về bản chất của chính trị quốc tế. Phải chăng trật tự toàn cầu thực sự đòi hỏi phải có sự hiện diện thường xuyên của một kiểu cảnh sát nào đó? Nếu đúng là như vậy, thì trong trường hợp Mỹ từ bỏ hoặc không có khả năng đảm nhận vai trò cảnh sát toàn cầu, phải chăng điều không tránh khỏi là một nước khác phải tiếp nhận vị trí của họ? Hay liệu có một cảnh sát toàn cầu nào không? Phải chăng sự tiến triển của một trật tự quốc tế đa cực là tương lai không thể tránh khỏi và đáng thèm khát của hệ thống quốc tế?

Tác giả hầu như không nhìn thấy triển vọng Mỹ từ bỏ vai trò cảnh sát toàn cầu, thậm chí là vai trò nhà xây dựng chính sách, mà họ tự chỉ định cho mình trong thời gian dài sắp tới. Điều đáng buồn là dường như Mỹ đang trong tiến trình tự gây tổn thất lớn cho mình, như La Mã, Anh và nhiều đế quốc đã làm trước đó, bằng việc tiêu hao sinh mạng và của cải của mình trong các cuộc can thiệp quân sự quốc tế không có hiệu quả – mà đều được tuyên bố là “cần thiết”. Chi phí cơ hội tính bằng ngân sách quốc phòng Mỹ – lớn hơn so với 5 quốc gia tiếp theo cộng lại – cướp đi số tiền mà lẽ ra nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang mục nát của Mỹ, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống phân phối thu nhập bền vững, hệ thống chăm sóc y tế nhiều bất cập, hệ thống giáo dục đại học miễn phí, cũng như vào việc cắt giảm mạnh quyền lực chính trị của “tổ hợp công nghiệp quân sự”, xây dựng các ngành khoa học dân sự và thúc đẩy sự hài hòa xã hội. Có vẻ như chính Trung Quốc cũng đang mạnh tay đầu tư vào nhiều lĩnh vực có ích cho xã hội trong số này ngay cả khi Mỹ ưu tiên đầu tư vào việc xây dựng các liên minh địa chính trị và chuẩn bị đối phó với xung đột.

Tại sao rất ít người ở trong nước thách thức quan điểm cho rằng sứ mệnh của Mỹ trên thế giới là can thiệp vào bất kỳ nơi đâu, ở khắp mọi nơi, vào mọi thời điểm – và chủ yếu nhằm mục đích duy trì bá quyền của Mỹ trên phạm vi quốc tế? Chúng ta dường như miễn cưỡng thừa nhận rằng chúng ta sống trong một thế giới phức tạp hơn mà đòi hỏi phải có sự chia sẻ trách nhiệm quốc tế. Liệu chúng ta có thể thực sự tin rằng tương lai của nền chính trị Afghanistan thực sự có ý nghĩa với Mỹ hơn là với các nước láng giềng sát vách là Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran và Ấn Độ? Phải chăng cuộc “chiến tranh lâu dài” và sự can thiệp quân sự lâu dài là con đường để duy trì nước Mỹ vĩ đại?

Chúng ta có thể tranh luận về các chi tiết, phần thông tin in chữ nhỏ trong các bản hợp đồng và thời điểm từng bước thoát ra khỏi một số lượng lớn các xung đột quốc tế. Tuy nhiên, cho dù Chính quyền Trump và phong cách làm việc của họ kém hiệu quả đến đâu đi chăng nữa, thì có lẽ chúng ta cũng nên cân nhắc thận trọng xem liệu chí ít là một trong những khuynh hướng mặc định của Trump – Mỹ từng bước thoát khỏi vô số cam kết quân sự vô thời hạn của họ đối với nước ngoài – có thể có giá trị nào đó hay không. Chính sách đối ngoại phải tính đến điều gì đó ngoài việc không ngừng nhận diện kẻ thù và nhận thức được các “mối đe dọa” – vốn từ lâu là một nhiệm vụ đặc biệt và tốn kém của Washington.

Điều trớ trêu đối với Trump là một vài trong số những khuynh hướng mới có của ông trong lĩnh vực chính sách đối ngoại cũng xuất hiện trong sự việc xảy ra đối với “phe cánh tả ở Mỹ”. Bất kể Trump làm gì trong lĩnh vực này và liệu ông có được bộ máy chính sách đối ngoại vốn đã ăn sâu bám rễ cho phép làm vậy hay không, thì có vẻ như sẽ phải mất nhiều hơn một thế hệ để làm cho bộ máy hay “nhà nước ngầm” đầy quyền lực đó từ bỏ chủ nghĩa can thiệp của chính Mỹ. Nhưng có lẽ chúng ta đang chứng kiến một sự khởi đầu.

Graham E. Fuller nguyên là quan chức cấp cao của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Bài viêt được đăng trên Lobe Log.

Trần Quang (gt)